Hạ sanh tại Ấn Độ sau khi đức Thích Ca niết bàn chín trăm năm, Thiên Thân Bồ-tát còn được gọi là Thế Thân (Phạm-ngữ: Vasubandhu), người ở thành Phú Lâu Sa Phú La, nước Kiện-đà-la thuộc Bắc Ấn-độ. Là con thứ hai của Quốc sư Bà-la-môn Kiều-thi-ca.
Ban sơ, ngài cùng với người huynh trưởng là Vô Trước (Asanga) xuất gia theo phái Tát Bà Đa (Hữu Bộ) ở nước A Du Xà. Ngài Vô Trước học thẳng vào Đại-thừa, còn ngài Thiên Thân thì lại đi vào Kinh Lượng Bộ, lập chí cải thiện giáo nghĩa Hữu Bộ, nghiên cứu về Tiểu-thừa giáo. Thiên Thân đến nước Ca-thấp-di-la, nghiên cưú Luận Đại Tỳ-bà-sa trong vòng 4 năm. Sau đó, ngài trở về nước, giảng dạy Tỳ-bà-sa cho đại chúng đồng thời soạn bộ Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá. Trong thời gian này, ngài viết ra năm trăm bộ Luận thư, tuyên dương giáo lý tiểu thừa và kích bác đại thừa.
Sau đó, huynh trưởng của ngài là Luận sư Vô Trước, (tác giả bộ Thành Duy Thức Luận và là tổ sư khai sáng Duy Thức Tông) buộc phải ra tay dạy dỗ và cải hóa, ngài mới rung cảm đại thừa một cách sâu sắc, bèn lấy làm hối hận vô cùng về những lầm lỗi của mình, tỏ ý muốn cắt lưỡi để tạ tội. Vô Trước vội can ngăn:
- ”Em đã đem cái lưỡi để hủy báng đại thừa, nay giác ngộ rồi, thì cũng nên dùng cái lưỡi ấy để tán dương và hoằng hóa đại thừa mới là điều phù hợp đạo lý. Chứ nếu cắt lưỡi bỏ đi thì có ích lợi gì đâu?”
Nghe lời khuyên ấy, ngài nỗ lực nghiên cứu sâu rộng, rồi sáng tác 500 bộ luận tuyên dương giáo nghĩa cách mạng và cao siêu của Đại thừa. Từ đó, ngài nổi danh về bậc trí tuệ bao la, biện thuyết uyên bác, và được người đương thời tôn xưng là Luận Sư Cuả Một Ngàn Bộ Luận (Thiên Bộ Luận Sư)
Ngài viết cuốn Vô Lượng Thọ Kinh Luận, còn được gọi là Vãng Sanh Luận, đây là một trong những cuốn sách đã đặt nền móng cho pháp môn Niệm Phật Tịnh-độ. Hơn thế nữa, cuốn Vãng Sanh Luận đã khai thị và phát huy về sự lợi ích trang nghiêm ở cõi Tịnh-độ rất rõ ràng, dễ hiểu.