Pháp sư Thông Kham tên thật Lê Phùng Xuân, sanh năm 1920.
Pháp sư Thông Kham tên thật Lê Phùng Xuân, sanh năm 1920. Thuở nhỏ theo cha mẹ sinh sống ở đất nước chùa tháp Ai Lào. Chính mảnh đất phật giáo này đã nuôi lớn tâm hồn đạo đức và đã hướng ngài thọ giới xuất gia Sa di vào năm 1930. Tuy mới xuất gia Sa di không bao lâu, nhưng ngài có trí nhớ và sự thông minh phi thường nên học Trung cấp Phật học ở Lào nổi tiếng và ngày tốt nghiệp đổ thủ khoa. Ngày nhận văn bằng tốt nghiệp cũng là ngày được vua Lào nhận làm con nuôi. Năm 1940, ngài được Giáo hội Phật Giáo Lào gởi sang Camphuchia để tiếp tục học Cao Đẳng Pali- đây là ngôi trường cao nhất của Phật giáo hoàng gia Campuchia vào thời đó, cũng thời điểm này ngài thọ giới tỳ khưu tại Campuchia. Vị sư Việt Nam thời đó cùng học với ngài trong trường Cao đẳng Pali, đó là sư Hộ Giác.
Năm 1945, ngài tốt nghiệp Cao đẳng Pali.
Từ năm 1945 đến 1950, chu du hoằng pháp ở Campuchia và Lào. Thời điểm này, ngài biên soạn và viết hơn 5 đầu sách tiếng Lào và Campuchia. Tên tuổi của ngài đã vang bóng một thời của hai vương quốc này.
Năm 1950, Pháp sư nhận lời mời của Hòa thượng Huệ Nghiêm về Việt Nam hoằng pháp ở Tổ đình Bửu Quang và chùa Kỳ Viên. Đặc biệt tại chùa Kỳ Viên pháp sư thường xuyên thuyết giảng phật pháp và thường trụ tại đây.
Năm 1956, do bịnh duyên nên pháp sư hoàn tục để dưỡng bịnh trong một căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, cho đến ngày viên tịch vào năm 1981.
Mặc dù vậy, Pháp sư vẫn được mời đến chùa Kỳ Viên giảng pháp vào những ngày chủ nhật. Chính những thời giảng của pháp sư giúp cho hàng Cư sỹ tại gia thông hiểu phật pháp Nguyên thủy trong thời kỳ sơ cơ mới du nhập. Chính những thời pháp của pháp sư biên soạn trước khi giảng, nên sau này trở thành tài liệu sách tham khảo của Chư tăng và Phật tử Việt Nam.
Pháp sư Thông Kham là tác giả dịch từ Theravada thành Phật Giáo Nguyên Thủy đầu tiên, từ Phật Giáo Nguyên Thủy đã chính thức sử dụng vào năm 1952 trong quyển sách của pháp sư xuất bản tại chùa Kỳ Viên. Năm 1957, được sử dụng khi giáo hội chính thức được phép hoạt động với danh xưng: Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam trụ sở đặt tại Kỳ Viên Tự.
Pháp sư đã vĩnh viễn không còn ở dương thế này nữa, nhưng những tác phẩm của pháp sư vẫn còn sống mãi trong lòng của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam. Những tác phẩm đó: Ba ngày luận đạo, Đế thích vấn đạo, Sưu tập pháp, 38 pháp an lành, Tam độc và pháp đối trị, Pháp môn phật tổ Gotama v.v…