Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới (1932-1945). Những sáng tác của ông gây ấn tượng với công chúng bằng ngôn ngữ mộc mạc,giản dị. Với hình ảnh dân dã mang đậm tinh thần dân tộc.
Trong khi những nghệ sĩ đương thời đều chọn hướng sáng tác thơ tự do,phóng khoáng, ảnh hưởng của phương Tây thì Nguyễn Bính lại chọn cho mình một con đường riêng khác biệt. Thơ của ông như tiếng đàn bầu du dương,da diết cất lên những giai điệu dân tộc giữa một giàn nhạc giao hưởng hiện đại trên thi đàn thời bấy giờ. Cũng chính bởi tính gần gũi và trung thành với những những chất liệu truyền thống của dân tộc nên thơ Nguyễn Bính có sức sống vô cùng bền lâu trong lòng công chúng.
Nguyễn Bính (1918-1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính,sinh ra tại Vụ Bản,tỉnh Nam Định. Một vùng quê Bắc Bộ vốn nổi tiếng với truyền thống văn chương,khoa bảng. Nơi ấy mang những đặc trưng của làng quê Bắc bộ xưa với những đêm hát giao duyên giữa các liền anh liền chị ,những gánh hát chèo giữa các thôn. Những sinh hoạt văn hóa đó đã ảnh hưởng rất nhiều tới những sáng tác của Nguyễn Bính sau này.
Ông sáng tác từ rất sớm,với tập thơ “ Tâm hồn tôi” ông đã giành được giải thưởng của “Tự lực văn đoàn”. Nguyễn Bính được nhận xét là người rất đào hoa và lãng mạn. Ông trải qua nhiều mối tình và nhiều cuộc hôn nhân. Thế nhưng,trong sự nghiệp văn chương thì ông lại vô cùng chỉn chu,cần mẫn ,đều đặn sáng tác.
Người có ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời thơ ca của ông chính là Đại thi hào Nguyễn Du. Ông luôn coi Đại thi hào Nguyễn Du là thần tượng số một của mình. Chính bởi sự ngưỡng mộ đó,nên những vần thơ của Nguyễn Bính có đôi lúc phảng phất âm hưởng của truyện Kiều. Ông yêu văn hóa dân tộc ,yêu ngôn ngữ dân tộc và yêu tất cả những chất liệu thơ ca truyền thống.
Các tác phẩm nổi bật của Nguyễn Bính
+ Lỡ bước sang ngang(1940)
+ Tâm hồn tôi(1940 )
+ Hương cố nhân (1941)
+ Mây Tần(1942)
+ Bóng giai nhân(1942)
+ Tình nghĩa đôi ta (1960)