Đôi dòng giới thiệu
Thầy Minh Mẫn, thế danh Nguyễn Phan Mẫn, sinh ngày 19/5/1948 tại Quảng Nam, trong rừng Liên khu năm, cha mẹ gửi ra Thành phố Đà Nẵng cho Nội nuôi. Cha Quảng Nam, Mẹ gốc Huế.
Do xung khắc với mẹ, thường bị những trận đòn khắc nghiệt, năm lên 8 tuổi, bỏ nhà chạy bộ từ Đà Nẵng ra Ngũ Hành sơn lên chùa xin ở. Hòa Thượng không nhận vì không có cha mẹ gửi gắm.
Gia đình bắt về lại, đến khi gia đình đổi vào Phan Thiết, cha mẹ và các em còn ngủ, tự tay khuấy bình sữa cho em, viết thư từ giã, chạy bộ thẳng ra ga xe lửa; qua cầu, nhìn ánh đèn hiu hắt, định gieo mình xuống dòng sông, chợt nghĩ đến cha mẹ, các em, nhìn những khối đá lạnh lùng dưới nước, bỏ ý định nhảy cầu, chạy thẳng ra ga trốn lên xe lửa, chui vào toilet mỗi khi có nhân viên soát vé. Tàu chuyển bánh, chưa biết đi về đâu, ba ngày đêm nhịn đói nhịn khát mà vẫn cảm thấy thư thái như chim thoát khỏi lồng giam cầm.
Tàu đến ga Sài gòn ngay trước chợ Bến Thành, chưa biết đi về đâu, một anh chàng lớn tuổi gạ gẫm lấy bộ đồ đem bán khu dân sinh. Cảnh sát quận Nhất đưa về bót, liên lạc về gia đình không nhận, họ đưa vô Cô nhi viện Thủ Đức của các Sơ để chăn bò. Mùa Vu Lan năm ấy được 11 tuổi, chị Huynh trưởng GĐPT nhìn tướng dạng biết là Không phải trẻ mồ côi, hỏi thăm rồi chị bảo lãnh đưa về Chùa Vạn Thọ Tân Định, gửi cho Thầy Thích Phước An, Thầy còn ở chúng nên gửi lại cho HT Trụ trì Thích Thiện Tường. Sau đó HT Bửu Tuyền, Phó trụ trì đặt tên là Minh Mẫn.
Vào thời điểm chính trường miền Nam bất ổn, hết chế độ nhà Ngô đến các đời Tổng thống tiếp theo, Phật giáo liên miên biểu tình, nên không được theo học trường lớp căn bản. Khi Hòa Thượng Thiện Tường làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo tại VNQT của Thầy Tâm Châu, bấy giờ Phật giáo phân hóa làm 2, một của Ấn Quang, một của HT Tâm Châu, HT Thiện Tường trục xuất những Tăng sinh tham gia biểu tình, trong đó có cả Thầy Phạm Thiên Thư (nhà thơ) và Thầy Huyền Diệu (hiện ở Ấn Độ). Vì vậy, cuộc sống tiếp tục lênh đênh.
Bấy giờ trên 18 tuổi, về trú tại Chùa Giác Ngạn, Hốc Môn, sau đó Trụ trì tại Chùa Vạn Đức cùng huyện.
1968 lên Đại Ninh, Đức Trọng, Lâm Đồng.
1970 về Nhà Bè thành lập Chùa lá Huyền Trang, khi đi tù, chùa bị đốt, tên chùa hiện nay được Thầy Truyền Tứ lấy bản hiệu.
1973 đến 1974 tham dự khóa huấn luyện giảng sư do HT Huyền Vi điều hành tại chùa Phật Quang đường Đào Duy Từ, Quận 10, Sài Gòn
1975 sau hai lần địa phương nghi ngờ liên hệ chế độ cũ, 2 lần bắt nhốt mỗi lần 6 tháng vẫn không tìm thấy chứng tích, bỏ Nhà Bè về TP làm việc cho HT Quảng Độ.
Giữa thời buổi dao động, chư Tăng không ai dám đến với chư Tôn đức thuộc GHPGVNTN. Minh Mẫn bèn đến Thanh Minh Thiền Viện quản lý lớp giảng Kinh Kim Cang của HT, xuất bản Báo Bát Nhã quay Roneo được 10 số thì bị bắt, đến khi trả tự do bị 10 năm cải tạo không có án lệnh, không tội rõ ràng. HT Quảng Độ là “Y chỉ sư” lúc bấy giờ.
Ra tù, 1985, không chùa nào dám nhận vì thường xuyên bị khám xét mỗi đêm; sau cơm chiều, phải ra công viên, gầm cầu trú đêm. Lúc HT Quảng Độ về lại Thanh Minh Thiền viện, thầy trò gặp nhau vừa mừng vừa tủi. Nhớ lại lúc ra tù, HT nghe tin, tuy còn ở Thái Bình, Ngài vẫn gửi cho 10 ngàn đồng vào thời điểm đó, với lá thư tuy ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc. Nhà nước cho một Sư trẻ đến mượn lá thư rồi đi luôn ( lúc đang ngồi bơm quẹt gas tại Trung Chánh, trước nhà cô Diệu Ân).
Không thể sống mà không nơi nương tựa, đành kết bạn với cô Nguyễn Thị Bạch Lan ở Hốc Môn, mồ côi cha mẹ. Lao động vất vả như bơm quẹt gas, chở hàng mướn…Một số trường Cơ Bản Phật học bấy giờ mời dạy như Giác Lâm,Tân Bình, Huệ Lâm quận Tám, Ni viện Thiện Hòa Đại Tòng lâm Long Thành…chỉ một thời gian sau kê khai lý lịch đều phải ngưng dạy.
Có con trai sau 5 năm lập gia thất, con được 20 tuổi gửi qua Mỹ tạm trú Chùa Hoa Nghiêm ở Virginia ba tháng, sau về California, đã tốt nghiệp kỹ sư Không gian. Bạn đời vừa mất trước dịch Covid 19. Gia đình mỗi người một nơi, tuổi gần 80, trở lại mái nhà xưa để phụng sự Phật pháp.
Cuộc đời chỉ mấy mươi năm như một thước phim sóng cuộn ba đào, xin ghi lại làm chứng tích cuộc sống vô thường.
***
Kính mời vào xem trang tác phẩm của Cư Sĩ Minh Mẫn