ĐÔI NÉT VỀ CHÙA PHÁP QUANG, QUEENSLAND
Đầu thập niên 1980 sau cái mốc thời gian 1975 Quốc biến Dân vong, theo làn sóng muôn phương tìm đất sống thì đại lục Úc Đại Lợi này bắt đầu có đông người Việt tỵ nạn với một ít công chức và du học sinh còn kẹt lại của thời Cộng Hòa. Được Thầy Bảo Lạc giới thiệu, Hội Phật Giáo VN Queensland thỉnh Thầy Nhật Tân - đang ở trại tỵ nạn Thái Lan - đến Brisbane 24-4-1982 để trụ trì, hướng dẫn tinh thần và là vị Thầy Việt Nam thứ tư sau quí Thầy Huyền Tôn, Phước Huệ, Bảo Lạc ở quốc độ này.Dù chỉ là ngôi Niệm Phật Đường chưa mang tên thuê tại Corinda, nhưng từ khi Thầy xuất hiện thì sự sinh hoạt Phật sự ngày càng khởi sắc hơn. GĐPT Chánh Quang ra đời Mùa Vu Lan 1982. Cuối năm 1982, hân hạnh cung đón Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thăm viếng thuyết giảng tại đây. Từ 1982 và kéo dài hơn 15 năm sau, Đạo Phật được Thầy giới thiệu, giảng dạy ở các trường tiểu, trung, cao đẳng và các trường Thiên Chúa. Chiều 29-6-1985, ngọn lửa vô tình bốc cháy làm hủy hoại hoàn toàn ngôi Niệm Phật Đường mà đồng hương Phật tử tạm gầy dựng 4 năm để làm nơi quy hướng Tam Bảo và chia sẻ nhau trong khoảng đầu đời viễn xứ. 9 giờ đêm Thầy cấp tốc về tới nơi từ Melbourne chưa kịp dự giảng ở đó, quây quần Phật tử kẻ lo người ngấn lệ, để nhìn những vụn vỡ tro tàn từ pho tượng, tro cốt hương linh, tới thư viện Pháp Quang đã có 2000 kinh sách. Một cuộc họp kéo dài tới khuya và Thầy lại gánh vác vai trò Chỉ Đạo và Trưởng Ban Tái Thiết.Thuê căn nhà tại Darra để tiếp tục duy trì. Tin chùa cháy lan nhanh và kế hoạch kêu gọi vận động được chia xẻ của quý Thầy, Phật tử đồng hương khắp các nước, Úc Châu và tiểu bang nhà. Cuối năm 1985 mua được lô đất 2 mẫu với giá 48 ngàn tại Inala để tạo điều kiện thiết dựng trong lâu dài, thì tháng 3-1986, vì những họp-tan-thuận-nghịch, Pháp Quang theo bước chân của Thầy với hai bàn tay và muôn lòng tụ hội thành Giáo Hội Thống Nhất dựng tích tại Oxley, còn Darra, lô đất ấy, quỹ tái thiết thành hậu thân Chùa Phật Đà sau này.Phật Pháp vô biên, tâm nguyện vô cùng, và đôi tay, sức lực để gìn giữ nâng niu. Tháng 11-1987 mua được lô đất vùng Durack và Pháp Quang thiên di về tọa lạc trở thành chốn đạo tràng vĩnh viễn của Phật Giáo Việt Nam. Phật Đản 2532-1988 tổ chức Lễ Lạc Thành, cuối năm 1997 Lễ Đặt Đá, bắt đầu thực hiện công trình xây cất ròng rã 18 tháng với kinh phí hơn 700,000 Úc kim và ngày 1,2-5-1999 Đại Lễ Khánh Thành được trân trọng tổ chức thành tựu viên mãn.Thầy Nhật Tân, sinh năm 1953 tại Bình Định. Thuở thiếu thời, là một đoàn sinh Oanh Vũ Nam GĐPT Hoa Nghiêm, có ý niệm xuất gia từ lúc nhỏ, đến 11 tuổi được xuống tóc tại một chùa quê “Tịnh An” Phù Cát. 14 tuổi vào Sài Gòn vừa Tăng Sinh vừa Thư Sinh nương tựa tu học ở các nơi Ấn Quang, Đồng Hiệp, Huỳnh Kim - Bồ Đề, Đạt Đức, Đại học Sư Phạm Sài Gòn. Năm 1971 thọ Sa di tại Giới đàn Quảng Đức quận Thủ Đức. Bên cạnh đó, phụ về hành chánh và chạy vòng ngoài một số hoạt động của Giáo Hội cho tới dấu mốc 1975 thì việc học dang dở. Tháng 7-1975, được HTTHQ cho và trao giới phẩm Tỳ kheo tại liêu phòng Ấn Quang, Ngài chỉ nói mấy câu: “Thầy rất thương, rất tin tưởng Chú. Con ráng giữ lấy thân, làm được gì cho Đạo Pháp cho Dân Tộc thì làm…”. Năm 1980 thì cuộc đời mở ra thêm một dấu ngoặc. Dấu ngoặc thứ nhất 14 tuổi xa quê và dấu ngoặc thứ hai 27 tuổi xa xứ, đến hôm nay con số lục thập đã đến nơi rồi. Câu nói của Ngài HQ gần 40 năm trước, cũng như khi Ngài qui tịch Hoa Tạng Huyền Môn tại Nguyên Thiều vào 2008, trong tôi sao vẫn sâu nặng, vẫn canh cánh trong lòng…Hơn 30 năm Chùa Pháp Quang vĩnh trụ tại vùng Durack, Thành phố Brisbane, Tiểu bang Queensland, Úc Đại Lợi, và Thầy Nhật Tân cũng đã hơn 30 năm xa xứ, gần 50 năm xa quê, vốn chỉ là “một ông Thầy nhà quê”, nên Chùa Pháp Quang đến nay, về mặt cơ sở, mái Chánh điện đã có nét rêu phong, nước sơn bên phong phủ dày khói nhang, bên ngoài đã phai nhạt lở tróc khá nhiều, và Quả đường Nhà bếp vẫn còn tạm bợ, được nấu bằng những cái bếp gas lưu động, được che dưới những tấm nhựa, hơi khá giống “ngôi chùa quê” và mang dáng dấp như ở “trại tỵ nạn”.Lễ thường xuyên hàng tuần vào 3 giờ chiều mỗi Thứ Bảy, những ngày Đại lễ như Phật Đản, Vu Lan sẽ được tổ chức vào 10 giờ sáng Chủ Nhật nào đó tùy theo thời gian. Tết Nguyên Đán thực hiện đúng theo ngày tháng âm lịch, tức là 30 Tết sám hối cuối năm, tổ chức Tất Niên, vui xuân đêm 30 Tết cho đến 10 giờ tối “tống cựu nghinh tân”, đốt pháo, múa lân, chúc Tết, đúng 12 giờ 1 giây của Đêm 30, Cúng Giao Thừa và sau đó bắt đầu Chương trình Tết đến Rằm Thượng Nguơn.Thầy Nhật Tân, khi Tổng Hội sau đó thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất của thập niên 1980, 1990, có nắm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên một thời. Rồi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan khởi đi 1999, giữ Tổng Vụ Trưởng Tài Chánh nhiệm kỳ 1, qua nhiệm kỳ 2 đương nhiệm Tổng Thư Ký từ năm 2003, và Cuộc họp của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương của Giáo Hội tại Khóa An Cư Vạn Hạnh 2012, đảm nhận thêm cương vị Chánh Thư Ký HĐGPTƯ của Giáo Hội.Dù lớn hay nhỏ vẫn là hình bóng mái chùa và Pháp Quang là ngôi chùa Việt Nam thứ năm xây cất thành tựu sau Pháp Bảo, Pháp Hoa, Chánh Giác, Phước Huệ để góp mặt vào sự nghiệp hoằng hóa lợi sanh và là công trình kiến tạo, di tích văn hóa Phật Giáo, Dân Tộc như một bông hoa hiến tặng cho Đạo cho Đời và truyền trao thế hệ.