Được mệnh danh là Ông Bụt miền cát bỏng
Nhiều căn bệnh hiểm nghèo được bệnh viện trả về, ông chữa thuyên giảm, giành lại mạng sống với thần chết. Tiếng lành đồn xa, mỗi ngày, hàng trăm bệnh nhân tận Mương Mán, Hàm Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam cho đến các huyện của tỉnh khác như: Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cẩm Mĩ (Đồng Nai)... hối hả tìm đến ngôi chùa nhỏ bé Linh Quang ở thôn Kô Kiều, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) để nhờ sư Phước chữa trị.
Từ thế kỉ 14, Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh - người phủ Thượng Hồng (tỉnh Hải Dương ngày nay) nức tiếng với việc từ bỏ chốn quan trường lợi danh, khoác áo nhà chùa hành hiệp cứu người. Ông được biết đến như là sư tổ của nền y học cổ truyền Việt Nam với câu nói nổi tiếng: “Nam dược trị Nam nhân”. Trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa thành y xá chữa bệnh, có 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Hơn 700 năm sau, hậu thế tiếp tục thực hiện ý nguyện nhân văn đó. Sự nghiệp đó cũng đang được lớp lớp cháu con thực hiện.
Sống trong đời cần một tấm lòng
Lúc tôi đến, hơn một trăm người đang ngồi chật trong khuôn viên chùa để chờ khám bệnh. Sư Phước (tên của trụ trì Thích Thanh Phước) đang gạt mồ hôi thấm đẫm trên mặt để bắt mạch, đo huyết áp cho bệnh nhân. Khám xong, thầy trực tiếp viết toa thuốc nam và mỗi người tùy theo bệnh sẽ được chỉ định uống 10 – 30 thang. Cứ thế, người bệnh la liệt ngồi chờ các sư cô bốc thuốc để họ mang về nhà sắc uống mà không phải mất một khoản tiền nào. Bệnh nhân ở đây rất đa dạng, từ các cụ bà, cụ ông cho đến các em nhỏ. Dù bệnh tình khác nhau, họ giống nhau ở chỗ: Nghèo, không có tiền đến bệnh viện.
Thầy Phước tâm sự: “Bà con ở đây đa số đều là đồng bào Chăm, kinh tế phụ thuộc vào cây điều, như năm nay mất mùa thì làm sao khá nổi. Tôi có bằng Đông y nên nung nấu việc mở nơi từ thiện để chăm sóc cho bà con từ lâu rồi. Đến bây giờ mới thực hiện được!”. Vì nhiều người chữa khỏi bệnh đã giới thiệu tiếp cho người khác nên lượng người tìm tới thầy ngày một đông. Từ 6 giờ sáng đến tối, nhà sư luôn ngồi ở bàn khám để chẩn đoán và kê toa cho đến người cuối cùng rời khỏi chùa thì trời cũng vừa tối mịt.
Chuyện chùa bắt mạch hốt thuốc nam miễn phí cho dân là chuyện thường, nhưng chùa mà có cả một bệnh xá nội trú cho bệnh nhân, bao ăn, bao ở, bao trị bệnh thì ít khi thấy.
Theo thông tin vào cuối năm 2010 thì sư Phước đang trong quá trình xây dựng để nâng tổng số giường bệnh nhân nội trú tại chùa lên thành 150 giường, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.