Thu Nguyệt vốn luôn có ý thức về xuất xứ của mình và hình như cũng ngấm ngầm tự hào về điều đó:
Tôi là con bé nhà quê
Quanh đi đâu cũng quẩn về bến sông
Nơi con nước lớn nước lớn nước ròng
Xuồng ba lá lướt tràn bông lụt bình
Trái cà na lúng liếng xanh...
(Tản mạn)
Như nhiều nhà thơ khác của đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nét thiên nhiên và đời thường của quê hương luôn tìm cách chen vào các câu thơ của chị; không chỉ bằng những hình ảnh cụ thể mà còn bằng cách nói riêng.
Đúng là Thu Nguyệt đã sớm trở thành nhà thơ nhờ sớm tìm thấy cách nói và giọng thơ của mình, điều này tạo cho mỗi bài thơ của chị vừa có cái gì rất quen vừa có cái gì rất riêng. Bài nào cũng có một vài câu lạ mà hay, dù điệu thơ thường là điệu thơ lục bát:
Nhớ quê ngồi viết bài thơ
Bao nhiêu kỷ niệm mập mờ lãng quên
Giận đời người cũng như tên
Bắn chưa tới đích đã quên đường về...
...Buồn không biết nói câu gì
Rứt tàu lá dọc đường đi...thả về...
Chùa xa cuối nẻo đường mòn
Mặt trời đỏ chạm tiếng chuông bỗng vàng...
Thu Nguyệt biết lặng ngắm cảnh vật và lắng nghe hồn mình rồi ghi lại bằng những câu thơ tinh tế, nhiều lúc gợn nhẹ, xôn xao, có lúc xen một nụ cười hóm hỉnh, tinh nghịch. Nhiều bài như những bức tranh xinh (có lẽ là tranh lụa), âm vang mấy nốt nhạc thầm; có lúc đó là chút hoài niệm mong manh như sương khói, tưởng chừng động đến là tan biến đi, thế nhưng thơ chị lại ghi lại được những hương sắc của nó!...Những bài như Hương đêm, Tết xưa, Bạn cũ, Tay tình...là những bài như thế. Người đọc thơ sẽ sung sướng khi nghĩ rằng làm sao những cảm xúc và ý thơ tinh tế, mờ ảo dường ấy lại đọng lại thành thơ! Người làm thơ hẳn phải rất thanh tĩnh để lắng nghe hồn mình kỹ lắm, đến từng xôn xao, rung động như những đường tơ, như những sợi khói vương, thường là những hoài niệm từ thời thơ ấu:
Lặng nghe gió hát về nguồn
Đốt nhang nhờ khói nhắc hương thuở nào...
Thôi thì còn chút nao nao
Mở trang nhật ký ghi vào: Tết xưa...
(Tết xưa)
Tôi cứ tiếc nuối khi trích những câu thơ của Thu Nguyệt. Vì những bài thơ của chị liền mạch, toàn vẹn, không thể nào trích ra mà không để mất vẻ đẹp hồn nhiên của nó.
Tóm lại, ấn tượng chung của tôi là từ phần lớn các bài thơ hay của chị tỏa ra một thứ ánh sáng trong trẻo, dịu dàng như một ánh trăng thu. Hay đúng hơn đây là những làn hương dịu nhẹ của bông súng, bông sen trên những con mương, dòng sông quê chị.
Đọc thơ Thu Nguyệt, bên cạnh niềm vui có cái gì đó như một mối lo. Không biết nhà thơ còn giữ lại được cho mình cái vẻ đẹp tinh tế, mong manh ấy trong bao lâu nữa? Như nét măng tơ trên khuôn mặt người con gái, với thời gian, bao giờ thì nó sẽ qua đi?
Nhưng bên cạnh nỗi lo, tôi lại có một niềm tin. Trong dáng vẻ mong manh của thơ chị, tôi vẫn thấy có một điều như một sức nặng giữ cho thơ chị trụ vững. Đây là một hồn thơ có cội nguồn, gắn bó thiết tha sâu nặng với quê hương, đồng bằng đã sinh ra chị và thơ của chị. Quê hương ấy hiện lên qua một câu đồng dao, một câu hát ru mà từ đó chị đã dệt nên những bài thơ cảm động về tình yêu và nỗi nhớ quê hương, về chữ hiếu mà xưa nay phận làm con không mấy ai cảm thấy được tròn:
Trót sinh con buổi trăng rằm
Cho nên chữ hiếu như trăng khuyết tròn
Lạy ba lạy má đừng buồn
Xưa nay mưa nước từ nguồn đổ xuôi...
(Lời ru)
Cuối thế kỷ XX rồi mà vẫn còn những câu thơ như vậy, thật là quý.
Những đứa con rời quê hương đi lập nghiệp nơi xa, trong đó có những nhà thơ mang hoài bão không chỉ làm nhà thơ của quê hương mà của cả đất nước nữa, những đứa con ấy biết rằng mình như cánh diều phải bay cao nhờ gió bốn phương, song vẫn còn nhờ một sợi dây ân tình buộc mình vào mảnh đất quê hương ruột thịt. Xa rời nguồn cội ấy sẽ như thân phận con diều giấy đứt dây. Thu Nguyệt có một bài thơ so sánh thân phận của mình với con diều giấy.
Thơ Thu Nguyệt rồi đây sẽ không còn giữ mãi vẻ non tơ đáng yêu của thuở ban đầu đến với thơ. Tôi nghĩ không phải những vô thường, hư vô, phù du, luân hồi... Những thứ triết lý dễ dãi và trống rỗng mà nhiều nhà thơ khi bước ra khỏi tuổi thơ của thơ thường muốn bám lấy làm chỗ dựa trưởng thành của mình, không phải những thứ đó sẽ giúp cho thơ chị tránh được nguy cơ từ hoa thơm trở thành trái chua, trái nhạt. Chính sợi dây gắn bó với cội nguồn, một cội nguồn nơi miền đất xiết bao tươi nhuận và sâu đậm, giàu truyền thống và sức vuơn lên, sẽ làm cho thơ chị từ hoa thơm trở thành trái ngọt, trong cả mùa cây trái sum suê trên quê hương chị.
Dù sao thì hiện tại thơ chị đã là một đoá hoa thơ mang hương sắc của tương lai, trong vườn hoa văn học đồng bằng sông Cửu Long, một miền sáng tạo mới của văn học Việt Nam ta cuối thế kỷ XX, mà tôi muốn qua thơ chị nhìn thấy sức trẻ và vẻ đẹp đầy tiềm năng và triển vọng của nó.
Báo Văn Nghệ ( 5-2000)
Thu Nguyệt - Vầng trăng lặng lẽ sáng
Chim Trắng
Có một lần, tôi thật sự xúc động khi từ phòng mình bước ra hành lang trong đêm, trời đất bất ngờ hiển sáng, thì ra đó là lúc vầng trăng vừa qua phút mây che. Tôi nghĩ bụng, suýt kêu lên: "Bất ngờ trăng!". Thật ra thì trăng hàng ngàn năm vẫn vậy, có gì bất ngờ đâu, chẳng qua là tại vì ta không quan tâm đó thôi. Đọc "Cõi lạ" của Thu Nguyệt, tôi có một tâm trạng cũng gần như thế. Những tập thơ trước đây như Điều thật và Ngộ cũng có những điều làm tôi nhớ, nhưng phải đến Cõi lạ mới thật sự làm tôi thấy "bất ngờ trăng".
Nhà thơ Ý Nhi trong một bàn tròn thơ đã nói rằng: "Hãy xốc lên từ hàng trăm, hàng hàng tập thơ, nhất định sẽ có tập thơ hay, chí ít cũng có năm ba bài hay". Điều ấy thật có lý và tình nữa, bởi không việc gì mà chúng ta không rộng lòng ra đón lấy những thông điệp tốt đẹp của những người xung quanh thật lòng hảo tâm muốn gởi đến cho mình.
Thu Nguyệt không phải đi tìm chất liệu cho thơ mình ở đâu xa, nó có sẵn trong máu, trong hồn chị. Đó là một quê hương cụ thể, một làng quê ở Đồng Tháp Mười - miệt vườn riêng của chị - có những cánh đồng, sông nước, cỏ hoa, cây trái, con người của vùng đất này và cả tiếng chuông chùa nữa.
Quê hương, tuổi thơ của Thu Nguyệt có vui thì cũng là cái vui man mác. Quê hương nặng lòng chị lắm, nặng buồn chị lắm, ân tình chị lắm!
Đồng ruộng quê mình làm bằng dấu chân ba
Từ đấy cần cù mọc lên ngọn lúa
Con lớn lên trên cánh đồng ngậm sữa
Đứng nơi nào cũng trên dấu chân ba
( Dấu chân Ba - Điều thật)
Cho nên khi xa nhà, xa quê, lúc nào chị cũng quay lòng mình về quê hương với nỗi nhớ rỉ rả mà thấm đẫm:
Bất ngờ tiếng chim rơi cuối phố
Điếng lòng trong trẻo tiếng quê xa
Thành thị ta ngồi nghe nước mắt
Tí tách rơi tuôn nỗi nhớ nhà...
(Nhớ nhà - Ngộ)
Yêu và gắn bó với quê hương, Thu Nguyệt luôn khẳng định mình với mọi người điều đó khi chị 2 lần (trong hai tập thơ Điều thật và Ngộ) nhắc lại rằng: "Tôi là con bé nhà quê"; và chị thành thật thú nhận:
Thị thành dù giáp dấu chân
Nằm mơ vẫn nhớ lời dân miệt đồng
( Bến lở - Ngộ)
Thơ Thu Nguyệt là những sự trăn trở, mà đã là trăn trở thì đa phần là buồn. Cái sự buồn có nhiều cấp độ khác nhau, cái buồn ở Thu Nguyệt là cái buồn man mác, cái buồn của sự hiểu rõ mình, rõ việc:
Tháng ngày nhẹ hững đi qua
Những điều gần đó rồi xa...thật thường !
( Sẽ đến rồi qua - Cõi lạ)
Ước gì ta được buồn như đá
Nước giỡn mà ta khuyết thật thà
(Ước - Cõi lạ)
Chị suy tư phiền muộn nhẹ nhàng, trầm tĩnh về cái có,không, ở và về của kiếp người:
Kiếp phù du, giấc phù hoa
Lấy ai ru đá giùm ta sau này?!
Thôi thì đá ngủ cho say
Để rồi thức giấc ngày mai một mình
( Ru đá - Cõi lạ)
Nghe lòng rung một hồi chuông
Tiếng vang như có lại dường như không
( Chùa xa - Cõi lạ)
Buồn như thứ "gien" có sẵn trong máu, trong hồn người thi sĩ, cứ phải "Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn" (Xuân Diệu). Thu Nguyệt biết tấn công vào nỗi buồn rồi lại dỗ dành, hoá giải nó một cách hết sức tỉnh táo và tự tin:
Giá được làm cỏ dại lan man
Vơ vẩn sống, phất phơ đời bên tháp
Vui với nắng sương, mưa trùm gió đập
Lặng lẽ đâm chồi, ta tự trùng tu
( Tháp chàm - Cõi lạ)
Hoa vô tư nở bên đời
Ta vô tình lại học đòi xót xa
( So đũa hoa - Cõi lạ)
Trong thơ Thu Nguyệt tôi hay gặp những từ ngữ bình thường giản dị, nhưng được tác giả đặt đúng chỗ đến nỗi tôi nghĩ rằng khó có thể thay thế được bằng những từ ngữ dù văn hoa hơn. Ví dụ, khi đứng trên một bãi cát ở biển, bàn chân ta sẽ không có cảm giác như ở trên đất, và cái cảm giác ấy được Thu Nguyệt gọi tên thật đúng:
Nghe nước mắt hành tinh oà lên má
Và nao lòng nghe cát rã quanh chân
( Với Biển - Ngộ )
Cũng từ rã ấy với một bông hoa khi tàn rơi:
Gói hương hoa trả cho trời
Cánh hoa rụng xuống mùa tôi rã buồn!
( Thạch thảo - Ngộ )
Hay khi nhớ đến Hàn Mặc Tử:
Tôi bây giờ trước biển lặng thinh
Nhặt hòn đá bần thần không dám ném
( Trước biển Qui Nhơn - Cõi lạ)
Hoặc khi nói về những đứa trẻ con trong ngày Tết:
Hồi xưa Tết thiệt là vui
....
Đêm giao thừa ngủ thấy thương
Anh đem pháo đốt bên giường mới hay
(Tết xưa - Cõi lạ)
Thu Nguyệt tin cậy, nương nhờ vào thơ truyền thống. Chị bước tới bằng nhịp điệu "đánh sáng" lời ăn tiếng nói dân gian, chuyển đổi, đặt để từ ngữ khéo léo, điêu luyện:
Quanhđâu cũng quẩn về bến sông
( Tản mạn - Điều thật)
Qua mùa, ngọc rớt vàng rơi
Văn chương lả tả con ngoi về nhà
( Cỏ dại - Ngộ)
Cởi giày ngồi phịch bến sông
Xoè ra mười ngón tay không mà cười
( Tự bạch - Ngộ)
Bóng mình dòm kỹ thấy khơi khơi
(Sự mình - Cõi lạ)
Ta lêu bêu không bạn không thù
Nói cười răm rắp
Nghĩa tình xâm xấp
Không đầy cũng chẳng vơi
...
Đêm qua trời chuyển thu rồi
Lá đâu một chiếc bỗng rơi vào phòng
Giọt buồn nhễu hạt long tong
Vậy mà cứ tưởng là không...
Thiệt tình !
(Nhà mình - Cõi lạ)
Tôi cứ đọc thầm "Thiệt ... tình!" và thú vị khoái chí cười một mình. Thiệt tình tưởng là không..., nghe như có thiếng thở dài trách móc nhẹ nhàng cái giọt nhỏ long tong ấy vậy. Tôi nghe như chính Thu Nguyệt nói (mặt mày hồn nhiên, tươi rói): "Vậy mà mình cứ tưởng là không chớ ta!", và chị cười, nhưng không phải là không buồn!
Không khí trong thơ Thu Nguyệt là không khí của sự tĩnh lặng, tao nhã. Hồn thơ của Thu Nguyệt là hồn thơ đa đoan phiền muộn mà trong trẻo, giản dị mà thông minh, trầm tích mà ngời sáng...
Có hay không sự rung động mãnh liệt chân thành? Thiếu điều này sẽ thiếu cuộc đời trong thơ, cuộc đời sẽ thiếu thơ. Thu Nguyệt im lặng, thơ chị trả lời: Có!
Thơ Thu Nguyệt không mới nhưng không cũ. Điều quan trọng là khi đọc những vần thơ ấy ta không thể thấy bình thường.
Đọc Thu Nguyệt, đặc biệt là "Cõi lạ", tôi cảm và phục .
------------------
Đọc thơ Thu Nguyệt:
- Điều thật: Hội văn học nghệ thuật Đồng Tháp - 1992
- Ngộ - Hội văn học nghệ thuật Đồng Tháp -1997
- Cõi lạ - Nhà xuất bản Thanh niên - 2000
Báo Văn Nghệ số 28 ngày 3-8-2000
(Xem bài)