SACRAMENTO, California (NV) – Chọn con đường tu khi tuổi đời đã chất chồng. “Năm 73 tuổi tôi trở thành ông tăng, tới nay thì tôi tu được 18 năm rồi,” Tỳ Kheo Thích Không Chiếu nhớ lại quãng thời gian xuất gia tu hành.
Ít ai biết rằng, ông chính là cựu Đại Tá Trần Văn Tự, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận trước năm 1975, và là trưởng nam nhà ái quốc Trần Văn Thạch – người được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên dương và đặt tên cho một con đường nằm bên hông chợ Tân Định, Sài Gòn.
Tiếp phóng viên nhật báo Người Việt tại khu chúng cư Greenfair Towers II, trên đường Fairgrounds, góc với đường Broadway, ở thành phố Sacramento, miền Bắc California, nhà sư Thích Không Chiếu say sưa nói về dòng thiền Tánh Không, mà vị thiền chủ đã chủ trương thực hành thiền theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca trong kinh, với bốn phương tiện Quán, Chỉ, Định, Huệ.
Theo Tỳ Kheo Thích Không Chiếu, dòng thiền này vừa giúp thiền sinh điều chỉnh được bệnh tâm thể của mình, hài hòa thân tâm, hài hòa với mọi người từ gia đình đến cộng đồng, xã hội; vừa hướng dẫn cho thiền sinh tỉnh ngộ, chuyển đổi nhận thức, phát huy từ từ trí huệ tâm linh.
“Cách thiền của dòng thiền Tánh Không do Hòa Thượng Thích Thông Triệt sáng lập vào ngày 4 Tháng Giêng, 1995. Thầy xuất gia với Hòa Thượng Thích Thanh Từ một thời gian tại Việt Nam theo dòng thiền Trúc Lâm. Sau năm 1975, thầy bị Cộng Sản đưa đi tù ‘cải tạo’ suốt 14 năm. Trong hoàn cảnh khó khăn này, thầy vẫn tu tập theo pháp thiền do sư phụ truyền dạy, nhưng cuối cùng, thầy khám phá một pháp thiền mới dễ tu, dễ thực hành và mau có kết quả là thiền Tánh Không ngày nay, có sự liên hệ giữa thiền và khoa học não bộ,” ông cho biết.
Nói về cơ duyên đi tu, ông kể: “Tôi hồi trước là sĩ quan quân đội thua trận, đi trình diện, rồi Cộng Sản kêu đi ‘học tập’ một tháng. Một tháng mà kéo dài tới 12 năm 3 tháng. Vào tù, có mấy người lén đem kinh Phật vô, rồi họ đến chỗ chúng tôi hỏi người nào rảnh thì sao ra nhiều bản, để có bị tịch thu cái này thì còn cái khác. Lúc đó tôi rảnh nên lãnh kinh sao ra. Chép tới chép lui từ từ tôi thấm.”
Ông đi tù “cải tạo” từ cuối Tháng Năm, 1975, ngay sau ngày mất nước, và được thả ra vào cuối Tháng Tám, 1987. “Sau khi ra tù, mấy năm sau đó tôi lang thang ở miền Nam. Đến cuối Tháng Hai, 1992, tôi sang Mỹ theo chương trình tị nạn H.O.,” ông nhớ lại.
Ông bảo, ông “lang thang ở miền Nam” là bởi vì khi ra tù thì gia đình ông chỉ còn một người con ở lại Việt Nam; vợ ông cùng sáu người con khác thì ở Canada.
“Gia cảnh tôi cũng hơi lộn xộn chút. Người phối ngẫu cũ của tôi vượt biên, chừng phỏng vấn vào Mỹ thì không biết vì lý do gì mà Mỹ từ chối. Bà ấy mới qua Canada với các con. Khi qua Mỹ, những năm 1993, 1994 tôi dời lên ở Buffalo, New York, để chạy qua chạy lại gần với Canada, gần với các con của mình. Hồi lúc ở tù tôi bị suyễn quá, tôi sợ lạnh, nên không qua Canada ở,” ông kể.
“Tôi sang Mỹ khi đã 65 tuổi. Ngày tôi ra tù, gặp lại gia đình, thì thấy không giống như ngày xưa nữa. Tôi đi vắng mặt 12 năm, con cái tôi lớn hết ráo rồi, tôi đâu còn như ông bố ngày xưa để dạy dỗ con nữa, tôi lạc hậu, không biết gì hết. Nhớ lại thời gian trong tù chép kinh, tôi nhớ lời Phật dạy, và thấy trong người khỏe hơn, nên nghĩ đến chuyện xin gia đình cho xuất gia. Chính vì vậy, khi ở Buffalo, tôi có nói với mấy đứa nhỏ, mà chúng nó chưa đồng ý đâu. Mãi cho đến cuối năm 1999 thì tôi mới được con cái chấp nhận cho đi tu, và đầu năm 2000 tôi trở thành ông tăng,”
Khi sang Mỹ, ông gặp lại Hòa Thượng Thích Thông Triệt, người ở chung trong tù với ông. “Lúc đó tôi biết thầy Thông Triệt có mở lớp thiền trên Portland, Oregon, nên cuối năm 1999 tôi xin theo thầy xuất gia,” ông cho biết.
Ông kể, nhờ chép kinh trong thời gian ở tù nên ông bước vào con đường tu nhanh chóng, và “thầy chỉ cần hệ thống hóa các pháp lại là tôi lĩnh hội được ngay. Thực hành thiền là một cách huấn luyện cho tâm từ động trở nên yên lặng, giúp cho cuộc sống của người thực hành trở nên thanh thản, thân tâm hài hòa và hài hòa với môi trường chung quanh.”
“Thí dụ, khi còn ở tù, hằng đêm cán bộ quản giáo tập họp chúng tôi ra trước sân, trời lạnh cũng như trời nóng, phải ngồi một tiếng đồng hồ để bị chửi bới, nào là tay sai, nào lính đánh thuê, nào là ăn gan uống máu… Người ta có thể kêu ngay tên mình, chỉ ngay trước mặt, chửi mình nữa. Mục đích là để mình tức quá, khó ngủ thôi. Nhưng tôi học được bài học của Phật rồi, tôi nói thầm, anh chửi là chuyện của anh, tôi nghe là chuyện của tôi. Từ đó tiếng chửi bới của họ không làm khổ tôi nữa. Đạo Phật lạ ở chỗ đó,” ông nói thêm. Đi tu để sám hối vì “không giữ được miền Nam”