76- Bồ tát Phân Biệt Minh ( Thanh Biện )
● (Bhavaviveka): dịch âm là Bà-tỳ-phệ-già hay Bà-tỳ-tiết-ca, dịch nghĩa là Thanh Biện hay Minh Biện, cũng dịch là Phân Biệt Minh. Là vị đại luận sư của học phái Trung Quán thuộc Phật giáo đại thừa ở Nam Ấn-độ vào đầu thế kỉ thứ 6 TL. Có thuyết nói ngài xuất thân từ vương tộc của nước Mạt-lị-da-na (Malyara) ở Nam Ấn; có thuyết lại nói ngài thuộc chủng tánh quí tộc của nước Ma-kiệt-đà ở Trung Ấn. Ban đầu ngài học theo ngoại đạo, đặc biệt nghiên cứu về học thuyết phái Số Luận. Sau ngài bỏ ngoại đạo, theo Phật giáo, đến Trung Ấn thờ ngài Tăng Hộ (Samgharaksita) làm thầy, tinh cần tu học kinh điển đại thừa, đặc biệt chuyên tâm nghiên cứu giáo nghĩa của hai vị Bồ-tát Long Thọ và Đề Bà. Sau đó ngài trở về Nam Ấn, lấy nước Đà-na-yết-trách-ca (Dhanakataka) làm trung tâm hành đạo. Tại đây, ngài chuyên tuyên dương giáo nghĩa Thực Tướng luận (cũng tức là Không tông) của Bồ-tát Long Thọ, và bài xích Duyên Khởi luận (cũng tức là Hữu tông) của đại luận sư Hộ Pháp (Dharmapala) ở nước Ma-kiệtđà; tạo nên phong trào “Tranh luận giữa Không và Hữu” (Không Hữu tranh luận). Cuối đời, ngài vào ẩn cư trong một hang núi ở phía Nam nước này, chuyên trì chân ngôn cho đến khi viên tịch. Truớc tác quan trọng của ngài có Đại Thừa Chưởng Trân Luận (thuyết minh giáo nghĩa “hữu vi không, vô vi không”), Bát Nhã Đăng Luận Thích (giải thích Trung Luận của ngài Long Thọ), và Trung Quán Tâm Luận Tụng (được truyền sang Tây- tạng).
Sư từng đến Trung Ấn độ thờ ngài Tăng Hộ (僧護, Saṃgharakṣita)[6] làm A-xà-lê (Ācārya), chuyên cần tu học kinh điển Đại thừa và giáo thuyết của Bồ-tát Long Thọ (Nāgārjuna). Sau đó, sư trở về Nam Ấn Độ tuyên dương nghĩa Không, mở màn cho cuộc tranh luận về Không, Hữu với ngài Hộ Pháp (護法, Dharmapāla) thuộc tông Du-già ở nước Ma-yết-đà (磨羯陀). Ngài Hộ Pháp thừa kế học thuyết của các Bồ-tát Vô Trước, Thế Thân, chủ trương ‘Hữu là tận cùng của Không’, ngài Thanh Biện thì noi theo học thuyết của bồ-tát Long thọ, chủ trương ‘Không là tận cùng của Hữu’, hai bên bác bỏ nhau và thành tựu cho nhau. Trên văn tự thấy như hai ngài phá nhau, vì bên nói Hữu bên nói Không. Song, các ngài chỉ có một bản ý là hiển bày lý Chơn không - Diệu hữu, nên nói thành tựu cho nhau.
Có truyền thuyết cho rằng sau khi trở về Nam Ấn Độ, sư chủ trì hơn 50 ngôi già lam, trở thành một luận sư danh tiếng, tuyên thuyết giáo pháp, soạn Trung luận thích, bác bỏ thuyết của ngài Phật Hộ (佛護, Buddhapālita, 470-540), cũng là người thuộc học phái Trung Quán. Trong các tác phẩm được dịch ra chữ Hán và chữ Tây Tạng (phần lớn của nguyên bản Phạn ngữ đã thất truyền), Duy thức tông (Vijñānavādin, yogācārin) là đối tượng bị sư chỉ trích. Là người sáng lập hệ phái Trung quán Tự tục (中觀自續派, Madhyamaka-svàtantrika, the Svātantrika school of Madhyamaka)[7], Sư cũng đả kích Phật Hộ (Buddhapālita), người sáng lập trường phái Trung quán Ứng thành (中觀應成派,Prāsaṅgika-mādhyamika)[8], bằng một phương pháp suy luận biện chứng trên cơ sở Nhân minh luận (Hetuvidyā) và Nhận thức học (Pramāṇavāda). Cứ xem Bát nhã đăng luận thích của sư thì thấy ý kiến của sư trái với quan điểm của ngài Phật Hộ.
Vào thế kỷ thứ 8, trường phái của sư được Tịch Hộ (Śāntarakṣita) biến thành phái Trung quán-Duy thức (Mādhyamika-yogācāra). Về già, sư ở ẩn trong núi phía Nam nước Đà-na yết-trách-ca (馱那羯磔迦, Dhanya-kaṭaka), đọc tụng chân ngôn rồi thị tịch.
Người đầu tiên giới thiệu Bhāviveka (Phân Biệt Minh) ở Trung Quốc là Ba-la-phả-mật-đa-la qua dịch phẩm Bát-nhã đăng luận thích vào năm 632. Sau đó, Huyền Trang dùng tên Thanh Biện khi dịch Chưởng trân luận (Karatalaratna) từ Phạn bản sang Hán ngữ vào năm 647 (hay 649), nhưng lại dùng Hán âm Bà-tỳ-phệ-già (婆毘吠伽) để giới thiệu Thanh Biện trong Đại Đường Tây vức ký.
Các tác phẩm của Sư gồm có: Đại thừa chưởng trân luận (大乘掌珍論, Mahāyānatālaratnaśāstra), Huyền Trang dịch; Bát-nhã đăng luận thích (Prajñāpradīpa, cũng có tên prajñāpradīpa-mūlamadhyamaka-vṛtti), Ba-la-phả-mật-đa-la dịch; Trung quán tâm luận tụng (Madhyamakahṛdayakārikā), Tạng ngữ; Trung quán tâm quang minh biện luận (Madhyamakahṛdayavṛttitarkajvālā), chú giải Trung quán tâm luận tụng (Madhyamakahṛdayakārikā), Tạng ngữ; Trung quán nhân duyên luận (Madhyamikapratītyasamutpāda-śāstra), Tạng ngữ; Nhập trung quán đăng luận (Madhyamakāvatārapradīpa), Tạng ngữ; Nhiếp trung quán nghĩa luận (Madhyamārtha-saṃgraha), còn bản Tạng ngữ và Phạn ngữ; Dị bộ tông tinh thích (Nikāyabheda-vibhaṅgavyākhyāna), chỉ còn lưu lại trong Tạng ngữ, nói về các tông phái phật giáo sau khi Phật diệt độ đến thời Thanh Biện, rất giống Dị bộ tông luân luận (Samayabhedavyūhacakraśāstra) của Thế Hữu (Vasumitra).[9]
Bát-nhã đăng luận thích (般若燈論釋, Prajñāpradīpa) có 15 quyển, Bồ-tát Long Thọ trước tác kệ tụng, Bồ-tát Phân Biệt Minh (分別明, tức Thanh Biện)[5] biên soạn thích luận. Đời Đường, từ tháng 6 năm Trinh Quán thứ 4 (630) đến ngày 17 tháng 10 năm Trinh Quán thứ 6 (632), Tam tạng Pháp sư Ba-la-phả-mật-đa-la (波羅頗迦羅蜜多羅, S: Prabhākaramitra) cùng chư vị cộng sự hoàn thành bản dịch chữ Hán từ Phạn bản. Lược xưng là Bát-nhã đăng luận. Bát-nhã đăng luận thích là sách giải thích Trung luận, được thu vào Đại chánh tạng, tập 30, No. 1566.
Nội dung luận thích này là ngài Thanh Biện đã đứng trên quan điểm của phái Trung quán Tự tục để chú thích các chương trong luận Trung quán của Bồ-tát Long Thọ mà thành. Đặc trưng tư tưởng trong luận thích này là lấy việc giữ gìn một cách nghiêm túc cái học Trung quán của Bồ-tát Long Thọ đã được truyền nối từ trước đến nay làm nền tảng. Lý luận căn bản được thiết lập là ‘các pháp là vô tự tánh’, và lập luận thêm rằng, ‘bản chất thực sự của các pháp là sự trống rỗng’. Trong Đại thừa Chưởng trân luận, ngài Thanh Biện lập ‘tự tỷ lượng’ ngang qua kệ tụng: “Chân tánh, hữu vi không, Như huyễn vì duyên sinh, Vô vi không thật có, Không khởi, tợ không hoa.”[10] (真性有為空,如幻緣生故, 無為無有實, 不起似空華. Chân tánh hữu vi không, Như huyễn duyên sinh cố, Vô vi vô hữu thật, Bất khởi tự không hoa.), từ đó xác lập tông nghĩa ‘Vô tướng là Đại thừa’. Lập trường của ngài Thanh Biện là: y Thế tục đế (saṃvṛti-satya) tất cả đều có[11]; y Đệ nhất nghĩa đế (paramārthasatya) tất cả đều trống không[12], hay còn gọi là ‘Chân không tục hữu’ (真空俗有). Ngài Thanh Biện thông thạo về Nhân minh học, sư tin rằng trong cuộc tranh luận, trước tiên phải thiết lập quan điểm của tự tông, sau đó sử dụng quan điểm của tự tông để biện phá tha tông, cho nên xưng là phái Trung quán Tự tục.
Thế nên, Bát-nhã đăng luận thích không những chỉ luận phá tà kiến của ngoại đạo và Tiểu thừa, mà còn phê phán ngay cả học thuyết của luận sư Phật Hộ[13], là người cùng trong phái Trung quán nữa. Một đặc điểm khác, đối với lập trường của phái Du-già, chủ trương của luận thích này trái hẳn với quan điểm của các học giả Trung quán trước nay, nhất là kiến giải đối với thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế, thì ý thú lại càng khác xa. Thanh Biện chấp nhận quan điểm về Trung quán rằng, ‘đệ nhất nghĩa đế là không có thực thể để có thể xác định với bất cứ hình thái hiện hữu’, đồng thời Thanh Biện cũng muốn sử dụng sự khẳng định ấy trên bình diện thế tục đế. Về điểm nầy, dường như có một cuộc thảo luận về phạm vi triết học Trung quán giữa Thanh Biện thuộc phái Trung quán Tự tục và Nguyệt Xứng đại biểu cho phái Trung quán Ứng thành. Nguyệt Xứng không đưa ra bất kỳ khẳng định nào về ‘bản chất thật của hiện tượng’, mà cho rằng, thế tục đế chỉ có nghĩa là sự ‘che phủ’ hoặc ‘chướng ngại’ bởi nhận thức ‘vô trí’ (ajñāna), thì làm sao thế tục đế lại có sự chính xác để nói là ‘hiển bày’ thật tướng của các pháp? Lại nữa, nếu thế tục đế có thể tiếp cận với đệ nhất nghĩa đế nhờ vào sự ‘biểu hiện’, thì có thể dẫn đến sự hiểu lầm về Nhị đế. Thế tục đế của Nguyệt Xứng dường như là ‘cái nhìn thoáng qua’, tức khía cạnh kế đạc của nhận thức (: biến kế sở chấp, parikalpita). Nhưng Nguyệt Xứng cũng giới thiệu ở đây một thuật ngữ mới, ‘duy biểu’[14], vốn phân biệt rạch ròi với đệ nhất nghĩa đế cũng như với thế tục đế, tức sự tương qua giữa hệ luỵ nhân sinh và cõi giới của Bồ-tát.
Ngoài ra, tác giả luận thích này còn vận dụng luận lý Nhân minh rất thạo. Để duy trì khái niệm thế tục đế và đệ nhất nghĩa đế của truyền thống Phật giáo mà vẫn nói về con đường phát triển tâm linh trong khi từ chối thực tại tối hậu của những khái niệm ấy, Thanh Biện đã sử dụng tam đoạn luận giả định (三段論法, Pratijñā, Hypothetical syllogism), một phương thức biện luận mà gần như không thể hiểu được bởi các học giả của Trung quán thời bấy giờ. Họ chỉ biết được trường phái này thông qua hệ thống hóa bởi Trung quán Ứng thành của Nguyệt Xứng. Thanh Biện sử dụng phương pháp luận một cách sắc bén, khéo léo ngang qua các chi Tông Nhân Dụ hoàn chỉnh cân đối, dùng chúng để đánh phá lập luận của đối phương. Thí dụ như: “Trong đệ nhất nghĩa, nội nhập không sinh ra từ các duyên kia. (Tông) Vì sao? Vì các duyên là cái khác, (Nhân) thí như chiếc bình, v.v… (Dụ)”[15] Phương thức ấy không chỉ đưa đối phương đến chỗ giảm trừ phi lý, mà còn dùng những luận chứng độc lập để im lặng đối phương, và đó là điểm độc đáo của luận thích này.