Tiếng Việt
English
Tiếng Việt
Các bài viết (1)
Đôi nét về tác giả
Danh sách tác giả
Trương Thái Du
Trương Thái Du
Nhà nghiên cứu Trương Thái Du sinh năm 1968 tại miền bắc, tốt nghiệp Đại học Hàng hải Hải Phòng. Năm 2007, anh cho ra mắt quyển sách Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam.
Cuốn sách tiếp theo, Khảo chứng tiền sử Việt Nam xuất bản sau đó hơn 10 năm chứng tỏ một sự nghiêm cẩn mực thước cho công việc, mặc dù anh luôn từ tốn: “Một số triết gia cho rằng, người thông minh thấy trong một câu hỏi nhiều thứ hơn kẻ ngu ngốc thu nhặt được với một câu trả lời thông minh. Thiên văn trong quyển sách này đã và đang trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan đến quá khứ”...
Trích đoạn lời bình : Xuất hiện rải rác bằng những bài viết in trên các báo từ khoảng 20 năm trước, nhà nghiên cứu Trương Thái Du được biết tới qua những khám phá độc lập, mới mẻ về lịch sử Việt Nam, nhất là cổ sử. Vốn là một kỹ sư hàng hải, nhiều năm lênh đênh trên những chuyến tàu viễn dương rồi Trương Thái Du rời biển lên bờ, làm nhân viên tập đoàn đa quốc gia lớn. Rồi một ngày tự cho phép mình “về hưu”, để chuyên tâm nghiên cứu sử Việt, theo đuổi khát vọng được phần nào đó, đánh thức dậy, lấp đầy những khoảng trống cổ sử đã bị thời gian xóa mờ, quên lãng...
Những ngày gần cuối năm 2018, Trương Thái Du cho ra mắt cuốn sách đặc biệt của mình: Khảo chứng tiền sử Việt Nam (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) với lời đề dẫn bí hiểm và lãng mạn: “Sự kết hợp đầu tiên và duy nhất của thiên văn, thư tịch, khảo cổ, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục và di truyền để khám phá Việt sử”. Trương Thái Du, như anh tự bạch, “đến với lịch sử bằng niềm đam mê khám phá quá khứ”, và niềm đam mê, tình yêu ấy dường như nhen nhóm lên từ những tháng năm là sinh viên Đại học Hàng hải Hải Phòng, được làm quen với môn học Thiên văn hàng hải: “Dưới nhãn quan thiên văn, cổ sử Việt Nam bỗng hiện ra trước mắt chúng tôi rất khác, so với cách mà đại đa số người đã, đang và sẽ hiểu”. Học, lại thực hành khoa học thiên văn trong những khoảng thời gian dài sống đời thủy thủ, ngắm nhìn bầu trời đêm mênh mang giữa đại dương khôn cùng, một trải nghiệm vô giá mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng may mắn được song hành, có lẽ khởi nguồn đó đã dẫn dắt Trương Thái Du theo một con đường đi riêng biệt. “Ngay ở thiên văn cổ đại, người ta đã xác định được nơi thời gian và không gian (phương hướng) chập vào nhau. Đó là chính ngọ, giữa trưa và mặt trời ở hướng chính nam”, luôn bắt đầu vấn đề một cách điềm tĩnh, chậm rãi mày mò, đưa ra thật nhiều căn cứ trên một nền tảng tư duy logic, ít cảm tính nhất, dù là ở lĩnh vực khoa học xã hội, nên những khám phá của nhà nghiên cứu từng bị coi là “nghiệp dư” này đưa ra kể cả những anti fan cũng có rất ít lý lẽ để phản bác, mặc dù bản thân anh luôn khiêm nhường, biết mình biết người: “Ở góc độ nào đó, công việc của chúng tôi rõ ràng không phải đi tìm đáp số cho bài toán, mà điền ẩn số vào, sao cho phương trình cân bằng theo nhãn quan thiên văn học của những sử gia cổ đại thông tường thiên văn và lịch pháp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tìm hiểu ngữ nghĩa hàng loạt thuật ngữ lịch sử (Nam Giao - Giao Chỉ - Tượng quận - Cửu Chân - Nhật Nam) dưới ánh sáng thiên văn học của chúng tôi chẳng khác việc tìm hiểu thực nghĩa danh từ Sài Gòn là mấy, sẽ có rất nhiều đáp số. Sài Gòn chỉ là một cái tên đơn lẻ, trong khi chúng tôi nhìn thấy tính hệ thống của loạt tên gọi kia. Hiển nhiên là tìm ra tính hệ thống thì thuyết phục hơn và dễ gần đến sự thật hơn rất nhiều”... Từ những hiểu biết sâu rộng về thiên văn học, cộng thêm vốn Hán học linh hoạt, soi chiếu trở lại vào thư tịch, khảo cổ, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, di truyền, bằng sự cẩn trọng, nghiêm túc..., Trương Thái Du đã đưa ra những kiến giải về nguồn gốc nước Việt, người Việt từ thuở xa xưa. Với anh, “lịch sử Việt Nam quá dài mà ghi chép còn lại quá ít”, diễn đạt đời này qua đời khác lại có nhiều lúc chưa như những gì đã diễn ra trong thực tế...
Một vài ngày trên facebook cá nhân của mình, nhà nghiên cứu Trương Thái Du lại như reo lên khi tìm ra được những từ nguyên Việt ngữ: “Người Việt từ nay có thể tự hào tổ tiên họ có chữ viết riêng, dùng cách tạo chữ như nhà Thương, nhưng nét và âm khác chữ Thương Chu. Chỉ đến thời Tần Thủy Hoàng, thứ chữ ấy mới bị hủy diệt”. Anh bây giờ mỗi ngày ngồi máy tính ít ra 10 tiếng, dốc sức hoàn thành cuốn sách tiếp theo Nguồn gốc người Kinh và Việt ngữ, vẫn sử dụng nhân trắc học và ngôn ngữ học để xác quyết rằng: “Tổ tiên của người Việt Nam hiện đại chưa bao giờ là một dân tộc nô lệ hàng nghìn năm. Họ chắc chắn là những con người dũng cảm và phiêu bồng, nam tiến để truy tầm tự do”... Đánh thức quá khứ cũng cốt làm giá trị lõi cho hiện tại, dựa vào điểm tựa ấy mà tiến lên. Trương Thái Du dẫn giải rằng, trên thế giới, nhiều nước sát vách nhau, ví như “Mỹ - Canada hay New Zealand - Australia, họ có cùng nguồn gốc Anglo Sacxon nên mâu thuẫn quyền lợi quốc gia liền kề luôn được khống chế. Việt Nam và láng giềng cũng có những liên hệ lịch sử, chủng tộc, ngôn ngữ khởi đi tương tự các cặp quốc gia kia nhưng đi trước cả 1.000 năm”. Đó có thể là nền tảng cho sự thấu hiểu và cảm thông, làm mềm hóa đi những vướng mắc (nếu có) để cùng phát triển, vì lợi ích của mỗi bên.
Hiểu căn cơ, thấu đáo, khoa học về cội nguồn, kiến giải được những khoảng trắng lịch sử làm đà cho sự tự tin, vượt thoát khỏi những mặc cảm vô hình luôn tự ràng buộc, bay cao, bay xa cùng nhân loại tiến bộ, Trương Thái Du coi đó là niềm đam mê mà anh sẽ theo đuổi đến hết cuộc đời, tới “khi nào tư duy còn mạch lạc”. Nhận mình khôn ngoan và thêm phần may mắn khi đầu tư đất đai, nên giờ có thể tự “trả lương hưu cho mình”, yên tâm ngồi nhà đọc, lật tung kho tàng tri thức nhân loại lên để nghiền ngẫm, đối chiếu, so sánh, và cuối cùng đem kết quả khảo chứng đóng góp trở lại thành tài nguyên chung của đất nước, đúng như anh đúc kết: “Đối với lịch sử, sự thật là tri thức. Chỉ có tri thức mới có thể gắn kết con người với nhau không chỉ trong một quốc gia, mà cả khu vực đã có lúc cùng chia sẻ quá khứ, để rồi hướng tới một tương lai tốt đẹp nhất”. Nhiều người gọi Trương Thái Du là tiên sinh, nhiều người khác lại coi anh như một ông đồ chưa già mà đã lẩn thẩn, Trương Thái Du thì thấy ái ngại cho những ai không nuôi dưỡng được một đam mê, suốt cuộc đời cứ đắm chìm trong công việc và tiền bạc. Anh tận tụy với đam mê của mình, những mong đóng góp một chút gì đó cho xã hội, đúng cách những trí thức thật sự xưa tới nay luôn phụng hiến mà không đòi hỏi sự ghi nhận, đáp đền trở lại. Luôn tự biết mình, biết người, đã từng viết văn, viết truyện ngắn, tiểu thuyết nhưng “đoạn tuyệt” vì tự trào “không có khả năng văn chương, trình độ chỉ sạch nước cản, viết mãi cũng không làm được gì cho xã hội”, Trương Thái Du chỉ một lòng, một dạ đánh thức những khoảng lặng nghìn năm của lịch sử.
Quay lại