190- Đại Sư Liên Trì
Đại sư Liên Trì là một cao tăng đời Minh, sinh năm 1532 và viên tịch vào năm 1612. Ngài tên húy là Chu Hoành, tên tự là Phật Tuệ, pháp hiệu Liên Trì, khai sáng và trụ trì chùa Vân Thê ở núi Vân Thê thuộc Hàng Châu.
Ngài sinh trong gia đình thế gia vọng tộc, từ nhỏ đã thông minh xuất chúng, năm 17 tuổi thi đỗ, văn chương nổi tiếng khắp trong vùng. Gần nhà có một bà lão suốt ngày chuyên tâm niệm Phật, ngài theo hỏi nguyên do, bà đáp: “Chồng tôi trước đây niệm Phật, lúc lâm chung được tự tại vãng sinh, nên tôi biết công đức của việc niệm Phật không thể suy lường.” Ngài nghe qua hết sức cảm động, từ đó có ý nương theo Tịnh độ, liền viết mấy chữ “Sống chết là việc lớn” treo nơi bàn viết để tự nhắc nhở mình.
Năm ngài 27 tuổi thì mất cha, năm 32 tuổi mất mẹ, liền quyết chí xuất gia tu hành, nói với người vợ rằng: “Chuyện ân ái thoáng qua không thường còn, việc sống chết không ai thay thế được cho ai, nay tôi quyết lòng xuất gia, bà phải tự bảo trọng.” Người vợ rơi lệ nói: “Ông đi trước một bước, tôi tự biết tính toán.” Đại sư liền đến cầu xuất gia với Hòa thượng Tính Thiên ở Tây Sơn, người vợ sau đó cũng xuống tóc xuất gia.
Đại sư sau khi thọ giới Cụ túc thì đi khắp nơi tham học Phật pháp. Năm 1571, ngài đến Hàng Châu thấy núi Vân Thê cảnh trí hùng vĩ, nhưng có con hổ dữ thường làm hại dân làng. Ngài khởi tâm từ bi liền vào núi tác pháp Du-già Diệm khẩu thí thực, từ đó về sau, con hổ không bao giờ còn hại người nữa. Năm ấy hạn hán, dân làng khốn khổ, khẩn thỉnh ngài cầu mưa. Ngài chống tích trượng đi quanh ruộng niệm Phật, trời liền đổ cơn mưa lớn. Từ đó dân làng kính tin, cùng nhau góp sức dựng chùa Vân Thê thỉnh ngài trụ trì.
Đại sư đạo cao đức trọng, một đời hóa độ không biết bao nhiêu người hữu duyên, trước tác để lại rất nhiều, như: A-di-đà kinh sớ sao (4 quyển), Vãng sanh tập (3 quyển), Tịnh độ nghi biện (1 quyển), Thiền quan sách tấn (2 quyển), Phạm võng kinh giới sớ phát ẩn (5 quyển), Lăng-già kinh mô tượng ký (1 quyển), Truy môn sùng hạnh lục (1 quyển), Sơn phùng tạp lục (3 quyển), Trúc song tùy bút (2 quyển)... Toàn tập của ngài gọi là “Vân thê pháp vị”, tính tổng cộng là 32 quyển. Trong đó lưu hành rộng rãi nhất là các tác phẩm A-di-đà kinh sớ sao, Trúc song tùy bút, Vãng sanh tập, Tịnh độ nghi biện, Giới sát phóng sinh văn...
Bài văn Giới sát phóng sinh của ngài là một trong những kiệt tác được muôn đời ngợi khen vì văn chương diễm lệ, ý hướng sâu xa cảm động lòng người, chỗ biện giải lại rõ ràng minh bạch, lập luận sắc bén khiến người tin phục. Chính vì vậy, nhắc đến việc khuyên người giới sát phóng sinh thì xưa nay đều thừa nhận bài văn này là tác phẩm có tác động sâu rộng nhất.(Huệ Hương ST)