Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm
曇無讖) (385 - 433) Vị tăng dịch kinh ở thời Bắc Lương. Cũng gọi Đàm vô sám, Đàm mâu sấm, Đàm vô la sấm, Đàm ma sấm, Đàm mô sấm, Đàm la vô sấm. Dịch ý là Pháp phong, người Trung Ấn độ, xuất thân từ dòng dõi Bà la môn. Mới đầu sư học giáo pháp Tiểu thừa kiêm cả Ngũ minh, giảng nói thao thao, ứng đáp lưu loát. Về sau, sư gặp thiền sư Bạch đầu, được học kinh Đại bát niết bàn, cảm thấy tự thẹn, liền đổi hướng chuyên học Đại thừa. Năm 20 tuổi, sư có thể tụng hơn 200 vạn lời kinh Đại thừa và Tiểu thừa. Sư còn giỏi về chú thuật, được nhà vua kính trọng và tôn xưng là Đại Chú Sư. Sau, sư đem năm phẩm trước của kinh Đại bát niết bàn, kinh Bồ tát giới và Bồ tát giới bản truyền vào nước Kế tân, rồi đến Cưu tư, nhưng hai nước này phần nhiều tu học theo Tiểu thừa, nên sư đi qua đất Thiện thiện để đến Đôn hoàng. Niên hiệu Huyền thủy năm đầu (412), Hà tây vương là Thư cừ Mông tốn rước sư vào Cô tang, tiếp đãi rất trọng hậu; sư ở đây học chữ Hán ba năm, rồi bắt đầu phiên dịch phần trước của kinh Niết bàn, bấy giờ các ngài Tuệ tung và Đạo lãng đảm nhận chứcBút thụ.Sau, vì kinh Niết bàn còn thiếu một số phẩm nên sư qua nước Vu điền tìm kiếm, khi tìm được đầy đủ, sư trở về Cô tang tiếp tục dịch trọn bộ gồm 36 quyển (tức là kinh Niết bàn bản 40 quyển hiện nay). Cũng trong thời gian này, nhận lời thỉnh cầu của các ngài Tuệ tung, Đạo lãng, sư lần lượt phiên dịch kinh Phương đẳng đại tập 39 quyển, kinh Kim quang minh 4 quyển, kinh Bi hoa 10 quyển, kinh Bồ tát địa trì 8 quyển, Bồ tát giới bản 1 quyển v.v... tất cả gồm hơn 60 vạn lời. Bấy giờ, vua Thái vũ đế nhà Bắc Ngụy nghe sư giỏi về phương thuật liền sai sứ đến đón sư. Thư cừ Mông tốn sợ rằng sư có thể trao cho Bắc Ngụy nhiều pháp thuật hay, nên nhân dịp sư về Ấn độ tìm thỉnh thêm phần sau của kinh Niết bàn, Mông tốn sai thích khách giết hại sư giữa đường, lúc đó sư được 49 tuổi. Kinh Niết bàn do ngài Đàm vô sấm dịch gọi là kinh Niết bàn bản Bắc, còn ở miền Nam có sư Tuệ nghiêm và cư sĩ Tạ linh vận sửa lại kinh Nê hoàn 6 quyển do ngài Pháp hiển dịch thành kinh Đại bát niết bàn gồm 36 quyển, được gọi là kinh Niết bàn bản Nam. Do đó đã đưa đến việc học phái Niết bàn hưng khởi. Về các kinh điển do sư dịch, các bản Kinh lục ghi chép không giống nhau: Xuất tam tạng kí tập nói sư dịch được 11 bộ, 117 quyển; Đại đường nội điển lục thì ghi 24 bộ, 151 quyển. Ngoài ra, cứ theo Hoa nghiêm kinh sớ quyển 1, thì sư đã nương vào kinh Niết bàn mà lập Bán tự giáo và Mãn tự giáo, lấy tạng Thanh văn làm Bán tự giáo và tạng Bồ tát làm Mãn tự giáo. [X. Bắc bản Đại bát niết bàn kinh tự; Đại bát niết bàn kinh huyền nghĩa Q.hạ; Xuất tam tạng kí tập Q.2, Q.8, Q.9, Q.14; Lương cao tăng truyện Q.2, Q.3; Lịch đại tam bảo kỉ Q.3; Đại đường nội điển lục Q.3].