Nguyên Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II T.Ư GHPGVN.
Hòa thượng Thích Từ Hạnh, thế danh là Phạm Chí Nguyện, pháp danh Quảng Y, hiệu Từ Hạnh. Ngài sanh năm 1927 tại ấp Đức Phổ, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Con của ông Phạm Quế và bà Huỳnh Thị Dự.
Trong kháng chiến chống Pháp, lúc còn ở tuổi thanh xuân, Hòa thượng đã tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc tại Liên khu 5. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòa thượng đã tham gia các phong trào đấu tranh của giới Phật giáo tại Sài Gòn - Gia Định. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, Hòa thượng Từ Hạnh được Viện Hóa đạo bổ nhiệm giữ chức Ủy viên phụ trách Phật tử chuyên nghiệp và giữ chức Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Gia Định cũ, rồi được bổ nhiệm trụ trì chùa Phổ Đà - Q. Bình Thạnh. Từ năm 1970 đến năm 1975, Hòa thượng giữ chức Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề tại Qui Nhơn.
Năm 1975, sau khi đất nước thanh bình, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành lập, Hòa thượng được cử giữ chức Phó Tổng Thư ký, rồi Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP. Hồ Chí Minh.
Năm 1979, Hòa thượng được cử tham gia Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam dự Hội nghị Phật giáo châu Á vì Hòa bình kỳ 5, tại Ulan Bator (Mông Cổ). Với Báo Giác Ngộ, Hoà thượng có những bài viết khảo luận chủ đề Phật pháp rất có giá trị.
Năm 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam hình thành, Hòa thượng được cử giữ chức Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Hòa thượng được Hội nghị cử giữ chức Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hơn chín năm tròn, trải qua 2 nhiệm kỳ Đại hội, Hòa thượng Từ Hạnh là hình ảnh năng động bên cạnh các cấp lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Qua 2 lần đắc cử chức vụ Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội. Thực hiện ý chỉ của Giáo hội, cố Hòa thượng đã hết lòng xây dựng các hình thái sinh hoạt và triển khai chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đầu đầy thử thách và khó khăn. Từ các tỉnh miền Trung, miền Đông, rồi miền Tây, nơi nào Hòa thượng cũng đến thuyết giảng, tổ chức thành lập các Ban Trị sự Tỉnh hội, xây dựng mô hình phát triển. Cực khổ vất vả nhưng Ngài chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc, nơi nào cần Hòa thượng đến, Đạo pháp cần Hòa thượng đi. Với bản tánh hoan hỷ nhưng nghiêm nghị, với tinh thần phóng khoáng nhưng kiên trì, làm việc có kế hoạch và tích cực, Hòa thượng đã tạo được mối quan hệ Phật sự hòa nhã, thân thiết với chư tôn đức và hội chúng ở trong và ngoài giới Phật giáo.
Những tưởng thọ mạng của Hòa thượng còn lâu dài, nhưng không ngờ hạnh nguyện độ sanh chốn ta bà đã mãn; Hòa thượng đã xả báo an tường, trong lời hộ niệm, tiễn biệt của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội và quý nam nữ Phật tử vào lúc 18 giờ 30, ngày 22 tháng 11 năm 1988, tại chùa Quán Thế Âm, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.(Huệ Hương ST)