Tiểu sử
Hoà Thượng Tôn Sư thượng Thiện hạ Nghĩa.
( 1959 - 2025 )
- Nguyên Ủy Viên BHP TW GHPGVN
- Nguyên Trợ Lý VP 2 TW GHPGVN
- Nguyên trưởng BTS GHPGVN huyện Nhà Bè
- Chứng Minh BTS GHPGVN huyện Nhà Bè
- Nguyên ủy viên MTTQVN huyện Nhà Bè
- Viện Chủ: chùa Đức Phú, chùa Chánh Giác.
- Trú trì chùa Chơn Giác
1: Thân Thế
Hoà thượng Thích Thiện Nghĩa thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41 pháp Huý: Chơn Tạng , Pháp Tự: Nhật Đạo, Đạo Hiệu thượng Thiện hạ Nghĩa, thế danh Nguyễn Văn Lắm, sinh ngày 24-11- 1959, năm Kỷ Hợi, tại làng Long Đức Đông (nay xã Long Hậu), huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình thuần nông, có 8 anh chị em, ngài là con thứ 7 trong gia đình.
Thân phụ là Cụ Ông Nguyễn Văn Kia, Thọ sa di Bồ Tát giới Pháp danh: Thiện Tâm , Thân mẫu là Cụ Bà Đỗ Thị Tắc. pháp danh: Diệu Nguyên.
Thuở nhỏ, Ngài thường theo mẹ lên chùa An Hoà, lễ Phật, tụng kinh, chấp tác tạo Phước, đồng thời hướng tâm ước nguyện như một bậc Thầy sa môn, vì nhân duyên bên Ngoại của Ngài có nhiều vị đi xuất gia và trở thành những pháp khí thiền gia. Từ đây, hạt giống Bồ đề nẩy mầm sanh trưởng.
2: Xuất Gia Tu Học:
Năm 1968, thời kỳ chiến tranh khốc liệt, lúc bấy giờ vừa tròn 10 tuổi, được sự đồng thuận của song thân gởi vào chùa An Hoà, Huyện Bình Chánh, để được nối tiếp hạnh nguyện xuất gia, vì nơi đây có Ông ngoại, bà ngoại, các Dì và các cháu điều xuất gia tu học. Nay có thượng tọa Thích Minh Trì trưởng ban Trị Sự Phật Giáo huyện Trảng Bom là cháu bên ngoại của Ngài.
Ngày 08–02- 1968, nhân lễ vía Xuất Gia của Đấng Từ Phụ Thích Ca được xuống tóc xuất gia, trong đêm khuya vang vọng trầm hùng thần chú lăng nghiêm, cạo bỏ râu tóc.
Nương tựa tu học với Đức Tôn Sư Thượng Huệ Hạ Tánh, nhờ lời chỉ giáo mà Ngài luôn luôn khiêm cung, lấy gốc rễ tu học là chính.
Năm 1976 tháng 04 năm ấy, được sự thương tưởng và hướng dẫn đi cầu pháp với Trưởng lão Hoà Thượng thượng Long hạ Trình viện chủ chùa Tân Long, Tôn sư là Chánh đại diện GHPGVNTN huyện Nhà Bè.
Nhờ túc duyên cần mẫn nên được gởi vào chùa Quảng Hương Già Lam tu học, trong giai đoạn này thời cuộc biến vi, nên được các vị Tôn Túc chỉ giáo về Tạm trú tại chùa Đức Phú- Nhà Bè, cùng với sư huynh Thích Quảng Kiết.
Nghe danh Đức Tôn Sư thượng Hồng hạ Nhơn là vị Trưởng lão tinh thông khoa nghi ứng phó, giới luật trang nghiêm, đạo hạnh khiêm cung, tác phong uy Đức, nên Ngài đã tìm về chốn Tổ Đình Từ Thoàn, tham vấn đảnh lễ, yết kiến Đức Trưởng lão Hoà Thượng thượng Hồng hạ Nhơn.
Năm 1976, được sự chấp thuận của Đức Trưởng lão Hoà Thượng thượng Hồng hạ Nhơn, thâu nhận Ngài làm đệ tử chính thức, thiền phái Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41. Đảnh lễ đại chúng và được ban pháp huý: Chơn Tạng , pháp Tự: Nhựt Đạo.
Tháng 8 năm 1978, Ngài Chơn Tạng được Tôn Sư dạy rằng: “ Tu học cần cầu giới Pháp luật nghi, nay hợp thời thắng duyên đại giới đằng thọ Sadi giới, tại chốn tùng lâm Giác Sanh khai mở giới Pháp, nên Con hãy về đó lảnh thọ Tâm Giới cho tin chuyên giới thể…”
Thế rồi, Đại Giới Đàn Tại Tổ Đình Giác Sanh, Ngài Chơn Tạng đã đủ giới thể nghiêm minh. Do trưởng lão Hoà Thượng thượng Hoằng hạ Đức làm đàn đầu Hoà Thượng truyền Giới.
Giới thể nghiêm tịnh, Ngài về đảnh lễ Tôn Sư, và được Tôn Sư chỉ dạy rằng: “ Giới luật viên mãn, hãy cố gắng tu tập, tiếp nối ngọn đèn thiền của chư Phật, chư Tổ, vận hành ứng phó đạo tràng, nổ lực ôm thiền gia chuyển hoá chuyên sâu vào nội ngoại điển để thừa hành Phật sự….”
Năm 1980, Được sự đồng thuận của Tôn sư, Ngài Chơn Tạng được tấn đàn thọ giới Tỳ Kheo tại Tổ Đình Ấn Quang tôn hiệu: Đại Giới Đàn Thiện Hoà. Do trưởng lão Hoà Thượng thượng Hành hạ Trụ Làm đàn đầu Hoà Thượng, Hoà Thượng Huệ Hưng Làm Yết Ma A Xà Lê, Hoà Thượng Từ Nhơn- Hoà Thượng Thanh Kiểm làm Giáo Thọ A Xà Lê, Hoà Thượng Thích Trí Thủ làm Đàn Chủ đại giới đàn. Do GHPGVNTN tổ chức, lần cuối cùng.
Giới thể chu viên, Tỳ Kheo Chơn Tạng về đảnh lễ Phật Tổ, đảnh lễ Tôn Sư, nhận thấy hợp thời nên Tôn Sư ban Pháp hiệu: thượng Thiện hạ Nghĩa.
Ngày 15- Tháng 04- Năm 1980, khoảnh khắc thiêng liêng, không gian tịch lặng, pháp ngữ của Đức Tôn Sư Phương Trượng Từ Thoàn, đã ban trao pháp kệ Phú pháp đắc truyền tâm ấn, bài Phú kệ như sau:
“Chí Đạo Vô Ngôn
Nhập bất nhị môn
Pháp môn vô lượng
Thuỳ thị hậu Côn…!”
Kể từ đây con đường hành pháp của Ngài càng ngày càng vững bước đi lên trên lộ trình dấn thân phụng sự, pháp hiệu này Ngài đã sử dụng trong suốt cuộc đời hành hoá về sau.
Năm 1980, tới 1981, Ngài đảm nhiệm chức vụ Trụ Trì Chùa Đức Phú - Huyện Nhà Bè. ngài vừa trụ trì nhưng tiến trình học pháp khá Uyên thâm, Ngài tiếp tục công trình tu học tại Quảng Hương Già Lam.
Năm 1982, Ngài học Y Học Cổ Truyền, và đạt kết quả cao trong các kỳ thi cuối khóa.
Năm 1983, Ngài được sự chỉ giáo từ các vị Tôn Sư, tham gia khoá học Hạ Đầu Tiên, do Thành hội tổ chức, đào tạo Như Lai sứ Giả.
Năm 1984- 1985 Ngài xin phép về lưu trú tại trú xứ Tổ Đình Xá Lợi.
Năm 1985, Ngài về chốn Tổ Đình Hưng Phước- Quận 3, đảnh lễ cầu y chỉ với Đức Trưởng lão Hoà Thượng thượng Hiển hạ Pháp, được Tôn Sư Y Chỉ ban trao Đạo Hiệu: Nhuận Nhơn.
Năm 1986, Ngài trở về chùa Đức Phú để ôn tầm nội điển, rồi từ đây lấy nền tảng hoằng pháp và ứng phó đạo tràng để làm điểm tựa tâm linh trong Chánh pháp tu trì cho hậu thế.
Năm 1987-1989, Ngài tiếp tục các công trình nghiên cứu về hoằng pháp, được tuyển chọn ba năm liền An cư tại Tổ Đình Vĩnh Nghiêm, Ngài đã được tham gia là ủy viên Giảng Sư ban Hoằng Pháp, tại GHPGVN. Ngài được phân bổ giảng dạy tham gia Phật sự tại các vùng miền Tây Nam Bộ, khoá học này chỉ có Sáu vị pháp lữ như: Ngài Đạt Đạo, Ngài Thiện Bảo, Ngài Đồng Bổn, Ngài Thành Huệ, Thượng Toạ trú trì chùa Giác Ngạn, Và Ngài Thiện Nghĩa…!
Năm 1990 - 1996, Ngài học thêm Đại Học Luật Tổng Hợp, khoa Luật Hành Chánh, trong niên khoá này Ngài cũng đạt thứ hạng cao. Cũng trong năm này Hòa Thượng Ân Sư chúng con, kết nghĩa pháp lữ cùng Hòa Thượng Lãng Huỳnh, Hòa Thượng Hạnh Ngộ, đã trở về trú xứ Chùa Đức Quang để tu học trong 3 năm, và đạo tình ấy đã trải qua hơn 30 năm đậm đà tình pháp lữ và đó cũng là bài học vô ngôn cho chúng hướng về và noi theo.
3: Hoằng Hoá Tiếp Nguyện:
Trong những năm giai đoạn thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ngài được sự tín nhiệm của chư Tôn Đức, giao nhiều trọng trách quan trọng, Ngài hết lòng chung lo phụng sự Ân Sư Phật Tổ.
Năm 1987- 1997, Ngài đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư Ký, thuộc Huyện Nhà Bè, lúc bấy giờ chưa tách quận.
Năm 1994-1997, trong ba năm liên tiếp Ngài được cung cử trợ lý văn phòng 2 Trung Ương, phụ tá cho Đức Trưởng lão Hoà Thượng thượng Hiển hạ Pháp…!
Năm 1997, tháng 4 năm ấy vào thời gian nhân duyên hội đủ, nhờ phát triển Thành Phố mở rộng, nên Huyện Nhà Bè xưa đã tách ra thành Quận 7 và Huyện Nhà Bè để làm nền tảng mở rộng địa bàn.
Năm 1997- 2012, Ngài được sự tín nhiệm từ Trung Ương Giáo Hội, đến Thành Hội Phật giáo đã đồng tâm nhất trí bổ nhiệm Ngài làm chức vụ Chánh Đại Diện Phật Giáo Huyện Nhà Bè, từ Nhiệm kỳ 5-6-7, trong ba nhiệm kỳ liên tiếp, để phát triển một Phật giáo vùng Huyện thành trọng điểm có bước tiến đi lên trong lộ trình hành hoá, các cơ sở mở rộng, có nhiều Đạo tràng phát triển.
Năm 2012 – 2017 được sự tín nhiệm của Thành Hội Phật Giáo Ngài tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban trị Sự Phật Giáo Huyện Nhà Bè nhiệm kỳ VIII Chính nơi đây là Trụ sở Văn Phòng Ban Đại Diện Phật Giáo Huyện Nhà Bè trong những ngày thành lập đầu tiên của Phật giáo huyện Nhà Bè trong nhiều nhiệm kỳ. Năm 2007, Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc lần thứ 6, ngày 14 /12, Ngài Được Tấn Phong lên hàng Giáo Phẩm Thượng Toạ.
Năm 2017, Ngài được cung thỉnh ngôi vị Chứng Minh Ban Trị Phật Giáo Huyện Nhà Bè.
Năm 2022, Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc lần thứ 9, ngày 20/11, Ngài Được Tấn Phong lên hàng Giáo Phẩm Hoà Thượng.
Trong thời kỳ này, Ngài là đại biểu HĐND Huyện Nhà Bè và tham gia vào Mặt Trận Tổ Quốc, từ các khoá nhiệm kỳ: 6-7-8-9, của hội đồng nhân dân Huyện Nhà Bè, đóng góp về gốc rễ Đạo đức tâm linh, an sinh xã hội, phát quà từ thiện cho những mãnh đời khó khăn, xây nhà tình nghĩa khối đại đoàn kết.
Cũng từ thời gian thành lập Phật giáo Huyện Nhà Bè, Ngài đã mỡ các khoá An Cư Tập Trung, duy trì từ năm 2000 - tới Nay vẫn còn hương thơm, Ngài được cung thỉnh vào ngôi vị: Phó Hóa Chủ, Hóa Chủ, Thiền Chủ, đương vi Luật sư cho hạ trường, để cho Tứ chúng nương tựa tu học. Đồng thời, Ngài cung thỉnh các bậc Trưởng lão vào các chức vụ trong Hạ trường để có lực cho Tứ chúng đồng tu, mỗi khi trở về Chùa Chơn Giác…!
4: Trùng Hưng Phạm Vũ:
Năm 1990, Ngài được đảm nhận bổ nhiệm Trú Trì Chùa Chơn Giác Huyện Nhà Bè.
Giữa tháng 6/1990. MTTQ xã Phú Xuân bàn giao Chùa Chơn Giác cho Ban đại diện Phật giáo Nhà Bè quản lý.
Năm 1993, Ngài đã phát tâm xây dựng Ngôi già Lam Chơn Giác tạm thời với không gian tạm đủ để cho Phật tử quy tụ tu học.
Năm 1998, mua đất nới rộng diện tích đất chùa để xây dựng Tam bảo, nơi đây cũng là Văn phòng của Ban Đại Diện Phật giáo Nhà Bè.
Nhận thấy tín đồ cần có nơi trang nghiêm hành trì, nhớ lại công hạnh của chư vị Tôn Sư ước nguyện rằng ngôi già Lam Chơn Giác khang trang tố hảo.
Năm 2002 Ngài đã đứng ra Trùng Hưng Ngôi Chùa Chơn Giác, xây dựng Chánh điện và 2 dãy tăng xá kiến khai tịnh nghiệp Đạo tràng An cư kiết hạ, đáp ứng nhu cầu tu học của chư tăng nâng truyền thống Phật giáo.
Năm 2006, hoàn thành ngôi Tam bảo, Chánh Điện, Hậu Tổ, Trai Đường, Nhà Chúng, Nhà Trù…! Dưới sự chứng minh của Ngài Đệ Tứ Pháp Chủ, Đức Trưởng lão Hoà Thượng Thượng Trí Hạ Quảng, lúc bấy giờ là Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo Thành Hội Hồ Chí Minh.
Năm 2006 Ngài Cho Dựng Tôn Tượng Quan Âm cao 3m.
Năm 2007 Ngài cho chú nguyện đúc đại Hồng chung, 900kg, Chuông vọng từng chiều thức tỉnh kẻ lạc đường mê tối.
Năm 2012, Ngài Được cung thỉnh vào Ngôi Viện Chủ Chùa Chánh Giác - Suối Rao- Huyện Châu Đức, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Do Ni Sư Thích Nữ Chơn Đăng Kiến tạo làm trụ trì, để trở thành cơ sở cho Ni chúng.
5: Giáo Dục - Hoằng Pháp:
Dấu chân của Ngài, từ những Năm 1987- 1996, Ngài đã cùng các pháp lữ Vân du hành hoá tại các tỉnh Niềm Tây Nam Bộ như: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, trong những thời điểm mùa An Cư Kiết Hạ cùng các huynh đệ đồng nghiệp với sự chỉ đạo của ban Hoằng Pháp TW cùng tham gia giảng dạy các khoá đào tạo, và các mùa An Cư Kiết Hạ cho các Tịnh nghiệp đạo tràng Tăng Già Lam các trú xứ, hướng dẫn về ngành Hoằng Pháp và đào tạo Trú Trì về mặt hành Chánh.
Ngài đã từng đi đảnh lễ tại các thánh tích Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông, Canada, Mỹ, Úc, Tây Tạng,...tới tham vấn đảnh lễ chư vị Tôn túc Tăng Già.
Sự nghiệp giáo dục của Ngài càng ngày rạng danh, từ năm 1994 - 2014 Ngài được cung thỉnh lên ngôi vị Giáo thọ sư, giảng dạy cho các khoá Sơ Trung Cấp Phật Học tại Quận 3, Quận 4, Quận Tân Bình, tổng thể là 11 khoá học, và Ngài cũng là Giáo thọ sư các khóa An Cư Kiết Hạ giúp cho các vị hành giả liễu tri về kiến thức Phật học.
Từ năm 1994- 2000, Trong sáu năm liền Ngài được Cung thỉnh vào ngôi vị Giáo thọ sư, giảng dạy tại Trường Sơ Trung Cấp Phật Học Tỉnh Bình Dương. Khoá học đầu tiên, với các môn học như: Pháp Kệ Tỳ Ni, Phật Học Danh Số, Phật Giáo Tổng Quan, Quy Sơn Cảnh Sách, Pháp Bảo Đàn Kinh…!
Ngài đã chấp bút ba tác phẩm do chính Ngài biên soạn:
1: Pháp Kệ Tỳ Ni
2: Bình Giảng Kinh Địa Tạng.
3: Phật Học Danh Số.
Ngoài ra các tác phẩm khác trong lúc giảng trên lớp chưa lưu lại nên bị thất lạc, thật tiếc cho một công trình. Tuy nhiên những pháp âm Ngài đã truyền thụ các học trò thế hệ truyền thừa đã tiếp nhận được từ những yếu nghĩa mà Ngài lưu lại cho hậu thế, thứ lớp học trò mãi mãi khắc ghi.
Ngài đã Vân du hành hoá tới các nước Phương Tây như: Mỹ, Canada, Úc Châu, Ngài thường lưu trú tại các tịnh nghiệp đạo tràng như chùa: Trúc Lâm, Quang Minh, Bát Nhã, Quán Thế Âm, thường xuyên được cung thỉnh vào các ngôi vị: Chứng Minh, Giáo Thọ Sư, Giới Sư trong các tiểu giới đàn, sa di và Bồ tát giới cho chư vị Thiện tín khởi tâm thọ lãnh giới pháp.
6: Trùng Tuyên Luật Học:
Dấu chân hoằng pháp của Ngài, ngoài vấn đề giáo dục, hay hành Chánh huyện Nhà, Ngài luôn luôn chú trọng tất cả bằng nguyện lực Giới luật hành trì, tiếp nối hạnh nguyện của chư Tổ truyền thừa, dẫn đàn hậu thế trụ vững gốc rễ: “ Giới luật còn thì Phật Pháp còn ”.
Bằng giới thân trang nghiêm, luật học nghiêm trì, Ngài được Ban kiến Đàn cung thỉnh vào các ngôi vị trong Đại giới Đàn.
Từ năm 1993- 2023, xuyên suốt từ Đại Giới Đàn Tâm Hoà 1- tới Đại Giới Đàn Tâm Hoà 10, Do Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Tây Ninh, cung thỉnh Ngài vào các ngôi vị: Thất chứng Tôn Sư, Giáo Thọ A Xà Lê, Yết Ma A Xà Lê, cho các Giới Đàn Tỳ Kheo, Sa Di đàn giới, Bồ Tát Giới.
Ngoài ra, Ngài được cung thỉnh tại các giới đàn như các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, vào các ngôi vị Giáo Thọ A Xà Lê, Tôn Chứng Giới Sư…!
Có thể nói, đây là dấu ấn đậm nét trong một đời xuất gia của Ngài, như đại nguyện luật nghi hành giả, ứng phó truyền thừa, giới thân nghiêm tịnh, thệ độ viên dung.
7: Lời Dạy Cuối:
Trong những tháng ngày Thầy trò tâm sự, Ngài dạy đồ chúng rằng:
“ Đạo Tu Hằng Du Hoá
Ứng Pháp Phật Tuỳ Duyên
Dụng Giới Thân Thanh Tịnh
Vạn Hạnh Xả Uy Nguyên…”
Cuộc đời tu học của Ngài dù có nhiều trắc trở nghịch hay thuận giữa thế gian, nhưng tâm của Ngài không hề lay động, với Yếu chỉ trung kiên, lấy sự nghiệp xuất gia làm nền tảng gốc rễ, lấy Trí tuệ làm phương thức hành đạo nhờ tu học có phương pháp chuyển hoá, nhờ Giới thân phòng hộ nội tâm. Nên mọi sự đến với Ngài như Tùng bách trước sóng, chẳng lay động đổi thay.
Hơn Sáu mươi năm tu học, cốt tủy gốc rễ mãi mãi là Tánh Phật Dung Thông, Giới Hành Vô Lượng, Pháp Môn Tuỳ Duyên, Chí Nguyện Truyền Nhân mãi luôn khắc niệm âm thầm Đức hạnh muôn Phương.
Suốt cả cuộc đời phụng sự cho giáo hội và dân tộc, Ngài đã được TWGHPGVN tặng nhiều bằng tuyên dương công đức. và đã được các cấp lãnh đạo Đảng Nhà Nước trao tặng nhiều bằng khen cao quý. Gần đây nhất vào ngày 07-02-2025 Ngài đã được Chủ Tịch Nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng huân chương đại đoàn kết dân tộc để ghi nhận sự đóng góp to lớn trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
8: Viên Tịch Mãn Duyên:
Xuân thu qua mãi, sương tuyết đổi dời, luật vô thường chẳng có chừa ai, dòng sinh tử đúng thời tan họp, nhưng tâm Ngài vẫn thường an nhiên vân du hành đạo. Nhưng rồi cũng đến lúc cỗ xe củ mục suy tàn rịu rã. Nhớ khi xưa chốn song lâm, Đức Thế Tôn còn hiện tướng Niết-bàn, bao năm trụ tích Ta-bà, thân tứ đại theo duyên tăng giảm, Hòa thượng luôn xem trần gian là hóa thành, chỉ có cõi Phật mới là bảo sở. Thế rồi, chốn song lâm mây ẩn bóng ưu đàm, thuyền Bát nhã xuôi dòng bản thể, Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 20h30 tại chùa Chơn Giác trong sự cảm thương kính tiếc của môn đồ đệ tử, pháp tử thân tình; trụ thế :67, hạ lạp: 45 năm. Chốn Niết Bàn đã thêm trang thượng sĩ, chỉ nơi này lụy đóa đàm hoa.
Phụng vì Chơn Giác – Đức Phú đường thượng, Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế. Pháp Huý: Chơn Tạng, Pháp Tự: Nhật Đạo, Đạo Hiệu thượng Thiện hạ Nghĩa thùy từ chứng giám.
Môn đồ đệ tử đồng biên soạn.

Thầy Đi…!
Thầy đi buông nhẹ thân hình,
Gởi hương Đức hạnh, chút Tình ngàn xưa.
Mang tâm phát nguyện đại thừa,
Dấu chân hoằng pháp, hạc mưa suối nguồn.
Gởi hương Đức hạnh, chút Tình ngàn xưa.
Mang tâm phát nguyện đại thừa,
Dấu chân hoằng pháp, hạc mưa suối nguồn.
Thong Dong tự tại bốn ân,
Rong chơi vạn lối, tăng thân giới từ.
Mây ngàn an trú tinh tu,
Hoa đàm rụng cánh, giã từ về Tây.
Chúng con: Tỳ Kheo Thích Minh Thế, thành tâm bài vọng giác linh Tôn Sư, nguyện giác linh Tôn Sư Tuỳ Duyên Bảo Sở, về Thượng Phẩm Phật Quốc…!
Nhà Bè- Tùng Lâm Chơn Giác Tự.
Ngày 14-05-Ất Tỵ…!









Rong chơi vạn lối, tăng thân giới từ.
Mây ngàn an trú tinh tu,
Hoa đàm rụng cánh, giã từ về Tây.
Chúng con: Tỳ Kheo Thích Minh Thế, thành tâm bài vọng giác linh Tôn Sư, nguyện giác linh Tôn Sư Tuỳ Duyên Bảo Sở, về Thượng Phẩm Phật Quốc…!
Nhà Bè- Tùng Lâm Chơn Giác Tự.
Ngày 14-05-Ất Tỵ…!









Gửi ý kiến của bạn