- Tiểu Sử Cố Hoà Thượng Thích Minh Giác (1952-2025)
- Điện Thư Phân Ưu kính gởi Ban Tang Lễ Hòa Thượng Thích Minh Giác, Trụ Trì Chùa Vạn Hạnh, Amsterdam, Hòa Lan
- Hình ảnh cung đón nhục thân của Hoà Thượng Thích Minh Giác về Chùa
- 5/6/25: Hình ảnh Cung thỉnh nhục thân Hoà Thượng Thích Minh Giác nhập kim quan tại Chùa Vạn Hạnh, Hòa Lan
- Tiếng Chuông Khuya: Hồi Tưởng Về Hoà Thượng Thích Minh Giác
- Hình ảnh sinh hoạt của Hòa Thượng Thích Minh Giác, Trụ Trì Chùa Vạn Hạnh, Amsterdam, Hòa Lan
- Bất Thối Bản Thệ (Thành kính tưởng niệm Giác Linh HT Thích Minh Giác)
Tiểu Sử
Cố Hoà Thượng Thích Minh Giác
Thân thế:
Hòa Thượng Thích Minh Giác, thế danh là Nguyễn Quang Chánh, pháp tự Chơn Hương, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 44, sanh ngày 15 tháng 8 năm 1957 Đinh Dậu, tại thành phố Sài Gòn, tỉnh Gia Định.
Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Trong, pháp danh Chơn Thanh; Thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Kiểu, pháp danh Thanh Đức. Ngài là người con thứ tư trong mười người con của gia đình.
Xuất gia học đạo:
Đầy đủ phúc duyên, Ngài được sinh ra trong một gia đình truyền thống Phật giáo, song thân đều là những Phật tử thuần thành, chánh tín Tam Bảo. Nhờ vậy mà hạt giống Bồ-đề ngày càng phát triển, nên Ngài đã sớm bộc lộ niềm tin và ý nguyện xuất thế.
Năm 1972 túc duyên hội đủ, Ngài đã được Hòa Thượng Thích Thiện Huê, Trụ trì Chùa Đại Giác tọa lạc tại quận Phú Nhuận thành phố Sài Gòn, cho thế phát xuất gia. Ngài đã tu học tại Chùa Đại Giác từ năm 1972 đến năm 1984. Trong thời gian từ lúc hành điệu cho đến sau khi thọ giới Sa Di, Hòa Thượng đã luôn tinh tấn công phu bái sám hằng ngày theo thời khóa quy định của chùa và tinh chuyên học kinh luật căn bản của một Sa Di với hai thời công phu và bốn cuốn luật Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách thuộc nằm lòng; cùng với đức hạnh khiêm cung, đi đứng nằm ngồi oai nghi chuẩn mực. Hòa Thượng Bổn Sư đã từ bi cho phép Ngài đăng đàn thọ Cụ Túc Tỳ Kheo giới năm 1980 tại Giới Đàn Thiện Hòa (Thiện Hòa là pháp hiệu của một bậc Cao Tăng thạc đức Phật Giáo Việt Nam của thế kỷ 20, là Đức Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giám Đốc Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang). Giới Đàn Thiện Hòa được tổ chức tại Tổ Đình Ấn Quang đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, thành phố Sài Gòn. Đó cũng là Đại Giới Đàn cuối cùng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Sau thời gian thọ Cụ Túc Giới, Hòa Thượng tiếp tục tu học tại Chùa Đại Giác. Trong khoảng thời gian ấy, Hòa Thượng tham cầu học Luật và Y Chỉ với Hòa Thượng Thích Trí Minh, Trụ trì Chùa Mai Sơn tại Bà Hom, thành phố Sài Gòn, Ngài được Hòa Thượng Y Chỉ ban cho pháp hiệu Chơn Hương.
Ra đi Tị Nạn:
Hòa Thượng trưởng thành với tuổi thanh xuân trong giai đoạn quê hương Việt Nam ở khúc quanh lịch sử, thời điểm mà cả đất nước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về mọi phương diện. Vì vậy sự tu học của Tăng Ni trẻ cũng gặp nhiều chướng duyên, các trường lớp Phật Học Viện ngừng hoạt động. Với chí nguyện mong cầu học hỏi, Ngài đã theo dòng người tỵ nạn vượt biên, xa rời quê mẹ Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, hy vọng một tia sáng chào đón ở tương lai. Thế là vào một ngày đẹp trời, Ngài cùng những người đồng hành vượt biên được đặt chân lên đảo tỵ nạn của xứ Thái Lan. Sau hai năm ở trại tỵ nạn Thái Lan, vào tháng 8 năm 1986 Hòa Thượng được định cư tại đệ tam quốc gia Hòa Lan. Một đất nước hiền hòa, văn minh thịnh vượng, giàu lòng nhân đạo, đã mở rộng vòng tay chào đón và cưu mang cuộc đời Hòa Thượng. Thế là một bước ngoặt mới trong đời tu sĩ trẻ, một quốc gia mới đầy xa lạ, từ ngôn ngữ, văn hóa tập tục cuộc sống v.v…. tất cả đều mới lạ. Nhưng với nhiệt huyết bởi lý tưởng Bồ Tát thượng cầu hạ hóa. Hòa Thượng đã khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống mới, để hòa nhập với một môi trường mới, hít thở không khí mới tràn đầy năng lực.
Hành Đạo tại xứ người:
Khi Hòa Thượng định cư tại xứ sở Hòa Lan, nơi đây đã có Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan được thành lập vào ngày 25 tháng 2 năm 1984 và đến ngày 3 tháng 4 năm 1985 Hội chính thức hoạt động với danh xưng bằng ngôn ngữ Hòa Lan là “Stichting Vietnamese Boeddhistische Samenwerking in Nederland”, cũng có nghĩa là Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan chính thức hợp pháp trên phương diện pháp lý đối với chính phủ Hoà Lan.
Thời gian trước khi thành lập danh xưng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan, đồng bào Phật tử tại Hòa Lan được sự chỉ đạo cố vấn của Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Viện Chủ Chùa Khánh Anh tại thủ đô Paris, Pháp quốc, cũng nhờ ơn từ bi của Hòa Thượng thường xuyên quang lâm chứng minh Đại lễ Phật Đản và Đại lễ Vu Lan hằng năm. May mắn hơn nữa là được sự hoan hỷ của Hòa Thượng Thích Thiện Huệ đảm nhận vai trò lãnh đạo tinh thần trong thời điểm đó.
Để ổn định cuộc sống mới và tiếp tục sứ mệnh của sứ giả Như Lai trên xứ sở Hòa Lan. Hòa Thượng Thích Minh Giác đã cùng quý phật tử trong Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan thành lập Niệm Phật Đường Niệm Phật tại Hoorn 3 vào tháng 8 năm 1986. Trải qua một thời gian sinh hoạt Phật pháp với Hội và bà con Phật tử.
Tháng Giêng năm 1991 Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan, một lần nữa được cung nghinh Hòa Thượng Thích Thông Trí từ trại tị nạn nước Philipine đến định cư tại Hòa Lan. Hai Thầy cùng chung an trú dưới mái Niệm Phật Đường Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Minh Giác có thêm sự trợ lực của pháp hữu đồng hành. Do đó, niềm tin Chánh Pháp của Phật tử ngày càng tăng trưởng, cũng chính vì vậy sự sinh hoạt tu học trong phạm vi của Niệm Phật Đường lại bị hạn chế rất nhiều. Thế là Hòa Thượng cùng Hòa Thượng Thích Thông Trí, với quý Phật tử trong Hội quyết định mở rộng cơ sở sinh hoạt.
Thế là từ một nông trại tại Nederhorst den Berg biến thành Chùa Vạn Hạnh vào năm 1993. Nơi đây đã trải qua hơn 20 năm (1993-2015) sinh hoạt tu học, tưởng chừng như đã là một địa thế kiên cố với tuế nguyệt tha đà, được phủ lên bởi gió mưa bão tuyết của thời gian. Nhưng có lẽ vì năng lực tu học và tâm huyết hoằng dương Phật Pháp trên quê hương thứ hai thân thương, ngõ hầu tri ân báo đáp một quốc gia nên đã được Chư Phật, Long thần Hộ pháp nâng đỡ chở che, để có được một cuộc sống an lành yên ổn.
Chính vì vậy thầy trò của ngôi chùa Vạn Hạnh ở Nederhorst, thêm một lần nữa, tìm kiếm địa điểm nào tốt hơn so với bối cảnh hiện tại.
Thế là thêm một nữa, Hòa Thượng với Hòa Thượng Thông Trí cùng bà con Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan, vào ngày 12 tháng 12 năm 2012, một buổi lễ đặt Viên Đá Đầu Tiên đã được diễn ra tại mảnh đất mới, để xây dựng ngôi Chùa Vạn Hạnh với kiến trúc đậm nét Á Châu Việt Nam, được tọa lạc trên đường Sumattraaweg ở Almere. Buổi lễ dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu và Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, ngày hôm ấy gió đông thổi lạnh kèm theo cơn mưa phùn gió bấc.
Sau ba năm xây dựng thì đến ngày 7 tháng 6 năm 2015, nhân ngày Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2559, một buổi Lễ An Vị Phật trang nghiêm thành kính được diễn ra, và cũng bắt đầu từ đó ngôi chùa Vạn Hạnh mới này được chính thức sinh hoạt cho đến hôm nay.
Ngày 15 tháng 10 năm 2023 một buổi Lễ Khánh Thành được diễn ra trong không khí trang nghiêm và ấm cúng tình đời nghĩa đạo, đồng thời nói lên sự thành tựu công đức trong cuộc hành đạo của Hòa Thượng nói riêng và bà con Phật tử chùa Vạn Hạnh nói chung, sau bao năm phấn đấu và vượt thoát những chướng ngại từ nội tại đến ngoại tại.
Song song với vai trò sứ giả Như Lai, tại quốc gia Hòa Lan, Hòa Thượng Thích Minh Giác còn là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, Hòa Thượng đảm nhiệm vai trò Tổng Vụ Trưởng Tổ Vụ Tăng Sự. Tuy thân mang bệnh duyên mãn tính, nhưng Hòa Thượng cũng đã năng nổ góp phần sinh hoạt với Giáo Hội với điều kiện khả thi.
Ngài đã làm Tôn Chứng Sư, Dẫn Thỉnh Sư cho nhiều Giới Đàn tại Âu Châu, cho nên nhiều Giới tử Tăng Ni xuất gia tu học tại hải ngoại đều thọ ơn của Ngài. Ngài đã được cung thỉnh trong các Giới Đàn:
- Đệ Lục Tôn Chứng Sư Giới Đàn Khánh Anh, tại Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc năm 1987.
- Đệ Nhị Dẫn Thỉnh Sư tại Giới Đàn Liễu Quán, tại Chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp quốc 1990.
- Đệ Thất Tôn Chứng Sư Giới Đàn Hoàn Nguyện, tại Chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc năm 1993.
- Đệ Tứ Tôn Chứng Sư Giới Đàn Pháp Chuyên, tại Tổ đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc năm 2008.
- Đệ Lục Tôn Chứng Sư Giới Đàn Quảng Đức, tại Chùa Thiện Minh, Lyon Pháp Quốc năm 2011.
- Đệ Tứ Tôn Chứng Sư và Tuyên Luật Sư Giới Đàn Quán Thông, tại Tổ Đình Viên Giác, Hannover Đức Quốc năm 2019.
- Tuyên Luật Sư Giới Đàn Minh Tâm, tại Chùa Khánh Anh, Évry, Pháp Quốc năm 2022.
Hòa Thượng đã nỗ lực trong căn bệnh mãn tính của Ngài, Ngài đã sống nhẹ nhàng giữa cuộc đời đầy sống động xung quanh. Nhưng bệnh duyên cũng không buông Ngài, cuối cùng Ngài đã bất lực với căn bệnh hiểm nghèo nan y chợt đến chợt đi và Hòa Thượng đã từ giã cuộc đời này giữa một đêm khuya mùa xuân có gió mát của xứ sở Hòa Lan. Khi Bác sĩ bệnh viện tuyên bố không chữa trị được nữa rồi! Thế là Hòa Thượng đã thâu thần viên tịch vào lúc 00 giờ 07 phút ngày thứ Tư, 4 tháng 6 năm 2025 (mùng 9 tháng 5 năm Ất Tỵ).
Hòa Thượng trụ thế 69 năm với 53 năm xuất gia tu học và 45 năm vai trò của vị Tỳ Kheo đệ tử Phật đi trên con đường xuất thế.
Sự ra đi của Hòa Thượng, đã để lại bao nỗi đau ray rứt của những người con Phật thân thương Chùa Vạn Hạnh, nơi xứ sở nổi tiếng về mùa hoa tulip rực rỡ khoe sắc trên nền đất Hòa Lan. Ngài đã ra đi với bao hoài bão chưa thành tựu. Ngài ra đi để lại bao nỗi tiếc thương quý mến trong lòng bốn chúng đệ tử Phật Việt Nam tại Âu Châu.
Nam Mô Từ Lâm Tế Tông Tứ Thập Tứ Thế Khai Sơn Viện Chủ Vạn Hạnh Đường Thượng húy thượng Minh hạ Giác, tự Chơn Hương, Nguyễn công tân viên tịch Giác Linh Hòa Thượng.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật