Từ thiện là một đề tài muôn thuở bất cứ nước nào cũng đề cập đến. Bởi vì cuộc sống luôn có hai mặt ác và thiện, tốt và xấu, cũng như có ngày thì phải có đêm, có mưa thì có nắng..v.v..
Với ý nghĩa của từ thiện, từ là lòng yêu thương chúng sanh được thể hiện qua hành động thiện lương nên gọi là từ thiện. Tuy nhiên công việc từ thiện không hẳn mang lại mọi sự tốt lành đem an lạc cho người nhận cũng như người cho nếu không sử dụng đúng cách.
Những kinh nghiệm trong cuộc sống không thiếu người mang danh, đội lốt từ thiện nhưng thực chất ngấm ngầm lợi dụng công việc từ thiện để mưu cầu cá nhân. Một công ty hô hào từ thiện, phô trương từ thiện để đánh bóng thương hiệu mưu cầu đầu tư, một “đại gia” sốt sắng từ thiện chinh phục sự tín nhiệm của người khác để thâu vốn làm ăn rồi chạy trốn, chưa kể những cá nhân lên mạng kêu gọi từ thiện để rồi kiếm chát trong các mối từ thiện đó. Những việc như vậy cuối cùng mang phiền não là điều hiển nhiên.
Thế nhưng, có những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với tấm lòng thiện lương cũng không thiếu trong cuộc sống nhưng chưa hẳn đã an lạc với những lời thị phi: Ỷ có tiền rồi đem khoe, tung tiền ra mua chuộc quần chúng để lật đổ chế độ, rồi còn bắt sao kê cùng làng nước thiếu điều bị đưa ra trước phát luật xử nữa...Không biết làm sao cho vừa lòng người. Công khai thì bị phê phán khoe của, hám danh. Âm thầm làm từ thiện không ai biết thì bị trách thờ ơ, không có tâm trước những nỗi đau thương của người khác. Những điều nghi ngờ, nghi ngại đó làm nản lòng người có tâm. Rồi những chuyện lùm xùm cũng làm nản lòng luôn người đóng góp, từ đó hệ quả của nó là bất mãn, chia rẽ, mất niềm tin, chẳng ai còn tin ai.
Vậy thì, trước những sự kiện kể trên, nếu người thực tâm làm từ thiện, một là tự bỏ tiền túi ra làm, hai là nên có nội qui, tổ chức, nhân sự, lập chương trình sổ sách thu chi rõ ràng tất nhiên được niềm tin của mọi người từ đó phát triển thôi.
Riêng đối với Phật tử, những người có tâm, ngoài niềm tin Phật Pháp còn thể hiện Bồ Đề Tâm nghĩa là mong cầu cứu khổ đem an vui cho người khác, thì việc làm từ thiện cũng góp phần không nhỏ trong đó.
Vậy, từ thiện như thế nào đối với người con Phật.
Làm từ thiện tức là bố thí thể hiện lòng nhân từ muốn giúp chúng sanh, hành thiện với tâm bồ đề kiên cố, ngoài được phước báu tích tụ từ đời này và cả đời sau: Sắc đẹp, sống lâu, sức khỏe, an vui, trí tuệ...còn đạt quả vị giải thoát và giác ngộ, tận trừ phiền não đạt đến chỗ vắng lặng hoàn toàn thanh tịnh.
Muốn được vậy, người Phật tử đó phải thực hiện bố thí Ba La Mật, nghĩa là thực hiện “Tam Luân Không Tịch”: Người cho, vật cho, người nhận hoàn toàn thanh tịnh.
-Người cho phải với cung cách nhẹ nhàng thân thiện bởi vì “của cho không bằng cách cho” đôi khi còn ...mang ơn người nhận đã tạo cho mình cơ hội làm việc thiện. Không thể vừa cho vừa mắng: “Mày ăn cho mau, rồi xéo nhanh khuất mắt tao nhé”, hoặc là: “Tao nuôi mày, sau này mày nhớ trả ơn tao nghen”..v.v..
-Của cho phải trong sạch từ mồ hôi công sức mình tạo ra. Không thể từ tiền tham nhũng, trộm cắp, mánh mung moi tiền chính phủ rồi đem bố thí hay cúng dường...dù cúng nhiều chăng nữa đều đó sẽ chẳng bao giờ được phước. Một bé chăn trâu chỉ có nắm rơm khô cúng Phật vẫn được Phật chứng vì nhìn thấy cả tấm lòng của bé.
-Người nhận thì không so đo ít nhiều, tốt xấu, phân bì với kẻ khác... thì mới mong an lạc thanh tịnh.
Có ba loại bố thí:
-Tài thí: Nội tài, thân xác, hiến máu, nội tạng.
-Ngoại thí: Tiền bạc, nhà cửa.
-Pháp thí: Bố thí này quan trọng nhất đối với Phật tử. Bởi vì, khi mình cúng một bữa ăn hay tí tiền, người đó chỉ thụ hưởng trong chốc lát. Còn pháp thí đem lời hay lẽ thiệt, chân lý lời Phật dạy, khuyên và hướng dẫn người đó biết đi chùa niệm Phật tụng kinh, tu tập để ra khỏi sanh tử luân hồi điều đó mới rốt ráo hơn là tài thí.
Ngoài ra, để thực sự thanh tịnh, người con Phật bố thí còn cần đến “Chánh Niệm”, một trong “Bát Chánh Đạo” nữa: Biết rõ trách nhiệm mình đang làm là đem an vui cho chúng sinh mà không, khi thấy số tài lộc quá lớn rồi nảy sinh lòng tham xâm phạm lợi ích của tiền từ thiện mà điều này thường nhan nhãn trong cuộc sống.
Do vậy, để việc từ thiện cho đúng ý nghĩa và việc làm, người làm từ thiện ngoài lòng từ bi phải có trí tuệ soi xét để giữa người cho và người nhận đạt quả vị an lạc.
Nói về từ thiện thì lắm điều để bàn và lắm cách để làm. Có người chỉ thích tặng cần câu mà không cho con cá, có kẻ chỉ chuyên hỗ trợ giáo dục, y tế, có người thể hiện lòng từ bi hễ đâu có tiếng kêu xin là mở lòng ra không cần suy nghĩ gì cả.
Tựu trung dù dưới bất cứ dạng thức nào, thì việc làm từ thiện luôn mang ý nghĩa cao đẹp, chỉ những ai, hay tổ chức nào lạm dụng làm trái ý nghĩa của nó thì mới đem lại phiền não mà thôi.
Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, mỗi châu trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đều có thành lập một Tổng Vụ Từ Thiện với nhiệm vụ cao cả giúp đời, cứu người không phân biệt chủng tộc màu da hay tôn giáo nào với mục đích cứu tế nạn nhân để xoa dịu nỗi đau của thế gian. Giáo Hội đã tổ chức một cách qui củ từ nhân sự, chương trình, ghi chép báo cáo thống kê rõ ràng...đó là cách tạo niềm tin để duy trì và phát triển được.
Nam Mô Bổ Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Trần Thị Nhật Hưng
🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
Bài liên quan:
🏵️ Nghe Thầy Nguyên Tạng Giảng về Ý Nghĩa Từ Thiện (thơ của Diệu Danh
🌷 Ý nghĩa và việc làm từ thiện (Trần Thị Nhật Hưng)
🍀Ý nghĩa "Từ Thiện" và việc làm "Từ Thiện" (thơ của Thanh Phi, Minh Đạo (Tampere) & Minh Đạo (Saigon)