Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật dạy giữ thân không bệnh để tu

13/05/202508:57(Xem: 684)
Phật dạy giữ thân không bệnh để tu


phat tham benh de tu
Phật dạy giữ thân không bệnh để tu

Nguyên Giác




Bài này được viết với chủ đề ghi lời Đức Phật dạy rằng hãy giữ thân không bệnh, để có thể học và tu pháp giải thoát. Bài này được viết để làm tư lương cho tất cả những người con Phật khắp thế giới, trong mọi hoàn cảnh. Duyên khởi là vì cõi này rất vô thường, thân người lại mong manh, nếu chúng ta chưa tu tới đâu, mà thân bệnh nguy ngập thì sẽ có thể bỏ lỡ một kiếp này.

Bệnh và cái chết rất gần với chúng ta, như nhiều hoàn cảnh ghi trong kinh Phật, có trường hợp bị bò tông chết (như ngài Bahiya khi chứng quả A La Hán), có trường hợp cô gái 16 tuổi sau khi đắc quả Tu Đà Hoàn đã bị đầu thoi dệt đâm trúng ngực chết (Kinh Pháp Cú, Kệ số 174). Do vậy, tu là phải khẩn cấp, và phải giữ thân không bệnh. Bài này không bài bác bất kỳ hạnh tu nào, nơi đây chỉ chép lời Đức Phật dạy để độc giả tự tìm xem mình có thể thích nghi với hoàn cảnh nào. Kinh Phật dạy là bữa tiệc buffet mênh mông, nơi đó chúng ta có thể chỉ ăn một phần nhỏ là đủ để an lạc, giải thoát.

Trước tiên, Đức Phật nói rằng không bệnh là cần thiết ưu tiên. Trong Kinh Pháp Cú, hai bài Kệ 198 và 204 ghi rằng, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:

198. Vui thay, chúng ta sống,

Không bệnh giữa ốm đau!

Giữa những người bệnh hoạn,

Ta sống, không ốm đau.

 

204. Không bệnh, lợi tối thượng,

Biết đủ, tiền tối thượng.

Thành tín đối với nhau,

Là bà con tối thượng,

Niết bàn, lạc tối thượng.

 

Bởi vì thân người mong manh, nên phải cẩn trọng trong mọi trường hợp. Kinh EA 40.6 ghi lời Đức Phật dạy cách giữ thân cho không bệnh, nói rằng cần phải giữ gìn thân thể, trừ lạnh nóng, tránh cho gió mưa không chạm vào thân mình, sao cho bệnh cũ được lành, bệnh mới không sinh, tránh cả ruồi muỗi, khi thọ dụng giường ghế đừng khởi tâm xa hoa (nghĩa là, nên ngủ nằm, nhưng đừng mê đắm giấc ngủ), và nếu không thọ dụng tiện nghi thì sẽ bệnh (tai hại hữu lậu). Bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng trích như sau:

Sao gọi là lậu được đoạn bằng thân cận? Ở đây, Tỳ-kheo nắm giữ tâm khi nhận y, không vì trang sức mà chỉ muốn giữ gìn thân thể, muốn trừ lạnh nóng, muốn cho gió mưa không chạm vào thân mình; lại che thân thể không để lộ ra ngòai. Lại nữa, nắm giữ tâm theo thời khất thực, không khởi tâm nhiễm đắm, chỉ cốt giữ gìn thân thể khiến cho bệnh cũ được lành, mới không sinh; gìn giữ các hành không cho xúc phạm, an ổn lâu dài mà tu tập phạm hạnh lâu bền ở đời. Lại nắm giữ tâm ý, khi thọ dụng giường ghế, cũng không ham trang trí tốt đẹp, chỉ mong trừ đói lạnh, gió mưa, ruồi muỗi, giữ gìn thân mình để thực hành đạo pháp. Lại nữa, giữ tâm khi thọ dụng thuốc trị bệnh, không sanh tâm nhiễm đắm nơi thuốc trị bệnh kia, chỉ mong cho bệnh tật được trừ khỏi, thân thể được an ổn. Nếu không thọ dụng như vậy thì tai hại của hữu lậu sẽ phát sinh. Nếu thọ dụng như vậy thì tại hại của hữu lậu không sinh. Đây gọi là hữu lậu được đoạn bởi thân cận.” (ngưng trích)

Tới đây, chúng ta sẽ dễ gặp một câu hỏi: nên du hành hay nên chọn một trú xứ? Kinh MN 17 ghi lời Đức Phật dạy rằng nên tìm một khu rừng thích nghi. Kinh MN 17 bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau:

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh được định tĩnh; các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, nhưng những vật dụng cần thiết cho đời sống một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật này kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú … vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt … những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không phải vì món ăn khất thực … không phải vì sàng tọa … không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng trong khi ta ở tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú … vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy chỉ với suy tính này, phải ở lại khu rừng ấy, không được bỏ đi.” (ngưng trích)

Đức Phật cũng nhấn mạnh yếu tố phải tìm trú xứ nơi dễ dàng nghe kinh, học pháp, thân cận các Trưởng lão Tỳ kheo. Kinh AN 10.11, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi rằng cần tìm trú xứ xa nắng nóng, ít nguy hiểm, không gần và không xa làng xóm, nơi có nhiều cơ hội nghe kinh, học pháp. Kinh này trích như sau:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, trú xứ không quá xa, không quá gần, thuận tiện cho đi và đến, ban ngày không đông đủ, ban đêm không ồn ào, không huyên náo, ít xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, và các loại rắn rít. Trú tại trú xứ ấy, tìm được không mệt nhọc các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Tại trú xứ ấy, các trưởng lão Tỷ-kheo đến ở là những bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu, thường thường đến các vị ấy tìm hiểu, hỏi han: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì? “ Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa mở rộng, trình bày những gì chưa trình bày, đối với những vấn đề còn khởi lên những nghi vấn, vị ấy giải tỏa các nghi vấn ấy. Này các Tỷ-kheo, trú xứ như vậy thành tựu năm chi phần.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu năm chi phần, thân cận chia xẻ trú xứ thành tựu năm chi phần, không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí có thể chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.” (ngưng trích)

Kinh SN 16.1 ghi rằng nên sẵn sàng đón nhận sàng tọa, đón nhận thuốc chữa bệnh để giữ sức khỏe cho mình để tu. Bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau:

Tri túc, này các Tỷ-kheo, là Kassapa này, với bất cứ loại sàng tọa nào, và tán thán hạnh tri túc với bất cứ loại sàng tọa nào; và không vì sàng tọa, làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được sàng tọa, vị này không có dao động. Và nếu được sàng tọa, vị này dùng sàng tọa ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.

Tri túc, này các Tỷ-kheo, là Kassapa này, với bất cứ thuốc men trị bệnh nào. Và vị này tán thán hạnh tri túc với bất cứ loại thuốc men trị bệnh nào; và không vì duyên với thuốc men trị bệnh, làm điều bất chánh, bất xứng. Nếu không được thuốc men trị bệnh, vị này không có dao động. Và nếu được thuốc men trị bệnh, vị này dùng thuốc men trị bệnh ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ.” (ngưng trích)

Trong rất nhiều kinh, Đức Phật khuyến khích nên ngủ nằm. Bản thân Đức Phật cũng ngủ nằm. Kinh SN 4.7, bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau:

Rồi Thế Tôn sau khi đã đi kinh hành ngoài trời một phần lớn của đêm. Khi đêm đã gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào tịnh xá, và nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác và nghĩ đến lúc thức dậy.” (ngưng trích)

Một lần, ngài Mahàmoggallàna đang ngồi thì ngủ gục. Kinh AN 7.61 ghi rằng Đức Phật hiện ra, dạy cho ngài cách trừ ngủ gục, tuần tự nhiều cách: đừng tác ý tới nó, đừng nghĩ nhiều tới nó; nếu chưa hết ngủ gục thì hãy tùy quán pháp như đã học; nếu chưa hết thì hãy đọc tụng kinh như đã được học thuộc lòng; nếu còn ngủ gục thì kéo lỗ tai, xoa bóp tay chân; nếu chưa hết thì đứng dậy, lấy nước chùi mắt, nhìn về chân trời xa, về các vì sao; nếu còn ngủ gục thì tác ý tới ánh sáng, xem như ban ngày; nếu chưa hết thì đi bộ kinh hành, với tưởng trước mặt và với ý hướng nội; nếu còn ngủ gục thì hãy nằm theo thế nằm sư tử -- nghĩa là, nằm nhiếp tâm ưu thắng hơn ngủ ngồi. Kinh AN 7.61, bản dịch của Thầy Minh Châu trích:

Nếu Thầy trú như vậy, và thụy miên ấy không được đoạn diệt, thời này Moggallàna Thầy hãy nằm như dáng nằm con sư tử, về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý với tưởng thức dậy. Và khi thức dậy, này Moggallàna, Thầy hãy thức dậy thật mau, nghĩ rằng: “Ta sẽ trú, không có chú tâm đến lạc nằm ngủ, lạc nằm xuống một bên, lạc thụy miên”. Như vậy, này Moggallàna, Thầy cần phải học tập.” (ngưng trích)

Kinh SN 35.239 cũng ghi lời Đức Phật dạy về chú tâm tỉnh giác trọn mọi thời, cả ban ngày và ban đêm, khi ngủ cũng nằm như con sư tử. Bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:

Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chú tâm tỉnh giác? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Ban đêm canh một, khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Ban đêm canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên phải, trong dáng nằm con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý đến lúc thức dậy. Ban đêm trong canh cuối cùng, vị ấy thức dậy và trong khi đi kinh hành và ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chú tâm tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, đầy đủ ba pháp ấy, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ, và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc.” (ngưng trích)

 

Kinh EA 33.7 ghi lời Đức Phật nói rằng không nên du hành nhiều, trích theo bản dịch của 2 Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng:

Người du hành trường kỳ có năm sự khó. Sao gọi là năm? Ở đây, người thường du hành không tụng giáo pháp; giáo pháp đã tụng thì bị quên mất; không được định ý; tam-muội đã được lại thoái thất; nghe pháp nhưng không thể hành trì. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người du hành nhiều có năm việc khó này.

“Các Tỳ-kheo nên biết, người không du hành nhiều có năm công đức. Sao gọi là năm? Pháp chưa từng đắc sẽ đắc, pháp đã đắc rồi lại không quên mất, nghe nhiều mà ghi nhớ được, có thể đắc định ý, đã đắc tam-muội rồi không bị mất. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người không du hành nhiều có năm công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, không nên du hành nhiều.” (ngưng trích)

Đức Phật nhấn mạnh về ưu tiên hoằng pháp, do vậy kinh điển khuyến khích xây dựng giảng đường. Như trường hợp trong Kinh MN 94, ghi về cuộc nói chuyện giữa Bà-la-môn Ghotamukha với Tôn giả Udena, về cách cúng dường ưu thắng. Bản dịch của Thầy Minh Châu trong Kinh MN 94, trích như sau:

“-- Này Bà-la-môn, ta không được phép nhận vàng và bạc.

-- Nếu Tôn giả Udena không được phép nhận vàng và bạc, con sẽ cho làm một tinh xá cho Tôn giả Udena.

-- Này Bà-la-môn, nếu ông muốn xây dựng một tinh xá cho ta, thì hãy xây dựng một giảng đường cho chúng Tăng ở Pātaliputta.

-- Con lại càng bội phần hân hoan, hoan hỷ, thỏa mãn với Tôn giả Udena, khi Tôn giả khuyến khích con cúng dường chúng Tăng. Thưa Tôn giả Udena, với bố thí thường xuyên này và với bố thí thường xuyên khác về sau, con sẽ cho xây dựng một giảng đường cho chúng Tăng ở Pātaliputta.

Rồi Bà-la-môn Ghotamukha với bố thí thường xuyên này và với bố thí thường xuyên khác về sau, cho xây dựng một giảng đường cho chúng Tăng ở Pātaliputta. Nay giảng đường ấy được gọi là Ghotamukhi.”(ngưng trích)

Những lời dạy của Đức Phật ghi trên hẳn là thích nghi với đa số người học và tu theo Phật. Hãy luôn luôn nhớ rằng thân người rất mong manh, cần giữ cho thân  không bệnh để tu học.

 


THAM KHẢO:

- Kinh Pháp Cú, bài Kệ 198 và Kệ 204:

https://thuvienhoasen.org/p15a7962/pham-11-20

. Kinh EA 40.6: hãy giữ thân không bệnh, tránh nắng mưa, nên thọ dụng thuốc trị bệnh:

https://suttacentral.net/ea40.6/vi/tue_sy-thang

. Kinh MN 17: nên an trú ở khu rừng thích hợp, đừng bỏ đi:

https://suttacentral.net/mn17/vi/minh_chau

. Kinh AN 10.11, nên tìm trú xứ xa nắng nóng, ít nguy hiểm, không gần và không xa làng xóm, nơi có nhiều cơ hội nghe kinh, học pháp:

https://suttacentral.net/an10.11/vi/minh_chau

. Kinh SN 16.1: hãy sẵn sàng đón nhận sàng tọa, đón nhận thuốc chữa bệnh:

https://suttacentral.net/sn16.1/vi/minh_chau

. Kinh SN 4.7: Phật ngủ nằm nghiêng bên phải

https://suttacentral.net/sn4.7/vi/minh_chau

. Kinh AN 7.61: trừ ngủ gục:

https://suttacentral.net/an7.61/vi/minh_chau

. Kinh SN 35.239: Chú tâm tỉnh giác cả trong cách nằm:

https://suttacentral.net/sn35.239/vi/minh_chau

. Kinh EA 33.7: Du hành nhiều sẽ gặp khó:

https://suttacentral.net/ea33.7/vi/tue_sy-thang

. Kinh MN 94: xây giảng đường:

https://suttacentral.net/mn94/vi/minh_chau

.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/05/2025(Xem: 606)
Thế giới chưa bao giờ nhỏ bé như vậy. Thế kỷ 21 đã đem lại những thay đổi mà tổ tiên của chúng ta không thể tưởng tượng được. Dù rằng nhiều thế kỉ qua, những quốc gia có nền văn minh cao luôn đặt lòng tin vào khả năng suy nghĩ và hành động có lý trí của từng cá nhân mà họ mệnh danh là trí thức , hơn thế nữa họ luôn khuyến khích mỗi cá nhân phải trưởng thành trong độc lập và lý trí. Nhưng có thể nói con người ở thế kỉ 21 thiếu hiểu biết hơn là chúng ta tưởng và việc tin vào khả năng hành động lý trí của mỗi người là một sai lầm không nhỏ. Vì sao vậy
23/05/2025(Xem: 701)
Hành vi mặc y phấn tảo nhưng vẫn sử dụng điện thoại, quay video livestream, di chuyển bằng máy bay, kêu gọi tài trợ, không sống trong rừng, không y cứ nơi tịnh địa, là sự đánh tráo giá trị của hạnh đầu-đà, xúc phạm pháp tu thù thắng mà Đức Phật đã khai mở cho các bậc Thánh giả.
01/05/2025(Xem: 1094)
“Có thể nói, may mắn lớn nhất của tôi khi đặt chân đến Mỹ là được tiếp tục tu học tại Như Lai Thiền Tự- San Diego. Hòa Thượng Viện Chủ nơi đây là một vị Cha thứ hai của tôi. Ngài đã hy sinh, bươn chải, gồng gánh nhiều Phật sự lớn lao, để cho một chồi măng Tăng như tôi được tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường của mình...” – Chia sẻ của Thượng Tọa Thích Thường Tín. Với ứng dụng công nghệ hiện đại từ internet, vào Google gõ từ khóa “Chaplain Tommy Nguyen”, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy thông tin về Nhà Sư Tuyên Úy- Thượng Tọa Thích Thường Tín. Thầy còn có đạo hiệu là Thích Tuệ Hạnh được Đại lão Hòa Thượng Trúc Lâm- Thiền Sư Thích Thanh Từ ban cho năm 1997.
22/12/2024(Xem: 607)
Nghi kỵ, chia rẻ, lòng tham đem lại bao khổ đau bởi chiến tranh, các Tôn giáo chưa đủ năng lực cảm hóa lòng người, mặc dù Tôn giáo có mặt trong nhân loại từ hàng ngàn năm qua, nhưng Tôn giáo vẫn còn khép kín trong phạm trù Tín ngưỡng, phục vụ tín lý, tôn sùng niềm tin, bỏ quên cộng đồng sinh hoạt xã hội.
20/12/2024(Xem: 2541)
Đây là lần đầu tiên quý Huynh trưởng cao cấp của tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hải ngoại có cơ hội tiếp cận, thăm hỏi với Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ. Cuộc hầu chuyện này xảy ra vào ngày 29 tháng 4, 2021 lúc 8:30PM trên hệ thống Zoom. Sau đó chúng tôi đã gởi đến toàn thể quý Ban Hướng Dẫn các cấp Hải Ngoại và Quốc Gia và những Huynh trưởng có thẩm quyền; sau một thời gian dài im lặng, chúng tôi, vì lợi ích chung của số đông và nhiều người cũng như để tưởng nhớ và biết ơn tình thương bao la của Thầy nói riêng và của Giáo Hội nói chung dành cho tổ chức GĐPT Việt Nam trong và ngoài nước, nên xin mạo muội chia sẻ chung cho đại chúng và quý hàng huynh trưởng các cấp, và xin tóm lược lại những ý chính của cuộc hầu chuyện và lời dặn dò của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ:
09/11/2024(Xem: 1343)
Sự hiện diện Phật giáo Việt Nam tại Mỹ đã có hơn nửa thế kỷ, gắn liền với dòng chảy của lịch sử tỵ nạn và di dân sau chiến tranh và các biến cố chính trị. Trong suốt thời kỳ đầu, nhiều vị Tăng Ni đến Mỹ trong bối cảnh tị nạn, tuổi đã cao và gặp khó khăn trong việc hòa nhập vào xã hội mới do rào cản ngôn ngữ, văn hóa. Điều này đã dẫn đến một hình thức hoằng pháp tập trung chủ yếu vào cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, nhiều Tăng Ni trẻ đến từ Việt Nam và Ấn Độ thông qua các chương trình du học thậm chí có những vị có học vị tiến sĩ, và qua chương trình định cư Mỹ bằng visa tôn giáo EB-4. Những vị này đến Mỹ với một nền tảng học thuật và sứ mệnh hoằng pháp cho mọi chúng sinh, nhưng thực tế họ lại dường như bị lôi cuốn vào việc xây dựng chùa to, tượng lớn mà lãng quên trọng trách xiển dương Phật pháp đến cộng đồng người bản xứ.
03/11/2024(Xem: 1178)
Gia đình Phật tử cần cái Dũng ở mỗi một Huynh trưởng. Nguyên Vinh-Nguyễn Ngọc Mùi.
03/11/2024(Xem: 1149)
Trong tổ chức Gia Đình Phật Tử, vai trò và trách nhiệm của các thành viên chủ chốt như Tổng thư ký, Phó Trưởng Ban Điều Hành và Chủ tọa có thể được phân định rõ ràng để bảo đảm buổi họp diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Dưới đây là chi tiết về vai trò và trách nhiệm của từng vị trí.
03/11/2024(Xem: 1348)
Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp III – Vạn Hạnh là cấp trại huấn luyện cao nhất trong tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT), với mục đích đào tạo những Huynh Trưởng đầy đủ tài và đức để tiếp nối truyền thống di sản và lãnh đạo tổ chức trong tương lai. Các Huynh Trưởng tham dự trại này không chỉ là những người đã gắn bó với GĐPT từ thuở nhỏ, từ Oanh Vũ đến ngành Thiếu, ngành Thanh, và đã trải qua các trại huấn luyện cấp I và cấp II, mà còn là những cá nhân đã khẳng định phẩm chất, năng lực và sự hy hiến của mình cho tổ chức qua nhiều năm tháng sinh hoạt. Do đó, thành phần Ban Quản Trại cho trại Vạn Hạnh cần được chọn lựa kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng truyền thừa tốt nhất có thể, đúng với tinh thần và tôn chỉ của tổ chức.
02/11/2024(Xem: 1645)
Gia Đình Phật Tử là một tổ chức bất vụ lợi được xây dựng dựa trên tinh thần tự nguyện và tự giác của các thành viên. Mục tiêu chính của tổ chức là “Đào tạo thanh thiếu đồng niên trở thành những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.” Sứ mệnh này không chỉ giúp các thế hệ trẻ hình thành nhân cách tốt đẹp mà còn lan tỏa giá trị của Phật pháp vào cộng đồng và xã hội rộng lớn hơn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com