Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tâm Linh Nhưng Không Tôn Giáo: Tu Chánh Niệm Nhưng Không Giáo Hội

12/03/202516:31(Xem: 412)
Tâm Linh Nhưng Không Tôn Giáo: Tu Chánh Niệm Nhưng Không Giáo Hội

buddha-588
Tâm linh nhưng không tôn giáo:

Tu chánh niệm nhưng không giáo hội

 

Tác giả: Moon Joon-hyun

Dịch giả: Nguyên Giác

 

(Lời giới thiệu của dịch giả: Bài này nhan đề “Spiritual, but not religious: For more Koreans, mindfulness matters more than membership” [Tâm linh nhưng không tôn giáo: Với nhiều người Nam Hàn, tu chánh niệm quan trọng hơn là vào giáo hội] của nhà báo Moon Joon-hyun đăng trên báo The Korea Herald, số ngày 8 tháng 3/2025, nói về hiện tượng mới của nhiều người dân Nam Hàn ưa chuộng thiền tập chánh niệm nhưng không muốn gắn liền với các giáo hội. Một điểm cũng đáng chú ý ở Nam Hàn hiện nay là khuynh hướng hồi phục tín ngưỡng dân gian Shamanism, có thể dịch là tín ngưỡng Thầy Pháp dân gian, có thể đối chiếu phần nào tương đương như Đạo Mẫu tại Việt Nam. Bài này được dịch để quý Tăng, Ni và cư sĩ Việt Nam tham khảo. Bản tin dịch như sau.)

.... o ....

Tại Nam Hàn, "có tính tâm linh nhưng không tôn giáo" có nghĩa là rời giáo lý cứng nhắc để thực hiện các nghi lễ cá nhân, với cả từ thiền định trong chùa cho tới các truyền thống Thầy Pháp dân gian.

Nam Hàn, ít nhất là trong thời hiện đại, chưa bao giờ có một bản sắc tôn giáo tập trung vào một tín ngưỡng duy nhất. Người dân đã theo nhiều tôn giáo lớn, bao gồm Ky tô giáo, Phật giáo, Khổng giáo và các truyền thống Thầy Pháp dân gian, thường trộn lẫn và kết hợp các tín ngưỡng để phù hợp với nhu cầu riêng của họ. Bất chấp sự đa dạng và cách tiếp cận linh hoạt này, gần một nửa dân số của Nam Hàn tự gọi họ là tín đồ.

Tuy nhiên, trong các năm gần đây, việc tự xem mình là chính thức theo tôn giáo đang giảm thấy rõ. Hồi năm 2021, Gallup Korea thấy rằng 60% người Nam Hàn được xác định là không theo tôn giáo nào, tăng từ 50% hồi năm 2014 và 47% hồi năm 2004. Dữ liệu từ Hiệp hội Mục sư Ky tô giáo Quốc gia Hàn Quốc  (Korean National Association of Christian Pastors) và hồ sơ điều tra dân số của chính phủ cho thấy xu hướng tương tự -- ngày càng ít người, đặc biệt là thế hệ trẻ, gắn bó với tôn giáo có tổ chức.

Các nhà thờ từng tràn ngập giáo dân giờ đây chứng kiến ​​lượng người tham dự giảm dần, và số lượng người xin xuất gia trong Giáo đoàn Jogye (Dòng Tào Khê) của Phật giáo Hàn Quốc đã giảm nhiều kể từ cuối những năm 1990s.

Nhưng sự suy giảm rõ rệt trong các tôn giáo có tổ chức có thể không có nghĩa là khuynh hướng tâm linh đang mờ nhạt ở Nam Hàn. Nó có thể chỉ đơn giản là đang có những hình thức mới.

"Một số người gọi đó là 'phi tôn giáo hóa', nhưng tôi coi đó là 'tái tôn giáo hóa'. Người Hàn Quốc không từ bỏ việc thực hành tâm linh; họ chỉ đang tách mình khỏi giáo điều, hệ thống cấp bậc và các thể chế truyền thống", theo lời Brian Somers, giáo sư nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Dongguk, một trong những học viện liên kết với Phật giáo nổi tiếng nhất của Nam Hàn.

“Những gì họ muốn là một thứ gì mang tính cá nhân, kinh nghiệm được ― thứ gì giúp ích cho họ trong cuộc sống hàng ngày", theo lời ông.

Sự chuyển đổi này đặc biệt rõ ràng ở số lượng ngày càng tăng những người Nam Hàn tự nhận mình là “có khuynh hướng tâm linh nhưng không theo tôn giáo”, hay SBNR (spiritual but not religious), một xu hướng toàn cầu của những người tu học tâm linh mà không liên kết với các tổ chức tôn giáo truyền thống.

Tại Nam Hàn, khuynh hướng này thấy rõ trong sự phổ biến ngày càng tăng của các chương trình lưu trú tại chùa, các khóa tu thiền và ngay cả các nghi thức hoạt động của Thầy Pháp dân gian  -- mỗi hoạt động đều mang lại ý nghĩa và sự an ủi mà không phải là tư cách thành viên tôn giáo chính thức nào.

Sự trỗi dậy của 'tâm linh nhưng không tôn giáo' ở Nam Hàn

Giáo sư Chung Jae-young của Trường Thần học Graduate School of Practical Theology tại Icheon, Tỉnh Gyeonggi đã nghiên cứu kỹ lưỡng sự gia tăng của SBNR ở Nam Hàn. Nghiên cứu năm 2024 của ông về 1.000 người được xác định là không theo tôn giáo đã cho thấy rằng mặc dù nhiều người Nam Hàn từ chối tôn giáo có tổ chức, nhưng nhiều người vẫn tham gia vào các hoạt động tâm linh.

"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy 24%m người Nam Hàn không theo tôn giáo vẫn coi mình là người có tâm linh", ông giải thích. "Một số người vẫn thực hành thiền định hoặc cầu nguyện một cách riêng tư, trong khi những người khác khám phá các con đường tâm linh thay thế, bao gồm cả Thầy Pháp dân gian và bói toán. Sự khác biệt chính là những hoạt động này hiện được coi là lựa chọn cá nhân thay vì ràng buộc với bản sắc tôn giáo".

Một trong những chỉ số rõ ràng nhất của khuynh hướng này là sự tăng vọt số người tham dự các chương trình lưu trú tại chùa của Nam Hàn. Ban đầu được thiết kế để giới thiệu cho du khách về cuộc sống tu viện Phật giáo, các chương trình này đã phát triển thành các khóa tu thế tục thu hút mọi người từ mọi tầng lớp xã hội.

Chỉ tính riêng năm 2024, gần 620.000 người đã dự các khóa lưu trú tại chùa, đạt mức cao kỷ lục. “Mọi người đến đây vì nhiều lý do ― giảm căng thẳng, tự chiêm nghiệm, rời cuộc sống thường ngày”, theo lời Hòa Thượng Mandang, giám đốc Cultural Corps of Korean Buddhism, nơi giám sát chương trình lưu trú, cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 12 tháng 2/2025. “Không phải là cải đạo để vào Phật giáo; mà là tìm kiếm sự bình yên nội tâm”.

Lee Ji-hoon, một nhà thiết kế đồ họa 29 tuổi ở Seoul, là một trong những người đã tiếp nhận hình thức tâm linh này. Lớn lên trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, anh đã ngừng đi nhà thờ khi mới ngoài 20 tuổi nhưng không bao giờ mất cảm hứng đi tìm những câu hỏi sâu sắc hơn của cuộc sống. Anh cho biết: "Tôi không tin vào Thượng Đế như cha mẹ tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy cần một điều gì đó vượt ra ngoài thế giới vật chất".

"Một người bạn đã giới thiệu tôi đến chùa và tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy mình gắn bó với kinh nghiệm này đến thế nào. Thiền giúp tôi thanh lọc tâm trí và tôi cảm thấy bình yên mà tôi đã không cảm thấy trong nhiều năm. Tôi không tự nhận mình là Phật tử, nhưng tôi chắc chắn thấy được giá trị của những hoạt động này".

 

Tại sao Phật giáo đang thích nghi dễ dàng hơn

Phật giáo là tôn giáo lớn thứ hai của Nam Hàn. Một cuộc khảo sát năm 2024 của Hankook Research với 22.000 người trả lời cho thấy trong khi 51% người Nam Hàn không theo tôn giáo nào, thì 20% tự nhận mình là người theo đạo Tin lành, 17% là người theo đạo Phật và 11% là người theo đạo Công giáo.

Không như các nhà thờ Thiên chúa giáo, vốn phải gian nan để giữ chân các tín đồ trẻ, Phật giáo ở Nam Hàn đã tìm ra cách để thu hút nhóm dân số SBNR. Phần lớn thành công này bắt nguồn từ việc nhấn mạnh vào kinh nghiệm trực tiếp hơn là học thuyết.

“Phật giáo, đặc biệt là truyền thống Seon (Thiền), luôn đặt sự giác ngộ cá nhân lên trên các hệ thống đức tin cứng nhắc”, theo lời giáo sư Somers giải thích. “Điều này phù hợp với người tìm kiếm tâm linh hiện đại, những người coi trọng việc tự khám phá bản thân hơn là thẩm quyền của tổ chức”.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này, các tổ chức Phật giáo Nam Hàn ngày càng định hình giáo lý của họ trong ngôn ngữ của sức khỏe an vui và tâm lý học. Các chương trình chánh niệm và thiền định, trước đây chỉ giới hạn trong các ngôi chùa, giờ đây được cung cấp tại các trường đại học, văn phòng công ty và thậm chí thông qua các ứng dụng di động.

Đại học Dongguk đã tích hợp tư vấn thiền vào các chương trình tâm lý học của mình và sự phổ biến của K-meditation -- một hình thức thế tục hóa thiền Phật giáo Hàn Quốc -- tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, không phải ai cũng coi sự thay đổi này là hoàn toàn tích cực. Một số người lo ngại rằng các nguyên tắc của Phật giáo đang bị pha loãng để phù hợp với nhu cầu của ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.

"Có một ranh giới mong manh giữa việc làm cho Phật giáo dễ tiếp cận và biến nó thành một khuynh hướng tự lực khác", Somers cho biết.

“Câu hỏi đặt ra là liệu những cách tiếp cận mới này có duy trì được chiều sâu và nền tảng đạo đức của giáo lý Phật giáo hay chúng chỉ đơn thuần là những kỹ thuật giảm căng thẳng riêng lẻ tách biệt khỏi bối cảnh ban đầu của chúng.”

 

Đạo Tin lành đối mặt với sự ngờ vực ngày càng tăng

Trong khi Phật giáo đang thích nghi, thì Ky tô giáo — đặc biệt là Tin lành — đang gặp khó khăn. Một cuộc khảo sát khác của Hankook Research năm 2024 về thái độ tôn giáo cho thấy Phật giáo là đức tin lớn duy nhất được đánh giá tích cực trung bình, đạt 51,3 điểm, so với 48,6 điểm của Công giáo và chỉ 35,6 điểm của Ky tô giáo Tin lành.

Theo một nghiên cứu năm 2024 của Viện Nghiên cứu Christian Institute for the Study of Justice and Development, niềm tin của công chúng vào Ky tô giáo Tin lành đã bị xói mòn phần lớn do lo ngại về hoạt động truyền giáo hung hăng (31,8%), hư hỏng (25,9%) và phân biệt đối xử hoặc ngôn từ kích động thù địch (13,3%). Ngay cả trong số những người theo đạo Tin lành, 32,5% coi hư hỏng là vấn đề chính, những người khác chỉ ra tình trạng thiếu trách nhiệm xã hội.

Những nhân vật nổi tiếng như mục sư Tin lành Jeon Kwang-hoon đã làm tổn hại thêm danh tiếng của Ky tô giáo. Nhà lãnh đạo cực hữu của Nhà thờ Sarang Jeil đã trở thành tâm điểm của tranh cãi chính trị, công khai ủng hộ tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol vào tháng 12/2024. Lời lẽ kích động của ông đã gây chia rẽ ngay cả trong các cộng đồng Tin lành.

 

Một tương lai tâm linh pha trộn?

Khi sự liên kết tôn giáo theo thể chế tiếp tục suy giảm, liệu tâm linh ở Nam Hàn có trở nên hoàn toàn mang tính cá nhân không?

Giáo sư Chung không nghĩ vậy.

“Nam Hàn luôn có cách tiếp cận tôn giáo theo kiểu dung hợp -- mọi người pha trộn và kết hợp các niềm tin để phù hợp với nhu cầu của họ. Nếu chúng ta định nghĩa tôn giáo một cách nghiêm ngặt là các tổ chức có tổ chức, thì đúng, nó đang mất dần vị thế. Nhưng nếu chúng ta định nghĩa nó là hành trình tìm kiếm ý nghĩa của nhân loại, thì không -- nó chỉ đơn giản là đang tiến hóa”, giáo sư cho biết.

Một tương lai có thể xảy ra là sự xuất hiện của các cộng đồng tâm linh mới hoạt động bên ngoài khuôn khổ của tôn giáo truyền thống. “Các nhóm thiền nhỏ, các mạng lưới tâm linh trực tuyến và thậm chí cả các hoạt động kết hợp giữa Phật giáo, Thầy Pháp dân gian và tâm lý học có thể trở nên phổ biến hơn”, Chung nói thêm.

Đối với một số người, như nhà thiết kế đồ họa Lee, cách tiếp cận linh hoạt này mang lại cho anh sự giải thoát. “Tôi không cảm thấy bị áp lực phải thuộc về một tôn giáo cụ thể nào, nhưng tôi vẫn có một cuộc sống tâm linh”, anh nói. “Tôi thiền định, tôi chiêm nghiệm và tôi cố gắng sống với chánh niệm. Có lẽ thế là đủ”.

Đối với những người khác, như Kim Min-ji, một nhà tiếp thị 35 tuổi tự nhận cô là người theo thuyết bất khả tri nhưng thường xuyên tham dự các khóa tu thiền, câu hỏi về tâm linh vẫn còn bỏ ngỏ.

"Tôi không biết liệu mình có bao giờ gắn bó với một tôn giáo nào không", cô nói. "Nhưng tôi biết rằng khi tôi ngồi im lặng, tập trung vào hơi thở, tôi cảm thấy kết nối với một điều gì đó lớn hơn chính mình. Có lẽ đó là tất cả những gì tôi cần."

NGUỒN:

Spiritual, but not religious: For more Koreans, mindfulness matters more than membership

https://www.koreaherald.com/article/10435328

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/03/2025(Xem: 66)
AJANTA MỘT DI TÍCH PHẬT GIÁO NGOẠI HẠNG Hoang Phong Phật giáo là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại vẫn còn tồn tại và đang phát triển ngày nay. Tuy nhiên theo dòng biến động của lịch sử thì Phật giáo cũng không tránh khỏi những thăng trầm. Nếu Phật giáo đã từng gián tiếp hay trực tiếp mang lại chữ viết, văn hóa, triết học và lịch sử cho một số quốc gia trên địa cầu và đánh dấu một cấp bực tiến hóa cao độ cho kho tàng tư tưởng của nhân loại thì Phật giáo cũng đã từng bị hủy diệt ở Ấn độ và nhiều nơi khác.
15/03/2025(Xem: 76)
Cách nay năm mươi năm, một chuỗi dài biến cố thật kinh hoàng xảy ra trên giải đất quê hương. Có những người còn nhớ, có những người đã quên. Quên hay nhớ tùy thuộc từng mỗi cá thể. Một xúc cảm thật mạnh thường lưu lại một vết hằn thật sâu, thế nhưng ký ức cũng lu mờ với thời gian, các xúc cảm khác mới hơn có thể che lấp hoặc hàn gắn các vết hằn của quá khứ. Nhớ hay quên do đó tùy thuộc quan điểm của mình, vị trí của mình, những gì từng xảy ra với mình đối với chuỗi dài biến cố đó và cả cuộc sống của mình sau đó. Hơn nữa, sau khoảng thời gian năm mươi năm trong cuộc sống, có những người đã già trí nhớ lu mờ, có những người nằm xuống mang theo với mình cả một thời quá khứ, có một thế hệ trẻ lớn lên đẩy lùi các biến cố đó vào lịch sử.
14/03/2025(Xem: 96)
Nhân lễ hội HOLI, tết Ấn Độ. Hòa chung niềm vui và chia sẻ với người dân nghèo xứ Phật có chút quà vui 3 ngày Tết, ngày hôm qua (12, 03, 25) chúng con, chúng tôi đã thực hiện một buổi phát quà tại hai làng nghèo Niranjana Village & Sujata Village. Xin được gửi một vài hình ảnh tường trình thiện sự cùng quý vị ân nhân đã phát tâm bố thí.
12/03/2025(Xem: 1171)
Xin mời Quý vị đọc những đoạn thơ dưới đây và hãy cùng chúng tôi thực tập: (1):Một tấc thời gian, một tấc vàng. Cố đừng lãng phí tấc thời gian. Phải lo tranh thủ từng giây phút Mà gắng chăm TU kẻo lỡ làng!
12/03/2025(Xem: 77)
Đạo Phật hình thành và phát triển suốt 26 thế kỷ qua, dòng Phật sử cũng như thế sử liên lỉ với những thăng trầm biến thiên. Phật giáo truyền đến đâu thì kết hợp với phong thổ, văn hóa, tập quán và căn cơ của người địa phương ấy mà hình thành nên những dòng truyền thừa khác nhau, trong các dòng truyền thừa ấy lại có nhiều tông môn pháp phái khác nhau nữa, tất cả cũng vì căn cơ của con người địa phương.
12/03/2025(Xem: 94)
Sau một thời gian dài trăn trở suy nghĩ về con đường đi đến tương lai, tâm ý luôn giằng xé giữa tiến – lui mà không sao quyết đoán được. Vĩnh Thanh cứ như người đứng giữa con đường không tên, con đường vạn dặm, nhìn phía trước hun hút xa le lói ánh sáng nhưng không biết bao giờ có thể với tới được, nhìn về sau thì thăm thẳm mịt mù như sương khói che khuất cả lối đi về. Vĩnh Thanh như người mộng du giữa cuộc đời, những lý tưởng mãi lung linh nhưng sự thèm khát và đòi hỏi nhục dục của thân xác cũng riết róng khó cưỡng lại nổi.
12/03/2025(Xem: 96)
Thế là mùa xuân đến trễ những sáu tuần bởi vì ngày đầu tiên những con groundhogs ra khỏi hang gặp phải ngày nắng, nếu hôm ấy trời mưa thì xuân sẽ đến sớm hơn sáu tuần. Đây là kinh nghiệm về thời tiết của người thổ dân bản địa Bắc Mỹ (Indian native). Điều này cũng giống như người Việt ta, khi thấy én về là biết xuân sang, cánh én chở mùa xuân, báo hiệu xuân. Loài vật có những khả năng đặc biệt mà con người không có được, chẳng hạn như chúng có thể biết trước động đất, sóng thần…mặc dù con người tự phụ văn minh và phát triển cao.
08/03/2025(Xem: 535)
“Quay đầu là bờ” là thuật ngữ trong nhà Phật thường hay dùng để chỉ cho những người ‘lầm đường lỡ bước’, làm những chuyện xấu ác, bất thiện, gây khổ đau cho nhiều người và cho bản thân do vô minh, chấp thủ ái dục, nghiệp báo chi phối, và khi hữu duyên nghe được chơn chánh pháp vi diệu, liền giác ngộ chơn lý vô thường, khổ, và vô ngã, ngay tức thời gác lại quá khứ bất hảo, bỏ tà theo chánh, đoạn ác tu thiện, thể nhập Thánh Pháp cho đến chứng đắc đạo quả cao thượng A La Hán, giải thoát khổ đau.
08/03/2025(Xem: 289)
Kính gửi Đạo hữu Tâm Diệu Ngọc và chư thiện hữu hảo tâm Canada. Xin tường trình giếng nước 3 Tình thương do quý thiện hữu phát tâm Bố thí cho dân nghèo xứ Phật vừa được hoàn tất hôm nay. Xin tri ân Công Đức thật nhiều!! Kính chúc quý thiện hữu cùng gia quyến vô lượng an lành trong hồng ân Tam Bảo. Sadhu, Lành thay!!
08/03/2025(Xem: 505)
I)- Thế nào là bố thí? Bố là chia bày ra, thí là trao tặng, cho. Bố thí là đem năng lực vật chất như của cải tiền bạc của mình hiến dâng chia tặng cho người, hoặc đem trí tuệ như giảng nói các điều hay lẽ phải trong đời sống, đem các chân lý do Phật dạy giải thích lại cho người”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com