Danh ngôn & Thơ ca
& Kinh, Sách trên mạng ảnh hưởng gì cho việc tu học ?
Đôi khi có đọc kinh Phật và những bài thơ ca, những danh ngôn và nhiều tác phẩm mới thấy mọi vấn đề phức tạp đều có thể giải quyết thỏa đáng. Chỉ cần chúng ta biết thoát ra khỏi lối suy nghĩ thông thường.
Nếu Rene Descartes đã từng nói “ Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua.”-thì việc hiểu rõ lời kinh Phật một cách rõ ràng chính xác theo đúng giáo lý Tứ Thánh Đế và Duyên khởi của Đức Thế Tôn siêu việt của chúng ta thì lợi ích trong cuộc sống không thể nào mô tả được.
Và bây giờ đi sâu vào từng tiết mục bạn nhé,nhất là gần đây trên YouTube có nhiều bài đọc các danh ngôn của nhiều vĩ nhân và thiên tài kể cả Đức Phật và các danh tăng trong thời đại mới như Ngài Ajahn Chah.và Ngài Jiddu Krishnamurti .
Vậy mời các bạn cùng hãy trở về trước hết tìm hiểu “Danh ngôn” là gì ?
Danh ngôn là những câu nói của các lãnh tụ, danh nhân, các nhà văn, nhà thơ lỗi lạc, có xuất xứ từ sách vở. Vì những lời nói có tính triết lý chứa đựng một đạo lý một chân lý hay một suy nghĩ tốt đẹp về cuộc sống, về con người, được nhiều người thừa nhận. Danh ngôn thường rất trau chuốt.
Thí dụ:
“Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân" (Những điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác)- Khổng Tử
“Tri bỉ tri kỉ, bách chiến bách thắng" (Biết mình biết người, trăm trận đánh trăm trận thắng) - Tôn Tử
-“Sự mất niềm tin khủng khiếp nhất là mất niềm tin vào chính bản thân mình”.-Thomas Carlyle
- “Lý tưởng ở trong chính ta. Cản trở vươn tới nó cũng ở trong chính ta. Tình cảnh của ta chính là chất liệu để ta xây dựng nên lý tưởng đó”- Thomas Carlyle
-Trí tuệ của con người cần có sự trau dồi, thực tập và phát triển. Hãy hành động và ra ngoài thế giới rộng lớn ngoài kia để hiểu hơn về bản thân và con người- Leonardo da Vinci
Đôi khi nếu được dùng quen thì những tục ngữ,ca dao cũng được xếp chung vào danh ngôn và không để ý đến tác giả. “Con người chỉ là một cây sậy yếu nhất trong thiên nhiên, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ" và "Một cây làm chẳng nên non-Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Còn thơ ca thì sao ?
Anatole France đã từng nói “ Đọc một câu thơ là ta có thể gặp gỡ tâm hồn một con người “ và ông nhận xét thêm một câu thơ hay là câu thơ có giá trị nội dung mới mẻ mà sâu sắc.
Hơn thế nữa thơ ca là nơi người nghệ sĩ giải bày tâm sự, cảm xúc và rung động suốt cuộc đời, có thể mỗi vết thương là một sự trưởng thành, nếu được chia sẻ cho người đọc hiểu rằng vì đâu từ những khắc nghiệt nhất của cuộc đời mà người ấy có thể thay đổi để biến cây dó thành trầm hương, kỳ nam nếu được như vậy thì người đọc sẽ được thanh lọc, hoàn thiện mình hơn.
“Dó lâu năm mới thành KỲ
Đá kia lăn lóc có khi thành vàng
Đau thương, dó biến thành trầm
Chuyến đò sinh mệnh khó khăn vững chèo”
( không tìm thấy tên tác giả)
Thế nhưng….
Sách lại là con đường ngắn nhất giúp con người tiếp cận với tri thức của nhân loại. Có biết bao danh nhân đã để lại những câu nói hay cho thế hệ đời sau cần chiêm nghiệm vì “Một quyển sách hay là đời sống xương máu quý giá của một tinh thần ướp hương và cất kín cho mai sau” - (J.Milton)
Người viết thật bàng hoàng xúc động khi đọc được những lời phát biểu như sau:
1- Cuốn sách tốt nhất cho bạn là cuốn sách nói nhiều nhất với bạn vào lúc bạn đọc nó. Tôi không nói tới cuốn sách cho bạn nhiều bài học nhất mà là cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Và điều đó phụ thuộc vào tuổi tác,trải nghiệm, nhu cầu về tâm lý và tinh thần.” - Robertson Davies
2- Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một nửa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng.” - Robertson Davies
Và quả thật với kinh nghiệm tuổi đời chồng chất , bây giờ người viết mới nhận ra rằng “Chính nhờ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời” . (Victor Hugo).
Thật ra cũng cần phải có có đủ ý chí nghị lực, chắc chắn không có chướng ngại nào có thể ngăn cản được bước chân mình để đạt đến hướng đi và mục đích của mình, đúng như Thomas Jefferson đã nói:”Không một quyền lực nào có thể ngăn cản được một người có thái độ, tinh thần đúng đạt được mục đích của mình. Và không gì trên đời có thể giúp một người có thái độ, tinh thần không đúng đạt được thành công”
Và đúng như Ngài Ajahn Chah “ Chỉ có một quyển sách đáng đọc nhất. Đó là TÂM CỦA CHÍNH MÌNH ” —-“Phật giáo là Đạo của Tâm, thế thôi - Người nào đào luyện Tâm, người ấy thực hành Phật Giáo “
Tâm không sáng bạn nhìn đâu cũng tối.
Tâm hận thù lòng bặt lối yêu thương
Tâm ganh tỵ, đố kỵ khó chung đường
Tâm địa quán thơm hương ngời TUỆ GIÁC.
( không rõ tác giả)
Và Krishnamurti thì dạy rằng “ quan trọng là hiểu chính mình. Tự biết mình là khởi đầu của trí tuệ. Tự biết mình là không rập khuôn theo bất kỳ sách vở, triết gia, nhà tâm lý nào, mà là biết chính mình như ta là trong từng khoảnh khắc. Biết mình là quan sát những gì ta nghĩ, ta cảm nhận, không chỉ trên bề mặt, mà nhận thức thật sâu cái đang là nhưng không hề lên án, phán xét, đánh giá hay so sánh.
Và nếu là một người Phật tử thuần thành thì phải hiểu thêm điều này: “Muốn tu thì phải tích lũy nhiều công đức. Người giàu công đức khi tu sẽ chóng đạt kết quả. Công đức giúp tăng phước, tăng thọ, giúp mọi việc suôn sẻ dễ dàng. Cả trong đời sống hàng ngày cũng vậy, công đức rất cần thiết. Công đức phải dồi dào đường tu mới thoát chướng ngại, đạt kết quả” lời từ một vị Thầy, mà người viết thường xuyên được tiếp cận.
Do vậy: Việc áp dụng danh ngôn và giáo pháp lại cần đến sự thực hành của chính đương sự nữa. Cho nên Phật nói sống trên đời này con phải sống làm sao mà đối với trần cảnh con là một tấm lưới không bị gió cuốn. Gió thổi vào lưới thì nó không bị vướng mắc gì ….Con phải sống như là cái đầu kim. Khi 6 căn như đầu kim và 6 trần như hột cải thì hột cải không thể đứng trên đầu kim……. Con phải giữ 6 căn trên 6 trần như là nước trên lá sen. Nước đi đường nước, sen đi đường sen. Có như vậy con mới được an lạc.
Cũng vậy trong “CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT KHỔ “của HT Hộ Pháp trong đó có đoạn được xem là chính yếu: “Phàm làm người, hề có Thân là khổ thân, hễ còn phiền não là còn Khổ Tâm.-Khổ Tâm và Khổ Thân thuộc về NGŨ UẨN, do đó có Ngữ Uẩn là có Khổ “
Ngài Hộ Pháp đã viết thêm:
“ Khổ là Sự Thật, là chân lý của tất cả chúng sinh nói chung và con người nói riêng . Mỗi người đều phải chịu đựng Khổ , song, Khổ ít hay nhiều của mỗi người không giống nhau và sự giải thoát Khổ của mỗi người cũng không giống nhau. “
Ngài đã chỉ dạy thêm rằng:
Thật ra quan niệm Khổ của mỗi người hoàn toàn tuỳ thuộc vào Quả của Nghiệp và trình độ nhận thức của mỗi người. Do đó con đường thoát khổ của mỗi người cũng phải thích ứng với môi trường và thời đại, hoàn cảnh xã hội mà họ sinh sống và trình độ nhận thức của họ nữa.
Lời kết:
Kính xin mượn một câu trả lời của HT Viên Minh như sau: “Muốn hiểu Đạo Phật con cần hiểu bản thân con hơn tìm hiểu Bắc Tông hoặc Nam Tông. Điều gì nói đúng bản thân con, cho con thấy nhận thức và hành vi nào đưa đến phiền não khổ đau, nhận thức và hành vi nào đưa đến thấy ra sự thật và thoát khỏi ảo tưởng thì sống với sự thật đó mới đúng là đạo Phật chân chính”.( giải đáp một câu hỏi ngày 18/7/2022)
Như vậy việc áp dụng kinh sách danh ngôn, thơ ca vào cuộc sống mình hoàn toàn phụ thuộc vào sự thấu hiểu bản thân mình.
Đó là khả năng nhận thức rõ ràng về những suy nghĩ, cảm xúc, thái độ, hành động của bản thân tại một thời điểm nhất định. Điều này đòi hỏi sự quan sát, phân tích và tự đánh giá một cách khách quan về bản thân nhằm định hướng, thay đổi hành vi và hành động một cách tích cực.
Việc thấu hiểu bản thân cũng là bước đầu tiên để có thể thấu hiểu, chấp nhận người khác và xây dựng được những mối quan hệ tốt hơn trong cuộc sống.
Kính trân trọng chia sẻ,
Chỉ nhẹ nhàng, thật thầm lặng để hiểu rõ
Bản thân mình với điểm mạnh điểm yếu thế nào
Hãy là phiên bản chính mình - đừng làm bản sao
Trí tuệ cảm xúc (EQ) ….
sẵn sàng tiếp nhận quan điểm mới !
Rất tự tin rằng “ Mục đích với lộ trình hướng tới “
Luôn mang lại năng lượng cải thiện chuyển hoá ngay
Giá trị đạo đức được xác định ..(1)
khi tương tác liên hệ bên ngoài
Thì kinh sách, thơ ca, danh ngôn
nếu được chọn lựa kỹ sẽ hữu ích
Vì thực nghiệm khéo kiên trì là “Mẹ của mọi tri thức” (2)
Huệ Hương
———————-
Hai câu nói của Leonardo da Vinci
(1) Who sows virtue reaps honor."Người gieo đạo đức gặt hái vinh dự”
.(2) "All sciences are vain and full of errors that are not born of Experience, the mother of all Knowledge."Khoa học rỗng tuếch và đầy sai lầm nếu không sinh ra từ Thực nghiệm, người mẹ của mọi Tri thức” .