Di tích Ban Phát Thanh Phật Giáo Đà Lạt
Ngày 18 tháng 3 năm Duy-Tân thứ 10 (20-04-1916), Hội Đồng Nhiếp Chính Nam-Triều Huế ra thông báo: Dụ thành lập thị trấn Dalat.
Đồng thời ngày 30-05-1916: Khâm Sứ Pháp Triều J.E Charles cũng ký Nghị Định thành lập thị trấn Dalat.
Sau đó ngày 31-10-1920: Toàn Quyền Maurice Long của Liên-Bang Đông-Dương (Việt Nam + Lào + Cao Miên) chọn Dalat làm nơi nghỉ dưỡng nên ra Nghị Định:
1) Khu tự trị trên Cao Nguyên LangBian, đất đai là của thị trấn Dalat.
2) Nay thành lập: Sở Nghỉ Dưỡng LangBian và Du Lịch Nam Trung Kỳ
Do đó, năm 1925 thị trấn Dalat mới chiêu mộ được 2242 người để quản lý, kiến thiết, xây dựng và phục vụ thị trấn.
Từ Dụ thành lập thị trấn Dalat của Nam Triều, Triều đình Huế bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Dụng vào Dalat làm Quản Đạo đầu tiên cùng với đoàn nhân viên tùy tùng. Nay di tích còn lại là cầu Ông Đạo; Dinh Quản Đạo hiện nay là cửa hàng Lotte; và đồn lính tùy tùng tọa lạc trên đồi đường Lê Thị Hồng Gấm.
Thời gian cùng tạo lập thị trấn Dalat có: Bên Pháp Triều là ông Quignac và bên Nam Triều là ông Nguyễn Văn Dụng. Do đó mà người miền Trung vào Dalat rất sớm và chiếm đa phần.
Thời kỳ đó, phong trào nghiên cứu và tu học Phật Giáo đang phát triển theo Tịnh Độ Tông, xuất phát từ các Chùa Từ Đàm, Chùa Tường Vân, Chùa Từ Hiếu thành phố Huế (hoặc báo Thông Thiên Học) với khuynh hướng thay thế Khổng Giáo và Lão Giáo.
Trong khi đó thành phố Dalat mới có Chùa Linh Quang tọa lạc cuối đường Hai Bà Trưng, do Hòa Thượng Thích Minh Cảnh Trú Trì và trường Tuệ Quang do Thượng Tọa Thích Thiện Tấn làm Hiệu Trưởng và Đại Đức Thích Nhật Hạnh là Giám Học.
Vì thành phố Dalat là trung tâm Tự Trị của người Pháp, do đó người Việt Nam còn thưa thớt, người bản địa còn lạc hậu, khó khăn về mọi mặt, tín ngưỡng chưa có chủ đích... Các vị tu sĩ Thiên Chúa Tây Phương tự nguyện đi sâu vào các buôn, ấp, rừng núi xa xôi để giúp đỡ dân bản địa và truyền giáo (điển hình như: Père Le Rois).
Cùng với quan điểm, cảm nhận này, các vị tu sĩ Phật Giáo, các vị bô lão, các vị cố cựu Dalat phát nguyện chí tâm chung sức xây dựng cho thành phố Dalat một ngôi Chùa theo nét cổ kính Phật Giáo, lý tưởng tâm linh cho các Phật Tử đời này và hậu duệ các đời sau ...
Do vậy năm 1938 các vị như bác Nguyễn Văn Tiếng, bác Võ Đình Dung, Bác sĩ Lê Đình Thám, bác Nguyễn Vỹ (báo Dân Ta), bác Nguyễn Hữu Phú, bác Nguyễn Văn Tiêu, bác Ưng Quyền, bác Lê Xuân Huệ, bác Nguyễn Thoại Chi, bác Huỳnh Ngọc Suyền, bác Hai Soạn, bác Tích, bác Hiền, bác Cự, bác Sáu Còm, bác Xu Tùng, bác Phạm Xuân Gia, bác Nguyễn Sĩ Duyến, bác Đồng Văn Cảnh v.v... đã tích cực tham gia xây dựng ngôi Chùa Linh Sơn từ năm 1938 và đến năm 1940 thì hoàn thành.
Đây là ngôi Chùa hiển thị được nét Phật Giáo đầu tiên tại thành phố Dalat, mà cũng là chùa Tỉnh Hội. Là nơi mà Phật Tử Dalat, Phật Tử Tỉnh Hội, Phật Tử các nơi đến Dalat cần có để chiêm bái, để phát triển tu học Phật Pháp và phổ biến tâm linh Tịnh Độ.
Nhưng từ năm 1940 cho đến năm 1956, người Việt Nam ở Dalat vẫn còn hạn chế vì ảnh hưởng Dalat là trung tâm Tự Trị và là nơi nghỉ dưỡng của người Pháp. Vì vậy nên Ôn Bích Nguyên, Thầy Mãn Giác và các bác trong ban Tri Sự quyết định thỉnh Thầy Thích Thiện Châu (đang điều hành tu viện Phật Giáo Nha Trang) lên Dalat thuyết giảng hằng tuần vào tối thứ Bảy. Nhưng từ Nha Trang đi Dalat chưa có xe đò. Đường bộ từ Tháp Chàm lên Dalat còn thô sơ. Đường sắt còn hạn chế, mỗi ngày chỉ có một chuyến. Do đó Thầy phải tự lái xe Traction từ Nha Trang lên Dalat một mình, rồi tự lái xe về nên rất là nhiêu khê.
Trong khi đó Thầy phát hiện TP Dalat đang có đài Phát Thanh hoạt động hằng ngày vào chiều và tối. Máy móc thiết lập là của Pháp và các tỉnh lân cận đều bắt được vì cùng một tần số (Frequency) và ở độ cao 1550m so với mặt nước biển. Từ ý tưởng phổ biến, phát tán tài liệu tu học Phật Giáo đến mọi người, mọi giới, mọi nơi, Thầy đã đề nghị ban Tri Sự chùa Linh Sơn thành lập ban Phát Thanh Phật Giáo và được phát trên Đài Phát Thanh Dalat. Thầy sẽ cung ứng và gởi lên Dalat các tài liệu và giáo lý Phật Giáo để phối hợp với các tài liệu mà các miền, các tỉnh cung ứng cho chùa Linh Sơn Dalat để phát thanh.
Đây là một trong những phương tiện nghiên cứu và tu học Phật Giáo mà mọi người, mọi nhà, mọi nơi đều tiếp thu được. Kết quả trong cuộc họp về sáng kiến nầy tại chùa Linh Sơn, Giáo Hội Chùa và các Phật Tử đều hoan nghênh, tán thành ý tưởng mới lạ này của Thầy Thích Thiện Châu. Đồng thời thỉnh Thầy Mãn Giác làm Trưởng ban Phát Thanh, Thầy Thích Thiện Châu làm Cố vấn, anh Nguyễn Hữu Thạnh làm Phó ban và điều hành Phát Thanh.
Ngay trong buổi họp đã có ý kiến là Phát Thanh liên tục hằng tuần mà mục đích là tín ngưỡng và tu học. Nhưng như vậy nội dung thể hiện chỉ có các tài liệu về Phật Giáo, Phật Pháp và giáo lý thì có vẻ khô khan. Do đó đã có đề nghị nên đưa Ngâm Thơ và Nhạc Phật Giáo vào giữa các tiết mục để tạo buổi phát thanh sinh động và phong phú hơn. Đồng thời các bài nhạc Phật Giáo sẽ đi vào tiềm thức của các em thanh thiếu nhi và oanh vũ. Thưa đó cũng là một phương thức truyền giáo và tu học vậy!
Mùa hè năm 1956 (trước khi đoàn quán GĐPT bị cháy) thì Ban Phát Thanh Phật Giáo Dalat được thành hình và được phép phát thanh hằng tuần vào chiều ngày thứ Hai lúc 18 giờ 15 trên Đài Phát Thanh Dalat.
Buổi phát thanh đầu tiên có Thầy Thiện Châu nán lại để hướng dẫn và giao tiếp với Đài. Tuy vậy các anh chị em trong Ban Phát Thanh đều bỡ ngỡ và hồi hộp với 4 lý do vì đây là phương thức phát thanh trực tiếp:
1. Ban Phát Thanh phải chuyên nghiệp vì Phát Thanh TRỰC TIẾP lên sóng, không được ngưng để sửa sai, hoặc muốn phát lại. Giọng đọc phải sắc bén, rõ ràng, không được ho. Mọi sự điều hành đều ra dấu bằng tay.
2. Nhưng các anh chị tham gia đều được tuyển từ các ngành nghề khác nhau, không chuyên nghiệp, thì giờ rảnh rỗi không đồng nhất.
3. Thời kỳ đó chưa có phương tiện thu trước rồi phát sau. Vì lý do chưa có đĩa nhựa 45 tours, chưa có băng AKAI, chưa có băng cassette hay USB. Mà chỉ có ĐĨA THAN của Pháp rất đắt, chỉ thu được duy nhất một lần với âm thanh rất hạn hẹp.
4. Sau buổi phát thanh thứ hai thì anh Nguyễn Văn Sắc, anh Nguyễn Ấn, anh Hoàng Thuyên xin rút vì thì giờ phát thanh ảnh hưởng đến việc làm ở Nha Địa Dư, chỉ có thể tham gia những ngày lễ lớn hoặc ngày Chủ nhật.
Như vậy Ban Phát Thanh chỉ còn anh Nguyễn Hữu Thạnh là biên tập + điều hành và giới thiệu; chị Yến Lương là xướng ngôn viên và ngâm thơ.
Ban nhạc còn lại: anh Nguyễn Văn Thành (accordeon), anh Trần Ngọc Dần (mandoline), anh Miện (piano), anh Mão (Ngô Quyền: guitar)
Đợt I: Ban hát Nam: anh Huân, anh Ngô Nghĩa, anh Lân, anh Hội, anh Mùi, anh Trường
Ban hát Nữ: chị Yến Lương, chị Mộng Hoa, chị Mộng Ngân, chị Vân (Nguyễn T Phương), chị Vân (M.Mạng), chị Nguyệt (Ng Biểu), chị Mỳ (Ng Trỗi)
Đợt II: Sau một thời gian, các anh và các chị phải rời Ban Phát Thanh để đi các tỉnh khác làm việc hoặc lập gia đình v.v… Trong khi đó Ban Phát Thanh lại được bổ sung anh Lê Uyên Phương (violin). Hát: chị Bích Đào, chị Tuyết Anh, chị Lân Anh, chị Thanh (Du Sinh), chị Loan (PĐ Phùng), chị Tâm (ĐT Điểm), chị Trang (M Mạng).
Đợt III: Phối hợp Phát Thanh có:
- Bác Chỉ (PN Lão) Gia trưởng Gia Đình Phật Tử Dalat
- Bác Thụ (Du Sinh), cô Vân (PĐ Phùng) - ban Từ Thiện
- Thầy Quảng Thành, Thầy Phạm Thiên Thư: Tuyên Úy Phật Giáo
Đợt IV: Thời sự biến chuyển của tháng 4 năm 1975:
Gia đình anh Lê Uyên Phương chuẩn bị xuất ngoại thì gia đình anh Bửu Ấn từ Pleiku lại về Dalat và nhiệt tình sinh hoạt cùng với anh chị em trong Ban Phát Thanh Phật Giáo. Đồng thời tăng cường các anh chị như: Thầy giáo Phong (danh ca bài Bông Hồng cái áo), anh Thuyết, anh Hỷ, anh Hùng (N Hàng), anh Thắng, anh Phong (Ngô Quyền), cô Giáo Hà (danh ca bài Quán Thế Âm Bồ Tát), chị Đăng, chị Châu, chị Huệ, chị Hồng, chị Cúc để củng cố, lưu hậu. Do đó phải thu vào băng và chuyển ra đĩa để phát huy nhạc Phật Giáo Việt Nam. Đồng thời phải chuyển danh xưng là Ban "Nhạc Lễ". Một thời gian sau đó, để hợp thức với thời thế, Ban Văn Nghệ đổi tên là Ban Phát Thanh, đổi tiếp là Ban Lễ Nhạc và nay là Ban Kinh Nhạc.
Như vậy, Ban Phát Thanh Phật Giáo Dalat Việt Nam duy trì được 20 năm và thực hiện liên tục là nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của bác Minh, Trưởng đài và cũng là người điều hành chương trình phát thanh.
Diễn tiến các buổi Phát Thanh Phật Giáo Dalat:
Hằng tuần:
· Nhóm I (từ năm 1956 đến tháng 4/1975: 20 năm)
Cứ vào khoảng 17:30 mỗi chiều thứ Hai: Các anh chị lớn tự động lên Đài Phát Thanh với phương tiện tự túc cùng nhạc cụ cá nhân. Riêng anh Thành ôm thùng đàn Accordeon 20 kg leo lên 96 bật thang thì sát giờ phát thanh.
· Nhóm II: cũng vào khoảng giờ nầy thì chiếc xe traction Familiale đen của bác Ba Điện lái đi cùng với anh Thạnh đến cổng trường Bùi Thị Xuân đón các em qua Đài Phát Thanh.
Thực Hiện Phát Thanh
1) Mở đầu là 3 tiếng chuông chùa âm vang từ phòng điều hành của Đài Phát Thanh với giọng phát ngôn miền bắc trầm ấm của bác Minh, Trưởng đài:
“Đây là buổi Phát Thanh Phật Giáo thành phố Dalat VN. Được phát thanh từ Đài Phát Thanh Dalat vào lúc 18 giờ 15 vào ngày thứ Hai hằng tuần”
Ngay sau đó là tiếng Nhạc mở đầu của bài Phật Giáo Việt Nam được trỗi lên và đồng hát bài hát truyền thống: Phật Giáo Việt Nam.
2) Liên tục chương trình là giọng giới thiệu trầm tư đạo hạnh của anh Nguyễn Hữu Thạnh với tin tức Phật Giáo, giáo lý Phật Giáo, trích dẫn các mục, các Phật sự mà chư Phật, chư vị Bồ Tát đã thể hiện trên đời nầy …
3) Tiếp theo là một bài hát âm thanh hữu sắc Phật Giáo (trong 528 bài nhạc Phật Giáo)
4) Tiếp đến là tin tức Phật sự, tin tức từ thiện, tin tức sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử Việt Nam v.v...
5) Với giọng ngâm thơ sắc bén mà ngọt ngào của chị Yến Lương qua các bài thơ tôn vinh, đề cao, khuyến tu Phật đạo của các vị tiền bối.
6) Cuối chương trình là các bài hát: Mừng Đản Sanh (trong mùa Đản Sanh), hay bài Lạy Phật con trở về, hoặc Quán Thế Âm Bồ Tát v.v...
Trong mùa Vu Lan thì kết thúc là bài Vọng Vu Lan, hoặc bài Lòng Từ Muôn Thuở, hay bài Bông Hồng Cài Áo v.v…
Nếu nói đến Phát Thanh thì phải gợi nhớ đến Phóng Thanh. Thưa quý vị, trong đời sống nhiêu khê vất vả chỉ vì muốn tạo dựng cuộc sống tốt đẹp. Nhưng cũng vì sự nhiêu khê vất vả đó mà có thể quên đi việc tạo dựng đời sống tâm linh tốt đẹp! Do dó, cứ đến các buổi lễ lớn của Phật Giáo: Ban Phát Thanh Phật Giáo đến ty Thông Tin Văn Hóa Tuyên Đức xin ông Phạm Gia Triếp (là Trưởng ty) và ông Bửu Tại (là Phó ty) mượn chiếc xe Radio-Car (trong xe đã trang bị đầy đủ: máy phát điện, máy amplie và dụng cụ Phóng Thanh) cùng với bác Trần Văn Nỏn là kỷ thuật viên và cũng là tài xế. Cứ đúng 5 giờ sáng của các buổi lễ lớn là xe Radiao-Car có mặt tại chùa Linh Sơn Dalat.
Trên xe: băng ghé trước, bên trái là bác Nỏn, ở giữa là anh Thạnh cầm micro Phóng Thanh, bên mặt là anh Thành với cây đàn accordeon. Sau băng ghế nầy là 3 ca Nữ ngồi co ro trong kẹt thùng Máy Phát Thanh và máy phát điện. Trên thùng máy chiếm sát trần xe là 3 ca Nam nằm sấp trên thùng máy để hát. Thưa đây là ca đoàn hy hữu của ban Phát Thanh + Phóng Thanh Phật Giáo Dalat.
Xe Radio-Car Phóng Thanh nầy được điều động đến các Khuông Hội Phật Giáo trong thành phố Dalat để thỉnh mời, động viên các Phật Tử đến tham dự buổi lễ tại Lễ Đài Phật Giáo chùa Linh Sơn Dalat.
Thưa quý vị: “Ngày xưa, gió thổi qua cây Đàn Không Hầu đã chuyển thành sức mạnh tâm linh và âm vang kỳ diệu như thúc gọi về Nguồn Sáng Tâm Linh để qua sông và đạt đạo.”
Ngày nay, đã trải qua 65 năm tâm đạo, Đài Phát Thanh Dalat trên nóc Hotel Du Parc với 96 bậc thang nay vẫn còn đó. Làn sóng Phát Thanh Phật Giáo nay đã tan biến vào mây khói dưới bầu trời xanh Dalat thơ mộng. Âm vang Phóng Thanh Phật Giáo trên xe Radio-Car nay đã hòa tan vào sương lạnh Dalat quý yêu. Nhưng dư âm Phát Thanh và Phóng Thanh Phật Giáo Dalat vẫn còn lắng đọng trong tâm tư người Phật Tử.
Với nguyện vọng lưu hậu di tích Ban Phát Thanh Phật Giáo GĐPT Dalat Việt Nam. Thực hiện liên tục hằng tuần từ năm 1956 cho đến tháng 4 năm 1975. Nay 2021, Thanh Huyền xin ghi lại để tưởng niệm Hương Linh anh Nguyễn Hữu Thạnh và quý anh chị trong Ban đã quá vãng.
Nam Mô A DI Đà Phật
Tâm Viên (Thanh Huyền)
Một số bài hát do
Ban Phát Thanh Phật Giáo Đà Lạt thực hiện.
Xin mời quý vị lắng nghe
01. Trầm Hương Đốt
02. Ngày Vía Đản Sanh
03. Ngày Huy Hoàng
04. Mừng Đản Sanh
05. Tụng Ca Mẹ
06. Mục Kiền Kiên
07. Bông Hồng Cài Áo
08. Mẹ
09. Quán Thế Âm Bồ Tát