Thủ tướng Modi ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày từ hôm 24/3, yêu cầu người dân ở trong nhà để "đất nước không bị tụt hậu 21 năm". Tuy nhiên, lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu người nghèo Ấn Độ, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh đói ăn, đẩy nhiều lao động ngoại tỉnh vào cảnh thất nghiệp, buộc họ phải rời thành phố, đi bộ hàng trăm km về quê.
Modi mong người dân Ấn Độ thông cảm và thấu hiểu rằng ông không còn lựa chọn nào khác. "Các bước đi được thực hiện cho đến nay sẽ giúp Ấn Độ chiến thắng Covid-19", ông khẳng định.
Ấn Độ đến nay ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 20 người chết và hơn 90 người đã hồi phục. Chính phủ nước này đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 22,6 tỷ USD nhằm trợ cấp tiền mặt và cung cấp thực phẩm cho người nghèo. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định người nghèo Ấn Độ là đối tượng bị tổn thương nặng nhất khi nền kinh tế trị giá 2,9 nghìn tỷ USD đóng cửa.
Chuyên gia kinh tế Abhijit Banerjee và Esther Duflo, đoạt giải Nobel năm 2019, nói người nghèo Ấn Độ cần được hỗ trợ nhiều hơn. "Nếu không được hỗ trợ, khủng hoảng nhu cầu sẽ đổ thêm dầu vào lửa trong suy thoái kinh tế. Dân chúng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài phớt lờ mệnh lệnh", Banerjee và Duflo viết trên Indian Express.
Cảnh sát Ấn Độ áp dụng nhiều hình phạt nghiêm khắc với những người vi phạm lệnh phong tỏa, trong đó có dùng gậy đánh vào chân, bắt ngồi xổm véo tai, cúi đầu ôm chân hoặc ngồi trong các vòng tròn trắng để thực hiện "cách biệt cộng đồng".
Số ca nhiễm nCoV tăng tại Delhi, Mumbai cùng các thành phố và một số địa phương hẻo lánh của Ấn Độ làm dấy lên lo ngại về khả năng đối phó dịch của hệ thống y tế công cộng nước này. Ấn Độ chỉ có 0,5 giường bệnh/1.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc và Italy lần lượt là 4,3 và 3,2.