Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, đất Thị Cầu - Phú Đông (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) còn là một vùng rừng đồi hoang vắng thâm u thưa thớt dấu chân người qua lại, chỉ có một vài con lộ nhỏ đã thành đường mòn e dè mở lối liên thông giữa các thôn ấp đi ngang qua những ngọn đồi thoai thoải rậm rạp cỏ cây và gai góc…
Năm 1956, Sư Thích Đạt Thông, pháp hiệu Tánh Tang, xuất gia tu hành theo Thiên Thai Giáo Quán Tông (là dòng thiền Việt Nam xuất phát từ Thiên Thai Giáo Tông của Trung Quốc, vị Tổ khai sáng là Thiền sư Hiển Kỳ, pháp danh Nhiên Công, quê ở Cần Giuộc - Long An), vốn là dân ở xã Phú Hữu lân cận đã lặn lội về vùng rừng đồi hoang sơ này, lặng lẽ khai hoang mở lối, tạo dựng tịnh cốc mái tranh vách đất sơ sài để làm nơi an trú và tịnh tu trên lưng chừng một ngọn đồi…
Chiến tranh, loạn lạc. Bão lụt thiên tai. Trải qua những tháng năm thăng trầm dâu bể đầy những chướng duyên khắc khe, nghịch cảnh khắc nghiệt, tịnh cốc của vị Sư hiện diện đầu tiên ở vùng đất quạnh quẽ này dù đã phải chấp nhận duyên phận suy tàn dột nát, tiêu điều chắp vá, nhưng đạo hạnh và tâm nguyện hoằng dương chánh pháp của bậc chân tu vẫn tỏa ngời như ngọn đuốc tuệ soi sáng chốn u u minh minh…
Vào năm 1983, thời kỳ kinh tế chung của đất nước vẫn còn đang lâm vào cảnh khó khăn nghèo nàn, được sự trợ duyên, phát tâm cúng dường Tam Bảo, với ước nguyện cầu đạo thỉnh pháp của thập phương bá tánh gần xa quanh vùng, tịnh cốc tiều tụy đơn sơ mới hôm nào đã được xây cất bán kiên cố, ngôi chùa đã hiển hiện với chánh điện tường gạch, mái ngói trên diện tích khoảng 150m2, thật trang nghiêm và ấm cúng.
Linh Bửu Tự hoàn thành viên mãn, là ngôi thờ phụng Tam Bảo. truyền đăng Phật pháp đầu tiên của xã Phú Đông, làm nức lòng bà con Phật tử ở vùng quê thanh vắng mộc mạc. Chỉ sau hai năm hoàn thành tâm nguyện lập tự, Sư Đạt Thông thuận thế vô thường thâu thần thị tịch. Ngọn thiền đăng được truyền trao cho môn đồ pháp tử là đại đức Thích Thiện Bửu, là người quê ở Tiền giang, bấy giờ đã thọ giới Tỳ kheo được 5 năm (1980-1985), tiếp bước ân sư mà giương cao ngọn đuốc tuệ hoằng dương, dẫn dắt đại chúng tu tập Phật pháp.
Linh Bửu Tự đã được tu bổ, xây cất thêm khang trang cũng trên ngọn đồi đó, với kết cấu hình chữ Nhị (=), tiền Phật hậu Tổ, chánh điện án phía trước, nhà thờ Tổ nằm phía sau. Mặt tiền của chánh điện được thiết hai bên có lầu chuông gác trống, giữa có trang trí Pháp Luân, giản dị không cầu kỳ, nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghiêm của một ngôi phụng thờ Tam Bảo.
Trải qua thời gian dài với biết bao biến đổi, Chùa đã được trùng tu thêm hai đợt (vào năm 1997 & 2002) mở rộng thêm khuôn viên. Phía sau có khu mộ táng và ký gửi linh cốt dành cho bà con Phật tử trong vùng; phía trước thì tu bổ bậc cấp lát đá, tường thành kín kẽ vững chắc, và ngoài sân hai bên ngôi chánh điện được bài trí thiết đặt thêm nhiều tôn tượng rất mỹ thuật như: Tượng Phật Nhập Niết Bàn, cảnh Vườn Lộc Uyển nơi Phật thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, tượng đức Phật Thành Đạo, Bồ Tát Quán Thế Âm lộ thiên, tháp Tổ khai sơn lập tự… cùng những khóm hoa chậu cảnh đan xen với những cây bồ đề, sala, hòa vào nhau tạo nên một cảnh sắc thiêng liêng trầm mặc bên con đường liên xã đã tráng nhựa phẳng phiu hằng ngày người xe xuôi ngược…
Linh Bửu Tự với tuổi đời chỉ lục thập hoa giáp, nhưng từ khi hiển hiện đến nay vẫn luôn là nơi cho chúng sinh bá tánh quay về nương tựa phần tâm linh, nghe kệ tụng kinh, tu học chánh pháp nhiệm mầu để giải trừ nghiệp chướng, vơi giảm khổ đau trong cuộc sống bề bộn lo toan đầy trắc trở…
Tâm Không – Vĩnh Hữu