Hãy trở về với truyền thống
Thích Đồng Bổn
--oOo--
Nhân một buổi nói chuyện nơi quá đường trường hạ, được nghe Hòa thượng Thiền chủ nhấn mạnh vấn đề “hình thái An cư truyền thống khác với An cư tại chỗ” là thế nào? Cũng từ đấy, trong ý nghĩ người viết nảy sinh tư duy : nên chăng chúng ta cần xác định lại các hình thức an cư sẵn có theo qui định của Giáo hội và những hình thức phát sinh từ thực tiển sinh hoạt thời đại, hay đã có từ truyền thống xa xưa của Tổ Tổ tương truyền.
Ở đây, trọng tâm là hai chữ “truyền thống”, nghĩa là mục đích bài viết này chung qui muốn khôi phục, tìm lại cái gì hay đẹp đã từng “bị” mai một, và với xu thế phát triển dựa trên qui luật “phủ định của phủ định”, chúng ta có thể gặp lại hình bóng quá khứ nơi những hình thái mới. Với nỗi niềm tư duy ấy, người viết xin được lạm bàn trong lĩnh vực An cư.
Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 và nội qui ban Tăng sự được ban hành. Theo định chế hành chính, có hai thể loại an cư được công nhận : An cư tập trung và An cư tại chỗ. Và thế là các điểm an cư của Sơn môn, Hệ phái, Tổ đình từ trước nếu không được phép tập trung thu nhận Tăng Ni về kiết hạ, thì đều được coi là An cư tại chỗ, dù vẫn phải xin phép để được cấp giấy chứng nhận an cư !
Đã 20 năm trôi qua, mọi việc ở đời, ở đạo cũng đều biến thiên theo qui luật. Ở đời thì trào lưu về nguồn tìm lại bản sắc truyền thống của văn hóa phong tục ; ở đạo thì phát triển dần đi đến ổn định và trào lưu tìm lại giá trị nội tại của bản chất Phật giáo, thông qua Sơn môn, Tổ đình, Hệ phái. Từ đó, An cư kiết hạ đã hình thành rõ nét hơn dưới ba loại hình cụ thể :
1.-An cư tập trung (Tác pháp an cư)
2.-An cư truyền thống (Tác pháp an cư)
3.-An cư tại chỗ (Đối thú và tâm niệm an cư)
1.- An cư tập trung
Do Giáo hội đứng ra tổ chức ở một điểm trụ xứ nào đó, sinh hoạt theo nghi thức thống nhất, mang tính hành chính, chủ yếu là các khóa học giáo lý, bồi dưỡng kiến thức các mặt. Mục đích khóa hạ thiên về phổ biến đường lối của Giáo hội, tuyển chọn nhân tài hay thực tập diễn giảng . . . an cư tập trung còn có các tên gọi khác là Trường hạ phổ thông, Trường hạ điểm, Trường hạ Giáo hội, Tỉnh, Thành hội . . .
1.- An cư truyền thống
Theo thông lệ vốn có ở các chốn Tổ đình, Sơn môn, Pháp phái, Hệ phái . . . Hàng năm, cứ đến hẹn lại lên, hàng Tăng lữ khắp nơi lại tìm về các chốn Tổ cùng an cư theo truyền thống đặc thù của trụ xứ ấy. Ở thành phố chúng ta có những Trường hạ như thế như : Vĩnh Nghiêm, Ấn Quang, Quảng Hương Già Lam, Linh Sơn, Kỳ Viên, Tịnh xá Trung Tâm, Xá Lợi, Giác Lâm, Viên Giác . . .
Đó lànhững trụ xứ có khóa hạ truyền thống theo nghi thức, lễ nhạc, nội qui, thời khóa chuyên biệt, có sự chọn lựa thành phần an cư cho phù hợp điều kiện mỗi nơi. Nhờ có sắc thái riêng biệt của từng Tổ đình, nên hành giả an cư có thể mỗi năm kiết hạ ở mỗi nơi khác nhau để học tập về truyền thống đặc thù đó.
Hạ truyền thống còn một điểm ưu việt nữa, là nắm giữ lại tư cách đạo đức của từng thành viên về an cư, để sang năm tới có quyền nhận hoặc không đối với thành viên cũ.
3.- An cư tại chỗ
Theo luật nghĩa là “Tâm niệm an cư” và “Đối thú an cư”, tức là tự mình không đến được đạo tràng để cùng chúng Tăng hòa chúng an cư, vì những lý do : ở nơi xa cách Tăng đoàn, bận duyên sự, nhất Tăng nhất tự v.v. . . còn “Đối thú an cư” nghĩa là ở trong trụ xứ chỉ có 3 vị Tỳ kheo trở xuống, chưa đủ túc số thành Tăng để làm “Tác pháp an cư”.
Thời nay, việc an cư tại chỗ ít nhiều bị hiểu sai, lạm dụng, trở thành biến tướng, đó là dấu hiệu suy đồi của Tăng đoàn. Điển hình là việc “Tòng hạ”, một hình thái mà trong Luật không có, tạo thành sự giải đãi cho Tăng Ni ngại đi an cư cực kho, mà chỉ viện lý do nhất Tăng nhất tự, đi học, bận làm việc . . . để không cần đến nhập chúng tu học, chỉ an cư tại chỗ cũng được công nhận tuổi hạ, được chứng thực an cư, chỉ cần đến tòng hạ, nghe pháp ở các trường hạ cũng tự cho mình là an cư thực sự, cũng đầy đủ hạ lạp như ai ! một kiểu an cư hợp thức hóa !
Ở miền Bắc, nhiều nơi là “nhất Tăng đa tự” chứ không phải chỉ “nhất Tăng nhất tự”. Thế mà đến khi mùa hạ về, họ vẫn khăn gói về các chốn tòng lâm nhập chúng, phó thác chùa cảnh cho tín đồ trông nom. Và đã thành lệ, nếu chư Sư không đi an cư thì là chuyện rất lạ với họ, và sẽ mất ngay sự tín nhiệm của tín đồ. Đến mùa an cư, hầu hết các chùa cảnh miền Bắc không nơi nào có Sư, vì việc tu học – tuổi hạ là điều lớn nhất với người tu sĩ để dẫn dắt tín đồ.
Còn như chúng ta, ở thành phố lớn miền Nam đầy đủ các duyên này thì sao? Bậc thức giả tự hiểu lấy !
Trở lại vấn đề an cư truyền thống đã và đang được phục hồi để lập lại giềng mối đạo đức xứng đáng của một hạ lạp trọn vẹn, đúng nghĩa, có chất lượng, nối truyền được ý chỉ Môn phong, Tổ phái cho đời sau còn biết đến.
Thế nhưng, không phải ý hướng này ai cũng chấp nhận. Có nhiều lý do để họ phản kháng, một bộ phận thiên về quản lý hình thức, thì họ không muốn quyền lực bấy lâu nay bị phân tán, sợ không còn chủ động được các trường hạ ở các Sơn môn. Một bộ phận Tăng Ni quen với sự dễ dãi từ trước đến giờ của các khóa hạ tập trung phổ thông, hay tòng hạ, an cư tại chỗ, ngại trở về các khóa hạ Sơn môn truyền thống, vì qui tắc và nghi thức ở đấy nghiêm mật, sợ thua sút sự tinh tấn có thừa của chúng Tăng đồng môn.
“Cái gì của Céasar hãy trả lại Céasar”, trào lưu xã hội cũng đang hô hào tìm về cội nguồn truyền thống, thế thì tại sao ta không dám nghĩ và nhìn thấy thực trạng vấn đề, dám làm cái điều phải làm để không hỗ thẹn với liệt Tổ tiền nhân ?
Mùa hạ năm 2000
Thích Đồng Bổn
--- o0o ---