Những ngày An Cư Kiết hạ tại Nhật Bản
Thích Như Điển
Có thể nói rằng, những ngày An Cư Kiết Hạ từ ngày 9 đến 15 tháng 8 năm 2018 của chư Tăng Ni Việt Nam tại Nhật Bản vừa qua, là những ngày khởi đầu năng động của Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản kể từ năm 1953 trở lại đây. Lý do đơn thuần chỉ vì việc học, nên chư Tăng Ni kẻ đến người đi, suốt một thời gian dài như thế, nay mới là thời điểm bắt đầu cho việc hoạt động Phật sự tại đây trở thành nề nếp, quy cũ.
Sở dĩ có được nhân duyên nầy là do cố Hòa Thượng Thích Minh Tuyền đã thành lập, xây dựng nên Chùa Việt Nam tại vùng Atsugi, thuộc tỉnh Kanagawa gần Tokyo; năm vừa qua (2017) chư Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam khắp nơi tại Nhật Bản đã vân tập về đây để tham gia lễ Tang của Ngài và năm nay chính là ngày Tiểu Tường của Ngài cũng như lễ Lạc Thành Chùa Việt Nam vào ngày 4-5 tháng 8 năm 2018. Sau đó nhân sự tùng sự, Đại Đức Thích Nhuận Ân, người Trụ Trì kế tục cố Hòa Thượng đã cung thỉnh chư Tôn Đức ở hải ngoại về tham gia những lễ trên và tiện thế tổ chức lễ An Cư Kiết Hạ lần đầu tiên, có đại diện của 5 chùa Việt Nam tại Nhật Bản tham dự và chư Tăng Ni có 17 vị tất cả. Đây là một niềm vui và là một vận hội mới cho Phật Giáo Việt Nam tại đây.
Được biết rằng trong hiện tại của năm 2018 nầy, người Việt Nam chưa có giấy tờ định trú tại Nhật là 260.000 người và nếu kể cả những người có giấy tờ cư trú hoặc đã nhập quốc tịch trong suốt những năm qua độ 50.000 người nữa, thì con số nầy ngang ngửa với số người Việt Nam đang định cư, tỵ nạn tại Canada và Úc Châu. Đây là một tin mừng mà cũng có lắm nguồn tin không vui lắm, vì lẽ người Nhật trong hiện tại cần những thế hệ trẻ đến quê hương của họ để làm công nhân, nên người Việt Nam mới có cơ hội đến được xứ sở Hoa Anh Đào nầy, nhưng những tệ nạn xã hội như ăn cắp vặt hay ăn cắp có tổ chức lại bị phanh phui ở nhiều nơi trên nước Nhật do những băng nhóm người trẻ mới đến xứ nầy. Vô hình chung họ đã để lại những dấu ấn không hay làm hoen ố đi hình ảnh của người Việt Nam đến trước đã hy sinh, cần mẫn bao nhiêu trong khi làm việc để gầy dựng nên sự nghiệp, do vậy mà chúng ta không thể vui được với những tin tức như thế nầy.
Từ những hình ảnh đó, chùa viện của Nhật Bản hay Việt Nam, hoặc chư Tăng Ni là những hình ảnh mô phạm để cho họ có thể nương nhờ, sám hối tội lỗi đã gây nên và cố gắng phục thiện để trở thành một người công dân tốt của cả hai nước Nhật Việt.
Ở vào thời điểm xa xưa của những năm 1953, 1954 đến năm 1975 đã có gần 30 chư Tôn Đức Tăng Ni từ Việt Nam đến du học tại Nhật Bản. Đa phần sau khi học xong họ đã về nước làm việc hay đến các xứ Âu, Mỹ, Úc để tiếp tục con đường phụng sự cho tha nhân. Do vậy mà trong thời gian nầy đã không có một ngôi chùa Việt Nam nào được thành lập tại Nhật Bản cả. Sau năm 1975 có một số chư Tăng Ni đến tỵ nạn tại đây, nhưng cuối cùng họ cũng đã ra đi định cư ở những nước thứ ba khác trên thế giới. Chỉ còn lại những vị Tăng Ni sinh đi du học sau nầy kể từ thời điểm 1994 đến nay, sau khi thành tài có một số quý vị về lại Việt Nam để làm việc và một số khác sau khi tốt nghiệp Cao Học hay Tiến Sĩ, họ quyết định ở lại đây lập chùa để hướng dẫn đời sống tinh thần cho những người Việt Nam xa xứ. Do vậy Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản mới có những ngôi chùa Việt được xây dựng nên, và mỗi ngôi chùa như vậy thường có các vị Tăng hay Ni Trụ Trì. Đây cũng là cơ hội để họ ngồi lại với nhau cùng bàn thảo, cùng lắng nghe những thao thức của chư Tăng Ni và Phật tử, nhằm đáp ứng những nhu cầu tâm linh của họ.
Tôi may mắn đã tham dự được hai ngày đầu trong 7 ngày An Cư Kiết Hạ của chư Tăng Ni Việt Nam tại Nhật Bản. Họ là những người trẻ, năng động, có học vị cao. Do vậy mà việc tiếp nhận những ý kiến đóng góp xây dựng không có gì khó khăn mấy. Có kiết Tiểu Giới, Tịnh Trù, Tịnh Khố để An Cư và sau đó có lễ tác bạch an cư của tứ chúng xuất gia. Những ngày khác có tụng giới Bố Tát của Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di và Bồ Tát giới. Hằng ngày có kinh hành quá đường, tụng Kinh Vu Lan cũng như Kinh Địa Tạng và Sám Hối. Ngày Chủ Nhật có khóa tu niệm Phật một ngày cho Phật Tử. Trong hai ngày chúng tôi ở đó có đóng góp 4 buổi thuyết trình và hội thảo về: Đại Tạng Kinh Nam Truyền và Bắc Truyền; kinh nghiệm hoằng pháp tại ngoại quốc; một chút lịch sử của Phật Giáo Việt Nam tại Nhật xưa và nay. Những ngày còn lại chư Tăng Ni đã thảo luận về việc Bố Tát tụng giới luân phiên tại các chùa ở Nhật cũng như việc tổ chức lễ Phật Đản, Vu Lan luân phiên với nhau v.v… Như vậy đây là những việc đáng vui mừng và đáng tán dương.
Ngày nay Phật Giáo Việt Nam tại ngoại quốc đã có trên 800 ngôi chùa và nơi nào dù lớn hay nhỏ cũng đã, đương và sẽ thực hành nhiệm vụ chung là làm lợi lạc cho quần sanh. Do vậy chúng tôi mong rằng từ khởi đầu, chùa Việt Nam tại Atsugi đã đi trước và chắc chắn rằng trong tương lai gần Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản sẽ có nhiều khởi sắc hơn, khi chư Tăng Ni đã có nhiều điểm đồng thuận. Vì lẽ Tăng có nghĩa là hòa hợp, mà sự hòa hợp của Tăng chưa được tuân thủ toàn diện thì sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam tại Nhật cũng chưa đạt đến kết quả như những gì mong muốn.
Mong rằng những hoài bão của những bậc tiền bối khai sơn, tạo tự vẫn được duy trì tiếp nối con đường và ý chí của những người đi trước đã dày công tạo dựng, thì Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản không sớm muộn gì cũng sẽ phát triển có quy cũ, nề nếp như những chùa viện khác của Việt Nam đang có mặt tại ngoại quốc ngày nay.
Viết xong bài nầy vào sáng
ngày 11 tháng 8 năm 2018 tại phi trường Dubai trong lúc chờ máy bay để trở về lại Dusseldorf Đức Quốc.