Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 51: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

21/09/201721:27(Xem: 5062)
Bài 51: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

QUYỂN 5

 

KINH VĂN 10:

BIẾT PHÁP NHƯ THẬT

LÀ NIẾT BÀN

 

1). TÔN GIẢ A NAN ĐÀ

     HỎI CÁCH MỞ NÚT

 

A Nan bạch Phật rằng:
- Như Lai dù đã khai thị nghĩa thứ hai, nhưng con xét những người mở thắt kết, nếu chẳng biết cái gốc của thắt kết, thì con tin chắc người ấy chẳng bao giờ mở được. Thế Tôn, con và hàng hữu học Thanh văn trong hội cũng như vậy; chúng con với vô minh cùng sanh cùng diệt từ vô thỉ, dù được thiện căn đa văn, mang tiếng là xuất gia, mà sự tu như người sốt rét cách nhật, lúc có lúc không. Xin Phật từ bi thương xót kẻ chìm đắm, khai thị thế nào là cái thắt kết của thân tâm hiện hữu này, làm sao được mở, cũng khiến chúng sanh khổ não đời vị lai được ra khỏi luân hồi. Nói xong, cùng đại chúng năm vóc gieo sát đất, cung kính rơi lệ, mong đợi lời khai thị vô thượng của Phật.


1. CHƯ PHẬT CÙNG CHỈ DẠY

     Bấy giờ, Thế Tôn thương xót A Nan và hàng hữu học trong hội, đồng thời làm nhân xuất thế gian, chỉ đường cho tất cả chúng sanh đời vị lai, lấy tay xoa đầu A Nan. Liền đó, sáu thứ rung động (1) khắp mười phương thế giới, vô số Như Lai trong các cõi ấy, mỗi mỗi đều từ đỉnh đầu phóng ra hào quang, đồng thời chiếu đến rừng Kỳ Đà, rọi vào đỉnh đầu Như Lai, cả chúng đều được pháp chưa từng có.
     Lúc ấy, A Nan và đại chúng đều nghe mười phương Như Lai đồng thanh bảo A Nan rằng:
- Lành thay, A Nan! Ông muốn biết cái Câu Sinh Vô Minh (2), là gốc thắt kết khiến ông lưu chuyển trong vòng sanh tử ấy, chính là lục căn của ông chứ chẳng phải vật khác; ông lại muốn biết đạo Vô Thượng Bồ Đề khiến ông mau chứng quả tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ ấy, cũng chính là lục căn của ông chứ chẳng phải vật khác.


GIẢI NGHĨA

(1) Sáu thứ rung động: Là 6 cách chấn động (động đất), xin xem nơi Kinh Văn 3, Mục 1, Giải nghĩa 4.

(2) Câu Sinh Vô Minh: Là Căn Bản Vô Minh, còn gọi là Căn Bản Bất Giác, Vô Thủy Vô Minh, vô minh trước khi ý nghĩ hiện, đối lại là Mạt Chi Vô minh (Vô Minh Ngành Ngọn). Căn Bản Vô Minh dựa vào cái xoay quanh của thể tính bất động thường hằng (tại triền Chân như) mà tạo duyên khởi, từ đó Mạt Chi Vô Minh lại tựa vào Căn Bản Vô Minh mà các pháp tiếp tục nổi dậy.

 

     Đây là tiếng Hải Triều Âm của Chư Phật mười phương lồng trong ánh sáng có uy lực vang khắp mười phương thế giới, chứng tỏ lời dạy này là tối quan trọng đặc biệt dành cho Tôn giả A Nan cùng đại chúng thời đó. Và còn chỉ đường cho tất cả chúng sinh đời sau như chúng ta ngày nay rằng: gốc của vô minh khiến phải lưu chuyển trong luân hồi sinh tử chính là Sáu Căn, muốn chứng qủa giải thoát, đạt đạo Vô thượng Giác ngộ (Bồ Đề), cũng chính là Sáu Căn. Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa về lời chỉ bảo này, vì lời dạy này không những là của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn là của Chư Phật mười phương.

 

2. CĂN TRẦN CÙNG MỘT GỐC CỘT


     A Nan dù được nghe pháp âm như vậy, tâm còn chưa rõ, cúi đầu bạch Phật:
- Tại sao khiến con bị sanh tử luân hồi và được tự tại giải thoát, đều là lục căn, chẳng phải vật khác?
     Phật bảo A Nan:
- Căn trần cùng gốc, thắt mở chẳng hai, tánh thức hư vọng như hoa đốm trên không. A Nan, do trần phát tri, vì căn kiến tướng; kiến và tướng chẳng có tự tánh, như những cây sậy gác vào nhau, cho nên ông nay lập tri kiến thành tri, tức là căn bản của vô minh, nếu đối với tri kiến chẳng chấp là tri kiến, ấy tức là Niết Bàn, trong sạch vô lậu, làm sao trong đó còn có thể dung nạp vật khác.

 

GIẢI NGHĨA

     Đến đây, Tôn giả A Nan vẫn chưa hiểu rõ trọn vẹn, nên lại thưa: “- Tại sao khiến con bị sanh tử luân hồi và được tự tại giải thoát, đều là lục căn, chẳng phải vật khác?”

     Đức Phật bảo: “- Căn trần cùng gốc, thắt mở chẳng hai, tánh thức hư vọng như hoa đốm trên không. A Nan, do trần phát tri, vì căn kiến tướng; kiến và tướng chẳng có tự tánh, như những cây sậy gác vào nhau, cho nên ông nay lập tri kiến thành tri, tức là căn bản của vô minh, nếu đối với tri kiến chẳng chấp là tri kiến, ấy tức là Niết Bàn, trong sạch vô lậu, làm sao trong đó còn có thể dung nạp vật khác”. Nghĩa là Căn và Trần tương ưng nên cùng một sự việc như mắt và hình sắc, tai và tiếng v.v…, khi có mắt (Căn) có hình sắc (Trần) thì mới có thấy biết (Thức), khi chỉ có căn hoăc trần đơn chiếc thì chẳng có thức, nên tính của thức không có tự thể (như hoa đốm không thật). Bởi do trần mới có biết (trần phát tri), vì căn thấy hình sắc (kiến tướng), nhưng sự thấy tùy thuộc vào hình sắc mà hình sắc (tướng) lúc có lúc không, nên cả hai đều không có tự tính. Vì vậy cho nên nếu lập cái thấy biết (tri kiến) thành biết (tri), tức là gốc (căn bản) của vô minh; nếu không chấp cái thấy biết, tức là được trong sạch (Niêt Bàn), nên trong vấn đề này không dung chứa vật nào khác ngoài trần và cái thấy biết.

3. KỆ LẬP LẠI NGHĨA TRÊN   

     Bấy giờ, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên, bèn nói kệ rằng:
1. Tánh hữu vi (1) vốn không,
Duyên sanh nên như huyễn
Vô vi (2) không sanh diệt,
Chẳng thật như hoa đốm (3),
2. Nói vọng để hiển chân,
Vọng chân là hai vọng
Phi chân phi bất chân
Làm sao kiến sở kiến? (4)
3. Trong đó chẳng thật tánh,
Nên như sậy gác nhau.
Thắt, mở đồng một nhân,
Thánh phàm chẳng hai đường,
4. Ông xem tánh gác nhau,
Không, Hữu thảy đều sai.
Mê muội tức vô minh,
Phát minh liền giải thoát.
5. Mở, thắt theo thứ tự,
Lục mở nhất cũng tiêu
Chọn căn nào viên thông,
Nhập lưu thành Chánh Giác.
6. Đà Na (thức thứ tám) thức vi tế,
Tập khí (5) như nước dốc.
Sợ chấp Chân phi chân,
Nên ta chẳng khai giảng
7. Tự tâm chấp tự tâm,
Phi huyễn thành pháp huyễn.
Chẳng chấp chẳng phi huyễn
Phi huyễn còn chẳng sanh,
8. Pháp huyễn làm sao lập?
Đây gọi Diệu Liên Hoa
Bửu giác như Kim Cang
Tu theo Tam Ma Đề,
9. Búng tay siêu vô học
Pháp này chẳng gì bằng,
Mười phương chư Như Lai,
Chỉ một cửa Niết Bàn.

 

GIẢI NGHĨA

(1) Hữu vi: Tất cả các dính mắc về dục, sắc và vô sắc

(2) Vô vi: Trái với hữu vi, không dụng tâm tạo tác, tùy thuận tự nhiên.

(3) Hoa đốm: Đây là người mắt bị nhặm nhìn thấy các đốm hoa trong không, nhưng không thật có hoa đốm.

(4) Kiến sở kiến: Là thấy chỗ thấy.

(5) Tập khí: Chỉ thói quen, bản năng bản tính tiềm tàng tích tụ trong đời sống hiện ra bất cứ lúc nào.

 

     Ý nghĩa bài kệ như sau:

1. Tánh hữu vi vốn không,
Duyên sanh nên như huyễn
Chẳng thật như hoa đốm,

Vô vi không sanh diệt,
     Bốn câu kệ đầu nghĩa là tính của Hữu vi vốn là không, do duyên sinh diệt, là hư ảo chẳng thật; còn Vô vi thì không sinh diệt, hợp đạo lý.

2. Nói vọng để hiển chân,
Vọng chân là hai vọng
Phi chân phi bất chân
Làm sao kiến sở kiến?
     Bốn câu kệ thứ hai: Sở dĩ nói cái hư dối (vọng) là để hiển bày cái thực (chân), nhưng nếu chấp thật thì cả hai đều thành hư ảo, vì chẳng thực cũng chẳng không thực, cho nên không thể thấy chỗ thấy (kiến sở kiến).

 

3. Trong đó chẳng thật tánh,
Nên như sậy gác nhau.
Thắt, mở đồng một nhân,
Thánh phàm chẳng hai đường,
     Bốn câu thứ ba: Vì không có thật tính, chỉ như cây sậy gác nhau mà thành có hình tướng. Thắt nút và mở ra cùng một chỗ, dẫn đến phàm phu hay trở thành bậc Thánh cũng cùng một lối.

 

4. Ông xem tánh gác nhau,
Không, Hữu thảy đều sai.
Mê muội tức vô minh,
Phát minh liền giải thoát.
    
Bốn câu thứ tư: Hãy xem tính gác nhau của cây sậy, có hình tướng hay không đều chẳng đúng, nếu chấp có hay không thành si mê, biết trong sáng liền giác ngộ.

 

5. Mở, thắt theo thứ tự,
Lục mở nhất cũng tiêu
Chọn căn nào viên thông,
Nhập lưu thành Chánh Giác.
    
Bốn câu thứ năm: Thắt nút theo thứ lớp thì mở ra cũng phải như thế, Sáu Căn mở rồi thì cũng chẳng có Một. Hãy chọn căn điều hòa đầy đủ (viên thông) thích hợp để nhập vào dòng Thánh. 

 

6. Đà Na thức vi tế,
Tập khí như nước dốc.
Sợ chấp Chân phi chân,
Nên ta chẳng khai giảng
    
Bốn câu thứ sáu: Thức thứ Tám A Lại Đa (Đà Na thức) rất tinh diệu nhỏ nhiệm (vi tế) chứa bản năng bản tính tiềm tàng (tập khí) hiện ra bất cứ lúc nào như suối chảy. Vì sợ các Phật tử chấp thật (Chân) và chẳng thật nên Đức Phật chẳng nói.

 

7. Tự tâm chấp tự tâm,
Phi huyễn thành pháp huyễn.
Chẳng chấp chẳng phi huyễn
Phi huyễn còn chẳng sanh,
    
Bốn câu thứ bảy: Nếu chấp tự tâm là thực, thì không huyển thành huyển ảo, nếu không chấp thật thì không có huyển ảo vì huyển ảo không sinh.

 

8. Pháp huyễn làm sao lập?
Đây gọi Diệu Liên Hoa
Bửu giác như Kim Cang
Tu theo Tam Ma Đề,
    
Bốn câu thứ tám: Pháp huyển không thành, gọi là cái biết qúy giá của Hoa Sen chiếu sáng (Diệu Liên Hoa Bửu giác) như Kim Cương, nếu cái biết này được hiện ra, thì căn bản vô minh bị tiêu diệt, được tương đương với tâm Kim Cang của Bồ Tát bậc 10 (Thập Địa).  Do tu theo Thiền quán thấy các pháp như huyển mộng, gồm ba thứ Thiền quán: Sa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na (Tam Ma Đề), để lià dứt tham chấp thủ nhân ngã pháp, được giải thoát tự tại.

 

9. Búng tay siêu vô học
Pháp này chẳng gì bằng,
Mười phương chư Như Lai,
Chỉ một cửa Niết Bàn.

     Bốn câu thứ chín: Khi được giải thoát tự tại, thì trong chớp nhoáng vượt qua bậc A La Hán của Thanh Văn (búng tay siêu vô học); bậc vô học vì còn chấp không thấy (vô kiến), tức còn lọt vào công dụng. Ở đây chân tính hiện tiền, có không đều lìa, một cửa vào sâu, chẳng nhờ công dụng nhưng chẳng phải không cần công phu hành trì. Chẳng pháp nào sánh bằng pháp này, mười phương Chư Phật đều chỉ một cửa bất sinh bất diệt (Niết Bàn) này.


4. KHĂN THẮT SÁU NÚT

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com