Tạ Thị Ngọc Thảo
Festival Huế lần 9 đã chiêu đãi khách quý và bà con mình một bữa tiệc văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, âm nhạc, ẩm thực, gồm: Lễ hội chính 13 chương trình; Hoạt động hưởng ứng 28 chương trình; Âm nhạc 27 chương trình; Nghệ thuật truyền thống 9 chương trình; Múa 9 chương trình; Triển lãm, trưng bày, sắp đặt 19 chương trình; Nghệ thuật 14 chương trình. Để thực hiện một Festival hoành tráng, kỳ công, đa dạng, đậm chất Huế như vậy, ai cũng biết là không hề đơn giản. Nó thấm đẫm trí tuệ, mồ hôi, tâm huyết của chủ (Bộ máy nhà nước và bà con Thừa Thiên Huế) và khách (các đoàn quốc tế và du khách).
Thế mà, trước giờ khai mạc một tiếng, trời đổ mưa!
1/ Ấm trái tim
Mưa không nặng hạt nhưng cũng đủ nhạt phấn son trên gương mặt các cô gái độ xuân thì. Mưa giúp các chàng thanh niên được dịp thổ lộ tình cảm bằng cách tìm dù, tìm quạt che cho nàng khỏi ướt. Mưa dù chỉ bay bay nhưng cũng làm các vị khách quý phải khoác lên mình chiếc áo mưa, rồi nhìn nhau, cười. Tiếc nhất là quý khách nữ thành viên trong Diễn đàn FEALAC. Quý bà đã tranh thủ giờ nghỉ tìm về phố Tây của Huế đặt may áo lụa Hà Đông để diện đêm khai mạc. Thế mà trời đành lòng mưa! Có phải do vậy mà, quý bà chỉ choàng áo mưa chứ không mặc vào. Phải chăng vì muốn khoe chiếc áo lụa tim tím mới may?
Mưa. Người ngồi trên khán đài thương Ban tổ chức (BTC) và thương Huế quá trời vì tưởng rằng lễ khai mạc sẽ vắng người tham dự. Ngờ đâu, khi ngoái đầu qua trái, qua phải, phía sau, không còn một ghế trống. Đó là chưa kể số khách phải đứng. Khi chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) tuyên bố khai mạc lễ hội, một rừng người bạt ngàn tham dự Festival 9, trật tự, kỷ luật, im phăng phắc. Văn hóa ứng xử này không tự dưng mà có, đó là sự đúc kết từ 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân bây giờ trở thành nét đẹp “chẳng nơi nào có được” của người Huế. Vùng đất cố đô và kinh đô Phật giáo.
Mưa. BTC liền điều động đội nhóm hỗ trợ lên lau sàn sân khấu. Tuy vậy, khi các đoàn biểu diễn màn tung hứng vẫn có chút trơn trợt, diễn không được như ý. Thay vì xì xào, chê trách, toàn thể khán đài vỗ tay ủng hộ. Vì vậy, diễn viên cười mà khách cũng cười.
Mưa không làm nản lòng một “loại khách kỳ lạ”, đứng dọc theo từng khán đài, thà chịu ướt chớ không mặc áo mưa. Họ, đa số là những thanh niên mặt mày sáng sủa, áo bỏ vào quần, ăn nói lịch thiệp, cử chỉ hòa nhã. Thay vì nhìn lên sân khấu thưởng thức các tiết mục, tầm mắt của họ lại hướng xuống khán đài, quan sát khán giả rất kỹ và rất rất sâu. Khách biết, họ đã và đang âm thầm góp một phần lớn giúp buổi diễn được thành công tốt đẹp!
2/ Đã con mắt
Một điểm nhấn quan trọng trong số các hoạt động diễn ra trước khai mạc Festival là buổi tiệc đứng (buffet) do UBND thành phố Huế chiêu đãi khách về dự Phiên họp đầu tiên của Dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh FEALAC” tổ chức tại Nhà Bảo tàng Văn hóa Huế lúc 18h30 ngày 28/4/2016. FEALAC là một cơ chế hợp tác gồm 36 quốc gia từ khu vực Đông Á - Mỹ Latinh với mục đích xây dựng một kênh đối thoại chính thức và thường xuyên giữa hai khu vực. Thông qua FEALAC, Festival Huế phát triển thêm các lĩnh vực giáo dục, xã hội, kinh tế. Buổi chiêu đãi diễn ra với nghi thức tinh gọn, không khí giao lưu nhẹ nhàng, thực đơn chủ yếu là món địa phương được bày trí đẹp mắt. Còn khách tham dự thì, chủ cũng xinh mà khách cũng xinh.
Có thể nói, chỉ có ở Festival Huế, du khách mới được tận mắt chứng kiến các hoạt động phục dựng nghi thức, văn hóa, ẩm thực, thời trang v..v... thời triều Nguyễn (1802 - 1945) trong chương trình Đêm Hoàng Cung tổ chức tại Đại Nội Huế. Ngày xưa chỉ có Hoàng gia và Hoàng phái mới được mục sở thị các sinh hoạt cung đình. Hòa cùng ánh sáng huyền ảo, trang phục cung đình lộng lẫy, cỏ cây lung linh sắc màu, các ông Hoàng bà Chúa thời nay thể hiện thăng hoa, khiến du khách quên mất mình đang xem phục hiện.
Lễ hội “Đèn Quảng Chiếu” được tổ chức lần đầu tiên tại Festival 9 bởi Giáo Hội Phật Giáo tỉnh TTH. Chương trình này đã thu hút người tham dự chật công viên Thương Bạc. Đèn Quảng Chiếu - ánh sáng từ bi và trí tuệ giải thoát của Đức Phật - đã có từ thời vua Lý - Trần, nay được tái hiện trong Festival 9. Nghi lễ Quảng Chiếu được diễn ra trong một buổi tối mưa thuận gió hòa, bên cạnh dòng sông Hương êm đềm hòa cùng ánh sáng Quảng Chiếu huyền diệu. Xuyên suốt trong buổi lễ hội có tiếng kinh do ban nghi lễ tụng làm nền, có sương khói mờ ảo trợ tha lực cho vũ điệu Lục Cúng Hoa Đăng của quý Tăng trẻ, khiến người xem cảm thụ được sự linh thiêng, vi diệu.
3/ No cái bụng
Có thể nói, khi Festival 9 khép lại là BTC đã chuẩn bị cho Festival 10. Nói vậy để thấu hiểu công sức và tiền bạc của “chủ” và “khách” đầu tư cho mỗi kỳ Festival rất lớn. Dù Festival Huế đã cống hiến cho xã hội “Ấm trái tim”, “Đã con mắt” nhưng, Việt Nam mình còn trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp, vì vậy chúng ta đành phải đặt thêm một kỳ vọng cho Festival Huế là giúp người dân TTH “No cái bụng”.
Vậy, làm sao để “No cái bụng”? Nên chăng, từ Festival 10, chúng ta đặt thêm mục tiêu trong chương trình Festival là “thu hút khách du lịch và mời gọi các nhà đầu tư về Huế”? Để làm được như vậy, chúng ta xác định chính chủ các hãng du lịch lớn của thế giới và các nhà đầu tư uy tín là đối tác chiến lược trong mỗi kỳ Festival. Chương trình Văn hóa - Nghệ thuật Festival diễn ra trước mắt các chủ hãng du lịch lớn và các nhà đầu tư là một cách giới thiệu trực tiếp sản phẩm du lịch và tiếp thị địa phương của TTH. Ngoài ra, không thể thiếu những Hội thảo có chủ đề liên quan đến Du lịch và Hội nghị xúc tiến đầu tư.
Để tạo dấu ấn sâu hơn cho Festival Huế, BTC nên tạo sân cho bà con mình và du khách chơi thỏa thích. Ví dụ, bên cạnh người mẫu biểu diễn áo dài nên có chương trình cho phụ nữ trung niên địa phương trình diễn áo dài. Thử tưởng tượng, gia đình và nội ngoại hai bên sẽ rủ rê nhau dự để cổ vũ cho người phụ nữ của mình lên tinh thần thi thố tài năng. Hoặc, không chỉ triển lãm bánh mứt cung đình, nghệ nhân nên có thêm tiết mục hướng dẫn du khách thực hiện vài món bánh mứt. Và, không chỉ triển lãm bonsai, BTC còn mời nghệ nhân Nhật Bản về tọa đàm rồi hướng dẫn bà con mình cách cắt tỉa bonsai. Riêng quý Tăng Ni, ngoài những hoạt động truyền thống giới thiệu nghi thức Phật giáo, triển lãm, có thể tham gia hướng dẫn du khách thực hành trà Thiền, thi cắm hoa, thực hành nấu vài món chay và hướng dẫn cách trưng bày bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên, bàn thờ ngày tết v..v...
Chính sự tương tác giữa “chủ” và “khách” làm phong phú thêm hoạt động Festival Huế.
Một khi Festival Huế là của bà con, của khách quý, của đối tác, của những chủ hãng du lịch có tâm huyết, của các nhà đầu tư chân chính thì, hiệu ứng lan tỏa sẽ rộng, sâu và bền vững./.
(Bài đã đăng báo Thừa Thiên Huế cuối tuần từ ngày 5 đến 8/5/2016)