- Bài 1: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa
- Bài 2: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa
- Bài 3: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa
- Bài 4: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa
- Bài 5: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 6: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 7: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 8: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 9: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 10: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 11: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 12: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 13: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 14: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 15: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 16: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 17: Kinh Dược Sư giải nghĩa
- Bài 18: Kinh Dược Sư giải nghĩa
KINH DƯỢC SƯ
GIẢI NGHĨA
(Tiếp theo)
Toàn Không
--- o ---
KINH VĂN 11:
NGUYỆN LỚN THỨ TÁM:
Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có những phụ nữ nào bị trăm điều hèn hạ khổ sở của thân gái làm cho buồn rầu, bực tức, sanh tâm nhàm chán, muốn bỏ thân ấy; mà hễ nghe danh hiệu ta rồi thì tất cả đều được chuyển thân gái thành thân trai, có đủ hình tướng trượng phu, cho đến chứng được đạo quả vô thượng Bồ Đề.
Người nữ nào sanh tâm chán thân nữ nhân, khi nghe được danh hiệu của Như Lai, kiếp về sau cho đến khi thành Phật cũng sẽ không sanh làm nữ nhân nữa, có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và lần lần chứng quả vị Phật.
GIẢI NGHĨA:
Khi người nữ ấy nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang, nghĩa là người ấy được nghe giảng hay được đọc giáo lý của Phật sẽ khiến người nữ ấy hiểu được nguyên do sinh thân nữ bị trăm điều khổ sở làm cho buồn rầu là do tạo nghiệp xưa. Người nữ ấy sửa đổi sang lối sống theo giáo lý của Phật để tu hành nghiêm chỉnh, thì lúc ấy đâu còn chấp chặt thân gái hay thân trai nữa. Như vậy, tuy là thân nữ nhưng có khác nào hình tướng trượng phu, những điều hèn hạ khổ sở của thân gái sẽ không còn làm cho người ấy buồn rầu bực tức nhàm chán, do đó không còn cảm thấy khổ nữa. Nếu người nữ ấy tu kiếp này chưa xong, thì hạt giống Bồ Đề đã được gieo, từ kiếp sau sẽ tiếp tục tu hành thì việc thân nam hay nữ không còn là vấn đề nữa; cứ như vậy tiếp tục tu hành bền bỉ thì người ấy sẽ là Bồ Tát, dần dần sẽ có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp và tiến đến chứng qủa Vô Thượng Bồ Đề tức là thành Phật.
Ở đây còn có một ý nghĩa khác, nói thân nữ là tiêu biểu cho sự yếu đuối, tượng trưng cho những thói hư tật xấu của phái nữ như đố kị, ghen tuông, giận hờn, v.v…. Nên nếu nghe được danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang, nghĩa là được nghe giảng hay được đọc giáo lý của Phật thì sẽ khiến cho hiểu được thế nào là phải trái chính tà. Rồi người đó sửa đổi tính nết từ xấu trở thành tốt, tức là gặp được giáo pháp của Phật và theo Phật pháp tu hành thì mọi sự xấu sẽ bị tiêu diệt và khi đã chứng sơ qủa Bồ Tát rồi thì muốn làm thân nam không còn là việc khó. Không nên nghĩ rằng: chỉ cần nghe danh hiệu của Phật Dược Sư là đủ để được biến từ thân nữ qua thân nam. Lại chẳng thể cho rằng chỉ cần cầu xin là có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, vì đó là sai nghĩa Phật nói và việc nghe danh và cầu xin chỉ đưa đến vô ích mà thôi nếu không suy nghĩ kỹ càng và không tu hành gì cả.
KINH VĂN 12:
NGUYỆN LỚN THỨ CHÍN:
Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, thì khiến cho chúng hữu tình (1) ra khỏi vòng lưới ma (2) nghiệp, được giải thoát tất cả sự ràng buộc của ngoại đạo. Nếu có những kẻ sa vào rừng ác kiến (3), ta nhiếp dẫn họ trở về với chánh kiến và dần dần họ tu tập theo các hạnh Bồ Tát đặng mau chứng đạo chánh đẳng Bồ Đề.
GIẢI NGHĨA:
(1) Chúng hữu tình: Tất cả chúng sinh trong 6 cõi: Trời, Người, Thần, Ngạ qủy, Súc sinh và Địa ngục đều gọi là chúng hữu tình.
(2) Lưới Ma: Chỉ cho những thứ nghiệp tà ác do Tâm Ma xấu ác tạo tác, chúng giống như tấm lưới bao trùm khó thoát ra được; chúng sinh bị các Ma Phiền Não (các thứ gây đau khổ), ma Ngũ Ấm (tham, sân, hôn trầm, phóng túng, nghi ngờ), Thiên Ma mê hoặc, trói buộc, cũng như chim cá bị mắc trong lưới khó gỡ ra được. Luận Đại Trí Độ nói: Có niệm (tức là suy nghĩ tưởng nhớ) thì rơi vào lưới ma, không niệm thì thoát ra được (Từ điển Phật Quang); như vậy muốn thoát ra khỏi lưới ma không phải là dễ dàng, mà phải tu tập trau giồi dần dần, trải qua thời gian thật lâu dài mới hy vọng đạt được.
(2) Ác Kiến: Phạn: mithyà-dfwỉi: Gọi là Bất Chính Kiến, nói vắn tắt là Tà Kiến, là một trong trăm pháp do tông Pháp Tướng lập ra, thuộc một trong sáu phiền não; chỉ cái thấy biết quanh co xấu ác, tức là cái thấy biết trái với chân lí Phật Giáo. Còn gọi là Kiến Chấp, chỉ những quan điểm, định kiến sai lầm, cố chấp và vướng mắc vào chỗ thấy biết hiện có của mình, cho đó là tuyệt đối và không chấp nhận mọi quan điểm khác; do Kiến Chấp mà người ta không thể nhận biết Chính Pháp.
Ác Kiến: Gồm có năm nhận thức sai lầm gọi là Ngũ Kiến, còn được gọi là Ngũ Ác Kiến. Đó là:
1. Ngã Kiến: Quan niệm chấp trước về tự thể tồn tại riêng biệt của bản ngã, đi đôi với quan niệm thực có bản ngã sở hữu mọi thứ trong vũ trụ. Còn gọi là Thân Kiến, Hữu Thân Kiến (s: satkāya-dṛṣṭi);
2. Biên Kiến (s: antaparigraha-dṛṣṭi): Quan niệm chấp trước về một bên, hoặc là Thường Kiến (e: eternalism), hoặc là Đoạn Kiến (e: nihilism);
3. Tà Kiến (s: mithyā-dṛṣṭi): Không có kiến giải chân chính về mối tương quan nhân quả;
4. Kiến Thủ Kiến (s: dṛṣṭi-parāmarśa-dṛṣṭi): Kiến chấp một quan niệm sai lầm rồi áp đặt trên những quan niệm khác;
5. Giới Cấm Thủ Kiến (śīla-vrataparāmarśa-dṛṣṭi): Quan niệm chấp trước sai lầm về tu khổ hạnh, cho rằng giới luật và thệ nguyền của ngoại đạo tu khổ hạnh có thể dẫn đến chân lí giải thoát.
Ý nghĩa nguyện lớn thứ chín là những kẻ sa vào rừng tà Ác Kiến bị sự ràng buộc, là những người ngu si đã lầm tưởng nên đã theo tà giáo ngoại đạo. Người theo ngoại đạo vì mưu mẹo của ngoại đạo, như mang ơn thăm viếng giúp đỡ về vật chất, quyền lợi, hay phải chấp nhận để có được người phối ngẫu, hoặc ngu si nên tin lầm mà không biết v.v…. Khi những người này được nghe danh hiệu Ngài tức là được nghe giảng hay được đọc Phật pháp chân chính, khiến cho hiểu biết thế nào là tà thế nào là chính. Khiến người ấy thức tỉnh si mê, liền xa lià Tà Kiến, bỏ ngoại đạo ấy rồi theo giáo pháp của Phật tu hành hạnh Bồ Tát, thì dần dần sẽ chứng đạo Chính Đẳng Bồ Đề.
KINH VĂN 13:
NGUYỆN LỚN THỨ MƯỜI:
Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, thì khiến cho chúng hữu tình nào mà pháp luật nhà Vua gia tội phải bị xiềng xích, đánh đập, hoặc bị giam giữ trong chốn lao tù, hoặc bị chém giết. Hoặc bị nhiều tai nạn nhục nhã, thân tâm chịu những nỗi khổ, buồn rầu, bức rức, hễ nghe đến danh hiệu ta, thì nhờ sức oai thần phước đức của ta đều được giải thoát tất cả những nỗi ưu khổ ấy.
GIẢI NGHĨA:
Nghĩa là những chúng sanh chịu nhiều khổ hình “bị xiềng xích, đánh đập, hoặc bị giam giữ trong chốn lao tù, hoặc bị chém giết, hoặc bị nhiều tai nạn nhục nhã, thân tâm chịu những nỗi khổ, buồn rầu, bức rức” như vậy; khi nghe danh hiệu của Ngài, nghĩa là gặp được Phật pháp, khiến cho chúng sinh ấy hiểu biết lỗi đã phạm. Chúng sinh ấy liền ăn năn sám hối lỗi trước, thề không phạm lỗi về sau, rời bỏ ý nghĩ ác hận thù, miệng nói các lời đạo đức, tâm thấy lỗi nhận lỗi chân thật, thân làm tất cả việc lành. Khi đã hối lỗi, hiểu tội lỗi đã do mình gây ra, nên tuy bị bức khổ cũng không còn cảm thấy bực tức bất mãn buồn rầu nhục khổ nữa.
Chúng sinh ấy thấm nhuần giáo pháp của Phật, chuyên chú tĩnh tâm thiền định tu hành thì sẽ được giải thoát “khỏi tất cả những nỗi ưu khổ ấy”, nên ví như do sức oai thần mà được như vậy. Chứ chẳng phải như có người hiểu với ý nghĩa nông cạn sai lầm cho rằng: “Người nào mà pháp luật nhà Vua gia tội phải bị xiềng xích, đánh đập, hoặc bị giam giữ trong chốn lao tù, hoặc bị chém giết, hoặc bị nhiều tai nạn nhục nhã, thân tâm chịu những nỗi khổ, buồn rầu, bức rức”. Hễ nghe đến danh hiệu Phật Dược Sư rồi niệm tên Ngài để cầu mong van xin Ngài dùng oai thần ban cho thì được giải thoát tất cả những nỗi ưu khổ ấy; đây là người u mê thiếu trí tuệ nên nghĩ nông cạn như vậy.
Ngườì si mê thì không thể hiểu được rằng không có một quyền lực Thần Thánh nào có thể làm ngược lại nghiệp qủa, mà chỉ có thể tạo nhân lành để làm giảm nghiệp lực tác hại mà thôi. Cho dù Chư Phật có đủ quyền biến vô biên cũng vậy và nên biết rằng không có một quyền lực Thần Thánh nào sánh bằng được Chư Phật từ trên trời xuống tới dưới đất trong khắp Vũ trụ thế giới mười phương. Do đó chỉ có một con đường duy nhất do Chư Phật đã dạy là muốn tiêu diệt nghiệp lực thì phải tu hành như: Sám hối, giữ giới, làm lành, phá ngã chấp, chuyên chú tĩnh tâm thiền định, thì sẽ được giải thoát tất cả khổ ải do nghiệp lực hoành hành.
(Còn Tiếp)