- Lời Trần Tình (của Hòa Thượng Thích Đỗng Minh về Cảo Bản Dịch Phẩm Đại Bát Nhã của Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm)
- Tiểu Sử Dịch Giả: Pháp Sư Huyền Trang và HT Thích Trí Nghiêm
- Thừa Sự Tăng Sai (dịch giả Kinh Đại Bát Nhã, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm)
- Tựa Hồi Đầu
- Tập 01
- Tập 02
- Tập 03
- Tập 04
- Tập 05
- Tập 06
- Tập 07
- Tập 08
- Tập 09
- Tập 10
- Tập 11
Tập 09
Quyển 462
Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo 03
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa các Đại Bồ-tát phải làm thế nào để quán tự tướng tất cả các pháp đều không?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát nên quán sắc dựa vào sắc không; nên quán thọ, tưởng, hành, thức dựa vào thọ, tưởng, hành, thức không. Nên quán nhãn xứ dựa vào nhãn xứ không; nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ dựa vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ không; Nên quán sắc xứ dựa vào sắc xứ không; nên quán thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ dựa vào thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ không. Nên quán nhãn giới dựa vào nhãn giới không; nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới dựa vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới không. Nên quán sắc giới dựa vào sắc giới không; nên quán thanh, hương, vị, xúc, pháp giới dựa vào thanh, hương, vị, xúc, pháp giới không. Nên quán nhãn thức giới dựa vào nhãn thức giới không; nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới dựa vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới không. Nên quán nhãn xúc dựa vào nhãn xúc không; nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc dựa vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc không. Nên quán nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ dựa vào nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ không; nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra các thọ dựa vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra các thọ không. Nên quán địa giới dựa vào địa giới không; nên quán thủy, hỏa, phong, không, thức giới dựa vào thủy, hỏa, phong, không, thức giới không. Nên quán nhân duyên dựa vào nhân duyên không; nên quán đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên dựa vào đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên không. Nên quán vô minh dựa vào vô minh không; nên quán hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử dựa vào hành cho đến lão tử không. Nên quán bố thí Ba-la-mật-đa dựa vào bố thí Ba-la-mật-đa không; nên quán tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa dựa vào tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa không. Nên quán pháp nội Không dựa vào pháp nội Không không; nên quán pháp ngoại Không, pháp nội ngoại Không, Không Không, đại Không, thắng nghĩa Không, hữu vi Không, vô vi Không, tất cánh (rốt ráo) Không, vô tế Không, tán vô tán Không, bản tính Không, tự cộng tướng Không, nhất thiết pháp Không, bất khả đắc Không, vô tính Không, tự tính Không, vô tính tự tính Không dựa vào pháp ngoại Không cho đến pháp vô tính tự tính Không không. Nên quán chơn như dựa vào chơn như không; nên quán pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì dựa vào pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì không. Nên quán Thánh đế khổ dựa vào Thánh đế khổ không; nên quán Thánh đế tập, diệt, đạo dựa vào Thánh đế tập, diệt, đạo không. Nên quán bốn niệm trụ dựa vào bốn niệm trụ không; nên quán bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo dựa vào bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo không. Nên quán bốn tịnh lự dựa vào bốn tịnh lự không; nên quán bốn vô lượng, bốn định vô sắc dựa vào bốn vô lượng, bốn định vô sắc không. Nên quán tám giải thoát dựa vào tám giải thoát không; nên quán tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ dựa vào tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ không. Nên quán pháp môn giải thoát không dựa vào pháp môn giải thoát không không; nên quán pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện dựa vào pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện không. Nên quán Tịnh quán địa dựa vào Tịnh quán địa không; nên quán Chủng tánh địa, Đệ bát địa, Cụ kiến địa, Bạc địa, Ly dục địa, Dĩ biện địa, Độc giác địa, Bồ-tát địa, Như Lai địa dựa vào Chủng tánh địa cho đến Như Lai địa không. Nên quán Cực hỷ địa dựa vào Cực hỷ địa không; nên quán Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm tuệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địa, Pháp vân địa dựa vào Ly cấu địa cho đến Pháp vân địa không. Nên quán tất cả pháp môn Đà-la-ni dựa vào tất cả pháp môn Đà-la-ni không; nên quán tất cả pháp môn Tam-ma-địa dựa vào tất cả pháp môn Tam-ma-địa không. Nên quán năm loại mắt dựa vào năm loại mắt không; nên quán sáu phép thần thông dựa vào sáu phép thần thông không. Nên quán mười lực Như Lai dựa vào mười lực Như Lai không; nên quán bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng dựa vào bốn vô sở úy cho đến mười tám pháp Phật bất cộng không. Nên quán ba mươi hai tướng Đại sĩ dựa vào ba mươi hai tướng Đại sĩ không; nên quán tám mươi vẻ đẹp dựa vào tám mươi vẻ đẹp không. Nên quán pháp không quên mất dựa vào pháp không quên mất không; nên quán tánh luôn luôn xả dựa vào tánh luôn luôn xả không. Nên quán trí nhất thiết dựa vào trí nhất thiết không; nên quán trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng dựa vào trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không. Nên quán quả Dự lưu dựa vào quả Dự lưu không; nên quán quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề dựa vào quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề không. Nên quán tất cả hạnh Đại Bồ-tát dựa vào tất cả hạnh Đại Bồ-tát không. Nên quán quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật dựa vào quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật không. Nên quán trí nhất thiết trí dựa vào trí nhất thiết trí không.
Như vậy, Thiện Hiện! Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát nên quán tự tướng của tất cả các pháp đều không.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu sắc dựa vào sắc không; thọ, tưởng, hành, thức dựa vào thọ, tưởng, hành, thức không. Như vậy cho đến trí nhất thiết trí dựa vào trí nhất thiết trí không thì làm sao Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Nếu Đại Bồ-tát hoàn toàn không sở hành, là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Do đâu các Đại Bồ-tát hoàn toàn không sở hành, là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bất khả đắc, Đại Bồ-tát cũng bất khả đắc, hành cũng bất khả đắc, hoặc người thực hành, hoặc lý do thực hành, lúc thực hành, nơi thực hành đều bất khả đắc. Vì thế, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hoàn toàn không sở hành, là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, bởi vì ở trong đó tất cả hý luận đều bất khả đắc.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát nào hoàn toàn không có sở hành là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì các Đại Bồ-tát mới phát tâm làm sao để tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Từ lúc mới phát tâm, các Đại Bồ-tát phải thườc học vô sở đắc đối với tất cả các pháp. Sau khi đã học như vậy, phải dùng vô sở đắc làm phương tiện, phải tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Phải trụ ở pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Phải trụ vào chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Phải trụ vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Phải tu bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Phải tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Phải tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Phải tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Phải tu bậc Đại Bồ-tát. Phải tu tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Phải tu năm loại mắt, sáu phép thần thông. Phải tu mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Phải tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Phải tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Phải tu tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Phải tu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Phải tu trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Sao gọi là có sở đắc, sao gọi là không sở đắc?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Các pháp có hai là có sở đắc, các pháp không hai gọi là không sở đắc.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Vì sao có hai gọi là có sở đắc? Và vì sao không hai gọi là không sở đắc?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Nhãn căn, sắc trần là hai cho đến ý căn, pháp trần là hai. Hữu sắc, vô sắc là hai. Hữu kiến, vô kiến là hai. Hữu đối, vô đối là hai. Hữu lậu, vô lậu là hai. Hữu vi, vô vi là hai. Thế gian, xuất thế gian là hai. Sanh tử, Niết-bàn là hai. Pháp phàm phu, phàm phu là hai. Pháp Dự lưu, Dự lưu là hai, cho đến Độc giác Bồ-đề, Độc giác là hai. Hạnh Đại Bồ-tát, và Đại Bồ-tát là hai. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Phật và Phật là hai. Tất cả các pháp có hý luận như vậy đều là hai. Các pháp có hai đều có sở đắc.
Thiện Hiện! Chẳng phải nhãn, chẳng phải sắc là không hai, cho đến chẳng ý, chẳng pháp là không hai. Như vậy cho đến chẳng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Phật, và chẳng Phật là không hai. Tất cả các pháp lìa hý luận như vậy đều gọi là không hai. Các pháp không hai đều không sở đắc.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Vì có sở đắc nên không sở đắc, hay vì không sở đắc nên không sở đắc?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Chẳng phải vì có sở đắc nên không sở đắc, cũng chẳng phải vì không sở đắc nên không sở đắc. Nhưng có sở đắc không sở đắc đều có tánh bình đẳng gọi là vô sở đắc. Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát cần phải siêng tu học đối với tánh bình đẳng có sở đắc, không sở đắc. Thiện Hiện! Lúc các Đại Bồ-tát học như vậy thì gọi là học Bát-nhã ba-la-mật-đa không sở đắc.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Lúc hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu Đại Bồ-tát không vướng mắc có sở đắc, không vướng mắc không sở đắc thì làm sao Đại Bồ-tát này có thể tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đi từ địa này đến địa khác lần lần được viên mãn? Nếu không đi từ địa này đến địa khác lần lần được viên mãn thì làm sao có thể đạt được trí nhất thiết trí?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát chẳng trụ nơi có sở đắc để thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì có thể từ địa này đến địa khác lần lần được viên mãn và đạt được trí nhất thiết trí, chẳng trụ nơi vô sở đắc để có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì đi từ địa này đến địa khác lần lần được viên mãn và đạt được trí nhất thiết trí. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vô sở đắc, trí nhất thiết trí cũng vô sở đắc, người hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng vô sở đắc, vô sở đắc này cũng vô sở đắc. Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bất khả đắc, trí nhất thiết trí cũng bất khả đắc, người hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng bất khả đắc thì vì sao lúc hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát thường ưa chọn lựa tất cả các pháp, cho rằng đây là sắc, đây là thọ, tưởng, hành, thức. Đây là nhãn xứ cho đến ý xứ. Đây là sắc xứ cho đến pháp xứ. Đây là nhãn giới cho đến ý giới. Đây là sắc giới cho đến pháp giới. Đây là nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Đây là nhãn xúc cho đến ý xúc. Đây là các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra. Đây là địa giới cho đến thức giới. Đây là nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Đây là vô minh cho đến lão tử. Đây là bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đây là pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Đây là chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Đây là Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Đây là bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Đây là bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Đây là tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Đây là pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Đây là Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Đây là Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Đây là tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Đây là năm loại mắt, sáu phép thần thông. Đây là mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Đây là ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp. Đây là pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Đây là trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Đây là quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Đây là tất cả hạnh Đại Bồ-tát, đây là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Đây là trí nhất thiết trí?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát tuy thường thích chọn lựa các pháp nhưng không nắm bắt sắc, cũng không nắm bắt thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến cũng không nắm bắt trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu các Đại Bồ-tát không nắm bắt sắc, cũng không nắm bắt thọ, tưởng, hành, thức; cho đến cũng không nắm bắt trí nhất thiết trí thì làm sao có thể viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa? Làm sao có thể nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát? Nếu không thể nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát thì làm sao có thể thành thục hữu tình? Nếu không thể thành thục hữu tình thì làm sao có thể trang nghiêm cõi Phật? Nếu không trang nghiêm cõi Phật làm sao có thể đạt được trí nhất thiết trí. Nếu không thể đạt được trí nhất thiết trí thì làm sao có thể vận chuyển bánh xe Chánh pháp, làm các Phật sự? Nếu không thể chuyển bánh xe Chánh pháp, làm các Phật sự thì làm sao có thể giải thoát vô lượng, vô số, trăm ngàn, trăm ức hữu tình ra khỏi sanh, lão, bệnh, tử đạt được Niết-bàn an lạc rốt ráo?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát không vì sắc nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cũng chẳng vì thọ, tưởng, hành, thức nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Cho đến cũng chẳng vì trí nhất thiết trí nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát vì việc gì mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát không vì việc gì mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Thiện Hiện! Tất cả các pháp đều không là, không làm, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng không là, không làm; trí nhất thiết trí cũng không là, không làm, các Đại Bồ-tát cũng không là, không làm. Như vậy, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên dùng không là, không làm làm phương tiện để hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu tất cả các pháp là không là, không làm thì không nên bày ra ba thừa khác nhau là Thanh văn thừa, hoặc Độc giác thừa, hoặc Vô thượng thừa.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Chẳng phải pháp không là, không làm có thể tạo ra được mà phải là pháp có là có làm mới có thể tạo ra được. Vì sao?
Thiện Hiện! Vì có những kẻ phàm phu ngu si, không học, chấp trước sắc, chấp trước thọ, tưởng, hành, thức, cho đến chấp trước trí nhất thiết trí. Do chấp trước nên niệm sắc nắm bắt sắc, niệm thọ, tưởng, hành, thức nắm bắt thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến niệm trí nhất thiết trí nắm bắt trí nhất thiết trí. Do niệm và nắm bắt họ suy nghĩ như vầy: Ta nhất định sẽ đạt được trí nhất thiết trí, giải thoát các hữu tình ra khỏi sanh, lão, bệnh, tử, làm cho họ đạt được Niết-bàn hoàn toàn an lạc.
Thiện Hiện! Các phàm phu ngu si, không học, do điên đảo nên suy nghĩ như vậy tức là hủy báng Phật. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Phật dùng năm loại mắt tìm sắc không thể được, tìm thọ, tưởng, hành, thức không thể được, cho đến tìm trí nhất thiết trí không thể được, tìm các hữu tình cũng không thể được. Các phàm phu ngu si không học, đui mù không có mắt tuệ, chấp trước các pháp mà sẽ chứng đắc trí nhất thiết trí, giải thoát các hữu tình ra khỏi sanh, lão, bệnh, tử, làm họ đạt được Niết-bàn hoàn toàn an lạc thì thật là vô lý.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dùng năm loại mắt thanh tịnh để tìm sắc không thể được, tìm thọ, tưởng, hành, thức không thể được, cho đến tìm trí nhất thiết trí không thể được, tìm các hữu tình cũng không thể được, nên không chứng đắc trí nhất thiết trí, không giải thoát các hữu tình ra khỏi sanh, lão, bệnh, tử, không giúp họ đạt được Niết-bàn hoàn toàn an lạc thì vì sao Thế Tôn tự mình có thể chứng đắc trí nhất thiết trí, an lập hữu tình thành ba nhóm khác nhau là nhóm chánh tánh định, nhóm tà tánh định và nhóm bất định?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ta chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, dùng năm loại mắt thanh tịnh quán sát như thật thấy chắc chắn không có hữu tình nào thật có thể chứng đắc trí nhất thiết trí, an lập hữu tình thành ba nhóm khác nhau. Nhưng các hữu tình ngu si điên đảo đối với pháp chẳng thật lại tưởng là pháp chơn thật, đối với hữu tình chẳng thật mà lại tưởng là hữu tình thật, để trừ bỏ sự chấp trước hư dối của họ nên Ta phải nương theo thế tục mà nói chớ không phải nương theo thắng nghĩa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Vì trụ vào thắng nghĩa mà Như Lai chứng đắc trí nhất thiết trí phải không?
Phật bảo:
- Không phải.
Thiện Hiện lại hỏi:
- Vì trụ vào điên đảo mà Như Lai chứng đắc trí nhất thiết trí phải không?
Phật bảo:
- Không phải.
Thiện Hiện lại hỏi:
- Nếu Như Lai không trụ vào thắng nghĩa để chứng đắc trí nhất thiết trí, cũng không trụ vào điên đảo để chứng đắc trí nhất thiết trí thì lẽ nào không có Như Lai mà cũng không thể chứng đắc trí nhất thiết trí?
Phật bảo:
- Không phải.
Thiện Hiện nên biết: Tuy Ta chứng đắc trí nhất thiết trí nhưng không trụ vào đâu cả, nghĩa là không trụ vào cảnh giới hữu vi, cũng không trụ vào cảnh giới vô vi.
Thiện Hiện! Giống như người do Như Lai biến hóa ra, tuy không trụ vào cảnh giới hữu vi, cũng không trụ vào cảnh giới vô vi, nhưng có tới lui, đi, đứng, ngồi, nằm.
Thiện Hiện! Người được biến hóa này, nếu thực hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc trụ vào pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không, hoặc trụ vào chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, hoặc trụ vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, hoặc tu bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo, hoặc tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, hoặc tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ, hoặc tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, hoặc tu Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa, hoặc tu tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, hoặc tu năm loại mắt, sáu phép thần thông, hoặc tu mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, hoặc tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, hoặc tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, hoặc tu tất cả hạnh Đại Bồ-tát, hoặc tu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, hoặc chứng trí nhất thiết trí, hoặc chuyển bánh xe chánh pháp làm các Phật sự thì người được biến hóa này lại chuyển hóa làm vô lượng hữu tình, trong đó an lập thành ba nhóm khác nhau. Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Người được Như Lai biến hoá ấy có phải là thật có tới lui, đi, đứng, ngồi, nằm, cho đến thật có an lập hữu tình thành ba nhóm khác nhau không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không!
Phật bảo Thiện Hiện:
- Như Lai cũng vậy, biết tất cả các pháp đều như biến hóa, nói tất cả các pháp cũng như biến hóa, tuy có chỗ làm nhưng không chơn thật, tuy độ hữu tình nhưng không thấy độ, như người được biến hóa độ hữu tình biến hóa. Như vậy, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa phải như người được Như Lai biến hóa ra, tuy có tạo tác nhưng không chấp trước.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu tất cả các pháp đều như biến hóa, Như Lai cũng thế. Vậy thì Như Lai với người biến hóa có gì sai khác?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Như Lai với người được biến hóa kia và tất cả pháp thật không sai biệt. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tất cả sự nghiệp mà Như Lai làm, người được biến hóa cũng đều có thể làm. Các việc mà người ấy làm, Như Lai cũng có thể làm. Vì vậy, Như Lai cùng với người được biến hóa và tất cả các pháp đều không sai biệt.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu không có người do Phật biến hóa ra, một mình Như Lai có thể làm các việc, còn nếu không có Như Lai, một mình người do Như Lai hóa ra có thể làm được các việc không?
Phật bảo:
- Có thể làm được.
Thiện Hiện hỏi:
- Việc này như thế nào?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Như có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tên Thiện Tịch Tuệ đã độ hết những người đáng độ. Nhưng lúc ấy không có vị Bồ-tát nào kham nhận sự thọ ký của Phật. Ngài liền hóa ra một vị Phật cho trụ ở thế gian, còn tự mình nhập vào cảnh giới Vô dư y đại Niết-bàn. Suốt nữa kiếp, vị hóa Phật kia làm các Phật sự. Sau hơn nửa kiếp, vị ấy thọ ký đại Bồ-đề cho một vị Bồ-tát, rồi thị hiện nhập Niết-bàn. Khi ấy, các trời, người, A-tu-la v.v... đều cho rằng nay Phật ấy đã nhập Niết-bàn, nhưng thân của hóa Phật thật không có sanh diệt. Như vậy, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên tin biết tất cả pháp đều như biến hóa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu thân Như Lai với người biến hóa không có sai biệt thì làm sao có thể làm ruộng phước thanh tịnh chơn chánh cho người thí chủ ở thế gian? Nếu các hữu tình vì muốn đạt Niết-bàn nên cúng dường cung kính Như Lai thì được phước vô tận, cho đến cuối cùng nhập vào cảnh giới Vô dư y Bát Niết-bàn. Như vậy nếu có người vì muốn đạt Niết-bàn nên cúng dường cung kính người được Phật biến hóa ra thì phước thu được cũng phải vô tận, cho đến cuối cùng nhập vào cảnh giới Vô dư y Bát Niết-bàn?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Như thân Như Lai do pháp tánh nên có thể làm ruộng phước trong sạch cho trời, người, A-tu-la v.v... Người được Phật hóa ra cũng như vậy, do pháp tánh nên có thể làm ruộng phước trong sạch cho trời, người, A-tu-la v.v... Như thân Như Lai nhận sự cúng dường cung kính của các thí chủ, thì làm cho thí chủ ấy vượt khỏi sanh tử được phước vô tận. Người do Phật biến hóa ra cũng như vậy, nhận sự cúng dường cung kính của các thí chủ, cũng làm cho thí chủ thoát khỏi sanh tử được phước vô lượng.
Thiện Hiện nên biết: Hãy đặt qua một bên công đức thu được do cúng dường cung kính Như Lai và người do Như Lai biến hóa, nếu thiện nam, thiện nữ nhơn nào phát sanh lòng từ bi, kính trọng tư duy, nhớ nghĩ về Như Lai thì thiện nam, thiện nữ này được thiện căn vô tận cho đến cuối cùng vượt khỏi bờ khổ.
Thiện Hiện nên biết: Lại đặt qua một bên công đức thu được nhờ phát sanh lòng từ bi kính trọng, tư duy, nhớ nghĩ về Phật, nếu có thiện nam, thiện nữ nào đem chỉ một cánh hoa rải trên không trung để cúng dường Phật thì thiện nam, thiện nữ này được thiện căn vô tận cho đến cuối cùng được khỏi bờ khổ.
Thiện Hiện nên biết: Hãy gác sang một bên công đức thu được nhờ rải một cánh hoa trên không trung cúng dường Phật. Nếu thiện nam, thiện nữ nào chỉ cần một lần xưng niệm Nam Mô Phật Đà bậc Đại Điều Ngự thì thiện nam, thiện nữ này được thiện căn vô tận cho đến cuối cùng vượt khỏi bờ khổ.
Như vậy, Thiện Hiện! Cúng dường cung kính đối với ruộng phước lớn của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thì thu được công đức lớn khó lường như vậy.
Do đó, này Thiện Hiện! Ông nên biết Như Lai cùng với Phật biến hóa đều là ruộng phước thanh tịnh, chơn thật cho thí chủ không không sai khác, bởi vì đều làm định lượng cho pháp tánh.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên dùng pháp tánh của các pháp như vậy làm định lượng để hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Tuy đã tìm cách khéo léo nhập vào pháp tánh của các pháp rồi, nhưng họ không phá hoại pháp tánh của các pháp. Nghĩa là không phân biệt đây là Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa; đây là pháp tánh của Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa. Đây là pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không; đây là pháp tánh của pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Đây là chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì; đây là pháp tánh của chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Đây là Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, đây là pháp tánh của Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Đây là bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; đây là pháp tánh của bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Đây là bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; đây là pháp tánh của bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Đây là tám giải thoát cho đến mười biến xứ, đây là pháp tánh của tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Đây là pháp môn giải thoát không, vô tướng vô nguyện; đây là pháp tánh của pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Đây là Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa; đây là pháp tánh của Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Đây là tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; đây là pháp tánh của tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Đây là năm loại mắt, sáu phép thần thông; đây là pháp tánh của năm loại mắt, sáu phép thần thông. Đây là mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; đây là pháp tánh của mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Đây là ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp; đây là pháp tánh của ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp. Đây là pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; đây là pháp tánh của pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Đây là trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; đây là pháp tánh của trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Đây là quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề, đây là pháp tánh của quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Đây là tất cả hạnh Đại Bồ-tát, đây là pháp tánh của tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Đây là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật; đây là pháp tánh của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Đây là trí nhất thiết trí, đây là pháp tánh của trí nhất thiết trí.
Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không nên phân biệt pháp tánh sai khác của các pháp như vậy mà phá hoại pháp tánh như vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không nên phân biệt pháp tánh của các pháp mà phá hoại pháp tánh, thì vì sao Thế Tôn tự nói pháp tánh khác nhau của các pháp làm phá hoại pháp tánh? Nghĩa là Thế Tôn nói: Đây là sắc, đây là thọ, tưởng, hành, thức. Đây là nhãn xứ cho đến ý xứ. Đây là sắc xứ cho đến pháp xứ. Đây là nhãn giới cho đến ý giới. Đây là sắc giới cho đến pháp giới. Đây là nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Đây là nhãn xúc cho đến ý xúc. Đây là các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra. Đây là địa giới cho đến thức giới. Đây là nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Đây là vô minh cho đến lão tử. Đây là nội pháp, đây là ngoại pháp. Đây là pháp thiện, đây là pháp ác. Đây là pháp hữu ký, đây là pháp vô ký. Đây là pháp hữu lậu, đây là pháp vô lậu. Đây là pháp thế gian, đây là pháp xuất thế gian. Đây là cộng pháp, đây là bất cộng pháp. Đây là pháp hữu tránh, đây là pháp vô tránh. Đây là pháp hữu vi, đây là pháp vô vi. Bạch Thế Tôn! Ngài đã nói đủ loại pháp khác nhau như vậy không lẽ Ngài tự phá hoại pháp tánh?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ta không tự phá hoại pháp tánh của các pháp, mà chỉ dùng phương tiện danh tướng giả nói, để giúp các hữu tình ngộ nhập pháp tánh bình đẳng của các pháp, ra khỏi sanh tử và chứng đắc Niết-bàn. Vì vậy, này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tuy nói đủ loại danh tướng của các pháp nhưng không hề phá hoại thật tánh của các pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu Phật chỉ dùng danh tướng giả nói pháp tánh của các pháp để giúp các hữu tình có phương tiện ngộ nhập pháp tánh bình đẳng, ra khỏi sanh tử, chứng đắc Niết-bàn. Thì vì sao đối với pháp không danh tướng Phật dùng danh tướng để nói mà bảo là không hư hoại?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ta tùy thuận theo thế tục mà giả lập danh tướng của tất cả các pháp, vì các hữu tình Ta phương tiện giảng nói nhưng không chấp trước nên không có pháp nào bị hoại.
Thiện Hiện! Như những người ngu si nghe nói khổ… liền chấp trước vào danh tướng, mà không hiểu đó là giả thuyết. Như Lai và đệ tử Phật nghe nói khổ… chẳng chấp trước danh tướng. Vì biết như thật đó là lời nói tùy thuận theo thế tục chớ không có danh tướng chơn thật của các pháp.
Thiện Hiện! Nếu các bậc Thánh chấp trước danh ở nơi danh, chấp trước tướng nơi tướng, thì họ cũng phải chấp trước không nơi không, chấp trước vô tướng nơi vô tướng, chấp trước vô nguyện nơi vô nguyện. Chấp trước chơn như nơi chơn như, chấp trước pháp giới nơi pháp giới, chấp trước thật tế nơi thật tế. Chấp trước vô vi nơi vô vi.
Thiện Hiện! Tất cả các pháp này chỉ có giả danh, chỉ có giả tướng, mà không chơn thật. Bậc Thánh không chấp trước các pháp có danh tướng giả như vậy.
Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát trụ vào tất cả pháp chỉ có danh tướng giả để hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nhưng không chấp trước ở trong đó.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu tất cả pháp chỉ có danh tướng, thì vì việc gì mà các Đại Bồ-tát phát tâm Bồ-đề siêng năng cực khổ, hành Bồ-tát hạnh. Nghĩa là lao khổ tu hạnh bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. An trụ vào pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. An trụ vào chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. An trụ vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Tu hành pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Tu hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông. Tu hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Tu hành pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Tu hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết trí. Tu hành tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Tu hành quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Tu hành trí nhất thiết trí đều được viên mãn?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Do tất cả các pháp chỉ có danh tướng. Danh tướng ấy chỉ là giả tạo, rồi lại kiến lập danh tướng có tánh Không làm cho các loại hữu tình điên đảo chấp trước, nên trôi lăn trong vòng sanh tử, không chứng Niết-bàn. Vì vậy các Đại Bồ-tát thương xót họ, nên phát tâm Bồ-đề, chịu lao khổ hành Bồ-tát hạnh, lần lần chứng đắc trí nhất thiết trí. Sau khi chứng đắc trí nhất thiết trí, các vị ấy lại chuyển bánh xe chánh pháp, dùng pháp ba thừa làm phương tiện để cứu vớt các hữu tình ra khỏi sanh tử, và nhập vào cảnh giới Vô dư y Bát Niết-bàn. Nhưng các danh tướng không sanh, không diệt, cũng không đứng yên, hoặc thay đổi, không thể tạo tác hay nắm bắt.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Phật nói trí nhất thiết trí là trí nhất thiết trí phải không?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ta nói trí nhất thiết trí là trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Như Lai đã từng nói trí nhất thiết trí lược có ba loại, là trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Tướng của ba loại trí này ra sao và có gì khác nhau?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Trí nhất thiết là trí chung của Thanh văn và Độc giác, trí đạo tướng là trí chung của Đại Bồ-tát, trí nhất thiết tướng là diệu trí riêng của các vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Vì sao trí nhất thiết là trí chung của Thanh văn và Độc giác?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Trí nhất thiết có nghĩa là biết rõ các pháp môn sai khác về năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới. Thanh văn, Duyên giác cũng có thể biết rõ pháp môn sai khác nhau, nhưng không thể biết tướng tất cả đạo và tất cả các tướng của tất cả pháp nên trí nhất thiết là trí chung của Thanh văn và Độc giác.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Vì sao trí đạo tướng là trí chung của Đại Bồ-tát?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Các Đại Bồ-tát phải học để biết khắp tất cả tướng đạo là tướng của đạo Thanh văn, tướng của đạo Độc giác, tướng của đạo Bồ-tát, tướng của đạo Như Lai. Đối với các đạo này, các Đại Bồ-tát phải thường tu học làm cho mau viên mãn. Tuy làm cho đạo này làm được việc nên làm nhưng không làm cho nó chứng đắc và trụ vào thật tế, nên trí đạo tướng là trí chung của Đại Bồ-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Các Đại Bồ-tát đã tu đạo Như Lai được viên mãn rồi, lẽ nào cũng không chứng đắc và trụ vào thật tế?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Các Đại Bồ-tát thành thục hữu tình, trang nghiêm cõi Phật và tu đại nguyện, nếu chưa được viên mãn thì vẫn chưa thể chứng đắc và an trụ vào thật tế. Nếu đã viên mãn, mới có thể chứng đắc và an trụ vào thật tế.
Cụ thọ Thiện Hiện lại hỏi Thế Tôn:
- Các Đại Bồ-tát trụ nơi đạo để chứng thật tế phải không?
Phật bảo:
- Không phải.
Thiện Hiện lại hỏi:
- Các Đại Bồ-tát trụ nơi phi đạo chứng thật tế phải không?
Phật bảo:
- Không phải.
Thiện Hiện lại hỏi:
- Các Đại Bồ-tát trụ nơi đạo phi đạo chứng thực tế phải không?
Phật bảo:
- Không phải.
Thiện Hiện lại hỏi:
- Các Đại Bồ-tát trụ nơi chẳng phải đạo, chẳng phải phi đạo chứng thật tế phải không?
Phật bảo:
- Không phải.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu vậy Đại Bồ-tát trụ ở đâu để chứng trụ thật tế vậy?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ý ông nghĩ sao? Ông nhờ trụ nơi đạo mà dứt hết các lậu hoặc tâm được giải thoát phải không?
- Bạch Thế Tôn! Không phải.
- Thiện Hiện! Ông nhờ trụ phi đạo mà dứt hết các lậu hoặc tâm được giải thoát phải không?
- Bạch Thế Tôn! Không phải.
- Thiện Hiện! Ông nhờ trụ vào đạo phi đạo mà dứt hết các lậu hoặc tâm được giải thoát phải không?
- Bạch Thế Tôn! Không phải.
- Thiện Hiện! Ông nhờ trụ nơi chẳng phải đạo, chẳng phải phi đạo mà dứt hết các lậu hoặc tâm được giải thoát phải không?
- Bạch Thế Tôn! Không phải.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Nhờ trụ vào đâu mà ông dứt hết các lậu hoặc tâm được vĩnh viễn giải thoát?
Thiện Hiện thưa:
- Chẳng phải con có trụ nên dứt hết các lậu tâm được giải thoát vĩnh viễn, mà là con dứt hết các lậu hoặc tâm được giải thoát hoàn toàn không trụ vào đâu cả.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Cũng lại như thế, các Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hoàn toàn không chỗ trụ nên khi chứng đắc và an trụ vào thật tế.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Vì sao trí nhất thiết tướng gọi trí nhất thiết tướng vậy?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Biết tất cả pháp đều đồng một tướng đó là tướng vắng lặng. Cho nên gọi là trí nhất thiết tướng.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các hành trạng tướng có thể biểu thị các pháp, Như Lai có thể như thật hiểu biết khắp cho nên gọi là trí nhất thiết tướng.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Hoặc trí nhất thiết, hoặc trí đạo tướng, hoặc trí nhất thiết tướng, ba trí như vậy dứt các phiền não có sai khác không? Dứt có còn sót, hoặc không còn sót hay không?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Chẳng phải việc dứt các phiền não có sự khác nhau. Nhưng các vị Như Lai đã vĩnh viễn dứt trừ sự tương tục của tất cả tập khí phiền não. Còn Thanh văn, Độc giác thì chưa vĩnh viễn dứt trừ sự tương tục của tất cả tập khí phiền não.
Thiện Hiện lại hỏi:
- Các phiền não đã đoạn thì được vô vi phải không?
Phật bảo:
- Đúng vậy.
Thiện Hiện lại hỏi:
- Thanh văn, Độc giác không được vô vi có dứt hết phiền não không?
Phật nói:
- Chẳng dứt.
Thiện Hiện lại hỏi:
- Trong pháp vô vi có sự sai biệt không?
Phật bảo:
- Không có.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu pháp vô vi không có sai biệt, vậy vì sao Phật nói tập khí tương tục của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều đã vĩnh viễn đoạn trừ, còn tập khí tương tục của Thanh văn, Độc giác vẫn chưa được đoạn trừ vĩnh viễn?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Tập khí tương tục thật ra chẳng phải phiền não, nhưng các Thanh văn và các Độc giác đã dứt phiền não chỉ còn một phần nhỏ tương tự như tham, sân, si phát động nơi thân ngữ, nên nói là tập khí tương tục. Tập khí tương tục này ở phàm phu ngu si thì có thể phát sanh việc không lợi ích, còn ở Thanh văn, Độc giác thì nó không thể làm phát sanh việc không lợi ích. Tất cả tập khí tương tục như vậy chư Phật Thế Tôn hoàn toàn không có.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đạo với Niết-bàn đều không tự tánh, vì sao Phật nói đây là Dự lưu, đây là Nhất lai, đây là Bất hoàn, đây là A-la-hán, đây là Độc giác, đây là Bồ-tát, đây là Như Lai?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Hoặc Dự lưu, hoặc Nhất lai, hoặc Bất hoàn, hoặc A-la-hán, hoặc Độc giác, hoặc Bồ-tát, hoặc Như Lai, tất cả đều từ vô vi hiển hiện ra.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Trong vô vi thật có nghĩa Dự lưu cho đến Như Lai khác nhau không?
Phật bảo:
- Không có.
Thiện Hiện lại hỏi:
- Nếu vậy tại sao Phật nói Dự lưu cho đến Như Lai tất cả đều từ vô vi hiện ra?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ta y theo thế tục mà hiển bày có Dự lưu hiện ra sai khác chớ không dựa vào thắng nghĩa, chẳng phải ở trong thắng nghĩa mà có sự hiển bày. Vì sao? Vì chẳng phải trong vô vi mà có cách nói năng hoặc tuệ phân biệt, hoặc cả hai thứ. Nhưng vì theo thế tục nói sự đoạn diệt các pháp nên y theo đó nói giai đoạn sau của các pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Nếu tự tướng của tất cả các pháp đều không, thì giai đoạn trước còn không có huống gì giai đoạn sau làm sao có, nay vì sao lại bày ra có giai đoạn sau vậy?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Vốn tự tướng của các pháp đều là không, giai đoạn trước còn không có huống gì có giai đoạn sau, giai đoạn sau mà thật có thì thật phi lý. Nhưng các hữu tình không thể thấu rõ tự tướng của các pháp vốn đều không, để làm lợi ích cho họ nên Ta phương tiện giải nói đây là giai đoạn trước, đây là giai đoạn sau. Nhưng ở trong tự tướng không của tất cả các pháp, giai đoạn trước, giai đoạn sau đều bất khả đắc. Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thấu rõ tự tướng của tất cả các pháp là không rồi, thì nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thiện Hiện nên biết: Các Đại Bồ-tát thấu rõ tự tướng tất cả các pháp đều không, rồi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không chấp trước các pháp, nghĩa là không chấp trước các pháp khác nhau, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thiện hoặc ác, hoặc hữu ký hoặc vô ký, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi. Cũng không chấp trước pháp Thanh văn hoặc pháp Độc giác, pháp Bồ-tát hoặc pháp Như Lai, chỉ y theo ngôn ngữ của thế gian mà giả lập, không y theo thắng nghĩa.
Quyển thứ 462
Hết