- Lời Trần Tình (của Hòa Thượng Thích Đỗng Minh về Cảo Bản Dịch Phẩm Đại Bát Nhã của Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm)
- Tiểu Sử Dịch Giả: Pháp Sư Huyền Trang và HT Thích Trí Nghiêm
- Thừa Sự Tăng Sai (dịch giả Kinh Đại Bát Nhã, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm)
- Tựa Hồi Đầu
- Tập 01
- Tập 02
- Tập 03
- Tập 04
- Tập 05
- Tập 06
- Tập 07
- Tập 08
- Tập 09
- Tập 10
- Tập 11
Tập 06
Quyển 331
Phẩm Hạnh Nguyện 02
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình bị hệ thuộc người làm chủ, có làm việc gì chẳng được tự do.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loại hữu tình khiến họ được tự do. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có ai làm chủ, ai muốn làm việc gì đều được tự do, cho đến chẳng thấy hình tượng chủ tể, cũng chẳng nghe danh tự chủ tể, chỉ có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dùng pháp thống nhiếp gọi là Pháp Vương.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình có các đường sai biệt.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loại hữu tình khiến không có các đường thiện ác sai biệt. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có các đường thiện ác sai biệt, cho đến không có danh tự địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, A-tố-lạc, nhơn, thiên. Tất cả hữu tình đều cùng một loài, cùng tu một pháp đó là cùng hòa hợp tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; an trụ pháp không nội, an trụ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; an trụ chơn như, an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; tu hành bốn niệm trụ, tu hành bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo; an trụ Thánh đế khổ, an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo; tu hành bốn tịnh lự, tu hành bốn vô lượng, bốn định vô sắc; tu hành tám giải thoát, tu hành tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; tu hành pháp môn giải thoát không, tu hành pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện; tu hành năm loại mắt, tu hành sáu phép thần thông; tu hành pháp môn Tam-ma-địa, tu hành pháp môn Đà-la-ni; tu hành mười lực Phật, tu hành bốn bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; tu hành pháp không quên mất, tu hành tánh luôn luôn xả; tu hành trí nhất thiết, tu hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; tu hành hạnh đại Bồ-tát; tu hành quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mà mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình có bốn loài sai biệt: Một là noãn sanh, hai là thai sanh, ba là thấp sanh, bốn là hóa sanh.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loại hữu tình, khiến không có bốn loài sai biệt như thế. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có bốn loài hữu tình sai biệt như thế. Các loài hữu tình đều cùng hóa sanh.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình không có năm loại thần thông, đối với việc làm không được tự tại.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loài hữu tình đều khiến đạt được năm tuệ thần thông. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, các loại hữu tình có năm tuệ thần thông đều được tự tại.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình thọ dụng đoàn thực, thân có các thứ đại tiểu tiện, máu mủ hôi thối, thật đáng chán bỏ.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta nên làm thế nào để cứu giúp các loại hữu tình thọ dụng đoàn thực như thế, khiến trong thân họ không có các loại dơ uế. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, các hữu tình đều cùng thọ dụng món an diệu pháp hỷ, thân thể thơm sạch, không có các việc đại tiểu tiện dơ uế.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình thân không ánh sáng, có làm việc gì phải nhờ đến ánh sáng bên ngoài.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loại hữu tình, khiến rời bỏ thân không ánh sáng như thế. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, thân các loài hữu tình đầy đủ ánh sáng, chẳng nhờ ánh sáng bên ngoài.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy nơi cư ngụ của các hữu tình có ngày có đêm, có tháng nửa tháng, thời tiết số năm, chuyển biến chẳng thường.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loại hữu tình, khiến chỗ ở của họ không có ngày đêm và các việc thay đổi. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có ngày đêm, và tháng nửa tháng, thời tiết năm số cho đến không có từ ngày, đêm v.v…
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình tuổi thọ ngắn ngủi.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loại hữu tình, khiến xa lìa tuổi thọ ngắn ngủi như thế. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, tuổi thọ của các loài hữu tình dài lâu, khó biết kiếp số.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình không có các tướng tốt.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loại hữu tình khiến được tướng tốt. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, các loại hữu tình đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc viên mãn trang nghiêm, hữu tình trông thấy sanh niềm vui thanh thoát.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy loài hữu tình xa lìa các căn lành.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loại hữu tình như thế khiến đủ căn lành. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, các loại hữu tình, tất cả đều thành tựu căn lành vi diệu thù thắng. Do căn lành này, thường sắm sửa các món cúng dường thượng diệu để cúng dường chư Phật, nương vào phước lực này, tùy theo chỗ thọ sanh, lại thường cúng dường chư Phật Thế Tôn.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình có đủ các bệnh về thân tâm; thân bệnh có bốn: Một là bệnh phong, hai là bệnh nhiệt, ba là bệnh đàm, bốn là đủ các loại bệnh phức tạp về phong. Tâm bệnh cũng có bốn: Một là bệnh tham, hai là bệnh sân, ba là bệnh si, bốn là bệnh mạn v.v... các thứ bệnh phiền não.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để cứu giúp các loại hữu tình có bệnh khổ thân, tâm như thế. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, các loại hữu tình, thân tâm thanh tịnh, không có nỗi khổ về bệnh, cho đến không nghe tên của các bệnh phong, nhiệt, đàm, và các bệnh phong phức tạp khác; cũng chẳng nghe các bệnh phiền não như tham, sân, si, mạn v.v…
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy có hữu tình có đủ các ý thích: Hoặc có người thích hướng đến Thanh-văn thừa, hoặc có người thích hướng đến Độc-giác thừa, hoặc có người thích hướng đến Vô thượng thừa.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để phương tiện cứu giúp các loại hữu tình, khiến từ bỏ ý thích hướng đến Thanh-văn, Độc-giác thừa, chỉ khiến thích hướng đến Vô thượng Đại-thừa. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, các loại hữu tình chỉ cầu quả vị giác ngộ cao tột, chẳng ưa quả Thanh-văn, Độc-giác thừa cho đến không có tên Nhị thừa, chỉ nghe các thứ công đức của Đại-thừa.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình khởi tăng thượng mạn; chưa có thể thật sự xa lìa sự giết hại sanh mạng mà cho là ta thật sự xa lìa sự giết hại sanh mạng; chưa có thể thật sự xa lìa việc không cho mà lấy, xa lìa dâm dục tà hạnh mà cho là ta thật sự xa lìa việc không cho mà lấy, xa lìa dâm dục tà hạnh; chưa có thể thật sự xa lìa lời nói hư dối mà cho là ta thật sự xa lìa lời nói hư dối; chưa có thể thật sự xa lìa lời nói thô ác, xa lìa lời nói chia rẽ, xa lìa lời nói hỗn tạp mà cho là ta thật sự xa lìa lời nói thô ác, xa lìa lời nói chia rẽ, xa lìa lời nói hỗn tạp; chưa có thể thật sự xa lìa tham dục mà cho là ta thật sự xa lìa tham dục; chưa có thể thật sự xa lìa sân giận và xa lìa tà kiến mà cho là ta thật sự xa lìa sân giận và xa lìa tà kiến; chưa đắc sơ thiền mà cho là đắc sơ thiền; chưa đắc đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền mà cho là đắc đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền; chưa đắc định Không-vô-biên xứ mà cho là đắc định Không-vô-biên xứ; chưa đắc định Thức-vô-biên xứ, Vô-sở-hữu xứ, Phi-tưởng-phi-phi-tưởng xứ mà cho là đắc định Thức-vô-biên xứ, Vô-sở-hữu xứ, Phi-tưởng-phi-phi-tưởng xứ; chưa đắc từ vô lượng mà cho là đắc từ vô lượng; chưa đắc bi, hỷ, xả vô lượng mà cho là đắc bi, hỷ, xả vô lượng; chưa đắc thần cảnh trí chứng thông mà cho là đắc thần cảnh trí chứng thông; chưa đắc thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc trụ, tùy niệm trí chứng thông mà cho là đắc thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc trụ, tùy niệm trí chứng thông; chưa đắc quán bất tịnh mà cho là đắc quán bất tịnh; chưa đắc quán lĩnh vực sai biệt của từ bi niệm tức duyên khởi mà cho là đắc quán lĩnh vực sai biệt của từ bi niệm tức duyên khởi; chưa đắc bậc chỉ quán mà cho là đắc bậc chỉ quán; chưa đắc bậc chủng tánh, bậc Đệ bát, bậc Kiến, bậc Bạc, bậc Ly dục, bậc Dĩ biện mà cho là đắc bậc chủng tánh, bậc Đệ bát, bậc Kiến, bậc Bạc, bậc Ly dục, bậc Dĩ biện; chưa đắc quả vị Độc-giác mà cho là đắc quả vị Độc-giác; chưa đắc bố thí Ba-la-mật-đa mà cho là đắc bố thí Ba-la-mật-đa, chưa đắc tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà cho là đắc tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; chưa chứng pháp không nội mà cho là chứng pháp không nội, chưa chứng pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh mà cho là chứng pháp không ngoại cho đến pháp không không tánh tự tánh; chưa chứng chơn như mà cho là chứng chơn như, chưa chứng pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì mà cho là chứng pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì; chưa chứng Thánh đế khổ mà cho là chứng Thánh đế khổ, chưa chứng Thánh đế tập, diệt, đạo mà cho là chứng Thánh đế tập, diệt, đạo; chưa đắc bốn niệm trụ mà cho là đắc bốn niệm trụ, chưa đắc bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo mà cho là đắc bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo; chưa đắc bốn tịnh lự mà cho là đắc bốn tịnh lự, chưa đắc bốn vô lượng, bốn định vô sắc mà cho là đắc bốn vô lượng, bốn định vô sắc; chưa đắc tám giải thoát mà cho là đắc tám giải thoát, chưa đắc tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ mà cho là đắc tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; chưa đắc pháp môn giải thoát không mà cho là đắc pháp môn giải thoát không, chưa đắc pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện mà cho là đắc pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện; chưa đắc bậc Cực hỷ mà cho là đắc bậc Cực hỷ, chưa đắc bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân mà cho là đắc bậc Ly cấu cho đến bậc Pháp vân; chưa đắc năm loại mắt mà cho là đắc năm loại mắt, chưa đắc sáu phép thần thông mà cho là đắc sáu phép thần thông; chưa đắc pháp môn Tam-ma-địa mà cho là đắc pháp môn Tam-ma-địa, chưa đắc pháp môn Đà-la-ni mà cho là đắc pháp môn Đà-la-ni; chưa đắc mười lực Phật mà cho là đắc mười lực Phật, chưa đắc bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng mà cho là đắc bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; chưa đắc pháp không quên mất mà cho là đắc pháp không quên mất, chưa đắc tánh luôn luôn xả mà cho là đắc tánh luôn luôn xả; chưa đắc trí nhất thiết mà cho là đắc trí nhất thiết, chưa đắc trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng mà cho là đắc trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chưa nghiêm tịnh cõi Phật mà cho là nghiêm tịnh cõi Phật, chưa thành thục hữu tình mà cho là thành thục hữu tình; chưa hiểu kỹ nghệ khéo léo của thế gian mà cho là hiểu kỹ nghệ khéo léo của thế gian; chưa tu hạnh đại Bồ-tát mà cho là tu hạnh đại Bồ-tát; chưa đắc quả vị giác ngộ cao tột mà cho là đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để cứu giúp các loại hữu tình như thế, khiến họ xa lìa sự kết buộc của tăng thượng mạn. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, không có hạng tăng thượng mạn như thế, tất cả hữu tình lìa tăng thượng mạn.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình chấp trước các pháp, đó là chấp trước sắc, chấp trước thọ, tưởng, hành, thức; chấp trước nhãn xứ, chấp trước nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ; chấp trước sắc xứ, chấp trước thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ; chấp trước nhãn giới, chấp trước nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới; chấp trước sắc giới, chấp trước thanh, hương, vị, xúc, pháp giới; chấp trước nhãn thức giới, chấp trước nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới; chấp trước nhãn xúc, chấp trước nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; chấp trước các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, chấp trước các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra; chấp trước địa giới, chấp trước thủy, hỏa, phong, không, thức giới; chấp trước tánh nhân duyên, chấp trước tánh đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên; chấp trước vô minh, chấp trước hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử; chấp trước ngã, chấp trước hữu tình, dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, ý sanh, nho đồng, khả năng làm việc, khả năng thọ quả báo, cái biết, cái thấy; chấp trước bố thí Ba-la-mật-đa, chấp trước tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; chấp trước pháp không nội, chấp trước pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; chấp trước chơn như, chấp trước pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; chấp trước Thánh đế khổ, chấp trước Thánh đế tập, diệt, đạo; chấp trước bốn niệm trụ, chấp trước bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo; chấp trước bốn tịnh lự, chấp trước bốn vô lượng, bốn định vô sắc; chấp trước tám giải thoát, chấp trước tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; chấp trước pháp môn giải thoát không, chấp trước pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện; chấp trước bậc Cực hỷ, chấp trước bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân; chấp trước năm loại mắt, chấp trước sáu phép thần thông; chấp trước pháp môn Tam-ma-địa, chấp trước pháp môn Đà-la-ni; chấp trước mười lực Phật, chấp trước bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; chấp trước pháp không quên mất, chấp trước tánh luôn luôn xả; chấp trước trí nhất thiết, chấp trước trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chấp trước quả Dự-lưu, chấp trước quả Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán; chấp trước quả vị Độc-giác; chấp trước hạnh đại Bồ-tát; chấp trước quả vị giác ngộ cao tột.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta phải làm thế nào để cứu giúp các loại hữu tình như thế, khiến xa lìa chấp trước. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Trong cõi Phật của ta, các loại hữu tình không có các loại chấp trước như thế.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hào quang giới hạn, tuổi thọ giới hạn, các chúng đệ tử số lượng giới hạn.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta làm thế nào để được hào quang vô lượng, thọ mạng vô lượng, và các chúng đệ tử số lượng không giới hạn. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột. Bấy giờ, thân ta hào quang vô lượng, thọ mạng vô lượng, các chúng đệ tử số đông vô lượng.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, mà cõi Phật chu vi giới hạn.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Ta làm thế nào để được cõi Phật vô lượng. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột, như hằng hà sa số đại thiên thế giới ở mười phương hiệp lại thành một cõi, Ta trụ trong đó thuyết pháp giáo hóa vô lượng, vô số, vô biên hữu tình.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có đại Bồ-tát tu đủ sáu phép Ba-la-mật-đa, thấy các hữu tình, sanh tử dài lâu, các thế giới hữu tình, số lượng vô biên.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, thấy việc đó rồi, nghĩ thế này: Giới hạn của sanh tử giống như hư không, thế giới hữu tình cũng giống như thế. Tuy không chơn thật, nhưng các loại hữu tình lưu chuyển sanh tử, hoặc đắc Niết-bàn, nên các hữu tình vọng chấp là có luân hồi sanh tử, thọ khổ vô biên. Ta phải làm thế nào để phương tiện cứu giúp họ. Đã nghĩ vậy rồi, phát lời nguyện: Ta phải tinh cần, chẳng tiếc thân mạng, tu hành sáu phép Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, khiến mau viên mãn, chóng chứng quả vị giác ngộ cao tột, vì các hữu tình nói pháp Vô thượng, đều khiến giải thoát khổ lớn sanh tử, cũng khiến chứng biết sanh tử, giải thoát hoàn toàn không sở hữu, đều rốt ráo không.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, do sáu phép Ba-la-mật-đa này, mau được viên mãn, gần gũi quả vị giác ngộ cao tột.
Tập 06
Quyển 331
Phẩm Căng-Già-Thiên
Lúc bấy giờ, trong pháp hội có một thiên nữ tên là Căng-già-thiên, từ chỗ ngồi đứng dậy, phủ che vai bên trái, gối phải quỳ xuống đất, chấp tay hướng về Phật bạch:
Bạch Thế Tôn! Con sẽ tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Cõi Phật mà con cầu như cõi Phật mà hiện nay Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vì các đại chúng đã nói đầy đủ tất cả cảnh tướng cõi ấy, ở trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa này.
Khi ấy, Căng-già-thiên nói như vậy rồi, liền lấy các thứ hoa vàng, hoa bạc, hoa tươi trên bờ, dưới nước, các đồ trang nghiêm và cầm một chiếc thiên y màu vàng, cung kính chí thành mà rải trên Phật. Do thần lực của Phật, thiên y bay vọt lên hư không, xoay qua phía bên phải, ở trên đỉnh Phật, biến thành đài báu có bốn trụ, bốn góc, thêu dệt trang trí rất dễ ưa thích.
Khi ấy, Thiên nữ cầm đài báu này ban cho các hữu tình đều có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột.
Lúc bấy giờ, Như Lai biết thiên nữ kia, chí nguyện sâu rộng, liền mỉm cười, thường pháp của chư Phật khi mỉm cười thì có các thứ hào quang từ miệng phóng ra, nay Phật cũng vậy, từ trong diện môn của Ngài, phóng ra các thứ hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, biếc, tía, lục, chiếu khắp vô lượng, vô biên, vô số thế giới trong mười phương, rồi trở lại cõi này, hiện đại thần biến, vòng quanh Phật ba vòng, nhập vào đỉnh Phật.
Lúc bấy giờ, A-nan thấy việc ấy rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, gối phải quì xuống đất, chấp tay hướng về Phật bạch:
Bạch Thế Tôn! Do nhơn duyên gì mà Ngài mỉm cười, vì chư Phật mỉm cười, chẳng phải là không nhơn duyên?
Phật bảo A-nan: Nay Thiên nữ này, ở đời vị lai sẽ được làm Phật, kiếp tên Tinh Dụ, hiệu Phật là Kim Hoa Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhơn Sư, Phật, Bạc Già Phạm. A-nan nên biết, nay thiên nữ này, tức là nữ thân cuối cùng phải thọ; bỏ thân này rồi, liền thọ nam thân, tận đời vị lai, chẳng thọ lại thân nữ; từ đây chết rồi, sanh vào thế giới rất dễ ưa thích của đức Phật Bất Động Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở phương Đông. Tại cõi Phật kia, siêng tu phạm hạnh. Vị nữ này ở thế giới ấy cũng có tên là Kim Hoa, tu các hạnh đại Bồ-tát.
Này A-nan! Đại Bồ-tát Kim Hoa này, ở cảnh giới ấy chết rồi lại sanh phương khác, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, sanh ở bất kỳ cõi nào thường chẳng xa Phật. Như chuyển luân vương từ đài quán này đến đài quán khác, vui vẻ hưởng lạc cho đến mạng chung, chân chẳng chạm đất, Bồ-tát Kim Hoa cũng lại như vậy, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác cho đến quả vị giác ngộ cao tột, ở trong đời nào thường không xa Phật, nghe thọ Chánh pháp, tu hạnh Bồ-tát.
Lúc bấy giờ, A-nan thầm nghĩ thế này: Bồ-tát Kim Hoa, khi thành Phật cũng nên tuyên thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa sâu xa. Chúng đại Bồ-tát ở pháp hội ấy, số nhiều hay ít giống như hội chúng Bồ-tát của Phật này.
Phật biết ý nghĩ ấy, bảo A-nan: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nghĩ, Bồ-tát Kim Hoa khi thành Phật cũng vì chúng hội tuyên thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa sâu xa như thế. Chúng đại Bồ-tát ở pháp hội kia, số nhiều hay ít cũng như hội chúng Bồ-tát của Phật này.
Này A-nan! Nên biết, đại Bồ-tát Kim Hoa ấy, khi thành Phật, thì thế giới của Phật ấy, số lượng đệ tử xuất gia rất nhiều, chẳng thể tính đếm, đó là chẳng thể tính đếm: Hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc trăm ngàn, hoặc ức, hoặc trăm ức, hoặc ngàn ức, hoặc trăm ngàn ức, hoặc triệu, hoặc trăm triệu, hoặc ngàn triệu, hoặc trăm ngàn triệu chúng đại Bí-sô, chỉ có thể nói tóm lại là vô số, vô lượng, vô biên trăm ngàn ức triệu chúng đại Bí-sô.
Này A-nan! Nên biết, đại Bồ-tát Kim Hoa ấy, khi thành Phật, ở cõi Phật ấy, không có nhiều tội lỗi như trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa này đã nói.
Bấy giờ, cụ thọ A-nan lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay thiên nữ này, trước đây, đối với đức Phật nào, đã phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng mà nay được gặp Phật, cung kính cúng dường, để được thọ ký Bất thối chuyển?
Phật bảo A-nan: Nay thiên nữ này, ở chỗ Phật Nhiên Đăng đã phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng cho nên nay gặp ta, cung kính cúng dường để được thọ ký Bất thối chuyển.
Này A-nan! Nên biết, ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng thời quá khứ, dùng năm cành hoa để rải cúng Phật, phát nguyện hồi hướng. Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết căn cơ của ta đã thành thục nên thọ ký cho ta. Bấy giờ, thiên nữ nghe Phật thọ ký đại Bồ-tát cho ta, vui mừng nhảy nhót, liền dùng hoa vàng rải cúng trên Phật, và phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng, khiến ta ở đời vị lai, khi Bồ-tát này thành Phật thì cũng như Phật hiện tiền hôm nay thọ ký đại Bồ-đề cho ta. Cho nên ta nay thọ ký cho thiên nữ ấy.
Cụ thọ A-nan nghe Phật nói xong, vui mừng nhảy nhót, lại bạch Phật:
Nay thiên nữ này, từ lâu, vì quả vị giác ngộ cao tột, trồng cội phước đức, nay được thành thục nên được Phật thọ ký.
Phật bảo A-nan: Đúng vậy! Đúng vậy! Nay thiên nữ này, từ lâu đã vì quả vị giác ngộ cao tột, trồng cội phước đức, nay đã thành thục nên được ta thọ ký.
Tập 06
Quyển 331
Phẩm Khéo Học 01
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ-tát tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa, làm thế nào tập gần Tam-ma-địa Không, làm thế nào nhập Tam-ma-địa Không? Làm thế nào tập gần Tam-ma-địa Vô tướng, làm thế nào nhập Tam-ma-địa Vô tướng? Làm thế nào tập gần Tam-ma-địa Vô nguyện, làm thế nào nhập Tam-ma-địa Vô nguyện? Làm thế nào tập gần bốn niệm trụ, làm thế nào tu bốn niệm trụ? Làm thế nào tập gần bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, làm thế nào tu bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo? Làm thế nào tập gần mười lực Phật, làm thế nào tu mười lực Phật? Làm thế nào tập gần bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, làm thế nào tu bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa nên quán sắc là không, nên quán thọ, tưởng, hành, thức là không; nên quán nhãn xứ là không, nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ là không; nên quán sắc xứ là không, nên quán thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ là không; nên quán nhãn giới là không, nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới là không; nên quán sắc giới là không, nên quán thanh, hương, vị, xúc, pháp giới là không; nên quán nhãn thức giới là không, nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, thức giới là không; nên quán nhãn xúc là không, nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc là không; nên quán các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra là không, nên quán các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra là không; nên quán địa giới là không, nên quán thủy, hỏa, phong, không, thức giới là không; nên quán vô minh là không, nên quán hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử là không; nên quán bố thí Ba-la-mật-đa là không, nên quán tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa là không; nên quán pháp không nội là không, nên quán pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng có thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh là không; nên quán chơn như là không, nên quán pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì là không; nên quán Thánh đế khổ là không, nên quán Thánh đế tập, diệt, đạo là không; nên quán bốn tịnh lự là không, nên quán bốn vô lượng, bốn định vô sắc là không; nên quán tám giải thoát là không, nên quán tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ là không; nên quán bốn niệm trụ là không, nên quán bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo là không; nên quán pháp môn giải thoát không là không, nên quán pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện là không; nên quán mười địa Bồ-tát của Ba thừa là không; nên quán năm loại mắt là không, nên quán sáu phép thần thông là không; nên quán mười lực Phật là không, nên quán bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng là không; nên quán pháp không quên mất là không, nên quán tánh luôn luôn xả là không; nên quán trí nhất thiết là không, nên quán trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là không; nên quán tất cả pháp môn Đà-la-ni là không, nên quán tất cả pháp môn Tam-ma-địa là không; nên quán quả Dự-lưu là không, nên quán quả Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán là không; nên quán quả vị Độc-giác là không; nên quán tất cả hạnh đại Bồ-tát là không; nên quán quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật là không; nên quán pháp hữu lậu là không, nên quán pháp vô lậu pháp là không; nên quán pháp thế gian là không, nên quán pháp xuất thế gian là không; nên quán pháp hữu vi là không, nên quán pháp vô vi là không; nên quán pháp quá khứ là không, nên quán pháp vị lai, hiện tại là không; nên quán pháp thiện là không, nên quán pháp bất thiện, vô ký là không; nên quán pháp Dục giới là không, nên quán pháp Sắc, Vô sắc giới là không.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, khi quán như vậy, khiến tâm chẳng loạn; nếu tâm chẳng loạn thì chẳng thấy pháp; nếu chẳng thấy pháp thì chẳng chứng đắc. Vì sao?
Này Thiện Hiện! Vì Đại Bồ-tát ấy, khéo học tự tướng các pháp đều là không, không có pháp nào có thể tăng, không có pháp nào có thể giảm, cho nên đối với chẳng thấy, chẳng chứng. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì ở trong thắng nghĩa đế của tất cả pháp, năng chứng, sở chứng, chỗ chứng, thời gian chứng và do pháp đó được chứng, hoặc hiệp, hoặc ly đều chẳng thể nắm bắt được, chẳng thể thấy được.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Phật đã dạy, các đại Bồ-tát đối với cái không của các pháp, chẳng nên chứng đắc. Bạch Thế Tôn! Vì sao các đại Bồ-tát an trụ cái không của các pháp mà chẳng chứng đắc?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát khi quán cái không của pháp thì trước hết nghĩ thế này: Ta nên quán các tướng của pháp đều không, chẳng nên chứng đắc. Ta vì học nên quán cái không của các pháp chứ chẳng vì chứng đắc mà quán cái không của các pháp. Nay là lúc học chứ chẳng phải là lúc chứng.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, chưa nhập định vị, buộc tâm ở sở duyên; khi đã nhập định thì chẳng để tâm nơi cảnh.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, ở trong lúc này, chẳng từ bỏ bố thí Ba-la-mật-đa, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ pháp không nội, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng có thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ chơn như, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ Thánh đế khổ, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ Thánh đế tập, diệt, đạo, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ bốn tịnh lự, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ bốn vô lượng, bốn định vô sắc, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ tám giải thoát, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ bốn niệm trụ, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ pháp môn giải thoát không, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ năm loại mắt, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ sáu phép thần thông, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ mười lực Phật, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ pháp không quên mất, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ tánh luôn luôn xả, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ trí nhất thiết, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ tất cả pháp môn Đà-la-ni, chẳng chứng lậu tận, chẳng từ bỏ tất cả pháp môn Tam-ma-địa, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ hạnh đại Bồ-tát, chẳng chứng lậu tận; chẳng từ bỏ quả vị giác ngộ cao tột, chẳng chứng lậu tận. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì đại Bồ-tát ấy thành tựu đại trí vi diệu như thế, khéo an trụ pháp không và tất cả pháp Bồ-đề phần, nghĩ thế này: Bây giờ nên học chẳng phải là lúc chứng.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa nên nghĩ thế này: Ta đối với bố thí Ba-la-mật-đa, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với pháp không nội, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng có thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với chơn như, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với Thánh đế khổ, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với Thánh đế tập, diệt, đạo, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với bốn tịnh lự, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với bốn vô lượng, bốn định vô sắc, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với tám giải thoát, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với bốn niệm trụ, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với pháp môn giải thoát không, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với năm loại mắt, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với sáu phép thần thông, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với mười lực Phật, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với pháp không quên mất, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với tánh luôn luôn xả, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với trí nhất thiết, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với tất cả pháp môn Đà-la-ni, bây giờ nên học, chẳng nên chứng; ta đối với tất cả pháp môn Tam-ma-địa, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với tất cả hạnh đại Bồ-tát, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta đối với quả vị giác ngộ cao tột, bây giờ nên học, chẳng nên chứng. Ta nay nên học trí nhất thiết trí, chẳng nên chứng quả Dự-lưu. Ta nay nên học trí nhất thiết trí, chẳng nên chứng quả Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán. Ta nay nên học trí nhất thiết trí, chẳng nên chứng quả vị Độc-giác.
Quyển thứ 331
Hết