Thầy Nhất Hạnh giảng kinh Pháp Hoa
Nhà xuất bản Lá Bối 2001
Hãy nắm tay nhau
Đối với Việt-nam, tôi thấy đất nước mình sẽ có một cơ hội lớn lao hơn nếu những Phật tử và các con chiên của Chúa có thể đến gần với nhau được, tại vì trong đoàn thể của hai tôn giáo lớn này đang có một sự chia cách, một sự hiểu lầm trầm trọng. Sở dĩ vậy là vì có những người Ki-tô giáo rất ghét đạo Phật, nhất là những người nghĩ rằng đạo Phật đã làm sụp đổ một chế độ, một thời đại mà họ cho là thời đại hoàng kim của Cơ Đốc giáo ở Việt-nam, tức là chế độ của tổng thống Ngô đình Diệm hồi đó. Cho nên họ không thể tha thứ được cho Phật giáo. Ngược lại, có những Phật tử cứ nghĩ rằng vì sự truyền bá của đạo Cơ Đốc mà đất nước mình đã rơi vào tay của ngoại bang, và người Cơ đốc giáo không chịu đi theo con đường của dân tộc mà chỉ nương tựa nhiều vào ngoại quốc, cho nên họ khó chấp nhận người Cơ đốc giáo vào trong cộng đồng của dân tộc. Nếu chúng ta không làm gì để hóa giải những sự hiểu lầm đó, thì đất nước của chúng ta sẽ còn rối loạn dài dài. Trong những bài đã viết hay đã nói, tôi đã nhiều lần diễn bày cái tâm tư này. Tôi đã nói rằng có nhiều Linh Mục và nhiều nhà tư tưởng Cơ đốc giáo muốn dân tộc hóa nền đạo lý Ki-tô. Ở Huế chúng ta thấy có nhiều nhà thờ xây cất theo kiểu truyền thống, có mái cong. Cũng có nhiều Linh Mục muốn đốt hương và lễ lạy trong những thánh lễ. Đó là những ý muốn dân tộc hóa hình thái sinh hoạt của cộng đồng Ki-tô giáo. Đó là những điều mà chúng ta rất hoan nghinh. Nếu những người con Chúa đứng trong hàng ngũ dân tộc và làm cho Ki-tô giáo ở Việt-nam trở thành một yếu tố của nền văn hóa dân tộc, cùng đi theo một hướng, cùng đoàn kết với tất cả những thành phần khác của dân tộc, thì tại sao ta lại không chấp nhận họ như là những người anh em trong nhà? Ta phải giáo dục Phật tử về những điều này. Ngược lại, những con chiên của Chúa cũng phải biết rằng trong đạo Bụt có nhiều người rất cởi mở, sẳn sàng đưa vòng tay ra để chấp nhận mình. Lịch sử đã chứng minh rằng trong đoàn thể Ki-tô giáo, cũng như trong Phật giáo, đã có những sai lạc, những vụng về. Chúng ta phải cho nhau một cơ hội để tự thấy được cái lầm lỗi của mình. Có như vậy thì người anh em mới nhận ra được nhau.
Hồi tôi đến Chicago để hướng dẫn khóa tu tại một tu viện Công giáo, các Mẹ bề trên cũng có đến tham dự khóa tu. Hôm đó có một thiếu nữ đã tu học khá lâu, và sắp được dọn mình để mang áo nữ tu sĩ. Sau năm ngày tu học, cô thiếu nữ thấy quá thích đạo Bụt, nên đã tới hỏi tôi rằng: Thưa thầy, bây giờ con xin làm Ni cô có được không? Tôi nói: Thôi con làm Bà Xơ đi, vì một Bà Xơ mà có cảm tình với đạo Bụt thì rất quí. Nghe vậy, cô thiếu nữ bèn nói, thôi nếu vậy thì để con xin làm Bà Xơ. Trong đạo Ki-tô phải có những ông Cha và những Bà Xơ có khả năng hiểu và có cảm tình với đạo Bụt. Ngược lại trong đạo Bụt, cũng phải có những thầy và những sư cô biết học và hiểu đạo Ki-tô, và có cảm tình với những con chiên của Chúa, thì đất nước mình mới có tương lai. Chúng ta cần những người có bồ đề tâm như vậy thì hai đoàn thể tôn giáo mới có thể tới gần nhau được, và nhờ đó mà đất nước ta mới có thể khá lên.
Ngày xưa lúc mới thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, tôi đã thấy được điều đó. Ngoài những môn học như kinh tế, giáo dục, y tế v.v..., tôi đã mời một vị Linh mục đến dạy về Cơ Đốc giáo cho các tác viên Thanh niên Phụng sự Xã hội. Tại vì khi ra xã hội để làm việc, thế nào ta cũng gặp những gia đình thuộc Ki-tô giáo, nên ta phải biết căn bản của Ki-tô giáo để đừng phạm những lỗi lầm làm mang tiếng là kỳ thị tôn giáo. Khi mời một Linh Mục đến giảng dạy cho một trường Phật giáo như vậy, là mình đã có một nhận định, và nhận định đó rất cần thiết cho tương lai đất nước của chúng ta. Cho nên tôi nghĩ rằng mọi người, kể cả các Thầy, các sư cô, sư chú thế nào cũng phải học qua về Ki-tô giáo. Tôi cũng đã học nhiều năm. Nhờ vậy, khi giảng dạy cho những người trẻ có đạo Công gíáo hay Tin lành, vì tôi đã có một cái nhìn khá sâu và khá đặc biệt về Thánh Kinh và về giáo hội, cho nên họ rất thích. Nhờ đó mà sự trao đổi rất là cởi mở. Mới đây tôi có hướng dẫn một khóa tu đặc biệt cho người Đức tại một trung tâm Cơ Đốc giáo. Chủ đề của khóa tu là Đối thoại giữa Phật giáo và Công giáo. Tôi đã đem ra những vấn đề thuộc giáo hội hai bên để giảng, và sự giảng dạy đó đã đánh động đến tâm lý của cả hai bên, làm cho một số cửa ngỏ lâu nay bị đóng kín mít bây giờ được mở toang ra. Nhờ vậy mà cả hai bên cùng thấy một con đường thênh thang, trong đó người đạo Bụt lẫn con chiên đạo Ki-tô, đều học hỏi được rất nhiều từ nhau. Khóa tu đó được giảng bằng tiếng Anh, cho nên nếu quí vị muốn học thêm về sự đối thoại giữa hai tôn giáo thì có thể nghe những băng giảng trong khóa tu ấy.
Tư tưởng căn bản thứ hai của kinh Pháp Hoa là tư tưởng Phật Thân Thường Trú. Phật thân thường trú là tính cách thường trú vĩnh cửu của Pháp thân, của những lời Bụt giảng dạy. Trước khi nhập diệt, Bụt có nói rằng: Các thầy, các cô đừng buồn, chỉ có nhục thể của tôi (my physical body) sẽ bị tan hoại thôi, còn Pháp thân của tôi (my teaching body) sẽ còn ở lại hoài với quí vị. Bởi vậy cho nên Pháp thân mới đúng là thân Bụt, còn nhục thân thì chưa đích thực là Phật thân. Thành ra tư tưởng căn bản thứ hai của kinh Pháp Hoa là tính cách vĩnh cửu, thường hằng của Pháp thân. Tuy nhiên tư tưởng này không phải chỉ đặc biệt có ở kinh Pháp Hoa, mà ta cũng tìm thấy ở những kinh khác. Vì vậy mà cái tư tưởng thứ nhất đã nói ở trên, mọi chúng sanh đều có khả năng tính thành Phật, mới đích thực là tư tưởng căn bản và đặc thù của kinh Pháp Hoa.