Thầy Nhất Hạnh giảng kinh Pháp Hoa
Nhà xuất bản Lá Bối 2001
Văn thể và các giai đoạn hình thành của kinh Pháp Hoa
Kinh Pháp Hoa có nhiều trùng tụng hơn kinh Duy Ma. Trùng tụng tức là phần kệ tụng ở trong kinh, tiếng Phạn là Geya, mình phiên âm là Già-đà. Kinh Duy Ma chỉ có hai đoạn trùng tụng mà thôi. Đoạn thứ nhất là ca ngợi Bụt, nói về Phật Thân Quang, đoạn thứ hai là nói về gia đình của Như Lai. Nếu đọc kinh Pháp Hoa quý vị sẽ thấy trùng tụng là những đoạn thi kệ lập lại những ý đã được nói trong phần trường hàng (Sũtra). Trường hàng tức là văn xuôi. Khi đọc các kinh Đại Thừa, ta thường có cảm tưởng phần kệ tụng là để tóm thâu lại phần trường hàng.
Có rất nhiều thể tài của kinh điển, như Trường hàng, Trùng tụng, Cô khởi, Thí dụ, Nhân duyên, Vô vấn, Bản sanh, Bản sự v.v... Ở đây ta mới nói đến hai thể tài đầu của kinh điển đạo Bụt là Trường hàng và Trùng tụng. Ta có thể nghĩ rằng hai thể tài đó xuất hiện đồng thời. Khi còn trẻ tôi thường nghĩ rằng sở dĩ kinh có phần trùng tụng vì phần này dễ nhớ hơn, lý do là thi ca thì dễ đọc và dễ thuộc hơn văn xuôi. Điều đó cũng đúng, nhưng không đúng trong trường hợp này cho lắm. Lý do là lúc mới xuất hiện, kinh điển thường được viết bằng thi kệ mà không viết bằng văn xuôi. Tương tự như kho tàng ca dao tục ngữ của Việt-nam, được truyền lại bằng miệng, gọi là văn chương truyền khẩu. Kinh điển Đại Thừa cũng vậy. Ban đầu kinh xuất hiện dưới hình thức những bài kệ tụng truyền miệng. Do đó với kinh Pháp Hoa, những phần trùng tụng xuất hiện trước, và đó là giai đoạn đầu kinh Pháp Hoa xuất hiện. Ngôn ngữ mà những nhà tư tưởng này sử dụng để diễn bày kinh Pháp Hoa được gọi là tiếng Prakrit, một ngôn ngữ thông dụng trong xã hội Ấn độ thời đó, cho nên dễ hiểu và dễ học thuộc hơn. Ngôn ngữ này có luật lệ riêng của nó, cũng như thơ lục bát của Việt-nam:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Rất dễ nhớ, rất dễ hiểu. Tuy nhiên, vì là một văn thể có những hình thức và luật lệ riêng, cho nên chữa lại bài văn vần thì hơi khó.
Trong giai đoạn thứ hai của sự hình thành kinh Pháp Hoa, người ta thêm vào phần văn xuôi, tức là phần trường hàng, với mục đích làm cho những đoạn trùng tụng rõ nghĩa hơn lên. Ví dụ như hai câu ca dao kể trên, trong đó có nhiều chữ chiều, nhưng không phải mọi chữ chiều đều có cùng một nghĩa, vì vậy mà ta phải dông dài hơn để giải thích những đoạn thi kệ. Do đó tuy rằng anh chàng văn xuôi, anh chàng trường hàng xuất hiện sau anh chàng trùng tụng mà mình cứ tưởng là anh ta xuất hiện trước, rồi ta mới tóm tắt lại thành thơ cho dễ nhớ. Như vậy, trường hàng, trước tiên là được dùng để giải thích lời kinh. Trong kinh ta thường gặp những câu như: Bụt nói đến đây và muốn tóm tắt lại những nghĩa lý đã nói, nên liền đọc bài kệ sau đây... Đó là điều đã được người ta thêm vào sau, và không đúng với sự hình thành của kinh. Ta phải đổi lại rằng: Sau khi đã nói bài kệ rồi, Bụt thấy nghỉa lý hơi cô đọng nên Ngài thêm những lời giải thích sau đây..., thì đúng hơn. Đứng về phương diện khoa học để nghiên cứu thì ta mới thấy được những điều đó. Quí vị là những người được sống trong thế kỷ thứ hai mươi, đã được thụ hưởng phương pháp văn học sử mới, quý vị có thể khám phá và chấp nhận được những điều này.
Giai đoạn thứ ba của sự hình thành Pháp Hoa là sự phát triển thêm phần trường hàng, tức là phần văn xuôi. Tại vì khi so các bản tiếng Phạn với nhau, ta thấy có những bản trong đó phần trường hàng ngắn hơn phần trường hàng của những bản khác, nghĩa là kinh Pháp Hoa cũng đã mọc lên như một cây đại thọ, nẩy chồi, đâm nhánh. Giữa thế kỷ thứ hai nó còn thấp nhỏ, nhưng đến cuối thế kỷ thứ hai thì nó cao lớn hơn nhiều.
Giai đoạn thứ tư là giai đoạn kinh được thêm vào những phẩm mới. Trong bản chữ Hán, kinh Pháp Hoa có 28 phẩm và trong bản tiếng Phạn ta đang có, chỉ có 27 phẩm thôi. Sự tìm tòi nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng, kể từ phẩm thứ 23 trở về sau, có những phẩm mới đã được thêm vào. Có thể là khi sử dụng, các thầy thấy có những khuyết điểm, nên họ đã thêm vào những phẩm sau. Trong những phẩm đầu, chúng ta thấy có tư tưởng tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Bụt, nghĩa là mọi giới kể cả các vị Thanh văn (ệrẠvaka) Duyên giác (Pratyekabuddha), và Bồ Tát (Bodhisattva), ai cũng có khả năng tính thành Bụt. Đây là lý thuyết chủ yếu của kinh Pháp Hoa. Nhưng cho đến phẩm 22 ta vẫn chưa thấy nữ giới thành Bụt, cho nên các tổ đã phải thêm vào một phẩm, đó là phẩm thứ 13, trong phẩm này bà dì của Bụt tức là Bà MahẠprajẠpati Gautamỉ (Ma-Ha-Bà-Xa-Bà-Đế Kiều-Đàm-Di) và mẹ của La Hầu La (RẠhula), tức là người bạn đường của Bụt trước khi Ngài đi tu, bà YasodharẠ (Da-Du-Đà-La), cũng được thọ ký để thành Bụt. Tuy vậy phải đợi cho tới khi thấy được sự thiếu sót hay bị chỉ trích thì các thầy mới thêm vào phẩm ấy.
Một phẩm khác, phẩm thứ 12, trong đó có nhân vật Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta), cũng đã được thêm vào sau này. Đề-Bà-Đạt-Đa là một người quấy phá Bụt từ lúc Ngài bắt đầu đi tu cho đến khi Ngài thành lập giáo đoàn, cho nên theo nguyên tắc thì ông này không thành Bụt được. Tuy vậy, tư tưởng Pháp Hoa là tư tưởng Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, nghĩa là mỗi chúng sanh đều có khả năng trở thành một người giác ngộ hoàn toàn. Vì vậy mà có một phẩm mới, nói về Đề-Bà-Đạt-Đa, trong đó Đề-Bà-Đạt-Đa cũng được thọ ký và thành Bụt sau này. Có như vậy mới đi tới được sự hoàn thành tư tưởng chính yếu của kinh Pháp Hoa. Đây là lý do của sự hình thành giai đoạn thứ tư của kinh Pháp Hoa, trong đó một số phẩm mới đã được thêm vào.
Trong học giới Ấn Độ thời đó đã có một sự hưng thịnh lớn, đã có những lý thuyết mới, những tư trào văn minh mới, do đó nền văn học Phật giáo cũng phải có một hình thái mới. Phật Pháp phải được trình bày dưới những hình thái văn chương, nghệ thuật thích hợp với đương thời thì mới được tuổi trẻ và giới trí thức chấp nhận, vì vậy mà đã có một số học giả nhuận kinh Pháp Hoa từ tiếng Prakrit, một ngôn ngữ rất bình dân, không có tính cách thông thái, thành một ngôn ngữ thường dùng trong giới bác học, văn chương, đó là tiếng Sanskrit tức là tiếng Phạn. Những tác phẩm triết học và văn học đương thời đều viết bằng tiếng Phạn. Tương tự như lúc người Pháp mới sang Việt-nam, chữ Nho và chữ Nôm bị mất vị thế, trong khi đó người nói được tiếng Tây mới được xem như là văn minh, mới được trọng vọng. Vì vậy mà có những bài thơ châm biếm:
Nào có hay gì cái chữ Nho,
Ông Nghè ông Cống cũng nằm co,
Chi bằng đi học làm ông Phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
Prakrit và Sanskrit là hai thứ tiếng gần giống nhau, nhưng hình thái văn pháp và chữ nghĩa của Sanskrit rất khác với Prakrit. Cho nên, đứng về phương diện trường hàng tức là văn xuôi, thì việc nhuận văn rất dễ dàng, nhưng đứng về phương diện trùng tụng thì rất khó dịch. Vì vậy mà có nhiều đoạn trùng tụng đã không sửa lại được thành Sanskrit, nên vẫn phải để nguyên chữ Prakrit. Thành ra tiếng Phạn trong kinh Pháp Hoa cũng như trong một số kinh điển khác là tiếng Phạn lai, nghĩa là một ngôn ngữ trộn lẫn giữa Sanskrit và Prakrit. Các học giả vào thế kỷ 19 và 20 thường gọi tiếng Phạn trong kinh điển đạo Bụt là Buddhist Hybrid Sanskrit, tức là tiếng Phạn lai của đạo Bụt. Sư Cô Chân Đức sẽ đọc cho quí vị nghe một đoạn trùng tụng bằng tiếng Phạn lai, và Sư Cô Viên Quang sẽ đọc cho quí vị nghe cũng đoạn kinh đó bằng tiếng Hán. Bản chữ Hán không lai và rất lưu loát vì được thầy Cưu Ma La Thập, một dịch giả đại tài thực hiện. Đó là bài kệ tụng tóm tắt lại nghĩa lý của Phẩm thứ hai gọi là Phẩm Phương Tiện. Phẩm này có thể xem như là cương lĩnh của kinh Pháp Hoa. Trong tất cả các phẩm, phẩm mà chúng ta phải học kỹ nhất là Phẩm Phương Tiện.
Điều tôi vừa nói về hai chữ Diệu Pháp rất là quan trọng, nó cho chúng ta thấy kinh Duy Ma và kinh Pháp Hoa khác nhau. Một kinh đứng về phương diện chuyên môn và triết học, một kinh đứng về phương diện đại chúng và thực tiễn, và nhờ vào ưu điểm ấy mà kinh Pháp Hoa đã thực hiện được sự nghiệp rất lớn lao của mình.