Hòa Thượng Thánh Nghiêm
Thích Nữ Tuệ Đăng dịch
Nhà xuất bản Thời Đại 2010
Chương 1: Tam Bảo Và Quy Y
Chúng ta nhận thấy rằng trong hàng ngũ Phật giáo đồ có một số đông không có quy y. Vì người quy y Tam bảo rồi, dĩ nhiên thường đốt hương lễ Phật. Song, người đốt hương lễ Phật chưa hẳn là đã thọ Tam quy. Tuy chưa từng quy y Tam bảo, những người này vẫn tự xưng là tín đồ Phật giáo, chúng ta cũng chẳng cần phủ nhận tín ngưỡng của họ.
Có người chủ trương: “Tin Phật chỉ cần tâm thành, hà tất nhất định cần phải quy y”. Quan niệm mới nghe qua dường như có lý, thật ra thì chẳng hợp yêu cầu. Ví như học sinh muốn học, trước tiên phải làm thủ tục đăng ký nhập học, bằng không thì trong trường không có học tịch, nên chỉ được miễn cưỡng dự thính, đến cuối niên học không có văn bằng. Một học sinh thông thường nhất định là phải chiếu theo học niên, học trình để lên lớp, lên cấp, từ Tiểu học qua Trung học rồi đến Đại học. Đầu tiên vào Tiểu học, trước hết phải đăng ký, khi lên Trung học và Đại học, ngoài việc đăng ký ra còn phải thi cử xem có đủ năng lực theo học hay không. Còn như chẳng học Tiểu học, mà muốn lấy văn bằng Đại học, cho đến lấy bằng Bác sĩ thì không thể nào được. Do đó, muốn quy y Phật phải bắt đầu từ quy y Tam bảo. Quy y Tam bảo là bước thứ nhất tiến vào cửa Phật. Nếu chẳng đi bước thứ nhất này, đâu thể nào bước được bước thứ hai, thứ ba. Muốn đi bước thứ hai, thứ ba ắt phải bắt đầu bằng bước thứ nhất. Cấp bậc của đệ tử Phật lấy theo thứ lớp thọ giới để quy định. Quy y Tam bảo là lớp cơ bản đầu tiên, lên trên còn có ngũ giới, bát giới, thập giới, Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới, Bồ tát giới, tất cả các giới đều lấy quy y Tam bảo làm căn bản. Phật giáo chẳng bỏ chúng sinh, đặc biệt mở rộng đối với mọi người thỉnh cầu quy y Tam bảo. Chúng sinh trong lục đạo, trừ chúng sinh trong địa ngục bị khổ quá lớn, quá nhiều, không có cơ hội quy y Tam bảo, còn thì bất luận người, trời, thần, quỷ, súc sinh, chỉ cần phát tâm quy y là Phật giáo tiếp nhận. Điều này cũng giống như trẻ em đủ tuổi đi học, bất luận giàu, nghèo, sang, hèn, trí, ngu, đẹp, xấu không phân biệt, đều được nhập học trong trường Tiểu học. Như muốn tiến thêm một bước thì cần phải qua sự kiểm tra sát hạch về tư chất.
Có người cho rằng mình đã có năng lực xem kinh thì tự mình có thể trực tiếp hướng vào trong kinh Phật tìm ra con đường thành Phật, vì thế chẳng cần quy y cũng có thể được sự thọ dụng của việc học Phật. Điều này nói trên lý thì dường như thông, nhưng ở trên quy chế của sự tướng thì đó là sai lầm. Kinh Phật là do đức Phật thuyết (cũng có thể do đệ tử Phật thuyết), lại do đệ tử xuất gia của Phật kiết tập truyền cho hậu thế. Như nói chỉ biết kinh Phật, tức là chỉ quy y Pháp bảo mà bỏ qua Phật bảo là người thuyết pháp và Tăng bảo là người lưu truyền Pháp bảo, đây là một hành vi vong ân. Phật giáo tuy lấy Pháp bảo làm chủ, đạo giải thoát đều do Pháp bảo sinh ra, nhưng sự sinh ra của Pháp bảo phải do Phật bảo và Tăng bảo mới được hoàn thành, vì thế Tăng bảo chẳng tách rời nhau.
Nếu giảng đến chế độ hoặc nghi thức tin Phật mà chẳng quy y Tam bảo, thì cũng như một người ngoại quốc yêu mến phong thổ và vạn vật Trung Quốc. Người ấy đến cư trú ở Trung Quốc, nhưng không đăng ký đổi quốc tịch của mình, mà lại tự xưng là người dân Trung Quốc. Người ấy dù được người Trung Quốc hoan nghinh, nhưng rốt cuộc chẳng phải là người Trung Quốc. Người ấy có thể làm hết nghĩa vụ của người dân Trung Quốc, nhưng cuối cùng cũng chẳng hưởng được quyền lợi của công dân Trung Quốc. Cũng vậy, một người chẳng thọ Tam quy lại tự xưng là Phật giáo đồ, người ấy tuy có thể được chút ít chỗ hay của Phật pháp, nhưng cuối cùng chẳng được ấn chứng. Đây chẳng phải là điều quá chấp trước mà là thủ tục cần phải có. Cho nên trong kinh Phật nói: “Người đời tuy làm điều thiện, nhưng chẳng phá được ác nghiệp đời trước. Nếu hay thọ Tam quy giới thì phá hoại được ác nghiệp đời trước”.
Thọ Tam quy chẳng phải chỉ là vấn đề trên hình thức, mà còn là vấn đề trên tâm tính nữa. Lúc thọ Tam quy, chẳng những trong miệng niệm, thân thể lễ lạy, mà trong tâm còn phải quán tưởng nữa. Chủ yếu là sự lãnh thọ ở tại tâm lấy giới thể quy y. Giới thể phải do người trước đã thọ quy giới, sư sư truyền nhau, đây là pháp thống một mạch truyền thừa. Hạng phàm phu chẳng thể không thầy tự chứng, vì thế Tam quy chẳng được ở trước tượng Phật, Bồ tát tự thệ tự thọ. Do đây có thể biết tính cách trang nghiêm và trọng yếu của sự thọ Tam quy.
Như nói chẳng thọ Tam quy mà muốn thành một tín đồ Phật giáo chánh tín, đó là điều không thể được. Nếu như chỉ tin Phật pháp nhưng chẳng lễ Tam bảo, người ấy trước tiên đã trái với Phật pháp rồi. Trong Phật pháp, Tam bảo chẳng thể tách rời nhau. Nếu tách rời nhau là phá hoại Phật pháp. Một người trái với Phật pháp và lại phá hoại Phật pháp mà đạt đến thiện quả của sự học Phật, đó là điều không bao giờ có. Bằng không, đã tin tưởng Tam bảo, tại sao chẳng quy y Tam bảo?
Có một ít người còn chưa tin Phật, song đối với Phật giáo cũng có chút cảm tình, họ chẳng chịu quy y Tam bảo liền, vì sợ rằng sau khi quy y sẽ bị câu thúc, hoặc sau khi quy y không có cách nào gỡ ra. Vì thế họ có thái độ để chờ xem. Họ xem ý nghĩa quy y đồng như hôn nhân giữa nam nữ, lúc chưa hiểu nhau chẳng dám kết hôn. Sợ rằng: Nếu như tính tình hai bên chẳng hợp thì khó tránh khỏi tạo thành nỗi đau khổ suốt đời. Thật ra quy y Tam bảo và vấn đề hôn nhân giữa nam nữ là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tỷ như chúng ta muốn học một môn kỹ nghệ nào cũng đều phải có thầy. Nếu không như vậy thì khó thành một chuyên gia bậc nhất. Chỗ hay của học thầy là nhận lấy sở học, sở trường của thầy. Thầy mình cũng là học nơi từ thầy của thầy, thậm chí kinh nghiệm tích luỹ từ trăm, ngàn năm nơi bản thân của thầy, chúng ta theo thầy học tập cũng là kế thừa kinh nghiệm quý báu của mấy trăm, ngàn năm ấy. Sau khi học xong một môn kỹ nghệ là chúng ta có thể dùng đến. Nếu như trong thời gian học tập cảm thấy không thích hợp với mình thì nên thôi học. Nếu đã học thành tài, chẳng ngại gì theo thầy cho đến suốt đời, song cũng có thể lìa thầy để làm ăn độc lập. Quy y Tam bảo cũng giống như vậy.
Muốn hiểu chút ít Phật pháp, phải bắt đầu từ quy y Tam bảo. Nếu như chỉ đợi xem xét tình hình rồi sẽ quyết định quy y, rốt cuộc vẫn là người đứng ngoài cửa mà mong hiểu chút ít về Phật pháp, đó chỉ là vọng tưởng. Cửa Phật chẳng phải là tù ngục, mà là con đường thênh thang giải thoát. Sau khi quy y mà bị câu thúc, thì cửa Phật cũng chẳng thể gọi là con đường giải thoát. Phật giáo cố nhiên hy vọng mọi người quy y Tam bảo, và từ khi bắt đầu quy y là đi một mạch thẳng đến thành Phật. Nhưng do căn khí sai biệt mà có một số người chẳng thể tiếp thọ thắng nghĩa của Phật pháp, chẳng thể tuân hành đúng như pháp, sau khi quy y lại đi tin tôn giáo khác hoặc chẳng tin tôn giáo nào. Đối với những người này, Phật giáo đặc biệt chú trọng hơn, là sau khi họ ra khỏi Phật giáo, cửa từ bi của Phật giáo luôn luôn mở rộng, tuỳ thời vui vẻ đón tiếp đứa con hoang quày đầu trở về.
Do đó, tôi kính khuyên tất cả người đời đều nên quy y Tam bảo. Dù ông đã tin Phật giáo, hoặc chuẩn bị tin, hoặc còn do dự đứng ngoài cửa Phật giáo, cho đến dù ông là một tín đồ của tôn giáo khác, cũng chẳng ngại gì mời ông tạm thời buông bỏ thành kiến hoặc tín ngưỡng vốn có của ông để thử đến quy y Tam bảo, chắc chắc ông sẽ được lợi ích thực tiễn và cũng chẳng mất tự do của ông. Nếu như thật sự quy y Tam bảo rồi, trừ phi ma chướng che tâm, ông chẳng bao giờ thoái lui ra cửa Tam bảo.
II. QUY Y TAM BẢO LÀ GÌ?
Từ trên mặt chữ giải thích, thì Quy y quay về hoặc là quay đầu, y là nương tựa hoặc là tin cậy. Hành vi quay về nương tựa, hoặc hướng về tin cậy là quy y. Vì thế hai chữ quy y cũng chẳng phải là từ ngữ chỉ có Phật giáo chuyên dùng.
Bé con sà vào lòng mẹ của nó, nương tựa mẹ nó, tin cậy mẹ nó, vì thế nó có cảm giác an toàn. Sự sinh ra cảm giác an toàn này phát xuất từ sức mạnh của sự quy y. Do đó, phàm do nơi hành vi hướng về tin cậy sinh ra cảm giác an toàn đều có thể gọi là quy y.
Theo đây có thể nói, con cái tin cậy cha mẹ, học sinh tin cậy thầy giáo, xí nghiệp tin cậy dự toán, thuộc hạ tin cậy trưởng quan, người theo túc mạng luận tin cậy mạng vận, cho đến người bạo ngược tin cậy vào mưu lược, người tham lam tin cậy vào tài sản v.v…đều có phần nào hoặc ít, hoặc nhiều cái nghĩa quy y. Nói một cách khác, thông thường là do tín ngưỡng mà hiểu được sự lý đều có thể xem là thuộc về quy y. Thế nên tín ngưỡng Phật giáo cố nhiên có thể gọi là quy y, hoặc là tín ngưỡng tôn giáo khác cho đến tín ngưỡng sùng bái cúng tế yêu thần quỷ quái cũng đâu có thể gọi là quy y.
Nhưng giảng đến chân nghĩa của quy y, phàm sự tin cậy cùng tín ngưỡng chẳng cứu cánh, chẳng chân thật, chẳng thế nương cậy, đều chẳng được gọi là chân quy y. Ví như bị tai nạn nước lụt lớn, người ta có thể leo lên ngọn cây, trèo lên nóc nhà, chạy lên gò nhỏ, nhưng thế nước lớn, sóng gió to, nước dâng cao làm cho cây ngã nhà sập, gò nhỏ bị ngập. Vì thế, trong hoàn cảnh ấy, nếu như gần đấy có một trái núi cao, mọi người có thể chẳng leo lên núi cao hay không? Tôi tin rằng trừ kẻ quá ngu si ra, chứ không ai bỏ đi cơ hội được sống còn. Bởi vì núi cao đem đến cái hiệu quả an toàn, nó cao chẳng phải ngọn cây, nóc nhà, gò nhỏ có thể so sánh được.
Vậy người nào nhận thức được thế sự vô thường, tất cả tướng thế gian đều do nhân duyên đối đãi với nhau mà thành, người ấy có thể hiểu rõ ràng cha mẹ, thầy giáo, dự toán, trưởng quan, mạng vận cho đến vũ lực, tài sản v.v… tuy có thể sinh ra hiệu quả an toàn tạm thời, nhưng rốt cuộc chẳng thể tuyệt đối vĩnh cữu để nương tựa. Cha mẹ sẽ chết, tri thức của thầy giáo sẽ lạc hậu, dự toán sẽ tiêu ngạch, trưởng quan sẽ bị điều động đổi đi, mạng vận dựa không chắc, cho đến vũ lực, mưu lược cùng tài sản…lại là như huyễn, như khói. Ngày hôm nay làm vua, ngày mai có thể làm tù nhân, ngày hôm nay là phú ông trăm vạn, ngày mai có thể là kẻ ăn mày trong ngõ hẻm.
Đến như tín ngưỡng các tôn giáo khác có thể sinh lên trời, song do hẳn do nơi tín ngưỡng mà quyết định được sinh lên cõi trời. Tỷ như Cơ Đốc giáo, người tin có thể được cứu, song cũng chưa ắt được cứu. Thượng đế chẳng sủng ái, dù cho ông tin khẩn thiết như thế nào cũng chẳng dễ gì được tuyển làm dân của Thiên quốc. Nhìn trên tầng lớp của Phật giáo, trừ Phật giáo ra, tất cả các tôn giáo khác, dù là tôn giáo cao cấp nhất của họ cũng đều chẳng vượt ngoài phạm vi sinh lên cõi trời. Nhưng, cõi trời ở trong Phật giáo, giả sử có sinh lên cõi trời cao nhất đi nữa, vẫn còn ở trong sinh tử luân hồi. Thọ mạng của trời tuy dài hơn người thế gian, song cũng có giới hạn, phước trời hưởng hết, sau khi chết lại bị đoạ, cho nên rốt cuộc chẳng phải là chỗ quy y đáng để nương tựa. Chỉ có quy y Phật giáo mới có thể khiến cho người ta dần dần tiến lên đạo giải thoát cứu cánh lìa khổ được vui. Tổng thể của Phật giáo là Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng.
Trên thực tế, khuynh hướng của quy y trước tiên phải bắt đầu từ quy y Tam bảo ở ngoài thân, với sự khai mở và chỉ dẫn của sự hướng về Tam bảo, nương cậy Tam bảo để đi vào con đường đại giải thoát đưa đến thành Niết bàn. Nhưng đường đi và thành Niết bàn (giải thoát) ngay nơi tự thân cũng là lý thể Tam bảo. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, do vì nghiệp chướng mê hoặc nên chẳng thấy được Phật tánh, mục đích của chúng ta quy y Tam bảo chính là muốn cho Phật ta hiển hiện. Chúng ta vốn đồng với Phật, vốn đồng với Tam bảo, chỉ do mê mờ quên mất bổn tánh mà trôi nổi trong đường sinh tử, chẳng biết đường trở về nhà, vì thế gọi là chúng sanh. Nếu từ hôm nay chúng ta bắt đầu quay về Tam bảo thì cũng chỉ là đứa con lưu lạc quay đầu bước trở về nhà cũ của mình mà thôi.
Do đó, chỉ có con đường trở về nhà mới được xem là quy y chơn chánh. Còn như chỉ có thể cho người cái chỗ tạm thời để nghỉ chân thì tuyệt đối chẳng phải là chỗ cho chúng ta quy y suốt đời. Bằng không, cũng giống như cưỡi trâu đất qua sông, vừa mới xuống nước hoặc có chút cảm giác sai lầm đã cho là an toàn; song một phen xuống nước, chính tự thân của trâu đất cũng khó bảo toàn, lại có thể làm công cụ qua sông cho người được ư!
Tam bảo là gì? Tại sao gọi Phật, Pháp, Tăng là Bảo? Đây là điều rất quan trọng. Một người muốn tin Phật trước tiên cần phải quy y Tam bảo. Nhưng trước khi quy y cần phải hiểu rõ đại ý của Tam bảo. Bằng không, chẳng hiểu chỗ hay đẹp của Tam bảo thì không được gọi là chân chính quy y. Cũng giống như chúng ta muốn thi vào trường Đại học để cầu học, nếu như chẳng biết tên của trường Đại học ấy, quả thật đáng tức cười. Nhưng chúng ta có thể nói, ngày nay đệ tử của Tam bảo lúc tiếp thọ quy y chưa hẳn đã hiểu qua đại ý của Tam bảo, các thầy truyền thọ quy y chưa ắt đã khai thị qua về đại ý của Tam bảo. Nói ra đây là điều đáng xấu hổ.
Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng; bởi vì từ Phật, Pháp, Tăng sinh ra công đức vô lượng, phát huy diệu dụng vô tận, và lấy đó chẳng cạn, dùng nó chẳng hết, vô cực, vô hạn, vô bến, vô bờ. Thế gian cho vàng bạc châu báu giá trị cao, công dụng lớn, vì thế gọi là bảo (quý báu). Công đức và diệu dụng của Phật, Pháp, Tăng thì thông cả thế gian lẫn xuất thế gian, vì thế đáng gọi là Bảo. Do sự giáo hoá của Tam bảo khiến cho người ta sống bình an nơi nhân gian và làm cho con người ở nhân gian lìa khổ được vui. Vì thế, Tam bảo là quý báu, lại còn vượt hơn sự quý báu của các thứ báu tột bực.
Về chủng loại của Tam bảo, xưa nay có nhiều cách phân biệt. Từ trên đại thể mà nói, chẳng ngoài do sự bất đồng của sự tướng và lý thể. Nay phân làm hai loại lớn:
1. Từ trên sự tướng có Trụ trì Tam bảo và Hoá tướng Tam bảo.
2. Từ trên lý thể có Nhất thể Tam bảo và Lý thể Tam bảo.
Trước khi giải thích chủng loại của Tam bảo, đầu tiên cần phải biết hàm ý của Tam bảo. Phật là người giác ngộ: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Pháp là phép tắc có khuôn khổ khiến người ta hiểu và có khả năng gìn giữ tự tánh chẳng mất. Tăng là hoà hợp chúng, hoà hợp nơi sự lý ở chung với nhau.
1. Trụ Trì Tam Bảo
- Dùng ngọc chạm, đá khắc, vàng đúc, đồng nấu, đất đắp, gỗ chạm, dầu sơn, mực họa, thêu trên vải, vẽ trên giấy hình tượng Phật, ấy là Phật bảo.
- Tam tạng kinh điển hoặc trứ thuật về Phật giáo của chư vị Đại đức xưa nay, ấy là Pháp bảo.
- Tỳ kheo, Tỳ kheo ni cạo tóc mặc áo nhuộm, ấy là Tăng bảo.
Do vì Phật giáo sau khi đức Phật nhập diệt nương tựa vào một loại Tam bảo này để nối tiếp huệ mạng Phật, bảo trì tinh thần Phật giáo và truyền bá giáo nghĩa Phật giáo, vì thế gọi là Trụ trì Tam bảo.
2. Hoá Tướng Tam Bảo
- Trong giai đoạn Phật Thích Ca Mâu Ni tại Ấn Độ thành đạo cho đến nhập diệt, Đức Phật Thích Ca là Phật bảo.
- Các thứ giáo pháp đương thời Đức Phật dạy đệ tử như các đạo lý: Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên…, ấy là Pháp bảo.
- Đệ tử phàm thánh đương thời theo Phật xuất gia, ấy là Tăng bảo.
Đây là tướng trạng chỉ có lúc đức Phật trụ thế ứng hoá, vì thế gọi là Hoá tướng Tam bảo.
3. Nhất Thể Tam Bảo
Tức là trong Tam bảo Phật, Pháp, Tăng mỗi mỗi đều riêng có công đức của Tam bảo.
- Phật có khả năng giác chiếu, vì thế gọi là Phật bảo. Phật hay thuyết pháp, tự tại đối với pháp, cho nên có cái khả năng quỷ trì, vì thế gọi là Pháp bảo. Phật không có cái lỗi tranh cãi, vì thế gọi là Tăng bảo.
- Bản thể của Pháp có đủ cái tánh năng sinh chư Phật, vì thế là Phật bảo. Bản thân của Pháp có công năng quỷ trì, vì thế gọi là Pháp bảo. Phật pháp bình đẳng chẳng chướng ngại nhau, vì thế gọi là Tăng bảo.
- Tăng có cái trí quán chiếu, là Phật bảo. Tăng có cái dụng quỷ trì, là Pháp bảo. Tăng có cái thể hoà hợp, là Tăng bảo.
4. Lý Thể Tam Bảo
Là nói Tam bảo sẵn có của tất cả chúng sinh, mọi người đều đủ. Ở đây có hai loại:
- Từ trên sự tu chứng: Phàm phu đều vì Hoặc, Nghiệp, Khổ mà lưu chuyển sinh tử, cho nên có thể chuyển mê thành ngộ: Hoặc, tức thành Bát nhã; Nghiệp, tức thành giải thoát; Khổ, tức thành Pháp thân. Bát nhã là Phật bảo, Giải thoát là Pháp bảo, Pháp thân là Tăng bảo.
- Từ trên lý thể (chân như): Lý năng quán là Phật bảo, sự sở quán là Pháp bảo, sự lý nhất như là Tăng bảo.
Kỳ thật, Tam bảo tuy phân làm bốn loại, nhưng chỉ có hai thứ tính chất là sự và lý. Sự tướng Tam bảo là hiện thực, vì thế dễ hiểu. Lý thể Tam bảo là trừu tượng, vì thế chẳng dễ gì hiểu được, trừ phi đã khai ngộ, đã chứng được tự tánh chân như, bằng không đều là cảm thấy xa lạ, nhưng đó lại là chỗ cứu cánh quy y của chúng ta. Để cho độc giả dễ hiểu hơn, chúng tôi xin ghi lại một đoạn giới thiệu về vấn đề này của Pháp sư Ấn Thuận để tham khảo:
Luận đến chỗ chân thật quy y là công đức chân thật của Tam bảo, điều này xưa nay có nhiều sự phân biệt, nay chỉ nói sơ lược hai loại:
1. Công đức vô lậu của Phật là Phật bảo, nói theo Thanh Văn thừa, đó là Ngũ phần pháp thân (Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến); nói theo Đại thừa, đó là tất cả công đức vô lậu nhiếp vào Vô thượng (Tứ trí) Bồ đề. Chánh pháp, hoặc Niết bàn là Pháp bảo. Công đức vô lậu của hữu học, Vô học là Tăng bảo. Theo Thanh Văn thừa nói Tăng bảo tức là công đức vô lậu của Tứ song bát bối (Tứ hướng, Tứ quả của Tiểu thừa).
2. Đại thừa giáo nói pháp giới thanh tịnh nhất như được hiển hiện bởi cứu cánh viên mãn (nhiếp được thể tướng nghiệp dụng) là Phật bảo. Pháp giới (hoặc gọi là chân như; thật tướng.v.v…) trùm khắp mười pháp giới chẳng thêm, chẳng bớt, không hai, không khác, là Pháp bảo. Chút phần hiển hiện pháp giới thanh tịnh là Tăng bảo. Bình thường nói nhất thể Tam bảo, Lý thể Tam bảo đều chẳng qua là sự giải thuyết bất đồng về một ý nghĩa này (Thành Phật Chi Đạo, trang 21).
Xem qua đoạn văn trên, nếu như chúng ta không có một chút nền tảng Phật học thì vẫn không hiểu. Nhưng chúng ta còn là phàm phu, nếu lý giải được Lý thể Tam bảo đương nhiên là tốt. Nếu chẳng lý giải được chỉ cần tin Sự tướng Tam bảo, sau khi tin đến một giai đoạn nào đó, Lý thể Tam bảo cũng tự hiển hiện. Cũng giống như khi chúng ta chưa du hành qua không gian, đối với cảnh tượng của không gian dù cho người đã du hành không gian nói rõ như thế nào đi nữa, chúng ta cũng chỉ biết lờ mờ, cho đến mất sự thật; chỉ có người đích thân du hành không gian một phen mới biết rõ được. Vì thế, phàm phu chúng ta nếu chỉ tín ngưỡng Trụ trì Tam bảo cũng là được rồi. Nhưng chúng ta phải nên hiểu rõ: Không có trụ trì Tam bảo thì cũng không làm sao hiển hiện được Lý thể Tam bảo; không có Lý thể Tam bảo thì Trụ trì Tam bảo không làm sao an lập. Trụ trì Tam bảo là đại dụng của Lý thể Tam bảo, Lý thể Tam bảo là toàn thể của Trụ trì Tam bảo. Tín ngưỡng Phật giáo bắt đầu từ tín ngưỡng Trụ trì Tam bảo, mục đích của tín ngưỡng của Trụ trì Tam bảo là làm hiển hiện (phát minh) Lý thể Tam bảo.
Ngày nay, có đệ tử tại gia của Phật tự mình chưa chứng Lý thể Tam bảo, chỉ tin Lý thể Tam bảo rồi lấy đó làm lý do để chẳng kính Trụ trì Tam bảo, ấy là đảo ngược gốc ngọn, là hành vi muốn lên cao trái lại bị rơi xuống thấp.
Điều phàm phu chúng ta có thể thấy đến chỉ có Sự tướng Tam bảo, còn Hoá tướng Tam bảo là tướng trạng chỉ lúc đức Phật còn trụ thế mới có. Sau khi Phật nhập diệt chỉ có Trụ trì Tam bảo. Trong Tam bảo, tuy Phật bảo là tôn quý nhất, Pháp bảo cao hơn hết, nhưng địa vị Tăng bảo là trọng yếu nhất. Sau khi đức Phật nhập diệt, đạo tràng của Phật giáo phải do Tăng bảo trụ trì, kinh điển của Phật giáo phải do Tăng bảo bảo tồn, văn hoá của Phật giáo phải do Tăng bảo truyền bá, tín đồ của Phật giáo phải do Tăng bảo tiếp dẫn. Do đó, lúc đức Phật còn tại thế, Phật giáo lấy Phật làm trọng tâm. Còn ngày nay nói tín ngưỡng của Phật giáo, phải lấy Tăng bảo làm chỗ quy y; cung kính Tam bảo phải cung kính Tăng bảo.
Trong hàng ngũ Tăng sĩ hẳn có rồng rắn lẫn lộn, chúng ta quy y chẳng ngại gì chọn người lành noi theo, song với tâm cung kính cúng dường phải nên bình đẳng như nhau. Trong kinh Phật nói: Tuy là Tỳ kheo phá giới vẫn đủ tư cách làm thầy trời người, vì thế chẳng được phân biệt cao thấp và chẳng được phê bình tốt xấu.
Đoạn trước đã nói qua quy y Tam bảo là nền tảng của sự tin Phật, học Phật. Nhưng sau khi bước lên nền tảng để vào cửa Phật, cũng chẳng được bỏ nền tảng này, bởi vì từ đây mới dần dần tiến lên, từng từng mở rộng. Tam quy là viên đá đầu tiên kiến trúc đạo nghiệp này. Chủng loại của quy y Tam bảo có 5 bậc:
1. Phiên tà tam quy: Đầu tiên tiến vào cửa Phật.
2. Ngũ giới tam quy: Sau khi tin Phật, thọ thêm ngũ giới.
3. Bát giới tam quy: Ngày lục trai thọ trì Bát quan trai giới.
4. Thập giới tam quy: Sa di, Sa di ni thọ mười giới.
5. Cụ túc giới tam quy: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni vâng thọ Đại giới.
Bởi vì khi thọ giới, chắc hẳn là có Tam quy; đầu tiên vào cửa Phật, cố nhiên phải có Tam quy; thọ thêm Ngũ giới, Bát giới, Thập giới đều nhờ Tam quy làm đắc giới và nhận được giới thể; Thức Xoa ma ni giới, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni giới, tuy dùng pháp yết ma thọ giới, song trong khi thọ giới đều có cử hành tam quy. Do đó, tuy nói tam quy chẳng phải giới mà nó lại là căn bản của tất cả giới (Kỳ thật, trong tam quy có hàm nghĩa giới).
Tam quy chẳng những là căn bản của tất cả giới mà còn là căn bản của sự tu trì hằng ngày của tín đồ Phật giáo, hai thời khoá tụng sớm chiều trong tự viện đều có tam quy, chung kết tất cả Phật sự cũng đều lấy tam quy làm tông bổn. Cho nên Phật giáo Tiểu thừa lấy tam quy làm trọng, họ xướng tam quy để hành trì và cũng xướng tam quy để khấn nguyện cho người.