Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Hồi ký về Hòa thượng Quảng Khâm

28/02/201114:05(Xem: 7367)
9. Hồi ký về Hòa thượng Quảng Khâm

LƯỢC THUẬT HÀNH TRẠNG HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM
Dịch giả: Ni chúng Tự Viện Vĩnh Minh Lâm Đồng
Hiệu đính: Giáo sư Phạm Phú Thành & Đại Đức Thích Giải Hiền

HỒI KÝ VỀ HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM
Tông Ngang

1. Gặp Hoà thượng lần đầu tiên.

Gặp lần thứ hai như “ tìm được bảo vật”.

Tôi được gặp Hoà thượng lần đầu vào năm 1976. Lúc đó Ngài không giảng dạy gì, chỉ bảo chúng tôi tinh tấn niệm Phật. Người bạn đồng học ở BAN VĂN HOÁ PHƯƠNG ĐÔNG thuộc TRƯỜNG ĐẠI HỌC CHÍNH TRỊ cùng đi với tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Theo lời loan truyền, Hoà thượng là một nhân vật truyền kỳ, nhưng khi hội kiến thì thấy bình thường, không có gì khác lạ. Chúng tôi không ngại xa xôi mà đến, nhưng khi trao đổi với Người vài câu đều lấy làm thất vọng. Trong bọn tôi có một anh tự cho mình học rộng biết nhiều, nói : “ Hoà thượng già một chữ không biết, có thể dạy được gì ! “ Chúng tôi mê muội nên trong bụng cũng nghĩ như vậy, - như người có mắt hỏi đường người mù thì biết được gì ! Thế là hứng chí khi đến, cụt hứng khi về.

Năm sau tôi tham gia Hội niệm Phật do Hoà thượng Sám Vân tổ chức ở Đài Bắc trong bảy ngày. Ngài Sám Vân rất mực kính trọng Hoà thượng Quảng Khâm. Sau khi mãn khoá niệm Phật, một đoàn đông đảo bảy, tám chục ngừơi lên chùa Thừa Thiên thăm viếng Hoà thượng. ( Lúc bấy giờ chùa Thừa Thiên xây cất rất đơn sơ, chỉ có vài phòng tăng, không huy hoàng tráng lệ như ngày nay).

Nơi phương trượng của Hoà thượng, cả trong lẫn ngoài người ta đông nghẹt. Có người đến để xin chỉ dạy, có người vì hiếu kỳ mà đến, cũng có kẻ lên núi chơi tiện đường ghé lại.

Hoà thượng ngồi trên ghế mây, im lặng; Pháp sư Sám Vân bước vào, hướng dẫn đoàn tới đảnh lễ Hoà thượng, sau đó mọi người ngồi xuống trên nền đất. Pháp sư Sám Vân và Hoà thượng thăm hỏi nhau xong, cả phượng trượng yên lặng . . . Hoà thượng thần sắc tươi vui, có vẻ người rất hài lòng. Thấy tất cả im lặng, người nhìn đại chúng hỏi :
Các vị đã hoàn mãn tuần niệm Phật, đã tìm thấy bảo vật, được của báu nên đưa ra phụng hiến, .. . nào nói đi chứ ! ” 
Nghe Hoà thượng nói như vậy ngừơi này nhìn ngừơi kia như bảo nhau : được của báu không phải là tôi, vị nào được của báu vậy? mau trình ra, không thì thật là xấu hổ ! Sau một hồi đưa mắt hỏi nhau, rốt cuộc chúng tôi – hàng ngay bàn chuyện trời đất, giảng kinh nói pháp làu làu – đến lúc này chẳng ai thốt ra được nửa lời kinh kệ .

Trong khi mọi người im lặng, không khí trở nên nặng nề, bỗng nhiên có tiếng Nam-mô A-Di-Đà Phật” từ miệng một tỳ kheo ni phát ra, mọi người liền quay đầu lại chăm chú nhìn vị tỳ kheo ni trẻ tuổi, xem xem vị thần thánh nào thốt lên như sư tử hống vậy! Rồi lại đưa mắt nhìn về phía Hoà thượng, xem Ngài ứng xử thế nào. Chỉ thấy Hoà thượng lắc đầu chỉ tay vào một em bé trước mặt nói :
- Câu ấy em bé ba tuổi cũng có thể nói được .
Tiếp đó, không khí trở lại trầm lặng như trước, chỉ thấy Hoà thượng, qua đôi mắt sáng chiếu tựa hồ như dò hỏi ai là người giấu của báu mà chẳng trình ra cho người khác xem, - người đó là ai ?
- Nào, nói đi . . . nói đi chứ !

Hoà thượng như một lão tướng từng trải trăm trận, binh đến dưới thành, lão tướng đích thân chỉ huy .

Trườc ánh mắt long lanh và giọng nói kiên quyết thúc bách của Hoà thượng ai nấy bặt tiếng như ve mùa đông, cảm thấy hơi thở mình dồn dập. Lúc ấy tôi mới nhận ra, đây không phải là thư sinh luận chiến mà đúng là giữa chiến trường đầy gươm giáo. Nếu không thực sự tôi luyện công phu ắt không đủ bản lĩnh để xông pha trận mạc.

Có vị tỳ kheo ngồi phía trước, như bị Hoà thượng để mắt chú ý làm cho thân thể mất tự nhiên; vị tỳ kheo động thân… đắn đo vài giây… rồi như kẻ “dấu đầu lòi đuôi”, trình ra bài kệ:

Quá khứ tâm bất khả đắc
Hiện tại tâm bất khả đắc

Vị lai tâm bất khả đắc .

过去心不可得
现在心不可得
未来心不可得 

Hoà thượng nghe xong nét mặt vẫn điềm nhiên, nói :
- Chúng ta đóng cửa lại nói với nhau, ta không nên cho rằng chiếc áo này ( Người chỉ chiếc áo tu sỹ trên mình ) tùy tiện mà mặc được, mặc chiếc áo này một cách chân chính không phải là dễ !

Sau đó bầu không khí lại một lần nữa tĩnh lặng. Hoà thượng thấy mọi người không ai còn trình ra của cải gì nữa, Người vẫn với ánh mắt sáng nhiếp phục, vui vẻ hiền từ nói :
- Người xưa “ đả Phật thất ” [ niệm Phật bảy ngày ] đúng kỳ thì chứng nghiệm, nếu đúng kỳ hạn mà không chứng nghiệm hoá ra “ nhờ Phật để có ăn ” hay sao ? ( tức là mượn cớ niệm Phật để được ăn cơm). – Dừng lại vài giây Hoà thượng nói tiếp :
- “ Đả Phật thất ” mà mong được cái gì như vật báu là tham. Mọi người đến đây với tôi, cứ tưởng có được cái gì đó mang về, ấy cũng là tham.”

Người chưa dứt lời, tận cuối phòng có hai người rỉ tai nhau, có vẻ như nói lén rằng “ chúng mình không tìm được bảo vật, Hào thượng bảo đưa bảo vật ra xem, Hào thượng có bảo vật mà còn đòi bảo vật của chúng ta, ấy chẳng phải là hai lần tham ? ” Lời rỉ tai vừa xong, Hoà thượng như biết mà không để ý, nói tiếp :
Nếu ai nghe mà hiểu lời tôi nói, thì bảo vật đặt trước mắt ắt lấy được ngay; còn nghe mà không hiểu, không nhận ra, thì dù có hai tay bưng dâng trước mặt cũng chẳng có được gì . . . 

Hoà thượng nói chưa dứt lời bổng có một người trẻ tuổi nói :

- Xin thưa, Hoà thượng có lần chuỗi hạt không ?

- Không !

Thấy Hoà thượng không đeo tràng hạt anh ta cụt hứng, nhìn sang Pháp sư Sám Vân bên cạnh tay đang lần chuỗi hạt niệm Phật, anh chuyển hướng nhắm mũi tên sang Pháp sư, lém lỉnh hỏi : “ Thưa Pháp sư, Ngài có lần chuỗi hạt không ? ” – Pháp sư đáp giọng chắc nịch :
- “ Có ! ”
Anh chàng thanh niên nói một cách tỉnh bơ :
- Ngài cho tôi tràng hạt. – Pháp sư đáp :
- Tôi đang niệm phật, không thể cho anh. Nếu tôi cho anh, anh không được vứt nó đi. – Anh thanh niên chìa tay ra nói xẵng:
- Đưa tràng hạt đây !
Tiếng nói như còn bên tai, bổng Hoà thượng chỉ thanh niên bảo :
- Hiện anh đang niệm đấy !
Tức thì anh chàng thanh niên nọ mất hẳn khí sắt kiêu ngạo, im lặng không nói lời nào . 
Hai vị Pháp sư đã đồng diễn “ quảng trường thiệt ” [ lưỡi Phật ], từ không nhập có; từ có nhập không, phối hợp có-không chặt chẽ, sự việc diễn ra làm cho mọi người vô cùng tán thán .

2. Chúng sanh bệnh , Pháp sư cũng bệnh

Vào khoảng năm 1978, nghe nói Hoà thượng pháp thể suy yếu, Người tỏ ý muốn vãng sanh Tây Phương, đại chúng trong chùa rất lo lắng, mời lương y lên núi bắt mạch cho Hoà thượng. Người không muốn làm náo động đại chúng, tăng chúng khẩn cầu đôi ba lần Người mới miễn cưỡng để cho bác sỹ chẩn đoán. Sau khi cẩn trọng xem mạch cho Hoà thượng bác sỹ tỏ vẻ rất ngạc nhiên, ông ta bắt mạch nhiều lần…, vừa như lắng nghe vừa như trầm ngâm suy nghĩ, cuối cùng phát biểu : “ Mạch của Hoà thượng hoàn toàn không giống mạch người thường, nhưng không chẩn đoán ra bệnh gì”. Hoà thượng mĩm cười chỉ chúng đệ tử đang quỳ trước mặt, nói với lương y :

- Họ đều có bệnh, tiện thể nhờ xem mạch cho họ luôn.

Ai nấy đều lấy làm lạ nhìn Hoà thượng, nhưng cùng mỉm cười cảm thấy trong lòng bớt lo. Sự việc có vẻ giống như trong kinh Tịnh Danh, khi ngài cư sỹ Duy Ma nói : “ Chúng sanh có bệnh, tôi cũng có bệnh ! ”. Theo lời vị Pháp sư trong chùa thì Hoà thượng có lần bảo rằng khi Người vãng sanh Người sẽ thị hiện bệnh tướng, cõi Ta-bà quá khổ, chần chừ ở đây chịu sao nổi ?

Nghe tin Hoà thựơng bệnh, mọi người theo nhau lên núi thăm. Pháp sư Sám Vân cùng chúng đệ tử cũng vội vàng lên núi “ thỉnh Phật trụ thế ”. Khi chúng tôi gặp Hoà thượng thấy Người đang ho từng cơn, ho xong lại khạc nhổ, nhưng chẳng thấy nhổ ra vật gì. Có lúc Người nói một câu mà phải dừng ngắt mấy lần, cơ thể rung giật theo từng cơn ho, ai nhìn thấy cũng xót xa. Ngài Sám Vân và đại chúng đồng thanh khẩn cầu Hoà thượng từ bi nghĩ đến chúng sanh đau khổ, trụ thế thêm vài năm nữa. Hoà thượng nói Người không thể tự làm chủ được, thân xác Người như ngôi nhà gạch mục nát, dù có gắng gượng duy trì thì chỉ một cơn gió to ập đến cũng không thể nào chịu nổi, chi bằng đi sớm một chút, hoán chuyển một thân thể “ chắc như xi măng cốt thép ” mà trở lại mới có thể hoằng pháp lợi sanh. Nghe thế ai cũng hết sức năn nỉ, vì nếu Người có trở lại thì ít nhất cũng phải mất hai mươi năm, trong hai mươi năm ấy chúng sanh biết nương tựa vào ai; thiết tha xin Người ở lại thêm vài năm nữa. Hoà thượng bảo đơn điền của Người đã hết khí lực, nói không ra tiếng mong gì đáp ứng nhu cầu của chúng sanh, gắng gượng ở lại cũng vô nghĩa. Mọi người lại van xin Hoà thượng lưu lại, chỉ cần Người yên tĩnh ngồi đó, vô hình trung cũng đủ làm tăng trưởng niềm tin cho đại chúng. Cứ như thế, mỗi người góp một câu… cho đến giờ ngọ trai mà Người vẫn tỏ ý không trụ thế nữa. Pháp sư Sám Vân quyết định tổ chức “ Tuần niệm Phật Dược Sư tiêu tai diên thọ ” (Tiêu tai diên thọ Dược Sư Phật Thất ) tại chùa Thừa Thiên để cầu an cho Hoà thượng, sau đó Pháp sư bước vội sang trai đường .

Trong lòng ai nấy đều mang tâm trạng bất an. Thế rồi đang giữa giờ cơm, một vị tỳ kheo ni vẻ mặt hớn hở tới trước ngài Sám Vân thưa nhanh : “ Kính bạch Pháp sư, Hoà thượng nhận lời không đi, lại còn mời Pháp sư khai khoá ‘ Đả Phật Thất ‘ [ Tuần niệm Phật bảy ngày ], có điều là Hoà thượng bảo tốt nhất nên khai khoá niệm Phật A-Di-Đà “.

Mọi người nghe nói đều mừng rỡ, bất luận là khoá lễ niệm Phật Dược Sư hay niệm Phật A-Di-Đà đều được cả, miễn sao Hoà thượng chịu ở lại là qúy nhất. Lúc ấy ai cũng ăn ngon miệng, trút hết nỗi ưu uất bất an từ trước. Có người sốt ruột, lên lầu xem bệnh tình Hoà thượng thế nào, thấy Người đang ung dung đi tản bộ bên ngoài phương trượng . . . 

Đó là nhân duyên Pháp sư Sám Vân mở “ Tuần niệm Phật ” ở chùa Thừa Thiên và cũng là nhân duyên chúng tôi được gần gũi Hoà thượng, được biết thêm về cuộc đời của Người .

3. Một cuộc sống nghèo khổ ; 
một cuộc lữ hành gian nan


Hoà thượng Quảng Khâm sanh ngày 26 tháng 10 âm lịch, năm Quang Tự thứ 18 (1892), đời nhà Thanh. Người họ Ngô, quê huyện Huệ An, phủ Chương Châu, tỉnh Phúc kiến. Gia đình rất nghèo, lúc Người lên 3-4 tuổi, ông anh cả cưới vợ mà không có tiền, Người bị đem bán cho gia đình họ Lý ở Tuyền Châu, huyện Tấn Giang. Nhà họ Lý làm nghề nông, trồng cây ăn trái trên sườn núi tạm sống qua ngày. Cha mẹ nuôi không có con nối dõi nên xem Người như con ruột. Lúc nhỏ Người rất yếu đuối và nhiều bệnh tật. Cha mẹ nuôi rất lo lắng, để cầu an cho con, họ bèn theo tập tục dân gian đem Người đến ngôi chùa Quan Âm gần đó khấn dâng cho Bồ Tát Quan Âm làm con nuôi. Việc làm này chính là nhân duyên trọng yếu của Người đối với Bồ Tát .

Người vốn có tuệ căn tiền kiếp, do vì mẹ nuôi ăn chay nên năm lên bảy cậu bé cũng tự nguyện nhất định ăn chay theo mẹ. Đến năm 1900 , cậu lên chín tuổi, bất hạnh mẹ nuôi qua đời, hai năm sau cha nuôi cũng tạ thế. Trong một thời gian rất ngắn vô thường đã cướp đi những người thân yêu nhất. Cậu bé tứ cố vô thân, không còn nơi nương tựa, thể lực lại yếu đuối, côi cút giữa cõi đời không biết đi về đâu ! Đợi khi an táng cha mẹ cậu xong, những người bà con sắp xếp cho cậu đi Nam Dương sinh sống. [ Nam Dương : chỉ chung các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông . ND ]

Ban đầu Người đi làm thuê như quét dọn, nấu cơm cho tiệm buôn để đủ sống qua ngày. Tuổi lớn dần, thân thể và khí lực tăng trưởng, Người nhập theo thiên hạ kết đội lên núi đốn cây mở rừng, tuy rất vất vả nhưng kiếm khá nhiều tiền và tương đối tự do .

Một hôm, chiếu theo tiền lệ, đến thời gian giải việc ra về ; trong lúc ai nấy chuẩn bị lên “ xe đẩy ” để xuống núi Người bỗng trực giác biết ngồi xe như vậy không an toàn, liền cảnh báo mọi người không nên đi xe. Nhưng vì ai cũng nôn nóng về sớm, cho lời nói của Người là vu vơ, không ngờ chiếc xe đẩy sau đó bị tai nạn lật lăn xuống hố. Ai cũng cho là điều kỳ lạ. Ở trên núi tuy Người làm việc rất cực nhọc nhưng vẫn giữ một mực ăn chay. Sau khi xảy ra biến cố ấy người ta nửa đùa nửa thật bảo : “ Anh đã kiên trì ăn chay như vậy, lại biết trước việc như thần sao không trở về lại Tuyền Châu đi tu ? ” Đó chỉ là lời nói đùa, nhưng Người tỉnh mộng ! Hồi tưởng lại cha mẹ nuôi lúc sinh tiền đang tuổi tráng niên mà chết là chết, mình đây sớm muộn gì cũng phải đi theo con đường ấy ! Sao lại phải đi con đường lẩn quẩn ?

Thế là Người thu xếp hành trang trở lại cố hương, quyết chí xuất gia .

4. Hai mươi tuổi xuất gia ,
quyết tâm tu khổ hạnh .

Năm 1911 Sư 20 tuổi, vào chùa Thừa Thiên phủ Tuyền Châu xin xuất gia. Thừa Thiên Thiền Tự là một ngôi chùa của đế vương, rất cổ kính. Tương truyền chùa này xây vào thời vua Anh Tông, niên hiệu Chánh Thống nhà Minh (1436 – 1449) cách đây trên 500 năm, đất rộng 36 hecta. Lúc bấy giờ có một vị Cần Vương sinh dã tâm, thấy nơi này phong thuỷ cực tốt và đất rộng, mưu đồ chiếm lấy để dựng cơ nghiệp đế vương. Nhưng trong điện thiếu nước, theo phép thuật trong một đêm phải đào cho được 100 cái giếng, nếu không thì nghiệp đế chẳng thành. Cần Vương bèn chọn ngày tốt và tuyển thợ đào giếng . . . , thấy nước vọt lên ông ta rất mừng, không ngờ ào đến cái 99 thì gà gáy sáng, mặt trời ló dạng; ông ta hoảng hốt toát mồ hôi lạnh, chỉ vì một cái giếng chót chưa xong mà nghiệp đế trong giây phút trở thành bào ảnh. Cần Vương than tiếc tự biết phước đức không đủ, bèn đem phụng hiến để làm chùa đặt tên là Thừa Thiên Thiền Tự .

Chúng tôi dường như có duyên nên nới đến chùa Thừa Thiên tham quan. Thấy bảng tên chùa chung quanh chạm hoa văn hình rồng, trên có hai chữ “ Sắc Tứ ”, chính giữa bốn chữ lớn “ Thừa Thiên Thiền Tự ” đứng xa cũng có thể đọc được. Không thể nào qua tấm biển trên cửa chùa mà biết được truyền thuyết nói trên là thật hay giả; dù sao nhờ sự tích ấy mới rõ chùa có nguồn gốc lâu đời : truyền thuyết thì đượm màu sắc thần bí và trong chùa thì còn lại rất nhiều di tích cổ . Hai bên con đường lát đá cổ kính có hai tháp cao sừng sững, một trong hai cái là “ Tháp Phi Lai ” mang tính truyền kỳ. Hai tháp quy mô cân xứng đối diện nhau ; tuy bề ngoài giống nhau nhưng Tháp Phi lai quanh năm sạch sẽ một hạt bụi cũng không bám, còn tháp kia đầy dẫy những phân chim, bụi đắp như trát phấn, thấy mà chẳng nỡ nhìn. Khách hành hương đến đây ai cũng dừng lại suy nghĩ, không hiểu lý do vì sao như vậy. Chùa này có tám cổ tích, như “ Nguyệt đài đảo ảnh ” (Bóng trăng phản chiếu), “ Thạch quy thực mễ ” (Rùa đá ăn gạo), “ Sư tử thổ yên ” (Sư tử phun khói ), “ Thạch mai hoa hương ” (Hoa mai đá tỏa hương thơm), “ Nhất trần bất nhiễm ” (Một hạt bụi không dính), “ Long Vương Tỉnh ” (Giếng Long Vương), “ Anh ca thổ vụ ” (Anh Vũ phun sương). Thiên hạ ai cũng thích nói đến những kỳ quan sống động ấy. Tiếng đồn càng lan xa càng làm tăng thêm tính chất thần kỳ .

Ngày nay người ta chỉ còn ngậm ngùi hoài cổ, không biết căn cứ vào đâu để khảo chứng. Duy những cái không bị huyền thoại làm biến dạng đó là kiến trúc hùng vĩ, trong chùa có Thiền đường, Niệm Phật đường, Pháp đường, Tổ đường, Khách đường hoành tráng, Đại Điện có thể chứa ngàn người, tăng chúng thường trú có hơn 600 người, quả là một “ Tòng lâm cổ sát ” oai nghi .

Khi chưa vào tu trong chùa Thừa Thiên, Sư đã tự nhủ lòng : mình phước đức còn kém, nếu xuất gia tu chưa đắc đạo mà nhận của thập phương cúng dường một cách rộng rãi, e rằng không báo đáp nổi khiến cho đạo nghiệp khó thành. Do vậy, trước khi vào chùa Sư quyết chí rèn luyện giảm ăn bớt ngủ, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây chứ không ngủ nghỉ trên giường chiếu, giữ được như thế rồi mới xuất gia làm tăng. Sau khi xuất gia, Người quyết tâm khổ hạnh, ăn những món mà Người khác không thèm ăn, làm những việc mà người khác không muốn làm. Chùa Thừa Thiên lấy tám chữ “ Phật Hỷ Chuyển Thụy Quảng Truyền Đạo Pháp ” 

(佛喜转瑞广传道法)

để truyền thừa Pháp mạch. Lúc bấy giờ vị trụ trì chùa Thừa Thiên là Ngài Chuyển Trần , còn Sư Quảng Khâm là đệ tử của Pháp sư Thuỵ Phương – tu khổ hạnh. Từ chỗ đó mà biết được sở nguyện của Người.

Pháp sư Thụy Phương tu khổ hạnh quá khắc khổ nên đã viên tịch lúc còn trẻ tuổi. Sư Quảng Khâm tuy là đệ tử của Pháp sư Thuỵ Phương nhưng được sự dạy dỗ của Hoà thượng Chuyển Trần. Hoà thượng biết căn cơ Người thâm hậu, về sau ắt sẽ là long tượng của pháp môn, do vậy mà Hoà thượng khẩn thiết sách tấn và thường xuyên trực tiếp chỉ dạy cho Người .

Một hôm đại chúng đi lao động ngoài triền núi, đến gần trưa sắp trở về chùa thì nghe tiếng bản gõ báo ngọ trai. Vì chùa đông người thực phẩm cung ứng khó khăn nên thường ngày phải hạn chế trong khẩu phần ăn uống. Bữa ăn lỏng bỏng không đủ chất dinh dưỡng, chúng lại phải ra sức làm việc trên đồi núi, ai nấy đều đói đến đầu óc choáng váng, cho nên khi nghe báo giờ ăn mọi người chẳng màng thu dọn dụng cụ đua nhau về trai đường. Lúc đó Người cũng muốn mau theo chúng tăng về trai đường nhưng bị Hoà thượng Chuyển Trần gọi lại bảo phải gom hết dụng cụ trả lại chỗ cũ. Lúc đó Người đã rất đói bụng, tay chân bải hoải, hai mắt lờ đờ mất thần. Tuy vẫn thu dọn đồ đạc nhưng trong lòng chán ngán, nghĩ bụng: làm việc vất vả như thế này, ăn cơm thì toàn rau, lại phải chịu cảnh như vầy, sao mà khổ quá ! Tâm sân liền khởi, “ bất kể ba bảy hai mốt ”, “ Hòa thượng cũng chẳng thèm làm ”, thẩn thờ bước đi ra ngoài núi . . . Đi chẳng bao xa, lòng thổn thức : “ Chẳng phải vì ta đã quyết chí tu khổ hạnh ngõ hầu thoát khỏi luân hồi sinh tử nên mới xuất gia hay sao ? Nay chỉ vì một chút khổ nhọc cỏn con mà nao núng chí khí, há chẳng phải là làm trái với ý nguyện ban đầu ? ” Ngay sau tiếng nói tự đáy lòng ấy Ngừơi bỗng thấy ý chí vươn cao, lập tức sự mệt mỏi, sự đói khát, sự bất mãn đều tan biến. Người liền đến trước Hoà thượng Chuyển Trần xin nhận chỉ thị. Hoà thượng cho phép Người theo chúng vào trai đường và dặn dò một câu : “ Ăn cái người không ăn, làm cái người không làm, về sau con sẽ rõ.” Từ đó về sau Người càng khắc khổ tự rèn, chẳng dám khởi niệm thoái chuyển.

Người từ nhỏ chưa từng được giáo dục, ngay cả chữ viết to cũng chỉ đọc được năm ba chữ; không biết giảng kinh cũng chẳng rành gõ mõ tụng niệm, thường bị người khác xem thường, tự mình cũng cảm thấy buồn bực. Nghĩ trong lòng: tuy đã nhịn ăn, nhịn ngủ, nhịn mặc nhưng không có cách gì để trên thì đền ơn Tam bảo, dưới thì hoá độ chúng sanh ! Thế là Người quyết tâm gieo phước để báo ân.

Hàng ngày đợi đại chúng ăn xong Người lượm những hạt cơm rơi rớt trên bàn, dưới đất, không rửa hay nấu lại, cứ để vậy mà ăn. Nếu có các bậc Đại đức Cao tăng từ xa đến, Người hầu trà, dâng nước rửa mặt, khăn tay, giày dép, đổ nước bẩn đã giặt rửa . . . Tất cả các việc nặng nhọc như khuân vác, bửa củi, nấu cơm, lau chùi, quét dọn . . . Người đều cật lực đảm đương mà không một tiếng than phiền .

5. Thường ngồi không nằm ,
Niệm Phật chứng đạo

Người làm việc nặng nhọc, tu phước trên mười năm, sau được giao lo việc hương đèn. Mỗi ngày thức khuya dậy sớm trông lo Đại Điện qua các việc như hương, đèn, hoa, quả cúng Phật; đồng thời đánh bản báo thức chúng dậy tu tập. Có lần Người ngủ quên, đánh bảng trể 5 phút, tự nói trong lòng rằng 600 người cùng tu, mỗi người trễ 5 phút, cộng lại hơn 3000 phút, hậu quả này làm sao gánh nổi ! Bèn quỳ trước cửa chánh điện sám hối với mọi người. Người có tinh thần trách nhiệm rất cao, tự trách lỗi mình rất nghiêm khắc, từ đó về sau ngày ngày Người ngồi trước Phật đài, không dám lơ đễnh; vì trong lòng luôn cảnh giác một đêm Người thức dậy năm sáu lần, do quá thận trọng mà nửa thức nửa ngủ, để rồi mặc nhiên trở thành người “ không hề đặt lưng lên đơn ” .

Năm 1933 Người đã đến tuổi trung niên mà vẫn chưa thọ cụ túc giới. Từ ngày xuất gia cho đến nay đã được hai mươi hai năm rồi ! Sở dĩ Người trì hoãn việc thọ giới là vì nghĩ mình chưa đủ đức hạnh để gánh vác sự nghiệp của Như Lai, sợ rằng trên thì lừa đối Phật dưới thì gạt gẫm chúng sinh; ngoài thì bội thầy phụ bạn, trong thì phụ chính bản tâm. Mãi đến khi tinh tấn hành lễ Phật thất ở Cổ Sơn Tự chứng được niệm Phật tam-muội Người mới dám tự nguyện gánh vác sự nghiệp Như Lai, đến chùa Long Sơn thọ đại giới, từ đó vân du tự tại. Người ta cho rằng nhờ theo phái thiền Lâm Tế mà Ngừơi chứng đắc, thực ra trước đó Người đã nhờ niệm Phật mà chứng Tam-muội, sau mới tham thiền. Cảnh giới mà Người thấy khi hành lễ Phật thất ở Cổ Sơn Tự chúng ta chỉ biết được đôi chút nhờ cuộc đối thoại giữa Người với một ngoại kiều. Người chơn chất khiêm cung trả lời thắc mắc của đồng đạo ngoại kiều từ xa xôi đến : “Lúc bấy giờ, trong tiếng niệm Phật bỗng nhiên thân tâm trở nên tịch tĩnh như đang ở trong cảnh giới xa lạ; mở mắt thấy hoa nở-chim hót, gió thoảng-cỏ lay, tất cả đều hoà nhập với tiếng niệm Phật–niệm, Pháp-niệm Tăng . Trạng thái này kéo dài liền trong ba tháng không gián đoạn ”.

Trong “ Kinh Phật nói về A-Di-Đà ” có đoạn :”Lại nữa, này Xá Lợi Phất, cảnh giới ấy thường có các loài chim kỳ diệu đủ màu, bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca-lăng-tần-già cùng chung sống. Các loài chim này ngày cũng như đêm cùng cất tiếng ca thanh thoát, âm thanh diễn tả tuyệt vời các pháp ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần. Chúng sanh trong cõi đó nghe hoà âm như vậy rồi, tất cả cùng niệm Phật-niệm Pháp-niệm Tăng ”.

Lại nói: “ Này xá Lợi Phất, cõi Phật ấy gío nhẹ thoảng lay, các hàng cây báu cùng các mạng kết bảo châu phát ra âm thanh vi diệu, ví như trăm ngàn thứ âm nhạc đồng thời trổi lên, ai nghe âm thanh ấy cũng đều phát tâm niệm Phật-niệm, Pháp-niệm Tăng ”.

Lại nói trong kinh chiếu ứng với cái thấy của Người. Đức Phật từ bi, Sư phụ từ bi, tuy là miêu tả một cách sơ lược nhưng đối với hạng phàm phu chúng ta nghe như tiếng sét bên tai, như tiếng sấm vang rền. Ai cũng không thể làm ngơ giả điếc giả câm. Lời Phật dạy trong kinh, điều Sư phụ thể chứng chơn thật từng câu từng chữ. Vậy đối với pháp môn niệm Phật lẽ nào ta chẳng có niềm tin sâu sắc ?

Sau khi chứng nghiệm, Người quyết chí tìm nơi ẩn tu để thể hiện pháp thân tự tại, rồi được sự đồng ý cùng mấy lời dặn dò của Hoà thượng Chuyển Trần Người đến chùa Hưng Hoá thọ giới. Sau khi thọ giới trở về, chuẩn bị đi ngay vào núi tu khổ hạnh. Hoà thượng Chuyển Trần biết Người công phu chắc thực, long tượng sơ lộ, bèn đồng ý cho Người lên núi tu một mình. Khi lên núi, hành trang chỉ có 4 bộ quần áo đơn sơ để thay đổi mỗi khi cần giặt giũ và độ hơn 10 cân gạo; nhưng lòng chứa chan hy vọng, Người lên thẳng núi Thanh Nguyên phía sau chùa Thừa Thiên, chuẩn bị một cuộc sống “mai danh ẩn tích”.

6. Ẩn tu trên núi Thanh Nguyên
ầm vào hang cọp

Núi Thanh Nguyên phía bắc Thổ Thành là một hòn núi hoang vu cỏ cây rậm rạp, không có người ở, rừng cây dày đặc. Núi này nối tiếp núi kia, trông từ xa như ruông sắp theo bậc thang. Men dần theo sườn núi mà lên, núi này cao hơn núi kia. Hòn núi sau thì cao và có nhiều cây, người dân địa phương nhờ đó làm nghề đốn củi để sinh sống dần dần lập thành thôn xóm, trong núi có con đường nhỏ thông đến Thổ Thành. Người dân ở đây thường theo con đường này đi vào Tuyền Châu bán củi. Tương truyền các cổ thành ở Đại Lục đều lấy kinh tuyến Bắc-Nam làm chuẩn. Phương vị của Phủ Thành theo hướng chính Bắc-Nam, biểu thị chính tâm, chỉ ra cho thấy công việc của quan phủ doãn cũng phải trung chính như phương vị của Thổ Thành vậy, - không một chút thiên lệch, Thành Tuyền Châu cũng xây dựng theo đạo lý của cổ thành.

Sư ra đi từ tờ mờ sáng với ý định lên núi Thanh Nguyên tìm động kín đáo để tu. Khi đến chỉ thấy núi non trùng điệp, núi trước hoang vu rậm rạp không một bóng nhà, núi sau thì rừng cây dày đặc. Sư từng nghe nói trên núi nơi nào cây cỏ rậm là chỗ ở của cọp, núi có cây thì có người sinh sống; vì núi có cây thì nhiều chim muông nên lắm phân chim, cọp sợ phân chim làm bẩn da nên thường tránh xa rừng cây mà đến nơi cỏ rậm. Sư nghĩ : “ Ta ở núi tu hành, phải tránh người như cọp tránh phân chim, cọp vì vằn trên thân mà phải trốn trong cỏ rậm, ta vì ngộ đạo mà ẩn trốn vào núi sâu ”. Thế là Người không màng để ý đến chuyện cọp và người gặp nhau phải ứng phó ra sau, chỉ chú ý đến việc tu hành phải tìm nơi an toàn để trú ẩn.

Lúc bấy giờ Sư còn sức khoẻ mà phải đi từ sáng sớm cho đến quá ngọ mới đến chân núi. Vì vách núi dựng đứng đường lên núi rất khó đi, chỉ còn cách cởi bỏ dép, tay chân bám vào vách núi lần lần bò lên. Lên chưa được bao xa, bỗng thấy có hòn núi nhỏ mà bằng đầu áp mình vào một hòn núi khác trông vẻ kín đáo. Đến nơi thấy một cái động rộng khoảng 5, 6 thước [TQ] có hai lối ra, một bên cao ước bằng thân người đứng, còn một bên thì phải khom người xuống mới ra vào được. Trong động có một chỗ rất bằng phẳng, chung quanh rộng rãi. Sư mới lên núi lần đầu cảm thấy rất mệt mỏi bèn cởi bỏ hành lý, ngồi nghỉ trên một tảng đá. Được xa lánh chốn thành thị huyên náo bổng nhiên thân tâm nhẹ nhàng chưa từng thấy. Sư vào trong động sắp xếp qua loa, an trụ hai ba ngày trong thanh tịnh vô ưu, cảm thấy an vui tự tại.

Một hôm, như thường lệ Sư ngồi thiền trong động, bỗng nghe mùi tanh nồng nặc theo gió bay vào, Sư rất lấy làm lạ. Trong bối cảnh mơ hồ dường như có vật gì to lớn lần bước vào trong động, Sư mở mắt nhìn kỹ, không ngờ đó là một con mãnh hổ. Trong lúc hoảng hốt Sư thốt lên “A-Di-Đà Phật ”. Mãnh hổ cũng bất ngờ nơi ở của chúa sơn lâm lại có tiếng “ sư hống ”, nó kinh hãi vụt tháo chạy. Sau phút kinh hồn nó lấy lại tinh thần, vươn mình đi tới, từng bước từng bước tiến vào động … thình lình gầm lên một tiếng, trợn mắt nhìn Pháp Sư.

7. Mãnh hổ quy y , khỉ vượn cúng dường

Thấy mãnh hổ chạy rồi Sư lấy lại bình tĩnh, tự nghĩ : “ Nếu ta kiếp trước có nợ mạng thì đời này ta xin trả, gây nhân thì phải trả quả”, lại nghĩ : “ Nếu không phải vậy thì sao cái vòng nhân quả lại triền miên không dứt ? ”

Sư chưa kịp định tĩnh con mãnh hổ đã trở lại vào động, Sư nói :
A-Di-Đà Phật, lão tổ đừng sân giận ! Oan oan tương báo không bao giờ dứt, ngươi ở nơi đây thì ta sẽ ra ngoài, còn ngươi nhường nơi này cho ta tu hành thì sau khi ta thành đạo sẽ độ cho ngươi quy y Phật, Pháp, Tăng ”.

Mãnh hổ nghe lời Sư nói không biết có hiểu hay không, nhưng nó đứng dừng tại chỗ không tiến tới nữa; Sư chỉ nhất tâm niệm Phật, yên lặng chờ xem điều gì lạ diễn ra. Thật bất ngờ, mãnh hổ gật đầu như tỏ dấu thần phục, hiền lành lui ra khỏi động, nó nằm phục trước cửa động rồi đứng lên như một vệ sỹ đứng hộ pháp. Sư thấy hiện tượng như vậy, nghĩ trong lòng : đây hẳn là Long Thần Hộ Pháp che chở, chư Phật và Bồ Tát gia hộ, nếu không thì khó thoát khỏi miệng cọp dữ. Từ đó lòng tin càng tăng, ý chí càng thêm kiên định, Sư âm thầm phát nguyện : “ Nếu kiếp này không ngộ đạo, nguyện trọn đời chôn thân trong động”.

Từ sau khi Sư hàng phục được hổ, sớm tối cùng với hổ ở chung, không còn sợ sệt, cọp dữ cũng hiền lành như gia súc, khôn ngoan và hiểu được chút ít tiếng người. Sau đó nó còn dắt vợ con nhà họ hổ đến trước Sư mà đùa giỡn, trình hiến các kiểu múa vờn cho Sư xem, nhiều lần gục gật đầu trước mặt Sư như cầu xin việc gì, Sư liền quy y cho chúng và chỉ dạy yếu chỉ giáo pháp.

Người tuy ở cảnh tiên chốn trần gian, không chút vướng bận sự đời, nhưng nơi đây là hoang sơn nhiều cỏ rậm, chẳng có rau dại để ăn, gạo đem theo không còn lấy một hạt; vả lại Người nhập định ngày càng sâu, mãi vui trong thiền định nên không thích đi xa. Mỗi lần bụng đói cồn cào Người chỉ cúi đầu xuống nhìn bụng, vỗ bụng hai cái an ủi nó :
Chúng ta thương lượng với nhau, xin nhẫn nại một chút, chúng ta cùng ngồi nán thêm lần nữa, người không nên nôn nóng, đợi ta tu xong sẽ cho người ăn ngon, mặc đẹp ! ”. Cứ như vậy, Người ung dung nhập định quên cả bản thân và sự vật, không còn biết đêm nay nhằm vào tháng nào, năm nào ?

“ Đói quá ! đói quá ! ” – Người tuy vui trong cảnh giới thiền nhưng khổ nỗi thân xác nó chẳng chịu vâng lời sai bảo. Bụng càng đói nó càng gào to; nhất là vào lúc đêm khuya vắng lặng, tiếng nó kêu vang như sấm, có khuyên dỗ cách gì nó cũng chẳng nghe, nó như đứa con nít đòi ăn kẹo. Phỉnh gạt nó một hai lần thì được, nhưng nhiều lần thì hết linh nghiệm. Nếu nó không vòi vĩnh ồn ào thì lại la to khóc lớn; không cho ăn thì dứt khóat chẳng chịu yên. Không còn cách nào khác, Người bắt đầu thử uống trà, uống thật đầy bụng. Thế rồi đến khi xuất định, nhìn lại thân mình từ đầu đến chân, màu da bổng trở thành vàng sậm ! Người đổi sang uống nước lã thì thân thể phù thủng ! Bực mình bèn kiên quyết không ăn uống, không cử động, chỉ nhập sâu vào thiền định thử xem nó ra sao. Dần dần chỉ còn một lớp da bọc xương, kế đến hơi thở cũng cảm thấy khó khăn và cuối cùng không cử động được nữa ! Đến lúc ấy Người mới hiểu ra, như thế này thì nguy. Người bèn vận dụng tất cả sức mạnh tinh thần chuyển động cơ thể. Sau một hồi quán tưởng, đầu tiên hai lòng bàn tay có chút cảm giác dần cử động được, tiếp đến hai bàn chân chuyển dần từ cảm giác đến cử động được; sau cùng các bộ phận thân thể đều có cảm giác trở lại. Nhưng toàn thân vẫn mất hết năng lực. Lúc đầu Người gắng gượng bò được trên mặt đất, rồi dựa vào vách động mà lần bước, tiếp đến chầm chậm từng bước kinh hành quanh ghế; nghỉ mệt một lúc … cuối cùng mới lê được tấm thân mệt lã ra ngoài tìm thức ăn.

Vì thường thường dùng hết sinh lực vào tu thiền lâu ngày không ăn, đợi đến lúc không thể chịu đựng lâu thêm nữa Người mới ra ngoài tìm thức ăn, rồi bò mà về.

Một hôm, trong lúc đói lã, trông thấy xa xa có một bầy khỉ đang đùa giỡn, chúng ăn những hạt trái cây có vẻ ngon lành, Người bất giác chảy nước giãi, bụng cồn cào chịu không nổi, Người nhìn chúng … rồi nhìn lại mình … bổng mỉm cười nghĩ bụng : “ Tính chất của ta giờ đây so với con khỉ trên cây có khác gì, chúng ăn được tại sao ta không ăn được ?” Bèn dang tay lượm những hạt chúng đánh rơi xuống đất lên ăn. Bọn khỉ thấy có người gia nhập hàng ngũ, chúng tỏ vẻ lạ lùng, con này kề đầu tiếp tai con kia kêu la chí choé. Lát sau thấy trên tay Người chẳng còn hạt nào, chúng tranh nhau ném từ trên cây những hạt tươi ngon xuống cho Người ăn. Ăn xong Người cảm thấy đôi mắt sáng ra, tinh thần sảng khoái. Từ đó bầy khỉ hộ pháp cũng có “ tình người ”, thường hái trái cây mang đến cửa động dâng cúng Pháp sư.

( Cư sỹ Khuất Ánh Quang, nhân dịp chúc mừng Đại thọ thất tuần của Người, có tặng mấy câu hàm ý liên hệ đến sự kiện trên :

人猿送食 Nhân viên tống thực
猛虎皈依 Mãnh hổ quy y
现届古稀 Hiện giới cỗ hy
仍是忘形 Nhân thị vong hình

敬祝佛寿无量

Tạm dịch : 
Vượn người mời ăn

Cọp dữ quy y

Nay tuổi cổ hy

Vẫn quên hình hài

Kính chúc Phật thọ vô lượng 

Mặc dầu vấn đề ăn tạm ổn nhưng con người vẫn là con người, những ngày tháng gian khổ ấy thật khó khăn nghiệt ngã. Một hôm Người cảm giác trong dạ bồn chồn … bổng thấy đàn chim bay lượn trên không, đậu lên cây kêu hót như rất an nhiên tự tại. Người nghĩ : “ con người là vật linh trong vạn vật, sao lại không sống tự nhiên như chúng. Thế là Người trút bỏ những u uất trong lòng, quyết định bắt chước theo chim, tùy thuận thiên nhiên, tùy duyên tự tại sống qua ngày.

8. An củ rễ cây vẫn sống qua ngày

Sau đó Sư đào được dưới đất một khối “ củ rễ cây ” nặng 5, 6 cân, như được của báu, trân quý nó vô cùng, mỗi lần chỉ cắt một miếng nhai thật nhuyễn, phần còn lại đem chôn xuống đất; tạm đánh lừa cơn đói xong liền trở lại nhập định, lần xuất định sau lại ra đào củ ấy lên ăn một miếng, cứ đào lên ăn dần như thế, hết 5-6 cân củ rễ cây, duy trì thức ăn đó được vài năm. Theo lời Sư kể : đào lên ăn một miếng thì phần còn lại đem chôn, một thời gian sau chỗ cắt mọc ra củ mới, do vậy tuy củ chỉ có 5-6 cân nhưng không ngừng sanh trưởng, công cứu giúp của nó thật là to tát.

Vì ở lâu trong núi, món ăn hoang dã trở thành món ăn tự nhiên, đoạn tuyệt lối ăn nấu nướng của nhân gian, Sư hoàn toàn trở thành người ăn sống theo tự nhiên. Một bữa nọ, Sư đang ngồi tham thiền trong động bỗng nghe từ núi sau vọng lại tiếng kêu la kinh hoàng. Sư vội bước ra xem chuyện gì xảy đến, thấy mấy người tiều phu đứng ở núi sau chỉ chỏ con hổ dưới núi mà la hét. Sư liền gọi to bảo họ đừng sợ hãi cứ xuống núi tự nhiên không sao. Nhưng chẳng ai dám “ hạ sơn” cũng không dám huyên náo nữa. Mọi người vô cùng kinh ngạc nhìn Pháp sư. Sư bàng hoàng nhưng rồi mĩm cười tự nhủ : mình không sợ chứ làm sao bảo họ không sợ ? Bèn quay về phía hổ nói : “ Các con xem đấy, vì kiếp trước các con tạo nghiệp, sân si quá nhiều nên kiếp này mặt mày dữ dằn ai thấy cũng sợ, thôi đi đi !” Nghe Sư nói như vậy, mấy con hổ biết ý bỏ đi. Đám tiều phu cần ra chợ gấp, vội vàng xuống núi, mang theo cái mắt thấy tai nghe cùng với củi rừng truyền khắp thành Tuyền Châu. Danh hiệu “ Sư phục hổ ” không chân mà chạy khắp nơi bắt nguồn từ đó.

Kể từ ngày ấy mỗi lần tiều phu đi qua đều lưu tâm tìm bóng dáng Sư phụ. Nếu tình cờ gặp được, họ vẫy tay gọi chào. Nhưng có một dạo, lâu lắm họ không trông thấy bóng Người, họ bàn tán xôn xao. Một bác tiều phu tò mò bám theo vách đá leo lên núi, đến trước cửa động thăm dò bên trong, chỉ thấy Sư nhắm mắt ngồi yên trong tư thế rất an nhiên, bác ta không dám gây nhiễu động, len lén rời xa. Qua vài ngày nữa cũng chẳng thấy hình bóng Sư xuất hiện, bác bèn một lần nữa trở lại xem sao, vẫn thấy Sư ngồi yên như trước. Nhiều lần như thế, trong lòng sinh nghi liền chạy đến chùa Thừa Thiên bẩm báo với Ngài Chuyển Trần. Ngài Chuyển Trần bảo cho biết đó là “nhập định”, bác tiều phu nghe vậy thì hay vậy thôi, rồi cũng không còn lấy làm lạ nữa. Nhưng hết ngày nọ sang ngày kia … đám tiều phu cảm thấy không yên tâm. Tuy họ quê mùa chẳng biết gì, nhưng ai tin được rằng người không ăn, không cử động mà ngồi lâu đến như vậy. Thế là họ vào động thử gọi Sư, không thấy hồi đáp; sờ vào mũi cũng không thấy hơi thở. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, ai cũng cho rằng Sư đã chết. Có kẻ vội đến chùa Thừa Thiên báo tin lần nữa để tính việc an táng, phải lo liệu sớm, không thể bỏ mặc Sư trong chốn núi rừng .

Thông báo đã lâu rồi, trên một trăm hai mươi ngày ! Chính Hoà thượng Chuyển Trần cũng cảm thấy “không ổn” nhưng chẳng dám vội vàng quyết đoán; một mặt sai người lên núi chuẩn bị củi lửa để hỏa táng, một mặt cấp báo với Đại sư Hoằng Nhất thỉnh Ngài đến giám định sống chết. Lúc bấy giờ Đại sư đang hoằng pháp tại Vĩnh Xuân, tỉnh Phúc Kiến; nhận được thư tín Ngài liền sai người đến ngăn cản, nhất thiết không được hành động vội vàng, chờ Ngài đến nơi xem xét rồi sẽ quyết định.

9. Đại sư Hoằng Nhất búng tay ba lần tránh được việc hỏa thiêu

Sau khi Đại sư Hoằng Nhất đến chùa Thừa Thiên liền cùng với Hoà thượng Chuyển Trần dẫn một số người lên núi. Ngài vào trong động xem xét kỹ lưỡng, nét mặt nghiêm trang, tán thán : “ Cảnh định này các bậc Đại Đức từ xưa đến nay rất hiếm có ”, liền đến trước Sư, khẻ búng ngón tay ba lần. Mọi người theo gót Hoà thượng Chuyển Trần hướng về phía động đá Bích Tiêu tham quan. Động Bích Tiêu là nơi ẩn tu của Lão Hoà thượng Hoằng Nhân, - Pháp sư của Ngài Quảng Khâm. Lão Hoà thượng và Ngài đã cùng hẹn nhau tu khổ hạnh tại núi này; một người tu thiền ở động phía dưới núi, một người tu niệm Phật ở động phía trên. Mọi người lên tới động Bích Tiêu, trong lúc pha trà chưa xong thì Sư đã xuất định, đi lên núi ra mắt đảnh lễ Đại sư Hoằng Nhất, Hoà thượng Chuyển Trần và Hoà thượng Hoằng Nhân.

Ngài Hoằng Nhất khiêm tốn không tự cho là trưởng bối, cũng đáp lễ lại với Sư. Sư nói : “ Đại Sư đến đây, xin được biết có điều gì dạy bảo ? ” Ngài Hoằng Nhất trả lời: “ Không dám ! Không dám ! Phiền nhiễu việc tu hành của Sư, thật đắc tội ”. Cùng nhau hàn huyên một lúc, Ngài Hoằng Nhất thấy sự tình đã xong ổn nói với Sư : “ Ở đây chẳng có việc gì, xin thỉnh Sư trở lại an nghỉ.”

Suýt chút nữa ngọn lửa lấy đi sinh mạng. Đại định chấn động thế gian, chỉ đôi câu nói giản đơn và mọi sự trôi qua. Ngài Hoằng Nhất ngại làm phiền thêm việc tu hành của Sư, bèn lần theo con đường nhỏ ở núi sau, đi vòng ra khỏi núi. Quả là từ xưa đến nay những bậc đại đức tu hành đều giản đơn thuần phác như vậy, khiêm cẩn mà chu đáo.

Sư từ sau lần nhập đại định ấy vẫn nhất mực sách tấn, nổ lực tham thiền cho đến khi chứng đạo, ở trong động trước sau mười ba năm. Đối với nhiều người, đừng nói chi sống một mình gian khổ 13 năm trong núi, ngay ở trong nhà đầy đủ tiện nghi mà một mình đối diện với chính mình, cô tịch trong vòng một ngày đêm cũng đã thấy rất bực bội, huống gì một mình ngồi trong động núi hoang vắng suốt 13 năm ? Chỉ xét về cái năng lực chịu nổi sự vắng lặng đã là điều mà hạng phàm phu chúng ta không thể tưởng tượng. Lại còn nội tâm thể nghiệm cả một quá trình chịu đựng cái khó chịu đựng, làm nổi cái khó làm. Dĩ nhiên, cảnh giới chứng đắc trong đó Pháp sư tự tại an lạc trong pháp hỷ đâu phải là cái cảnh mà chúng ta có thể hình dung được, và chúng ta cũng không có cách gì cùng chia sẻ với Người. Ấy là cái phần thưởng đền bù cho công tu khổ hạnh của Người. Quy luật trong thiên nhiên xưa nay vốn bình đẳng, cái mất ở chỗ này sẽ tìm thấy nó ở nơi khác, không thể cùng một lúc có được cả hai. Việc tu hành cũng vậy, không có bất kỳ tiện nghi (ưu tiên) nào để mà chiếm, cũng không có chỗ cho sự xảo trá giả dối; tất cả phải đi từng bước thực tiễn, cày cấy được bao nhiêu thì thu hoạch được bấy nhiêu.

Sau khi chứng ngộ Người thường suy nghĩ : nếu không xuống núi độ sanh thì cũng giống như cửa động bị đá chắn, dù cho bên trong có vật gì quý báu cũng không đem ra được để cho thế nhân cùng thọ hưởng, cùng lắm là tự túc cho riêng mình và chỉ làm một con người ích kỷ mà thôi. Như vậy thì không những phụ ơn Phật mà còn trái với thệ nguyện ban đầu. Thế là Người kiên quyết dẹp bỏ cái khối đá trong lòng, mạnh dạn hướng về chúng sinh trong biển khổ, làm thuyền từ hải đăng cứu độ .

Lúc bấy giờ đúng vào năm 1945, năm kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Người đã 55 tuổi. Sau khi Người trở về chùa Thừa Thiên, tự nhiên nổi lên dư luận xôn xao trong đại chúng, có người nhìn “ con người sơn động” quần áo lam lũ trước mặt mình với đôi mắt hiếu kỳ, có kẻ nhìn bằng đôi mắt hoài nghi; thử hỏi con người tầm thường, mặt mày trông chẳng có gì gọi là thoát tục như Sư làm sao có thể chứng ngộ một cách siêu việt ? Nhưng đa số đồng đạo nhìn Sư với ánh mắt thương cảm và kính phục. Người ta chú ý nhất ở chỗ : áo Sư ba cái vá thành một cái, kín bên này thì trống bên kia, ăn một bữa thay cho ba bữa, mà còn bữa có bữa không; trong lòng ai nấy đều lấy làm cảm khái “tu khổ hạnh đâu phải là chuyện dễ !” Sư chẳng quan tâm ngừơi ta nhìn mình bằng đôi mắt như thế nào, nói với mình bằng lời nói ra sao; vẫn giữ thái độ trung hậu, khiêm cung, nét mặt hoà ái với mọi người, không thấy có gì khác biệt khi chưa lên núi và sau khi xuống núi. Sư vẫn y nhiên làm công việc của mình: ban ngày cùng với đại chúng chấp tác công việc, chiều lại lên chánh điện toạ thiền, an nhiên tự tại. Nhìn bề ngoài chẳng thấy Sư biểu lộ vẻ gì rạng rỡ sau mười ba năm gột rữa !

10. Bị nghi ngờ mà như tắm gội gió xuân

Sư trở về chùa Thừa Thiên không được bao lâu, tiền công đức trong Đại Điện bị mất. Khi Thầy giám viện và Thầy phụ trách hương đèn đưa tin đó ra, cả chùa xôn xao. Lúc Sư chưa trở về chùa, số tiền công đức này chưa bao giờ bị mất cả, Sư về chưa được bao lâu tiền công đức hương đèn nhờ vào đó tăng chúng sinh sống, nay bỗng không cánh mà bay, khiến cho ai nấy đều nghĩ ngay đến Sư Quảng ngừơi hàng đêm ngồi thiền trong chánh điện, nếu có ai lấy trộm thì Sư phải là ngừơi hay biết, mà Sư lại không có phản ứng gì, thế thì người lấy trộm tiền công đức ấy là ai ? Trong lòng mọi người tuy không nói ra nhưng ai cũng khẳng định được !

Kể từ đó cả chùa từ trên xuống dưới tuy chẳng ai bảo ai, nhưng mỗi lần lên Đại điện hoặc lúc giáp gặp Sư ai cũng nhìn bằng cặp mắt lạnh lùng. Người xưa nói : “ Bị muôn người chỉ mặt không bệnh cũng chết ”. Sống trong hoàn cảnh bị mọi người mặc nhiên ruồng bỏ Sư vẫn không một lời biện bạch, cũng không hề khởi tâm buồn oán bất mãn. Sự thể như vậy diễn ra hơn một tuần lễ, Sư vẫn tươi tỉnh như tắm gội gió xuân.

Lúc ấy Thầy giám viện và Thầy hương đăng mới phơi bày sự thật của công án. Nguyên số tiền công đức bị mất là do hai thầy nghĩ ra để khảo nghiệm Sư Quảng, xem thử 13 năm trên núi Sư rèn luyện được nhân cách như thế nào ! Nào ai nghĩ tới, trước sự công phẫn của tăng chúng Sư vẫn an nhiên như tắm gội gió xuân. Qua sự giải bày của hai thầy, đại chúng ai nấy đều tự lấy làm xấu hổ. Suốt trên một tuần, kẻ mà ngày ngày bị mọi người khinh rẻ lại là một nhân cách tuyệt vời, một tăng nhân siêu phàm thoát tục. Mọi người ngoài cái tâm trạng áy náy bất an vì lầm lẫn đáng thẹn nay còn mang lòng kính phục tán thán bội phần. Phần Sư thì vẫn thản nhiên tự tại như chẳng có gì xảy ra, không vì khen chê được mất mà biến đổi dung nhan .

Năm Dân Quốc thứ 35 (1946), sau tiết Đoan Ngọ, một anh họ Lâm người Vĩnh Xuân tỉnh Phúc Kiến đến tham quan chùa Thừa Thiên, vốn có nhân duyên với Sư, Người nói : “Anh đến Đài Loan dạy học, hãy nên gửi thư cho tôi, Phật giáo Đài Loan bị ảnh hưởng của Thần Giáo Nhật Bản làm cho không có sự phân biệt giữa tăng và tục. Tôi cũng có nhân duyên với Đài Loan, sẽ sang đó xây dựng đạo tràng, hoá độ chúng sanh.”

Anh Lâm nhận lời ngay và ở lại với Sư một tuần, chuyện trò tâm đắc rồi xin quy y làm đệ tử Người, và phát tâm suốt đời hộ Pháp. Ngày 17 tháng 6, Lâm từ giã Sư để chuẩn bị đi Đài Loan. Lúc chia tay Sư nói: “ Nếu đi không được thì trở lại trò chuyện”. Lâm cũng không hiểu tại sao, sau khi từ giã lên tàu cảm giác lời nói của Sư có ẩn ý gì đó. Không ngờ khi thuyền vừa ra biển liền gặp gió bão, không thể ra khơi . . . Lâm rời thuyền, lập tức đi nhanh đến trình báo với Sư thì thấy Người đã đứng đợi ở sân thềm trước điện, thấy Lâm đến Sư cười khà khà nói : “ Thầy biết thế nào con cũng trở lại”. Hôm sau Lâm nóng lòng đi Đài Loan, nói với Sư phụ : “ Con thiết tha đi Đài Loan, không biết khi nào thì đi được ? ” Sư bảo: “ Chiều ngày 20 lên thuyền, 21 ra biển, ngày 22 có thể đến nơi .” Trưa ngày 20 quả nhiên Hãng tàu thông báo chiều tối lên thuyền. Anh Lâm lại từ giã Sư phụ, Người dặn dò hai ba lần là phải gửi thư liên lạc. Lúc Lâm lên đường Sư còn chúc “thuận buồm xuôi gió”, về sau quả đúng như lời Sư nói, anh Lâm đến Đài Loan nhanh chóng bình yên.

11. Động Nhật Nguyệt 
nước phun báo điềm lành

Sau khi đến Đài Loan cư sỹ Lâm Giác Phi thường liên lạc với Sư. Mùa hạ năm 1947 do sự sắp xếp của Lâm, Người cùng vị tăng Đài Loan, - pháp sư Phổ Vượng (ở thành phố Cơ Long, sau đổi tên là Phổ Quán, trụ trì Giảng đường Phật giáo Cơ Long, nay đã viên tịch) từ Hạ Môn đi bằng tàu Anh đến Đài Loan.

Ban đầu Người ở trong một ngôi nhà trống cất theo kiểu Nhật, thuộc nghĩa trang Không Quân Tân Điếm. Năm 1948, Ngừơi khai tạc động Quảng Minh trên vách đá phía sau đường Tân Điếm (nay là chùa Quảng Minh), năm 1950 lại cất chùa Quảng Chiếu; năm 1951 tạc tượng Phật A-Di-Đà thật lớn, hoàn thành vào mùa đông năm ấy. Ngay lúc gần xong chẳng hiểu vì lý do gì Sư vội rời chùa, công việc đình chỉ. Năm 1952, cư sỹ Lý Văn Khải quê Quảng Đông quyên tiền hoàn thành công trình. Sư rời chùa đến núi Phúc Sơn ở Thổ Thành tìm một động đá thiên nhiên, sống lại đời sống ẩn tu như trước. Sơn động Sư ở cao hơn hai trượng, sâu độ hai trượng, rộng vài trượng. Cửa động nhìn về hướng Đông nên nhận được cả ánh mặt trời và ánh trăng mới mọc, do đó Sư đặt tên là động Nhật Nguyệt. Động này ttrước kia không có nước, từ ngày Sư ở bỗng nước từ khe đá trong động phun ra chảy dọc trên cỏ, Sư vội đào một cái ao nhỏ để chứa, nước trong mát ngọt miệng, uống vào giải ngay cơn nóng khát. Sư vui mừng được suối linh, mùa xuân năm 1952 cất ba gian nhà gỗ trước cửa động, bên trái làm nhà bếp, chính giữa thờ Bồ-Tát Địa Tạng. Cũng năm ấy Sư dựng một lều tranh cho hai đệ tử Truyền Giác và Truyền Ba cùng ở, đồng thời giao cho sự Truyền Ý làm giám viện Động Nhật Nguyệt .

Năm 1953, Sư lên đỉnh núi cất một cái lều tranh nhỏ ở. Có con trăn lớn đêm thường bò tới chỗ Sư mà không tỏ chút gì sợ sệt, Sư quy y cho nó. Một hôm mấy người con trai ông trưởng xóm phía dưới núi bắt gặp con trăn bèn gọi đông người cùng nhau dùng gậy định giết nó; Sư từ trên núi nghe tiếng ồn ào vội vàng ra bảo với họ : “Trăn đã quy y Tam Bảo rồi, đừng giết hại ! ”. Nghe Sư nói cả bọn giải tán bỏ đi.

Từ khi Người dời tới ở Động Nhật Nguyệt rất ít ai biết, sau ba lần nhập đại định mới làm chấn động nhân gian. Mùa xuân năm 1955, các tín nữ Bản Kiều mua đất núi ở Thổ Thành cúng dường Người, núi này tục gọi Hoả Sơn, nguyên là một đám rừng tre. Người đi vào rừng theo một con đường nhỏ, chặt tre dài độ ba thước, dùng giây thép cột lại thành tấm vạt tre, cột nó vào thân cây tre sống, cách mặt đất vài thước, Người ngồi kiết già trên đó, giống như lối sống của người thời tiền sử. Về sau mới mở đất cất một gian nhà lợp ngói để thờ Phật, còn lại thì dựng lều tranh.

Năm 1956, Người trở về Tân Điếm, đến cuối năm 1958 lại trở lên Hoả Sơn ở Thổ Thành. 1960 xây Đại Điện, từ đó mới đặt tên là Thừa Thiên Thiền Tự, đổi tên núi thành Thanh Nguyên Sơn [ Núi suối trong ] để ghi nhớ con suối hồi Người xuất gia “diện bích”. Năm 1962, lại xây cất điện Tam Thánh; năm 1964 thể theo lời thỉnh cầu của tín chúng Người đến Hoa Liên, rồi quay lại Đài Trung xây dựng Quảng Long Tự trên núi Thanh Thuỷ. Suốt nhiều tháng Người chưa trở lại núi cũ, sư giám viện lấy cớ đã ba lần mời mà Người không về, đem đồ vật tích lủy xưa nay trong chùa phân phát theo thứ bậc cho huynh đệ và để mọi người tự phân tán. Cuối năm 1964 Người trở lại Thừa Thiên Thiền Tự tu bổ, dựng cổng chùa và làm phòng phương trượng. Từ ngày Người đến Đài Loan cho đến khi định cư tại chùa Thừa Thiên trước sau 17 năm, ẩn tích không muốn cho người biết. Bao nhiêu gian nan hoạn nạn không hề nói cho ai hay, bao kẻ xấu ác bất công Người đều nhẫn nhượng và chẳng lấy làm thắc mắc. Từng có người đề nghị : “ Những tên vô lại đó, phải trị chúng mới được, phải dùng luật mà chế tài ”. Người chỉ trả lời : “ Người tốt cũng phải độ, kẻ xấu cũng phải độ. Chúng ta phải tự hổ thẹn đức mình chưa đủ, nên không cảm hoá họ được, không nên lấy oán báo oán ”. 

12. Thiền tịnh song tu 
hiển thị mô phạm chư Phật

Sư tu theo hạnh đầu đà của hai pháp môn Thiền và Tịnh, lấy thân mình hiển thị mô phạm của chư Phật. Trừ lúc trời mưa ra, hằng đêm Sư đều ngồi ngoài trời. Suốt mấy mươi năm Sư vẫn hành trì như thế. Có điều rất lạ là sáng sớm cây cối núi rừng đều ướt đẫm sương, chỉ có chỗ Sư ngồi đường kính ước vài thước thì hoàn toàn khô ráo. Do lòng từ bi thường cứu giúp người và công phu thiền định sâu dày của Sư mà càng ngày số người tìm đến thăm viếng Sư càng đông, có người phát tâm quy y cầu xin học đạo, có người vì hiếu kỳ ham vui, cũng có kẻ tự cho mình cao siêu đến thử sức công phu thiền định; đủ hạng người với tính cách khác nhau như thế, mà Sư tuy là một cụ già không biết chữ nhưng đối đáp rất dễ dàng, tự nhiên; quả thật là Phật pháp không thể nghĩ bàn. Xin nêu vài ví dụ cống hiến quý vị độc giả.

(1) Một hôm có một giáo sư tự cho mình công phu thiền định rất cao, sáng sớm đường đột bước vào thiền đường của Người. Chẳng nói chẳng rằng, ông ta tự động ngồi xuống; Sư cũng yên lặng không nói lời nào. Qua một lúc khá lâu, ông giáo sư mở lời trước :

- Thưa Hoà thượng ! Ngài xem thử tôi đạt tới thiền thứ mấy ?
Hoà thượng nói :
- Tôi không thấy .
- Nghe nói công phu thiền định của Ngài rất cao, tôi đã đến đệ tứ thiền sao ngài không thấy ?
Hoà thượng trả lời :
- Tôi chỉ biết ngày ăn ba bữa, chẳng làm việc gì .
Tiếp đó Người đưa tay lấy tờ giấy vệ sinh, nhép miệng mấy cái quay đầu lại hỏi ông ta :
- Giấy vệ sinh đang nói với tôi, ông có nghe được không ?
Ông giáo sư như gặp phải “ Kim Cang hai trượng chẳng với tới đầu ”, lặng lẽ rút lui .

(2) Có một vị Pháp sư đến thăm, nói với Người :
- Khi ở nước ngoài mỗi lần có động đất hay gió bão, tôi dùng pháp sau đó động đất và gió bão đều biến lặng . - Người đáp :
- Bần đạo thì chẳng làm gì cả.
Lần thứ hai đến, vị Pháp sư lại nói :
- Hoà thượng ạ, hiện nay tôi không làm gì hết . – Ngừơi nói :
- Bần đạo mỗi ngày ăn cơm, ngủ nghỉ, đi tản bộ .

Công phu thiền định tự nhiên như thế, không có cái tôi đang làm gì, không chấp có cũng không chấp không. Nếu có người tự bảo “ tôi có” công phu gì, Người dùng ‘ không ’ để đáp lại, còn người nào bảo ‘ không ’ thì Người lấy ‘ có ‘ mà ứng đối .

Vị Pháp sư ấy sắp ra về, nóivới Người : “ Thỉnh Hoà thượng nên ra nước ngoài hoá độ chúng sanh ” – Ngừơi gật đầu :
Ngài đến đó thì tôi đến !
Pháp sư nghĩ là Hoà thượng sẽ hiển thần thông, bèn hành trang trở lại xứ người. Song chờ mà chẳng thấy Hoà thượng tới, Pháp sư thấy sốt ruột. Lần sau trở lại Đài Loan thăm, Pháp sư hỏi :
- Trước đây Hoà thượng chẳng bảo rằng tôi đến thì Ngài đến sao ?
Lâu quá chẳng thấy Ngài đến ? – Người cười đáp :
- Ngài tới đây bần đạo tiếp Ngài ra sao, đã nói những gì, hẳn là Ngài đã hiểu rất rõ ràng ? Khi Ngài trở về, đem những gì bần đạo nói với Ngài nói cho họ nghe, đó chẳng phải là Ngài đến thì tôi đến hay sao ?Pháp sư khách hốt nhiên hiểu ra, im lặng chẳng nói lời gì .

(3) Một hôm, có vị sư chuyên tu Phạm hạnh đến thăm Hoà thượng, nói với Người : “ Tôi tu tam-muội được mấy mươi năm, nay đến Đài Loan tìm chỗ tu hành, xin Hoà thượng chỉ dạy cho ”.
Ngừơi trả lời :
- Ngài tu tam-muội đã mấy mươi năm, xin chỉ dạy cho tôi, tôi chưa tu tam-muội gì bao giờ, làm sao nói với Ngài được .
Nhà sư lại hỏi : “ Tôi định đóng cửa ẩn tu, đại khái cần miếng đất chừng vài mươi bình [ đơn vị diện tích –Nd. ] bên ngoài có vườn hoa nho nhỏ, Hoà thựơng thấy thế nào ? ”- Người đáp :
- Chúng ta đóng cửa, mục đích là đóng tâm hay là đóng thân ? Nếu đóng tâm thì cái thân tứ đại giả hợp này của ta cũng đủ lớn rồi, còn như thân muốn hưởng thụ thì ngũ đại cũng không đủ. Đóng là đóng lục căn, tu tâm đâu phải là vào địa ngục .

Khi Người đối đáp với ai, trả lời ngay thẳng, không cần suy nghĩ, không cần lấy lòng, cũng chẳng cần giữ sỉ diện, hoàn toàn “ trực tâm đạo tràng ”.

13. Lên núi thỉnh giáo , thấm nhuần đạo vị

Do số người ngưỡng mộ càng ngày càng nhiều, Hoà thượng thường cần có thời gian tịnh khẩu, nhưng khi tịnh khẩu vẫn không ngăn được số người lên bái kiến. Đến thứ bảy hay ngày nghỉ đều có những ngừơi lần theo bậc đá lên núi, đi ba bước lạy một lạy. Bọn họ hoặc năm ba ngừơi hoặc vài chục người hoặc vài trăm người, già có trẻ có, nam có nữ có, cũng có ngừơi tàn tật. Ai nấy đều hết lòng thành kính niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà hoặc Bồ Tát Địa Tạng; bất kể trời nắng gay gắt hay gió rét, mưa thu … họ đều cúi lạy hoặc bò trên đất mà lên, cứ như thế hơn ba tiếng đồng hồ. Lên tới núi họ cúi đầu, vẫy gọi chào Hoà thượng, hoặc được Hoà thượng xoa đầu hỏi thăm vài câu đơn giản; thế là thiên hạ như gặp được của báu, lòng mừng hớn hở.

Cũng có nhiều phật tử xuất gia hay tại gia chuyên nghiên cứu Phật pháp, đem những điều họ nghi hoặc từ bao năm chưa đả thông được lên núi nhờ Người trực tiếp chỉ dạy. Một vị sư hỏi :
- Khi đóng cửa ẩn tu, có phải càng lúc càng ăn ít đi ?
- Không phải vậy, phải bình thường theo lẽ tự nhiên, không nên câu chấp, không còn cái “ ta ” ấy mới gọi là đóng cửa; còn cái “ ta ”, còn có ý niệm “ ăn nhiều ăn ít ” thì chẳng phải là tu hành mà là chấp trước .

Có ngừơi hỏi : “ Người mới xuất gia phải tu như thế nào ?”

- Trước tiên phải tu khổ hạnh, tức là : ăn đạm bạc, mặc thô sơ, siêng năng làm việc, bất luận gánh nước, khuân vác, trồng rau, dọn nhà vệ sinh, bửa củi, đun nước… đều phải làm; làm nhiều việc nặng nhọc thì trí huệ mới dễ khai mở. Một người khi mới vào chùa phải làm cho tâm an trụ, tốt nhất là chuyên niệm Phật A-Đ-Đà .

Hỏi : “ Làm việc nặng nhọc là tu khổ hạnh hay sao ? ”

Đáp : “ Nhất thiết không so đo tính toán; trong sinh hoạt hằng ngày không khởi tâm phân biệt, ấy là tu khổ hạnh ”.

- Đóng cửa nhập thất có khi không muốn ăn cho nên không ăn , như vậy có được không ?

- Cố ý không ăn thì hoả khí bốc lên; không thể tu được; ý nghĩ không muốn ăn khởi lên, như vậy là còn chấp trước, không muốn ăn là còn cái ta không muốn ăn.
- Có lúc không ăn lại cảm thấy nhẹ nhàng.

- Đó chỉ là hiện tượng thoải mái tạm bợ trong vài ngày, vì chúng ta chưa đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn, một niệm không sinh, cho nên chấp ý “ không ăn ”, thân thể suy nhược dần.

Trừ những người lên núi tham bái hỏi đạo nối tiếp nhau không dứt trên đường, ngoài ra trong chùa cứ mỗi lần đến ngày sinh nhật của Hoà thượng, mỗi tháng bảy đại hội tín đồ có tuần niệm Phật, mỗi tuần lễ đầu tháng có Pháp hội “ Đại bi sám”, vào những dịp này cũng đông nghẹt tín chúng. Trong chùa bất luận kẻ già người trẻ, vì tinh thần độ chúng mà ai nấy đều bận rộn rối rít, không khí thật là vui.

Có một tăng nhân thường trú trong chùa cảm thấy ngã chấp của mình quá nặng không phá trừ ngay được. Một hôm đến quỳ trước Người, khẩn cầu xin dạy cho cách gì để khắc phục, Người nhận lời; vị thường trú vui mừng khôn xiết. Một hôm nhằm ngày Pháp hội, đại chúng đang lúc bận rộn bỗng nghe Sư quở trách vị ấy trước mặt mọi người. Không ai rõ lý do, chỉ cảm thấy có cái gì đó khác thường, vì Người từ trước đến giờ chưa khi nào lớn tiếng mà chỉ ôn tồn dạy bảo riêng. Ít lâu sau, thấy ông thường trú thu xếp hành trang quỳ trước Sư, nước mắt dầm dề xin từ giã ra đi. Hoà thượng cười bảo : “Ông đã không nhờ tôi giúp ông phá ngã chấp đấy ư? Tại sao chỉ vì đôi lời châm chích mà đã muốn ra đi!”. Ông ta bỗng như tỉnh mộng, gạt nước mắt cười, cúi đầu đảnh lễ rồi lui ra.

Đôi khi cũng có kẻ nói xấu người khác trước mặt Sư: “Bạch Hoà thượng, Pháp sư X …. lấy tiền Tam Bảo đem xuống miền Nam mua đất xây chùa, xin Hoà thượng nên lưu ý”.
Người đáp : “ Ồ ! Chỉ xây một ngôi chùa ở miền Nam thì năng lực còn kém, sao không xây cho thật nhiều, tốt nhất nên ra nước ngoài xây vài ngôi chùa ”.
Lời thị phi dừng lại trước người trí. Đối với những người chấp sự trợ lý bên dưới, Người đều tuyệt đối tin tưởng.

Hỡi những ai than rằng chùa không giữ được chúng, hãy nên làm theo gương Người thì tốt đẹp biết bao !

14. Không phân biệt già trẻ,
Người đều khuyên niệm Phật

Từ khi Hoà thượng tuổi thọ đã vào khoảng 80 thì răng cỏ rụng hết, sau đó chỉ dùng toàn thức ăn lỏng. Đêm đêm Người vẫn ngồi thiền, trong vòng 10 năm lại đây Người chưa từng xuống núi. Nay Người đã 92 tuổi, tuy rất cao niên nhưng vẫn cứng cáp minh mẫn như xưa, đôi mắt sáng trưng có thần làm cho người đối diện không dám nhìn thẳng. Mỗi khi có ai hỏi Người tu hành mấy mươi năm chứng được cảnh giới nào? đắc tam-muội gì ? Người chỉ lắc đầu bảo là không chứng đắc gì hết, già rồi chẳng có tam-muội gì, chỉ biết niệm Phật thôi !

Sư thường khuyên ngừơi ta niệm Phật, mỗi khi có người biếng nhác, Sư từ bi ân cần khuyên nhủ : “Niệm Phật không phải là điều giản dị, cần phải trút bỏ mọi thứ ràng buộc khuấy nhiễu; một lòng thanh tịnh niệm Phật mới có thể cảm ứng được. Phải niệm sáu chữ Hồng danh đức A-Di-Đà sao cho thật rõ ràng, trong tiếng; tai nghe đầy đủ, lòng không chút nghi ngờ, các tạp niệm khác tan biến một cách tự nhiên, thì nhất định sẽ đạt đến nhất tâm bất loạn. Nếu tin lời tôi nói, thành tâm niệm Phật, đi đứng nằm ngồi không ngừng niệm như vậy, cho đến trong giấc ngủ cũng vẫn niệm được. Một câu niệm Phật ghi nhớ trong lòng, không bị lục căn lục trần quấy nhiễu, đến lúc đó tự nhiên tâm không còn tham luyến, ý không còn điên đảo. Đến chừng công phu thuần thục, cảnh giới Tây Phương Cực Lạc tự nhiên hiện ra trước mắt … Tuyệt đối chớ nên xem thường ”.

Người còn nói: “… Niệm tức là tưởng niệm mình phải giống Phật ! phải như Phật ! ngày sau công phu thành thục nhất định thành Phật!”

- Niệm Phật, nếu như tâm tán loạn thì phải làm sao ?

- Chỉ có cách là phải niệm liên tục, tập trung hết tinh thần vào sáu chữ Nam-mô A-Di-Đà Phật là được!

- Thưa Pháp sư, còn mang nghiệp có vãng sanh được không?

Còn mang nghiệp thì không thể vãng sanh được, câu mà cổ Đức ngày xưa nói : “đới nghiệp vãng sanh” không phải như người ta thường hiểu, ông tâm nguyện vãng sanh vào cảnh giới Cực Lạc, khi chết nếu nghiệp lực lớn hơn niệm lực thì không thể vãng sanh, nếu như niệm lực lớn hơn nghiệp lực thì có thể vãng sanh .

Nói tóm lại, bất luận là người già hay trẻ, Sư phụ đều khuyên niệm Phật. Nay Người đã quá cái tuổi “cổ lai hy”, vì nguyện độ sinh mà rán đem sức tàn ra chèo chống. Hàng nhân sỹ sáng mắt sao có thể bỏ lỡ cơ duyên may mắn này!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com