Giọt mưa nước mắt,
nụ cười héo hon
thương con
mắt mỏi tóc dòn
bàn tay gầy héo
lòng son vẫn còn
chân con
trần thế long đong
yêu con che dấu
trong tâm nổi niềm
cuộc đời
dù có đổi thay
lòng con khắc nhớ
lời ru ân tình….
Sau thời Kinh buổi sáng, tôi cảm thấy trong lòng thật nhẹ nhàng, thanh khiết.
Mỗi sáng đều như vậy. Tôi vẫn thiền và tụng thời Kinh ngắn, để rửa tâm chào đức Phật cho một ngày mới, dù là những ngày đi làm hay được nghỉ ở nhà, như một thói quen cần thiết, không thể bỏ.
Ngày nào vì bắt buộc phải đi làm sớm, để chạy đuổi kịp thời gian, tôi cũng vẫn vào phòng được dành riêng để vừa là thư viện nhỏ, chỗ tập viết lách chút chút và chánh là chỗ thờ Phật, để thắp hương, thỉnh kệ chuông, đảnh lễ đức Phật một cách vội vàng …. khi đó, dù không có ai chung quanh, nhưng mắt làm bộ nhắm lại lim dim như là để chú tâm, nhưng thật ra để tránh lên nhìn đức Phật. Cũng may, việc làm biếng này chỉ Phật với tôi biết mà thôi, nên đở phải mắc cỡ và như thế, mọi người khi nghĩ đến mình mới tưởng mình là thứ thiệt, có chất liệu tu học. Đức Phật bằng tượng đồng cổ xưa, cao, to lớn và đức Phật trong tôi cùng nhau, vẫn cười xoà, tha thứ….
Ba tôi đã mất từ lâu, những hình bóng cũ ấn tượng về người mờ nhạt trong vùng ký ức, nhiều khi cố moi lại để tìm về một khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời, nhưng, có chăng là những lời dạy còn rơi sót lại lúc tôi còn nhỏ. Tôi xa gia đình, xa cha mẹ khi tuổi đời còn non nớt, khi còn thèm kẹo, thèm bánh, chơi banh, chơi đá cầu … của tuổi hồn nhiên tinh khiết …. Lúc còn là một đứa bé, tôi cũng như những đứa trẻ con khác, vẫn ao ước có những gì của tuổi thơ đẹp, nhưng đã không có. Cho nên, đó là khoảng trống vắng trong vùng kỷ niệm, của ký ức mà tình thân thương giữa gia đình không có nhiều, nhưng tự trong chiều sâu của tâm, tình cha mẹ là một thứ tình cảm thiêng liêng, nên trong lòng bất cứ người con nào khi nghĩ đến mẹ cha, mà không dâng trào lên những nổi niềm xúc động, ấm áp.
Do vì hoàn cảnh, và là con người phiêu bạt, nên nay dù còn lại mẹ già thì người ở tận phương trời xa… nhưng, với tôi dù là người lớn rồi, sao trong lòng cũng vẫn còn mong muốn, ước ao được chăm sóc, được chia sẻ, được nâng niu, được vuốt tóc, xoa đầu (dù tóc đã rụng nhiều, ai cha.. nên khi vuốt hoặc xoa đầu mạnh vì cưng mà, thì rất nguy hiểm lắm vì sẽ rụng tóc thêm nữa), được sà vào lòng người khi gặp cơn mưa nắng của cuộc đời…
Như khi mấy năm về trước, trở về lại thăm Mẹ. Mắt Mẹ không còn sáng như xưa, mái tóc lưa thưa bạc trắng, gương mặt nhăn nhiều, đôi tay run run, bước chân chậm của tuổi già….Tôi chạy vội đến Mẹ khi vừa bước vào nhà, lặng nhìn Mẹ mình để tìm lại hình ảnh cũ, nhưng nay đã khác xưa rất nhiều, nước mắt tuôn rơi, tôi ôm chắc lấy Người và im lặng … Sự im lặng đôi khi lại nói đủ cả một trời thương nhớ, kính dâng của một tâm tình người con … “Má à… Má đừng nói gì hết, con đây nè, con đây nè Má. Cứ khóc đi Má, cứ khóc đi tôi ơi… Hạnh phúc là những gì rất đơn giản như một tấm lòng chân chất vừa tuôn trào ra, nắm bắt được, sống vực dậy… Má vẫn là người đẹp nhất trên trần gian nầy với tấm lòng cao cả của người phụ nữ, người Mẹ mà suốt cuộc đời đi ban phát một cách dư thừa, phung phí tình thưong cho mỗi người con”.
Bây giờ, thì lại ở xa xôi quá. Vì thế, nay tôi chỉ còn biết lấy đức Phật và gần gũi với Ngài thường ngày như người cha thân thương, luôn đùm bọc đàn con dại, chỉ dẫn đường đi nước buớc trên con đường trưởng thành, học tâm, học làm người và cũng để được chào hỏi Ngài lúc đi hoặc về, trong mỗi ngày, cho gia đình có thêm niềm vui, ấm áp.
Bước chân ra sân sau nhà, có mảnh vườn nhỏ với nhiều loại cây cảnh, có cây uốn éo mang hình dáng bonsai, cây Nguyệt quế, Mai chiếu thủy, Lộc vừng, Ngọc lan thơm ngát hương … Bước chân tôi đã vô tình làm giật mình vài con bướm đang say lim dim trên các loài hoa có hương, bay vội chập chờn đi xa và cũng làm cho những con chim đang gật gù say ngủ thức giấc, vụt tung bay, để rơi lại vài tiếng chim con ríu rít, réo gọi ….
Có phải chăng khi “một tâm niệm vừa khởi, có thể làm đảo lộn một vòng nhân sinh hoặc có thể tạo thành cảnh luân hồi, biến thiên, chuyển xoay”. Lời Kinh Phật vẫn luôn rõ ràng, rõ nét, trong sáng khi đối cảnh và nhìn lại, chợt giật mình thấy từng mỗi một câu Kinh trong giáo Pháp của đức Phật là những bài Pháp ngắn ứng dụng cho cuộc đời, đó là bài học Sống. À, quên nữa, phiá sau nhà cũng vừa mới bưng thêm về được cây hoa Phượng vĩ, để nhớ về một khoảng không thời gian nào đó trong ký ức lúc còn cắp sách đến trường. Quang cảnh chung quanh thật đẹp.
Trời đã ngủ, ráng chiều còn rơi lại
bếp lửa hồng vừa chín một giấc mơ
Mẹ lặng yên, thân còm cõi đợi chờ
giọt nước mắt chảy theo đời ước vọng….
Ước vọng của Mẹ của Cha là gì, có phải chăng là những tấm lòng, đôi mắt dõi bước chân con trên bước đường làm người? Lời tâm tình chất ngất, đong đầy trong từng giọt nước mắt như những cơn mưa da diết chờ mong, đượm màu hy vọng.
Trong bài Lá Thư Mùa Báo Hiếu được tập tễnh viết từ năm...lâu lắm rồi, tôi có viết rằng “Vu Lan năm nào chẳng có mưa rơi, những giọt thiết tha, âm thầm, nhưng đâu có ai biết đó là những giọt nước mắt của bà mẹ già luôn tuôn chảy, huớng nhìn theo các con dù ở bất cứ phương trời xa lạ nào…”
Đêm vội sụp xuống, bóng tối tràn lan, kéo nhanh màn đêm chung quanh. Gió hôm nay bỗng thổi nhiều, từng hàng cây, lá xao động. Có vài giọt mưa lất phất rơi. Tiết trời hơi lành lạnh, rồi đám mây trên cao xanh lại xê dịch, tránh qua bên để lộ ánh trăng vàng lung linh trên bầu trời. Đẹp quá… thanh khiết, huyền ảo quá.
Có những khoảng cuộc đời, khi tâm trong vắng, đơn thuần… thì bầu trời, cảnh vật chung quanh vô tình như biến ảo thật đẹp, để hiện hữu cùng con người. Giữa không gian tịch mịch này, hình như mỗi cây cảnh, một một chút nhỏ không gian cũng thơ thới vun đầy vần điệu thơ, thả từng nét nhạc để tô điểm cho vũ trụ môt màu sắc vô cùng kỳ diệu. Có ai nắm bắt được những vẻ đẹp kỳ ảo của từng sớ thịt mầu nhiêm của cảnh vật, của đất trời… để thấy mình luôn luôn là người hạnh phúc đuợc hưởng tận tất cả những gì mà vũ trụ ban tặng cho..
Là người quê mùa với cái tâm tư chân chất, người ta thường nói khi muốn cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc đời, cần phải có cái tâm quê mùa, chất phác … vì hình như là với cái “tâm ngây thơ, hồn nhiên” của trẻ nhỏ, ta mới ngạc nhiên trước bao sắc diện của cuộc đời, của cảnh vật và lang thang như trẻ nô đùa chạy theo đuổi bắt những con diều của ước mơ, của giấc mộng, của hy vọng…
Bao ngày trôi qua, đời sống tôi bỗng có nhiều xáo trộn. Trong tâm dậy sóng, mênh mông là biển nước, biển nghiệp tràn lan. Tư tưởng chợt hoàn toàn bế tắc, không một suy tư khởi hiện, đầu óc dày đặc lại. Tôi đã chạy đi tìm tôi, có nước mắt, có khổ đau, có hụt hẫng… nhìn vào tâm thấy trống không như một thung lũng chập chờn sương khói, không phải vì tâm đuợc thanh tịnh, trong sáng để khởi đầu cho một tiến trình tâm linh gì mới lạ… mà chất mầu mỡ, tư lương dành dụm bao ngày của tâm như bị khô lại, cạn kiệt.
Khi tôi sống trong bóng mờ nào đó, được che phủ trong vùng mông lung ảo ảnh, dù là không chứng tỏ được một hình thái gì ra hồn, không nói đủ hết về mình với nhân cách, với nội tâm toang mở và dù là một người quá dỡ, tệ ơi là tệ… thì được gọi là người hiền, có đạo đức. Nhưng khi muốn mình lộ diện ra dưới ánh mặt trời, để nhìn mình rõ hơn, không sơn phết, màu mè, thấy tâm với những biến động thường trực, thấy tôi trong tôi, thấy được một con người thực bị bóc lột ra, để soi mói, đi tìm tòi trong những ngả ngách của tâm, một sự thật phơi bày ra, được nhìn thật kỹ lưỡng, thì được gọi mang danh là “anh là con người không ra gì”. Có người nào đó, đã nói với tôi rằng “anh thật sự đã làm cho tôi lầm anh, lầm thật to??”…. Ôi chao ơi! Sao vậy cà, tôi có thật là như vậy không? Tôi có thực là một sai lầm của ai đó hay sao, khi tiếp cận, chia sẻ hay nhìn về tôi? Có phải con người thật của mình là những gì mà mọi người không thể chấp nhận, và chỉ nhìn mình qua con người của diễn kịch, đóng vai… làm sao cho được gọi là tốt đẹp, cao siêu. Sao không nhìn tôi là con người bình thường, có biết chút ít gì về Phật Pháp đem ứng dụng vào đời và là con người thì phải có suy tư, quyết định, nhận thức… dù là đúng hay sai, nhưng đó là cái quyết định nhân bản để hãnh diện làm người. Mà suy nghĩ lại, thấy đúng và hay ghê vậy đó, không hiểu vì sao con người của mình kỳ lạ thiệt, có thể do vì mình là con người bất toàn, nhiều khuyết điểm nên có cái nghiệp dĩ gì nặng nề cưu mang, và cứ thuờng hay bị người ta chê trách, phê bình. L’enfer c’est les autres= địa ngục là tha nhân (Jean Paul Sartre).
Có phải rằng tôi đã mất tôi, đã đánh rơi mình trên lộ trình đi tìm lại mình, để sống thực nhất…. Tôi phải vượt qua, kinh qua con đường gồ ghề, nặng nhọc này. Tôi phải tháo gỡ gút mắt nghiệt ngã này, để tôi được là tôi, là chính mình với cuộc sống, cuộc đời. Tôi đã ôm vào mình lời tự tình xưa cũ đầy chất liệu sống để nhìn lại, thấy “diệu pháp biểu lộ trên từng da thịt của các biến động cuộc đời, dù khổ đau hay hạnh phúc” để nhận thức rằng “thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt….”. Vì nếu không nhờ đến câu chân ngôn ở trên, nhờ quán chiếu về mình.. có lẽ, tôi đã chết, tôi đã ngã quị trên đường đi …. Đức Phật trong tôi vẫn còn đó, trỗi dậy, dù trong bất cứ lúc nào, trong mọi hoàn cảnh, dù cô đơn cùng cực, dù lẻ loi đơn độc … như trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chư Phật mười phương luôn thương chúng sanh như người Mẹ thương con, nếu con luôn chạy trốn thì làm sao có thể tiếp cận, dù lòng Mẹ vẫn luôn mở rộng, bao dung. Nếu con chỉ vừa nhớ đến Mẹ, Mẹ tức thời đã có mặt, không còn có sự xa lìa …” (Thập phương Như Lai mẫn niệm chúng sanh như mẫu ức tử, nhược tử đào thệ tuy ức hà vi. Tử nhược ức mẫu như mẫu ức thời, mẫu tử lịch sinh bất tương vi viễn…).
Ta đi tìm Phật giữa đời
tìm trong thanh sắc,
tìm vào vị hương
tìm trong quá khứ vị lai
tìm trong từng thoáng ngỡ ngàng ngày qua
tìm trong vọng niệm sơn hà
giật mình vẫn thấy Phật cười cùng ta …
Đời sống càng bám vào nhiều vật chất, đã gây nhiều xáo trộn quá rồi, tất cả mọi sinh hoạt, tất cả mọi vấn đề, từ xã hội, văn hoá, thời tiết, cuộc sống, môi sinh đều bị đặt thành vấn đề vì sự sinh tồn của loài người trước những thử thách đang được đặt ra, dối diện v.v.. Ôi! cuộc đời quả là kỳ diệu, luôn luôn có sự thăng bằng dù là trong vỡ vụn, xáo trộn, mất mát như để điều hoà, chấn chỉnh lại như “vạn vật bồng âm cõng dương” hay trong “vô thường nhìn ra chân thường”, hoặc trong chân thường tìm được “Thường Lạc Ngã Tịnh”… và phải chăng do chính nhờ có những vấn nạn (problems) xung đột (conflicts) mà con người mới quay lại, vì thấy mình hay bất cứ ai trên mặt đất nầy cũng đều bị liên hệ, nên cần phải đối diện các vấn đề, phải dám nhìn thẳng.. và cũng chính là điều kiện tối cần thiết khiến cho con người bình tâm lại, trăn trở, nhìn lại chính mình, suy tư vì lẽ sống còn, làm sao cho sự tồn vong của nhân loại có ích lợi cho chính con người, cho nhiều thế hệ hiện tại và sau nầy, mà dấn thân tranh đấu, đòi quyền được sống trong thanh bình an lạc.
Trái đất trở nên nhỏ bé lại, vì mọi sự, mọi pháp đều liên hệ chằng chịt lẫn nhau, thu nhỏ khoảng cách không gian giữa quốc gia này với quốc gia khác, và đời sống của mọi người trở nên gần gũi hơn như lời Phật dạy “Pháp bất cô khởi”.
Nếu chúng ta không bị những vấn nạn nêu trên trêu chọc, cần giải quyết vì liên hệ đến mọi sinh mạng, thì có lẽ, chúng ta vẫn ù lì, tìm ẩn náu trong một chốn nào đó mà gọi là an toàn, để lãng tránh, vì xem như là mình không có dính dáng gì đến… thì có lẽ, chính chúng ta sẽ bị tiêu diệt từ từ, ngay tức thời chứ không phải chờ khi những sự việc xảy ra.
Những vấn đề nêu trên vừa khởi hiện trong tâm, tôi lại chợt nhận ra rằng: “Ồ… sao ngộ quá! Vui quá! Chỉ có hôm nay, vừa mới đây thôi, gương mặt của tôi mang mùi vị ảm đạm, nặng nề của buổi chiều về, như những vệt nắng hắt hiu còn sót lại trong ngày, nhảy chập chừng trên mặt, trán, mũi, miệng…. làm lung lay, gãy vụn, để cúi chào đón bóng đêm. Dù rằng cũng cố gắng làm điệu bộ để tự mỉm cười, nhưng vô vọng.
Nhưng lạ thật, sao giờ nầy, tôi thấy mình chợt có nụ cười … vì hình như vạn vật đang thay đổi, xung quanh đây đang mỉm cười với tôi. Chúng tôi được chia sẻ nhau nụ cười, một nụ cười tươi mát nhỏ bé thôi, dù là hiếm hoi trong bao ngày qua, nhưng nếu được nở ra trên đôi môi nứt nẻ khô trong mọi biến động cuộc đời, trong lúc gay gắt nhất tưởng chừng như không chịu đựng được, thì cũng là điều hạnh phúc kỳ diệu mà chúng ta có thể gặt hái được.
Mây ngập ngừng khiêng từng ánh nắng
Trên vai em, vừa chở cánh xuân hồng
Khi đồng tàn lặn núi ở vùng xa
bóng dáng đã từng đời qua, thay sắc
ta tìm lại trái tim xưa đánh mất
trong vô thường, nhìn rõ được mặt nhau
màu thời gian chỉ còn cơn gió thoảng
cánh sen hồng rơi ngọc suốt thiên thu
mùi hạnh phúc ta bà vừa ươm hạt
có bao giờ cạn được giống tử sanh
một lần giữ, từng giọt tâm tuôn chảy
bao lần buông mà hạnh phúc son màu….
Ôi một nụ cười dù là mỉm chi hay cười rộ, cười bung xung, hớn hở, ha hả, cười tức nước vỡ bờ, cười lung lay ánh nguyệt? …. Nhưng sao chúng ta lại thường hay tiết kiệm nụ cười cho chính mình, huống chi là dâng tặng cho người khác. Đôi khi ta sở hữu nụ cười, mà lại đem dấu nụ cười cất kỹ ở một chốn nào đó trong thân tâm để làm của gia bảo, như ôm đồm một nội kết riêng mình, không chịu giải tỏa. Chúng ta không biết rằng là dù sao thì một nụ cười cho ra, dù là méo xẹo, dù là cười ruồi? vẫn hay hơn, thú vị hơn vì có cuời là được ăn tiền rồi, còn hơn là nhăn nhăn nhó nhó như là con k.h….?Không dám nói, tùy ai đoán sao cũng được, vì đó chính là gương mặt của tôi những ngày vừa qua.
Giữa đời, ta nhập thất
Lênh đênh chốn chợ người
Để thấy ta và em
về nơi không trú xứ
Giữa người, ta nhập thất
Im lặng suốt thiên thu
Để thấy ta và người
Một cõi đời không lưu.
Bốn mùa, ta nhập thất
cùng em hái bồ đề
làm áo từ che thân
để đôi chân không nặng
Giữa tâm, ta nhập thất
Trong sát na quán niệm
không thấy ta và ta
dạo bước đờirong chơi….
Phải thấy ta và em, thấy những vọng niệm trùng trùng duyên khởi, trong chốn chợ người, trong bốn mùa lần lượt trôi qua, trong sát na quán niệm, trong cõi lòng u tịch thiên thu… nơi đó không còn nơi trú xứ, không còn đất đứng cho những hoài cảm, vọng cảm, nội kết do tâm tạo, tâm cưu mang… ta mới tránh được khổ đau khi xúc cảm với từng lời nói thô bạo, từng quyết đoán, phê phán của người nầy hay người kia hay do chính tâm mình ảo tưởng tạo ra. Khi tìm ra được lối thoát để bước trên bến bờ sinh tử của niệm, khái niệm, tri thức.. thì mới mong cho ta được mở lòng rong chơi, thảnh thơi trên cõi đời phù du như một cuộc “thần thông du hý”.
Trên bầu trời, vài cụm mây quấn quít bên nhau, bồng bềnh, tạo ra nhiều hình dáng, có lúc tượng hình như một dãy rặng núi cao vời vợi, lúc rõ nét, lúc mờ ảo. Lúc như hình dáng như cánh chim tung cánh rộng xoè ra như đôi tay của bà Mẹ, lúc như hình dáng trái tim mở rộng….
Từ sự nhận thức về một con người, dẫn chúng ta đi tìm đến sự liên hệ vì sao có sự hiện hữu của con người đó. Vẫn biết rằng “thân xác phàmđược sinh ra là do cha mẹ, nhưng thân huệ mạngcó được là do Thầy Tổ”. Nhưng không có thân xác phàm, thì làm sao có thể nói đến những vấn đề khác hơn, cao xa hơn. Ở đây, chỉ muốn đề cập đến cái thân thường tình có mặt để nói lên công lao sanh thành, dưỡng dục của Cha Mẹ.
Cuộc sống của một con người được có mặt khi tượng hình trong bụng mẹ, cấu tạo nên thân xác, hình hài và cái tâm hồn.. tất cả mọi hành trạng sau đó, đều khởi đầu từ khi có mặt trên trần gian, liên hệ đến cuộc sinh tồn của mỗi cá nhân. Tâm vật đã hình thành, trưởng thành theo thời gian và cũng là những khoảnh khắc dài thâu lượm, chiêu cảm hoặc ứng xử v.v… cho đến cuối cuộc đời và tiếp nối.
Các trạng thái đau khổ hay hạnh phúc vẫn luôn là những quyết định, lựa chọn cho và do chính mình cùng những gì liên hệ thiết yếu, và nghiệp là những dẫn giải, lý giải để trả lời cho từng câu hỏi, từng dữ kiện, sự kiện xảy ra của cuộc sống..
Văng vẳng đâu đây, tôi như nghe được tiếng gọi của cha mẹ, nghe được lời ru của năm nào, ngày còn bé bỏng. Những câu ca dao được mời gọi trên đôi môi của mẹ, được dịu dàng đưa đến giấc ngủ của trẻ thơ, những vần điệu bốc lên cao khỏi các tầng khí quyển để là dưỡng khí nuôi dưỡng, truyền hơi ấm cho tâm hồn của bao thế hệ tiếp nối vào đời.
Gió có qua đây buổi sớm nay
chở mây về tận cuối chân trời
cho trăng sót lại đêm hôm trước
lấp lánh mờ trăng dẫu muộn màng
ta ngắm mây trời bỗng nhớ nhung
nhớ nguời chập chững bước chân đời
nhớ cha đã khuất bao năm trước
nhớ mẹ mắt mờ vẫn ngóng trông
nhớ con diều chở bao mộng ước
nhớ nguyện vào đời lúc mở tâm
dù cho đời trải bao sóng gió
xin mẹ yên lòng, con vẫn đi…..
Con diều nhỏ chở những ước mơ lúc còn bé thơ, ngày nào đã được thả tung bay trên bầu trời. Nhìn con trẻ cười vui khúc khích khi cánh diều tung bay cao, và cha mẹ cũng hoà lẫn trong niềm vui đó, dệt những ước vọng về từng đứa con một trong tấm lòng bể cả trời cao.
Tấm lòng thương yêu con của cha mẹ, được nhân lên khi tiếp xúc với dòng sông tâm linh vi diệu của đạo Phật, vì qua giáo Pháp của đức Phật, nhìn thấy mỗi con người dù là còn bé bỏng, sơ sinh … cũng đều mang hạt giống Phật cần nuôi dưỡng, hướng dẫn, chăm sóc, để làm truởng dưỡng cho một vị Phật sẽ thành.
Đạo Phật xuất hiện gắn liền với con người, vì con người và cho con người, và khai mở một lối sống nhân bản đầy ý nghĩa cho con người. Khó có thể tìm ra những hình ảnh đẹp về tình thiêng liêng của cha mẹ hay các mẫu hình về hiếu hạnh sống thực trong các tôn giáo khác… nhưng riêng với đạo Phật, trong rừng giáo lý từ bi của Ngài, chúng ta bắt gặp vô vàn những hạnh hiếu của chính đức Phật, của các vị Thánh Tăng đương thời hoặc về sau nầy.
Đọc trong Kinh Đạo Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, nghe lại lời Kinh nói về một hình ảnh rất tuyệt vời, cao đẹp, sáng ngời của đức Phật như :
“ Tôi nghe thế nầy : một khi Phật ở, trong một Tinh Xá, vườn Cấp-cô-độc, cây của Kỳ-Đà, cùng các Tăng-già, có trên hai vạn, thêm tám nghìn người, cùng chư Bồ-Tát. Bấy giờ Thế-Tôn, cùng với Đại chúng, nhân buổi nhàn du đi về phía Nam, thấy đống xương khô chất cao như núi. Đức Phật Thế Tôn liền sụp lạy ngay đống xương ấy.
A-Nan thấy vậy, bạch Phật rằng : Lạy Đức Thế Tôn, Ngài ở trên ngôi chí Tôn, chí Qúy, Thầy cả ba cõi Cha lành bốn loài thiên thựơng nhân gian thảy đều tôn kính, sao Ngài lại lễ đống xương kia.
- Nầy A-Nan ơi! Ngươi tuy xuất gia theo ta tu học, trong bấy nhiêu lâu, những sự thấy nghe đã rộng rãi, đống xương khô ấy hoặc là ông bà, hay là cha mẹ, thân trứơc của ta, ngàn muôn ức kiếp, đời đã cách xa, bởi thế nay ta chí thành kính lễ. Ngươi đem xương nầy chia làm hai phần, một là đàn ông, hai là đàn bà, phân biệt cho ta.
- Bạch Đức Thế Tôn, con xem ở đời phàm là con trai mang đai hia mão, ai cũng nhận ra, đấy là nam giới, những người con gái hương hoa phấn sáp, kiềng xuyến nhẫn hoa, ai cũng nhận ra, đó là nữ giới. Nay người đã chết, xương trắng một mầu, chúng con biết đâu mà phân biệt đựơc.
- Này A-Nan con, về bên nam giới trong lúc bình sinh, thường lui tới những chốn chùa chiền, nhờ có nhân duyên nghe Kinh lễ Phật, kính mến Tăng-già, nợ trần đã qua, hồn về cõi Phật, bao nhiêu xương trắng, nhắc thấy nặng hơn là xương nam giới còn như nữ giới trong lúc bình sinh, nhiều lần sinh nở, nuôi nấng con thơ, tổn hao khí huyết, mỗi một kỳ sinh, máu đặc trong mình chảy ra sáu đấu, mỗi người con bú, tám thùng bốn đấu, sữa ở trong mình giảm bớt tinh anh, cho nên xương nhẹ và có sắc đen.
A-Nan nghe Phật nói thương xót vô cùng, như dao cắt ruột, nước mắt chứa chan, hai hàng châu lệ, mà bạch Phật rằng:
- Lạy Đức Thế Tôn, công ơn cha mẹ như non như bể, thăm thẳm nghìn trùng, lấy gì báo đáp, cúi xin Đức Phật rủ lòng thương xót, dạy bảo chúng con.
- Nầy A-Nan con, Về ân đức mẹ, trong vòng mười tháng đi lại nặng nề, cưu mang nhọc mệt, khổ không xiết :
- Khi vừa một tháng, ở trong thai mẹ, khác gì hạt sương dính trên ngọn cỏ, sớm còn tụ đọng, trưa đã tan, khó lòng giử được.
- Khi được hai tháng, ở trong thai mẹ, hình như sữa đặc, đã chắc gì đâu.
- Khi được ba tháng, ở trong thai mẹ, ví như cục máu, đông đặc đỏ ngầu, vô tri vô giác.
- Khi được bốn tháng, ở trong thai mẹ, mới dạng hình người.
- Khi được năm tháng, ở trong thai mẹ, mới đủ năm hình, chân tay đầu tóc.
- Khi được sáu tháng, ở trong thai mẹ, sáu căn mới đủ, mắt tay mũi lưỡi thân hình và ý.
- Khi được bảy tháng, ở trong thai mẹ, mới sinh đầy đủ, ba trăm sáu mươi những cái đốt xương, cùng là tám vạn, bốn nghìn chân lông.
- Khi được tám tháng, ở trong thai mẹ, phủ tạng mới sinh, ý chí mới đủ, chín khiếu mới thông.
- Khi được chín tháng, ở trong thai mẹ, mới đủ hình người ngồi trong bụng mẹ, khát uống nguyên khí, không ăn hoa quả, cùng là ngũ cốc, sinh tạng rủ xuống, thực tạng hướng lên, có một dãy núi gồm có ba quả; một là Tu Di hai là núi Nghiệp, ba là núi máu, núi nầy đồng thời hóa ra dòng máu, rót vào trong miệng.
Ở trong thai mẹ, trong vòng mười tháng, trăm phần toàn vẹn, mới đến ngày sinh, nếu là con hiếu, chắp tay thu hình, thuận lối mà ra, không đau lòng mẹ; nếu là con bạc, giãy giụa bải bơi khiến lòng mẹ, buốt chói từng hồi, như đâm như xỉa, như cấu như cào, như nghìn mũi dao, đâm vào gan ruột, đau đớn vô cùng, nói sao cho siết, sinh được thân nầy, mừng thay vui thay, yêu thay mến thay.
Phật bảo A-Nan: công ơn từ mẫu, gồm có mười điều, phàm kẻ làm con, phải lo báo hiếu .
* Những gì là mười điều?
- Nhớ ơn mẹ ta, chín tháng mười ngày, cưu mang nặng nhọc.
- Nhớ ơn mẹ ta, khi sinh lúc nở, đau đớn vô cùng.
- Nhớ ơn mẹ ta, khi sanh lúc nở, quên cả âu lo.
- Nhớ lại công ơn, mẹ ăn miếng đắng, lại nhả miếng ngon, dành dụm cho con.
- Nhớ lại công ơn, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo xê con.
- Nhớ ơn mẹ ta, ba năm bú mớm, nuôi nấng thuốc thang, trong khi sài đẹn.
- Nhớ ơn mẹ ta, giặt diệm hong phơi áo quần dơ dáy, ô uế tanh hôi mẹ đành cam chịu.
- Nhớ ơn mẹ ta, khi đi đâu xa, vì thương nhớ con, trong lòng cầy cậy, một phút chẳng ngơi.
- Nhớ công ơn mẹ, vì sanh nuôi con, mà mẹ cam lòng tạo bao nhiêu ác nghiệp.
- Nhớ công ơn mẹ, lòng rất thương con, trọn đời yêu dấu, không phút nào ngơi. ….”
Tôi nghĩ rằng không một người nào dù có phải là người con Phật hay không, khi đọc đến đoạn Kinh trên mà không nghẹn ngào, xúc động. Có bao giờ, chúng ta nghe được một vị Giáo chủ của bất cứ một tôn giáo trên thế gian này nói đầy đủ, chi tiết về những công lao sanh thành của người mẹ với những khó nhọc khi bụng cưu mang nặng nề và khi lâm bồn, sanh con. Những ân đức của Cha của Mẹ lớn quá, cao cả quá, mà mỗi người con đều khó lòng để trả hết được trong một kiếp, điều nầy thì chúng ta ai nấy đều biết, nhưng, bắt gặp dòng sống của đạo Phật, thì càng làm cho những ân trọng đó cất cánh bay cao, vì trong tình cha mẹ, trong ân nghĩa sanh thành, trong mỗi người con… còn hàm chứa những chất liệu tánh Phật trong mỗi một con người, cần được hoàn thiện qua những tri ân và báo ân.
Tôi đã từng đọc những lời Kinh nầy khi mới chập chững học Phật Pháp, từng xúc động, chảy nước mắt khi nhận ra được tấm lòng của đức Phật. Một vị Thầy của trời người, một nhà văn hoá tư tưởng lớn của nhân loại, một nhà giáo dục tâm linh hiếm quí chưa từng có… Ngài đã đi sâu vào đời sống của con người và nhận thức sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái, nó không chỉ đơn giản trong huyết thống, trong hiện đời, nhưng còn liên quan đến bao nhiêu nhân quả trùng trùng điệp điệp trong dòng sống của con người.
Cho nên, Ngài nói rằng: ”Gặp thời không có Phật, nếu chúng ta kính hiếu với cha mẹ hiện tiền, thì cũng như cúng dường lên đức Phật” hoặc giả “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế”.
Những câu nói, lời dạy chân tình của Ngài bàng bạc trong nhiều Kinh sách, như Kinh Thiện Sanh, Kinh Vu lan v.v… nói rõ được tư tưởng trong sáng của đạo Phật, vì con người, cho con người và chưa bao giờ tách ra khỏi cuộc đời, mà đạo Phật còn nhập cuộc vào cuộc đời để chuyến hóa mọi loài dù bất cứ là màu da, huyết thống, sắc tộc hay mang hình dạng khác nhau… với mục đích duy nhất là đưa đến một hướng đi đích thực có giá trị nhân bản cao đẹp trong tình người, mà không có tôn giáo nào có được.
Hình ảnh của Ngài Mục Kiền Liên (Moggallana)- một vị Thánh A La hán, vì lòng thương mẹ, biết mẹ khi còn sống trên dương trần đã gây nhiều điều sai lầm, nên khi chết tức phải chịu quả báo do những hành động mà mình tạo ra, cũng làm cho chúng ta suy tư đến.
Tháng bảy mưa nhiều, trời se lạnh
hạt mưa thấm ướt chiếc y vàng
con đi tìm mẹ, qua bao cõi
bóng dáng hao gầy, mẹ ở đâu?
mắt con đỏ lệ khi nhìn mẹ
đáy lòng đau xót quá mẹ ơi..
đây cơm, đây cả trời thương nhớ
đây cả tâm tình con kính dâng
lửa cháy, bát cơm tàn theo lửa
mẹ đói, lòng con cũng ngỡ ngàng
ví thử bàn chông, con ngồi được
hay trái tim con, mẹ đỡ lòng……
Khi nghĩ đến hình ảnh của Ngài Mục Liên đi tìm Mẹ và tận mắt trước cảnh Mẹ mình đang bị đọa đầy, ngồi trên bàn chông do quả báo đến từ nghiệp đã gây ra lúc còn sống và bát cơm trắng đầy vừa nhận được bỗng hóa thành than lửa… do tâm còn bỏn xẻn… tôi đã xúc động, như thấu được tấm lòng hiếu thảo Ngài Mục Liên trước cảnh tượng đó, lòng xốn xang dâng trào, nức nở … và 8 câu thơ trên như được xuất phát từ trong tấm lòng nghĩ đến mẹ, chia sẻ …. Đó là những giọt nước mắt với lòng báo ân trước thâm tình của Mẹ, đem ba cõi gom lại, đem trời đất về đây, mở toang tâm tình, mở bung cửa ngục lòng, cửa ngục của tâm thức, làm cuộc “giải đảo huyền”, bỏ xuôi những khổ cảnh vì lòng từ, vì tâm của chư Phật thương muôn loài.
Trong bài viết “Trái tim bà Mẹ”, tôi nghĩ rằng “Mẹ ơi! Con biết rằng mẹ là bà Tiên, người trên cõi trời, vì để rơi trái tim xuống trần gian, nên mẹ lưu lạc nơi chốn bụi trần đề tìm lại trái tim của mình và cho đến suốt đời của Mẹ, cho dù là tìm lại được trái tim bị đánh rơi, nhưng Mẹ không bao giờ lấy lại và thệ nguyện ở trần gian nầy, vì trái tim của Mẹ đã sống trong từng tâm hồn của các người con rồi”
Xin cám ơn Ngài Mục Liên, vì qua hình ảnh hiếu hạnh của Ngài đã làm sống động tinh thần Mùa Vu Lan Báo Hiếu trong suốt chiều dài lịch sử phát triển Phật giáo đã trên 2500 năm rồi và qua đó, làm thấm đậm ân tình và nêu cao lòng hiếu thảo của con người.
Ai đã một lần hiện hữu làm người, có mặt trên cuộc đời nầy, đều không do Cha Mẹ sanh ra, dù là Thánh nhân hay phàm tục. Cho đến khi khôn lớn, trưởng thành, nghĩ đến xuất nguồn của mình, không ai lại không chạnh lòng nhớ đến công lao sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Từ khởi đầu khi xuất hiện trên đời …. Trong Lá thư Mùa Báo hiếu, trong vòng tay bà mẹ, trong trái tim bà mẹ, trong ân nghĩa trời cao biển rộng, trong bầu sữa cam lộ, trong tiếng mẹ gọi đâu đây, trong tấm lòng bà mẹ, trong lòng mẹ dìu con vào giấc ngủ, nơi bình yên trong trái tim mẹ, trong bàn tay gầy ôm cả trời thương, trong nước mắt mẹ rơi thành trái tim hồng, hoặc mẹ là nước hay là non, hay Mẹ- lời nói của trái tim… những bài được viết xuyên suốt trong chiều dài xúc cảm trước lòng biển cả của Mẹ, chúng ta đã bơi lội không phải trong ngôn ngữ hay thi ca về mẹ, hoặc đắm chìm trong những ảo tường về Mẹ… nhưng mà may mắn thay, chúng ta sống thưc, hiện hữu, được tắm mình trong tấm lòng cao cả, rạt rào, tràn lan của đại dương tình yêu, mỗi sóng biển là mỗi tâm tình của mẹ vì con.
Nơi biển lòng đó, thơm nồng hương lúa chín mật của cõi tình chân chất, nơi chốn bình yên ru con ngủ ngon giấc, chỗ gánh vác chịu đựng hy sinh, đã nuôi dưỡng trái tim con từ lúc còn nhịp đập non nớt, lớn khôn, đi vào đời. Cha Mẹ đã biến những cưu mang, các gánh nặng khổ cực để lo cho con, dù là có chịu trăm ngàn đắng cay, biến tất cả những gánh vác đó như đang chở loài hoa tươi thắm dâng cho cuộc đời, vì đó là tấm lòng, là tình thương yêu vô bờ bến…
đường đi trăm mối
gánh nặng trên vai
chở con thơ dại
dốc đứng cuộc đời
như thể chở hoa
dâng cho nhân loại
màu hoa sặc sỡ
do công nuôi dưỡng
không có trái tim
cây không thể lớn
không có tình yêu
cây không lá hoa
không có tấm lòng
cây sẽ tàn phai…..
Vâng, nếu không có tấm lòng, không có trái tim, không có tình yêu thương, chúng ta đã mất đi chất liệu cao quí để đi vào đời, và sẽ không bao giờ khôn lớn, vì từng lời ru, từng câu ca dao, từng ánh mắt, niềm vui của cha mẹ đều tùy thuộc vào bước chân của con. Đôi khi, chúng ta không chấp nhận, lãng tránh trước những lời khuyên răn, dạy bảo vì cho đó là những bài học rỗng… nhưng,
nói nói nói,
vạn lần mẹ nói
nghe nghe nghe,
ngàn tiếng đã nghe
nhưng mẹ ơi! lời nói và lắng nghe
không nói đủ hết nhiệm mầu thực tại
đường không phẳng, dấu chân dẫm bước
áo bạc màu, trải nắng dẫu dầm mưa
sợi chỉ mẹ may lòng nhẫn, lòng từ
con trải nghiệm trên bước đường sương gió…
có những lúc, bước chân trên đầu sóng
nước mắt rơi như gục ngả bên đời
văng vẳng đâu đây, bản tình ca lòng mẹ
bài nhẫn - từ, con vừa thuộc Mẹ ơi…..
Vâng, phải qua trải nghệm, thăng trầm trong đời sương gió, có lúc bơ vơ lạc lõng, có khi không còn hơi sức, mất hướng đi do vì thất vọng, ê chề, chán chường… ta mới chợt giật mình nghe thấm lại lời ru khi xưa của mẹ, lòng cảm thấy được những lý giải những bài học sóng gió cuộc đời.
Trong một bài viết lúc trước, xin được nhắc lại nơi đây:”Là con người, có cội có nguồn, có tổ tiên, có ông bà, cha mẹ v.v..và càng văn minh, trưởng thành, có sự hiểu biết …thì ý thức về cội nguồn càng tô đậm nét trong tâm tưởng. Cho nên, mỗi lần cảm thấy hơi dáng của Mùa Vu Lan - thì lòng chúng ta lại chợt dấy lên những bồi hồi, xúc động.”
Chúng tôi thường ước mong rằng ngày Vu Lan Báo Hiếu sẽ được phổ cập khắp nơi chốn trên hành tinh này, không phải vì lý do tôn giáo mà mình đang theo, nhưng vì qua Ngày Lễ Lớn này của con người, biểu lộ tình người, tình cảm thiêng liêng của cha mẹ, đem chúng ta ý thức về nguồn gốc, nhận thức về tình yêu, sự hy sinh và tấm lòng cao quí của cha mẹ. Đó là những bước khởi đầu của con người, vì qua tình mẹ nghĩa cha, chúng ta đã học đuợc bài học vỡ lòng đầu đời, chính là lòng từ lòng bi, lòng yêu thương, sự nhẫn nhục, sự chia sẻ…
Với người Phật tử, học theo hạnh Phật mà đạo Phật lại đề cao hạnh Hiếu. Qua đó, trên vai người con Phật còn mang nặng lòng hiếu thảo qua Bốn ân: Ơn của trời đất, khí hậu, mùa màng… đã giúp cho chúng ta ổn định cuộc sống, được an cư, lạc nghiệp. Ơn của quốc gia mà nơi đó ta sống, đã lớn lên, trưởng thành, cưu mang chúng ta. Ơn của thầy, của cha mẹ - người đã sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ chúng ta nên nên vóc nên hình, nên người biết tôn trọng lẽ phải, yêu việc thiện. Ơn của tất cả mọi người đã làm nên lúa gạo, vật thực, những vật chất hay tinh thần hữu dụng cho chúng ta thọ hưởng hàng ngày v.v…
Không phải vì vội vàng cho mình được gánh nặng bốn ân đó trên đôi vai, nhưng vì tấm lòng của mẹ, giáo dưỡng của cha… như một xúc tác cực mạnh đã thấm nhuần trong từng mạch máu, trong con tim của con người từ thưở bé đến khi nên người, và vì sự liên hệ của những ân đó ảnh hưởng và chi phối từng con người một, dù chúng ta có biết, có nhận thức được hay không.
Từ góc độ tình yêu của mẹ, chúng ta được đánh thức để bay bổng trên tâm tư của người con Phật thấm nhuần giáo Pháp, và trưởng thành trong tâm Phật. Cho nên, mỗi ân đó, suy cho cùng đều nặng, đáng cưu mang như để cho nguời Phật tử sống sao cho xứng đáng là nguời nhân bản, hiếu hạnh, mang cả tâm hồn và trái tim Phật vào đời. Con của Bậc Đại Tỉnh Thức cũng phải mang dáng dấp của Tỉnh thức - dù ít hay nhiều tùy theo thời gian tu học. Và Mùa Vu Lan Báo hiếu cũng là dịp để sống với một trong Bốn Ân, đó là Sự báo hiếu.
Tôi thường nói với hai đứa con của tôi rằng: “Người phụ nữ, tâm tư của người mẹ là người chịu nhiều cực khổ nhiều nhất, lo toan, gánh vác, chia sẻ… Cho nên, hai con phải nên thương yêu mẹ. Đừng nghĩ đến ba, đừng thương ba vì ba là đàn ông, cá tánh của rất khác, hay hời hợt, sống riêng mình. Sự trưởng thành, làm người tốt, là công dân tốt, có sự nghiệp … chính là đủ để báo đáp công ơn của cha mẹ…” .
Hai đứa nhỏ đều im lặng. Nói là nhỏ nhưng cả hai đều đã lớn. Con trai tôi ít nói, nên nói rất là ít: “Suốt đời con, con cũng kính yêu ba”. Còn đứa chị nó, con gái lớn của tôi, vừa nói vừa ràn rụa nuớc mắt: ”Dù ba ra sao, dù hoàn cảnh có như thế nào hay bất cứ ở phương trời nào, chúng con rất hiểu ba nhiều. Suốt đời con, con vẫn luôn luôn kính yêu ba…”.
Vu Lan đã thực sự trở về, không phải trong không gian tràn ngập hương vị của giọt mưa tháng bảy, không phải gió rải bàng bạc trên từng cây lá, trong một nơi chốn nào đó ..mang dáng dấp của lời nói, của tình thuơng yêu… nhưng lại nằm ẩn chứa trong tâm mỗi con người có ý thức, có tâm tình của mỗi một người con.
Đừng làm cho cha mẹ buồn, đừng để những giọt nước mắt hạnh phúc vì con của mẹ lại đổ ra vì những khổ cảnh, xáo trộn của con. Đừng làm cho mẹ phải lo lắng vì con, khi chúng ta có thể hoàn thiện, gặt hái được những gì của mơ ước, được thành hình. Những ao ước của mẹ rất nhỏ nhoi, tầm thường, giản dị, đó là hạnh phúc mà con có được.
Chúng ta không cần những lời nói hoa mỹ để thêu dệt làm đẹp cho ngày Báo Hiếu, hay ca tụng một chất liệu nào đó mà mình thực sự không có hay chưa thấm nhuần, hiểu biết được hoặc giăng hoa kết trái tô điểm, làm hình cho những biểu tượng, vì Vu Lan là ngày không phải của biểu tượng, mà là ngày của trái tim, của lòng từ, nhẫn nhục, là tất cả tâm hồn bà mẹ… mà qua đó, chúng ta học được bài học để làm người.
Tôi đọc đâu đó, có một định nghĩa về Mẹ, rất là thú vị, xin được chia sẻ:
Million là hàng triệu điều mẹ trao cho con...
Old là nghĩa là mẹ sẽ vì thế mà ngày càng già đi...
Tears là những giọt nước mắt mà mẹ đã đổ vì con...
Heart là trái tim vàng của mẹ...
Eyes là đôi mắt mẹ luôn dõi theo con...
Right là những gì đúng đắn mẹ hay khuyên bảo...
Sưu tầm
Trong chỗ thân tình, có một vài người bạn đã hỏi tôi rằng: «Biết anh đã lâu, nghe anh nói, thấy anh sống và những gì anh viết ra để chia sẻ… Có lẽ, anh hiểu nhiều về Phật Pháp, có tu tập, có thực hành, nên toả sáng, mượt mà trong từng lời văn và anh có thể là một con người gương mẫu, hạnh phúc, đạo đức v.v… ?»
Những lời nói đó làm tôi mắc cỡ quá chừng, vì tôi vừa quê mùa, chất phác, ít học, tu tập nửa vời, lừng chừng… mà làm gì được khen đến như vậy. Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện đã được đọc từ lâu.
« Có một đứa bé mồi côi mẹ, cha lấy vợ khác và nó có vài đứa em sau. Không ai biết cuộc sống nó ra sao, nhưng đi học thì rất giỏi, ngoan ngoản, luôn đứng đầu lớp. Dù ăn mặc quần áo có nhiều chỗ vá, người ốm nhom, gầy còm… nhưng khi gặp ai hỏi chuyện, nó đều khoe và nói nó là đứa bé rất có phước, vì được ba mẹ đều thương yêu, lo lắng, ăn uống đầy đủ và không ai có được hạnh phúc bằng nó đâu. Nhưng sao nhìn trên đôi mắt của đứa bé 6 – 7 tuổi lại mang nhiều nổi buồn sâu lắng, man mác có nhiều dáng vẻ suy tư, không thật, chứ không có hồn nhiên, vui vẻ của số tuổi bé thơ đó.
Cô giáo là người rất thương nó, vì Cô không có con, nên lo lắng và do đó, muốn biết hoàn cảnh thực hư của nó ra sao, để mà giúp đỡ.
Một hôm, bất ngờ Cô giáo đến nhà để thăm nó. Từ ngoài cửa, Cô đã nghe tiếng mắng chửi của người đàn bà, rất cay nghiệt. Cô thấy đứa học trò mình bị bà mẹ ghẻ tát mấy tát tay, bên cạnh nó là đống quần áo dơ để nó giặt, kế đó là đứa em đang nằm võng mà nó phải lo đút cơm… Nó vừa làm vừa khóc thút thít dưới trận mưa đòn và lời chửi rủa. Cô giáo đã đứng lặng yên, xúc động vì tội nghiệp, rồi vừa khóc, vừa chạy trốn ra khỏi bi cảnh đang xẩy ra cho đứa bé học trò của mình.
Hôm sau, khi dạy học, Cô đã gọi đứa bé lại và nói rằng: «Cô đã biết hết rồi con ạ. Tại sao con lại nói láo Cô là con sống rất sung sướng, may mắn, hạnh phúc, được cha mẹ lo lắng, săn sóc, hở? »
- Thưa Cô, vì đó là lòng mong muốn, ao ước của con. Con ước mong con đuợc thương yêu giống như bao đứa trẻ khác. Cho nên, những gì mà con không có, con phải che giấu đi để cho mọi ngưòi chỉ biết là con là đứa bé rất được thương yêu, được chăm sóc… như bao nhiêu đứa bé khác, Cô à.. »
Xa cha mẹ từ khi còn nhỏ, tôi đã không có tuổi thơ như những đứa bé khác, nên cảm thức về tình cha mẹ trong tôi như những «giọt sương rơi trên tóc mẹ» mơ hồ, mông lung, ảo hoá. Nhiều khi cố khơi, gợi trong ký ức để tìm lại những hình ảnh thân thương của tuổi thơ, nhưng tìm hoài không thấy bóng dáng của tuổi thơ đâu. Cho nên, tình cha mẹ đối với tôi là một xa xí phẩm, với hoài không tới vì ở trong túi kỷ niệm chứa đựng của thời gian qua, để có thể mà hoài niệm, suy tưởng về, lại không có, trống rỗng.
Vì lẽ đó, những gì tôi viết ra, đi sâu vào lòng mẹ, khám phá tận nguồn gốc để khởi đầu cho một đứa bé để thành người, trưởng thành v.v.. và tô đậm thêm những chất liệu của tấm lòng, những cảm xúc, những tình cảm ngập lòng trong chất thơ tình mẹ… Tất cả, vâng tất cả, đó chỉ là những uớc vọng, những mơ tưởng, những mong muốn hay đúng ra là những gì mà tôi không có trong đời sống, tôi xin đuợc nói ra để chia sẻ và mong rằng mọi người đều có đuợc, và đừng để vô tình quên lãng, không quí trọng kho tàng thương yêu đó trong đời sống.
Còn những gì viết ra có chất liệu của Phật Pháp, thực ra, chỉ là những góp nhặt của người này hay người khác, chỉ mong muốn như một tâm tình của tôi và cũng như một ước vọng, chia sẻ. Nên, nếu đánh giá tôi là người như thế nào đó, qua ngòi viết bộc bạch, tâm tình, chân thành, thì đó là một sự sai lầm, không đúng.
Có một nhà văn Edith Wharton nói rằng:
“There are two ways of spreading light: to be candle or the mirror that reflects it”.
Xinđược dịch:
‘Có hai cách để toả ánh sáng, hoặc bạn phải là ngọn nến hoặc bạn phải là tấm gương để phản chiếu =
Căn bản Phật Pháp tôi không có nhiều, thiếu sự tu tập, học hạnh yếu kém… cho nên, tôi không thể tự là ngọn đèn nến để có thể toả ánh sáng lan ra chung quanh… nhưng, may mắn chỉ được là tấm gương, tấm kiếng phản chiếu lại những chất liệu ánh sáng đó, thì cũng là một phần nào được an ủi lắm rồi.
Xã hội đã thay đổi rất nhiều, bao nhiêu sự xáo trộn đang giăng bủa mọi người vào vòng xoáy của cuộc đời, để chụp giựt thời gian, tiền tài, danh vọng trước bao nghiệt ngã, khổ đau của những người chung quanh. Do nhu cầu vật chất, do đòi hỏi của cuồng vọng… chúng ta dễ quên đi những chất liệu làm nên con người sống có tình, có nghĩa, những yếu tố được nuôi dưỡng từ thưở lọt lòng mẹ … và đang bị chúng ta thu hẹp lại trong cái không gian nhỏ bé của đời mình, quên đời, quên người. Lương tâm, tình cảm, nhận thức yêu thương bị chai sạn, dẫn tâm trong mênh mông bể khổ, liên đới, ảnh hưởng đến mọi người, cho xã hội.
Vu lan Báo Hiếu lại là chất liệu làm sống lại cái tâm hồn bị chai sạn, vô cảm trước những bất hạnh của người khác. Ý thức về Báo Hiếu, cũng là ý thức về trách nhiệm, san sẻ, nhẫn nhục, tình thương… Những yếu tố hình thành và đến từ tự tình cha mẹ, đem chúng ta sống trong chánh niệm, sẽ rửa sạch cái tâm ô nhiểm, để làm sáng lên tình yêu thương nhân bản, được định nghĩa là làm người.
tấm lòng mẹ là thơ, buồng chuối
là hương thơm chất ngất, chở đời con
là mộng đẹp cuộc đời con dấn buớc
là tình người, ngày tháng được chắt chiu
nếu một khi mất mẹ, chắc con buồn
cánh hạc thân gầy, bầu trời bỗng vắng
gió nhẹ đưa về, sợ mắt con cay
con khóc mẹ, khóc lời xưa đã mất
mẹ có biết không là con thương mẹ
thương bao lời mẹ dạy dỗ con thơ
thương những lúc, mẹ nhìn con khẽ nói
con ra sao, vẫn có mẹ đi cùng ……
Thưa bạn, tình mẹ nói hoài không hết, viết bao nhiêu cũng không đủ, vì đây là cái Tình cảm thiêng liêng. Có ai nắm được hương vị của tình mẹ, tiếng gọi mẹ vẫn là những điệp khúc muôn đời thật đẹp, tạo thành nền văn hoá sống hướng thượng của con người, cho con người được thành người. Nền văn hoá nhân bản nầy được nuôi sống từ cái tâm sáng của mỗi người có được ý thức, là những tế bào làm nên vẻ đẹp, rõ nét con người.
Do đó, khi đã là điều kiện để sống tình cảm, là hơi thở, là tấm lòng… thì văn hóa Vu Lan Báo Hiếu sẽ sống mãi với thời gian và không gian, vì bất cứ ai cũng đều được sanh ra từ cha mẹ, nên là con người có nhận thức, có suy tư, không ai lại không có tình cảm, có trái tim rung nhịp đập.
Đời sống là những gì ngắn hạn, vô thường, hữu hạn… Còn chúng ta là những người đi tìm những gì dài hạn, chân thường trong cái vô thường … đó là chân tâm bất sinh bất diệt, là trái tim bà mẹ.
Vu Lan (Ullambana) là như thế, không phải là khoảng ráp lại những mảnh vụn của thời gian, của tâm tình, của trái tim… nhưng Vu Lan là đất sống, được giải thoát, được «đảo huyền» khỏi ngục tù của vọng niệm, khổ đau và đem lại hơi ấm hạnh phúc cho con người và miên viễn tồn tại. Đó là những hình ảnh cao đẹp như những bài thơ, êm ả, chân chất, mộc mạc, bình dị, ngọt ngào như cánh đồng lúa vàng, như là biển rộng với tiếng sóng rì rào hay như là nải chuối buồng cau, hoặc là tất cả những gì cao đẹp nhất để nói đến tấm lòng của bà mẹ.
Hình ảnh của cha mẹ là bóng dáng nối dài của Tổ Tiên, tiếp nối đến các người con, thế hệ sau này và là nhịp cầu, biểu tượng sinh động của nhân loại, khi con người biết đến giá trị của tâm tình, của văn minh tâm linh của con người...
Sự xuất hiện của Đức Phật, qua tấm gương hiếu hạnh của Ngài lúc còn tại thế đối với cha mẹ hiện đời và nhiều đời, với hình ảnh của Ngài Lục Kiền Liên mang lòng hiếu đã tác động mạnh, đẹp tuyệt vời trên hành trình cứu Mẹ… đã làm hiện sinh tinh thần nhân bản sinh động đầy tình người, nêu cao giá trị của tâm linh, tình cha mẹ, lòng người…
Thưa bạn, là người đi gom lời thơ, ghi lại tâm tình… vẫn ước mong ngày Lễ Vu Lan - Mùa Báo Hiếu được phổ cập khắp mọi nơi trên hành tinh này, vì đó biểu tượng cuộc sống thật đẹp, với tấm lòng của Đức Phật, nói lên Văn hoá tình người, nâng cao giá trí tấm lòng của Mẹ Cha, và để xác định rằng «mọi người, mọi loài đếu có tánh Phật» dù mang màu da, sắc tộc hay bất cứ hình tướng nào».
Văn hoá đó không phải chỉ có giá trị trong một ngày, trong một mùa báo hiếu, mà là miên viễn khi con người còn nhận mình là người, ý thức được giá trị cao đẹp của con người…
Xin đừng hỏi tôi
đoá hoa hồng nào đẹp
là hồng non hay hồng trắng nõn nà
muôn loài hoa có khoác áo mặn mà
vạn màu sắc còn chăng là hương vị
sẽ uá tàn theo ngày tháng vội qua
đã bao lần nâng cành hoa thuở đó
tìm lại màu thanh sắc của năm xưa
có còn chăng từng cánh nhạt phôi pha
rồi kết thành trái tim hồng của mẹ
không phai tàn, dù vượt sóng thiên thu
vì tim được nuôi bằng tấm lòng… mẹ…
Thưa vâng, hoa hồng hay hoa hồng trắng, cũng chỉ là màu sắc của hoa, chỉ là biểu tượng đẹp để khơi lại tấm lòng, tình yêu cha mẹ, mà đôi khi trên vạn nẻo đường, trong cơn gió bụi, chúng ta đã để cho bụi thời gian phủ lấp, xoá nhòa, quên lãng. Hoa sẽ tàn, cánh hoa sẽ rụng, màu sắc hoa sẽ phôi pha … nhưng trong sự bất diệt, trong tấm lòng, trong tình thương, trong Muà Vu Lan Hiếu Hạnh, chúng ta lại có đoá hoa bất diệt toả sáng, ngập tràn tình yêu thương, đó là trái tim của Mẹ.
Với những ý kiến thiển cận, suy nghĩ đơn sơ, chân thành, xin được đem những suy tư, tư tuởng chân chất nầy dâng cúng đến Mùa Vu Lan như một tấm lòng chung Báo hiếu và cầu xin mọi người đều sống trong tinh thần nầy- không phải một ngày, hai ngày, mà là mãi mãi.
Cũng xin được dâng tặng đến mọi người .. đóa hoa được kết bằng trái tim của mẹ, như một sự chia sẻ thân tình, quí trọng, thân thương trong Mùa Vu Lan Báo Hiếu, để chúng ta cùng chung tắm mình trong hạnh phúc an lạc vô biên….
Viết xong lúc 12 giờ khuya
ngày 29.08.2009
Mùa Vu Lan Báo Hiếu