TIẾP CẬN
CÁC NGUỒN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC ANH NGỮ Cư Sĩ Nguyên Giác (Bài nói chuyện trong buổi hội luận "Phật Giáo Việt Nam Tại Mỹ: Nhìn về Tương Lai, Cơ Hội và Thách Thức," của Đuốc Tuệ hôm Chủ Nhật 16-12-2012 tại Huntington Beach, California.) Bài này sẽ tập trung nói về đề tài, một vài cách tiếp cận các nguồn nghiên cứu Phật học Anh ngữ. Và qua đây, thử khảo sát một vài thắc mắc thường gặp. Đặc biệt, chúng ta sẽ dò tìm dấu tích Kinh Kim Cương, một kinh căn bản của Tổ Sư Thiền, trong Tạng Pali. Nói thế không có nghĩa là các nguồn nghiên cứu Phật học bằng Việt ngữ, Pháp ngữ, Hán ngữ, Tạng ngữ, Sanskrit, Pali, vân vân... là không cần thiết. Tất cả đều cần thiết, nhưng kho tàng Phật học trên Internet lưu trữnhiều nhất là qua Anh ngữ, và tiện dụng nhất cho chúng ta, những người học Phật tại Hoa Kỳ để dễ dàng bổ túc hoặc đối chiếu công việc học Phật của mình. Đặc biệt, thế hệ kế tiếp của chúng ta thường kém hoặc không còn đọc được tiếng Việt, cho nên chúng ta cần tìm hiểu Phật học Anh ngữ để có thể quan sát, giúp đỡ và hướng dẫn con em mình. May mắn là, chúng ta đang ở thời đại kỹ thuật số. Những gì muốn biết hầu hết đã lên Internet. Không chỉ kinh sách bằng chữ viết, mà cả băng hình các bài giảng do quý Tăng Ni thực hiện. Y hệt như thần thông: chúng ta ngồi một chỗ, mở máy vi tính lên, nối mạng Internet, là biết đủ thứ chuyện xa ngàn dặm. Thông tin tràn ngập, không đọc hết nổi, dù là Việt ngữ hay Anh ngữ. Thực tế, đọc kinh sách Phật Giáo bằng Việt ngữ cũng đã nhiều rồi. Thí dụ, kho kinh sách trên Thư Viện Hoa Sen (www.thuvienhoasen.org) không mấy ai đọc hết nổi. Trong khi đó, kho kinh tạng đã dịch sang Anh ngữ bởi quý Tăng Ni Cư Sĩ cũng đã tràn ngập, nhiều mênh mông. Từ kho kinh tạng dịch ra Anh ngữ ở Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện là có hỗ trợ từ chính phủ hay từ các đại học; hay kinh sách dịch ra Anh ngữ từ phía Nhật, Trung Quốc, Đài Loan cũng nhiều vô kể. Tại sao cần tham khảo, trong khi tiếng Việt đã quá nhiều? Lý do, có khi thắc mắc của chúng ta chưa có câu trả lời trong kho Phật Học Việt Ngữ, hoặc chỉ mới giảỉ đáp được một phần. Cũng có khi chúng ta thấy các bản dịch bất toàn, vì khi chuyển ngữ, tất sẽ có những thiếu sót nhất định. Thực tế, bản dịch nào cũng có thiếu sót. Vì nhiều Thầy học tiếng Sanskrit, tiếng Pali có khi chỉ mới 5 năm, 10 năm là bắt đầu dịch Kinh. Chúng ta ở Mỹ thì biết rồi, dù học tiếng Anh ngày đêm, trong cả hai hay ba thập niên, thấy cũng chưa đủ hiểu hết cách sử dụng tiếng Mỹ huống gì là học tiếng Mỹ có 5 hay 10 năm. Đức Phật thời xưa nói bằng cổ ngữ Magadhi Prakrit. Hãy hình dung rằng, tương tự như cổ ngữ Latin, sau biến thể thành tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức. Do vậy, dò lại tận nguồn, cần đối chiếu, tham khảo, tiếp cận với Kinh Phật từ nhiều hướng khác nhau. COI CHỪNG HÀNG GIẢ Trong khi đó, những lời giả làm như lời Phật dạy thì có nhiều. Thí dụ, như trên mạng email và nhiều diễn đàn gần đây, chúng ta thấy có bản văn ghi là “66 câu Thiền ngữ chấn động thế giới,” thực ra là do người giả danh Phật Tử viết ra. Bạn xem câu thứ 50 là biết: “50. Cảm ơn Thượng đế với những gì tôi đã có, cảm ơn Thượng đế những gì tôi không có.” Người ta đang nhẹ nhàng cấy tư tưởng Ky Tô Giáo vào đầu của chúng ta. Không chỉ như thế, bạn ra các tiệm cơm chay ở Quận Cam, cầm một số bản văn để ở góc tiệm đề tặng miễn phí. Rất nhiều bản văn là của người Ky Tô Giáo giả danh Phật Tử, viết ra và đặt ở các tiệm cơm chay này. Nếu bạn lên các trang mạng xã hội, như Facebook và Twitter, cũng sẽ gặp thêm nhiều câu nói giả làm như lời Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. Nghe có vẻ như Phật pháp, nhưng thực ra là xôi đậu với các tôn giáo khác. Do vậy, phải có căn bản Phật học để phân biệt đâu là đúng lời Phật dạy, và đâu là không đúng. DỊ BIỆT GIỮA CÁC KHO TÀNG PHẬT HỌC Tới đây, vấn đề là, giáo pháp Đức Phật dạy qua nhiều thế kỷ, tất bị diễn giải có thể sai lệch, hoặc nơi này hay nơi kia, bởi chính các nhà sư và các nhà nghiên cứu Phật Học. Thực tế, trong vài trăm năm đầu tiên, lời dạy của Đức Phật là khẩu truyền, dạy qua tụng đọc hàng ngày, lưu giữ từ trí nhớ thế hệ này sang thế hệ kia. Chúng ta thử nghĩ rằng, chuyện ngày hôm qua, hay tuần trước, có khi chúng ta còn không nhớ nổi, hay là có thể sẽ nhớ sai lệch. Do vậy. kho tàng Phật pháp khi chép xuống giấy nhiều thế kỷ sau, tất là được lưạ chọn bởi các vị sư lớn; những lời dạy khả vấn, hay là không phù hợp với pháp hành của các vị đại tăng trong kỳ kết tập là sẽ bị loại ra. Tạng Kinh Pali được kết tập sớm nhất, chép lại lời Phật dạy bằng ngôn ngữ Pali, trong Hội Nghị Tăng Già lần thứ 4, vào năm 29 trước Tây Lịch, tức là 454 năm sau khi Đức Phật viên tịch. Nghĩa là đã được tụng đọc, nhẩm vào trí nhớ qua cả chục thế hệ tăng ni trước khi chép xuống ngôn ngữ Pali. Các bản Anh dịch bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, bởi vì cuốn tự điển Pali-Anh ngữ đầu tiên được in là năm 1874. Nhiều cuốn tự điển tương tự, từ các học giả khác, nhiều năm sau đã được soạn lại và in ra, để bổ túc cho những cuốn bất toàn ban đầu. Bây giờ, chúng ta có Kinh Tạng Pali bằng tiếng Anh do nhiều nơi dịch, từ các sư và học giả Mỹ, Anh, Úc, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Việt Nam, vân vân. Cần ghi nhận, tương đương Tạng Pali trong Hán Tạng là các Kinh A Hàm. Dị biệt là có, nhưng không nhiều. Kinh Pháp Cú bản chúng ta thường gặp là từ Tạng Pali, nhưng ấn bản dị biệt cũng có trong Tạng Kinh Tây Tạng, Tạng Kinh Hán Tạng, Tạng Kinh Gandhari, Tạng Kinh Sanskrit. DỊ BIỆT GIỮA CÁC BẢN DỊCH Duy có điều phải nhấn mạnh, không phải ai dịch cũng như nhau. Kể cả bản Kinh Pháp Cú là được đọc nhiều nhất trên thế giới trong nhiều ngôn ngữ, thì bản Kinh Pháp Cú khi dịch sang Anh ngữ, lại được diễn giải có khá dị biệt tùy dịch giả. Hãy suy nghĩ rằng, đã có vài chục bản Anh dịch của Kinh Pháp Cú, chỉ vì người dịch sau không đồng ý về cách dịch của người trước. Chúng ta không dám nói rằng các ngài là dở, chỉ có thể nói rằng các ngài có những cách hiểu Kinh Pháp Cú và cách diễn lại trong Anh ngữ dị biệt nhau. Cân ghi chú rằng, các links trong bài này ghi trong tháng 11-2012, cho tới buổi hội luận trong tháng 12-2012 hy vọng không thay đổi gì. Nhà sư Thanissaro Bhikkhu trong Lời Giới Thiệu bản Anh dịch Kinh Pháp Cú của ngài trên mạng Access to Insight vào năm 1997, nói rằng phải cần ít nhất tới 5 người mới đủ ngón tay để đếm các bản Anh dịch Kinh Pháp Cú. Có nghĩa là, đã có ít nhất 41 bản dịch Kinh Pháp Cú. Tuy nhiên, có những bản dịch cho thấy nghĩa cách biệt quá xa, thì phải nghi ngờ, và nên kiểm chứng với các bản dịch khác. Lấy thí dụ, Kinh Pháp Cú, bài kệ thứ 372, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu là: 372. "Không trí tuệ, không thiền, Không thiền, không trí tuệ. Người có thiền có tuệ, Nhất định gần Niết-Bàn." /D_1-2_2-69_4-8452_5-50_15-1_14-1_6-2_17-53/ Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Thiện Siêu, dựa vào bản Anh dịch của Hòa thượng Narada, theo ấn bản Sri Lanka, là: 372. Không trí tuệ, không định, Không định, không trí tuệ; Người có tuệ, có định, Đạt Niết bàn viên tịnh. /D_1-2_2-69_4-11002_5-50_6-1_17-58_14-1_15-1/ Hai bản trên gần nghĩa nhau. Ngắn gọn, đó là pháp Thiền Chỉ Quán. Nhưng trong 25 bản Anh dịch của kệ 372 có rất nhiều dị biệt trên phần đối chiếu ở trang Great Western Vehicle (http://www.greatwesternvehicle.org/pali/Phala_Nikaya/dhammapada372.htm). Thí dụ, cách dịch của Jeffrey S. Brooks: There is no ecstasy without wisdom (Không có thần hứng nếu không có trí tuệ) There is no wisdom without ecstasy (Không có trí tuệ nếu không có thần hứng) Whoever is close to enlightenment (Người tới gần giác ngộ) truly has both wisdom and ecstasy. (Thực sự có cả trí tuệ và thần hứng) Chữ ecstasy gần đây thường chỉ cho thuốc lắc, một loạị ma túy. Nhưng khi dịch là ecstasy, là mượn chữ Ky Tô Giáo, nói về cảm giác ngây ngất và không còn biết chuyện gì ở chung quanh, thì là không đúng hoàn toàn. Vì Đức Phật và quý A La Hán đi đứng nằm ngồi đều ở trong cảnh giới của đại định và tuệ giác. Hay là bản Anh dịch của ngài Viggo Fausböll: Without knowledge there is no meditation (Không có kiến thức sẽ không có thiền định) without meditation there is no knowledge (Không có thiền định sẽ không có kiến thức) he who has knowledge and meditation (Người nào có kiến thức và thiền định) is near unto Nirvana. (Thì gần với Niết Bàn). Dịch như thế, là cách biệt quá. Vì kiến thức là pháp thế gian, không phải thiền Chỉ của nhà Phật. Hay bản Anh dịch của Dr C. Raja Mohan: There is no meditation for one who has no understanding; (Không có thiền, nếu không có hiểu biết) there is no understanding for one who does not meditate.(Không có hiểu biết, nếu không có thiền) He in whom there is both meditation and understanding,(Người có cả thiền và hiểu biết) he verily is in the vicinity of nirvana.(Thì đã tới gần Niết Bàn) Chữ "understanding" nhiều nghĩa quá, có nghĩa là hiểu biết của trí tuệ, có nghĩa hiểu biết trong đời thường, cũng có nghĩa là cảm thông và thương cảm. Nếu dựa vào bản này mà dịch sang Việt ngữ là dễ sai lệch nữa. Nhìn lại, trong khi Thầy Minh Châu dịch là “thiền,” Thầy Thiện Siêu dịch là “định,” thì Brooks dịch là “thần hứng,” còn Fausboll dịch là “kiến thức,” và Mohan dịch là “hiểu biết.” Quả là cách biệt cả ngàn dặm xa. Nếu kiểm chứng bằng phương pháp back-translation, nghĩa là dịch ngược từ Việt ngữ sang ngôn ngữ gốc, tất sẽ thấy nhiều bản dịch đã đi quá xa. Do vậy, cần đối chiếu nhiều bản Anh dịch khác nhau. Nghĩa là, chúng ta phải giỏi tiếng Anh, và biết sử dụng phương tiện Internet để đối chiếu với nhiều nguồn. TRẠCH PHÁP & TAM PHÁP ẤN Do vậy, chúng ta phảỉ có một cách để nhận ra, đâu là Phật Pháp, và đâu là ngoài Phật Pháp. Ban Hoằng Pháp GHPHVN viết trong bài Tam Pháp Ấn: "Tam pháp ấn: vô thường, khổ và vô ngã chính là ba dấu ấn mang tính pháp định, dùng để ấn chứng, chứng nhận tính xác thực của Chánh pháp. Mọi giáo lý của đạo Phật, tất yếu đều phải mang các pháp ấn, nếu thiếu một trong những pháp ấn đó thì giáo lý ấy chắc chắn không phải Chánh pháp, lời Phật dạy. Chính vì tính chất quan trọng này mà Tam pháp ấn luôn được nhắc đến trong hầu hết kinh điển, từ Kinh tạng Nam truyền đến Bắc truyền." Như vậy, câu hỏi khi gặp những câu nói khả nghi, chúng ta có thể lấy Tam Pháp Ấn để dò xét thật, giả. Thí dụ, như trong cái gọi là “66 câu Thiền ngữ chấn động,” theo pháp thế gian, chúng ta có thể hỏi ngay, nhóm 66 câu này nguồn từ đâu? Nếu là bản tin, tất phải là tin AP, hay Reuters, hay tin AFP, hay tin Yonhap, vân vân. Nhưng vì không phải bản tin, vậy thì chúng ta hỏi rằng nhóm 66 câu này từ Kinh nào, hay từ tuyển tập nào, và do ai kết tập? Khi thấy không ghi tác giả hay người hợp tuyển, và không thấy ghi nguồn từ sách nào, chúng ta phải nghi ngay. Trước tiên, nên hỏi, tại sao là 66, mà không phải là theo những pháp số thường gặp trong Kinh Phật? Thí dụ, quen thuộc nhất là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, và vân vân. Chúng ta không nhớ nổi là số 66 ở đâu. Bạn nên vào trang www.google.comvà gõ vào nhóm chữ “66 number” rồi click SEARCH. Bạn sẽ thấy ra nhiều kết quả có liên hệ tới Kinh Thánh Ky Tô Giáo. Thí dụ, một kết quả: 66 (Sixty Six) and The Word of God (nghĩa là: Số 66 và Lời của Thiên Chúa) Hay là, bạn thử nhấp chuột vào dòng chữ: 66 (number) - Wikipedia, the free encyclopedia sẽ thấy nhiều giải thích chi tiết. Trong nhiều giải thích, có ít nhất 3 nghĩa liên hệ tới Kinh Thánh Ky Tô: 66 là số lượng sách trong ấn bản Tin Lành cho cả Tân và Cựu Ước, 66 là tổng số chương trong Tập Isaiah của Kinh Thánh, và 66 là số lượng bài thơ trong Chương 3 của Những Bài Ca Thương Khóc trong Cựu Ước. Như thế, là hàng giả bắt đầu lộ ra rồi. Và bây giờ dùng tới Tam Pháp Ấn để dò xét. Thử lấy câu số 1 trong cái gọi là “66 Câu Thiền Ngữ Chấn Động Thế Giới Ra Xem.” Câu này là: “1. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.” Thoạt nghe, thấy có vẻ hợp lý theo nghĩa đời thường, khi bàn về cội nguồn đau khổ. Nhưng nghĩ kỹ, sẽ thấy câu nóí đó xa lìa Phật pháp. Nhưng chúng ta hỏi xem, câu này có mang nghĩa Khổ (tức là sự bất toàn) hay không? Có mang nghĩa Vô Thường hay không? Trước tiên, nên tập nhìn các pháp như nó đang là. Hãy tự nhìn vào thân và tâm của mình, sẽ thấy như Phật dạy, rằng từ sợi tóc cho tới móng chân mình không hề có cái gì gọi được là “cái tôi” hết. Đức Phật nói cách quán đơn giản này là, nếu có cái gì là mình, thì mình chủ động được nó; nhưng vì mình không chủ động gì được, nên thực sự là vô ngã. Nghĩa này không có nghĩa là hư vô, mà chỉ là xa lìa tướng ngã. Cho nên Phật dạy, đó chính là vô ngã, đó chính là “có khổ, nhưng không có người thọ khổ.” Người ngoàì Phật giáo không bao giờ hiểu nổi câu nói “có thọ khổ nhưng không có người thọ khổ” trong Tứ Diệu Đế. Bây giờ, bạn gõ chữ “origin of suffering” (tức: nguồn gốc của khổ), sẽ ra nhiều mục từ. Trong đó có: “Four Noble Truths - Wikipedia, the free encyclopedia.” Tức là Tứ Diệu Đế. Bạn nhấp chuột vào, sẽ thấy Sự Thật Thứ Nhì là nguồn gốc khổ. Bạn có thể đọc thẳng bằng tiếng Anh, hay nhấp chuột vào cột bên trái, vào dòng chữ “Tiếng Việt” sẽ thấy mục từ “Tứ diệu đế.” Sẽ thấy Chân Lý Thứ 2 là: "Tập đế, chân lý về sự phát sinh của khổ: Nguyên nhân của khổ là sự ham muốn và ghét bỏ, Ái, tìm sự thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn được trở thành, thỏa mãn được hoại diệt. Các loại ham muốn này là gốc của Luân hồi." Ngắn gọi, toàn bộ ý này có nghĩa là tham, sân và si. Vì ham muốn, dục vọng, muốn trở thành và muốn hoại diệt đều là tham. Và vì tham cái này, tất phảỉ ghét bỏ cái kia, đó là sân. Không thấy cội nguồn của khổ, đó là si. Ngắn gọn: dính mắc vào các pháp là Khổ. Đâu hề có nói gì về "đeo đuổi những thứ sai lầm," vì thực ra đeo đuổi hay xua đuổi những thứ ở cõi này rồi cũng sẽ luân hồi với cõi này. Rồi khi đọc lướt lướt 66 câu kia, sẽ thấy câu 50 là về Thượng Đế ban phát gì đó, thì bạn biết ngay là hàng giả rồi. Khỏi cần truy cứu làm chi nữa. CÓ BAO NHIÊU PHÁP MÔN GIẢI THOÁT? Bây giờ, chúng ta thử dùng các công cụ Internet để khảo sát trong kho tàng Phật Học Anh ngữ, xem Đức Phật dạy bao nhiêu pháp giải thoát. Có câu hỏi thường gặp, có phải Đức Phật dạy rằng Tứ Niệm Xứ là pháp môn giải thoát duy nhất? Khi nghe như thế, chúng ta qua trực giác, thấy rằng có gì không hoàn toàn ổn thỏa. Bởi vì nếu chúng ta đọc nhiều, sẽ thấy ngay trong Kinh Phật đã nói rất nhiều về Thiền Chỉ Quán. Bây giờ, chúng ta hãy vào trang Google.com, gõ dòng chữ: many paths to arhat và nhấp chuột vào nút Search. Nghĩa tiếng Việt câu đó là “nhiều con đường tới A La Hán”. Sẽ thấy nhiều mục từ, nhưng hãy vào trang: Arhat (Buddhism) - http://en.wikipedia.org/wiki/Arhat_%28Buddhism%29 Trong này có dẫn Kinh Tăng Chi Bộ số AN 4.170 trong Tạng Pali. Trong Kinh này, ngài Ananda nói có 4 con đường để vào Niết Bàn. Nối kết trên có ghi chú 2 bản Anh dịch của Kinh này: “Translations for this sutta can be found in Bodhi (2005) pp. 268–9, 439, and Thanissaro (1998).” Như thế, chúng ta biết rằng Đức Phật đã dạy ít nhất là 4 con đường để giảỉ thoát. Tới đây, nếu chúng ta muốn đọc bản Kinh vừa nói, thì lại tìm tiếp. Chú thích số 20 cho thấy Ngàì Anada nói trong AN 4.170, như thế, chúng ta tìm Kinh Tăng Chi Bộ, vì AN là viết tắt của Anguttara Nikaya. Vào Google, và gõ nhóm chữ sau: Anguttara Nikaya 4.170 Sẽ thấy nhiều mục từ, nhưng hãy chọn => AN 4.170 - Access to Insight Thì ra kinh này là “Yuganaddha Sutta: In Tandem” ở điạ chỉ: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an04/an04.170.than.html Thử đi tìm cách khác. Lần này, chúng ta vào Google, và gõ chữ “nirvana,” tức là chữ “Niết Bàn.” Và cũng ra nhiều kết quả, nhưng thử chọn: Nirvana - Wikipedia, the free encyclopedia ở địa chỉ: http://en.wikipedia.org/wiki/Nirvana Trong đó, có dẫn ra Thanh Tịnh Đạo, và nói có 6 con đường để vào Niết Bàn. Và con đường thứ 6 là Tứ Niệm Xứ. Như thế, chúng ta đã thấy rằng người ta đã ngộ nhận nếu nói rằng Đức Phật chỉ dạy duy nhất một pháp môn giảỉ thoát. Nếu muốn đọc chi tiết từng bản Kinh nói về 6 con đường giải thoát đó, chúng ta chỉ nhấp chuột vào các số chú thích sẽ ra các bản Kinh liên hệ. CHÁNH PHÁP CÒN PHẢỈ BỎ, HUỐNG GÌ PHI CHÁNH PHÁP Bây giờ, chúng ta thử đi tìm một cách đối chiếu Kinh điển. Thí dụ, chúng ta nhớ rằng, hồi lớp Đệ Nhất có học thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Nhớ nhất là mấy câu: Ngã độc Kim Cương thiên biến linh, Kỳ trung áo chỉ đa bất minh, Cập đáo phân kinh thạch đài hạ, Tài tri vô tự thị chân kinh. (Ta đọc Kinh Kim Cương cả ngàn lần Yếu chỉ uyên thâm phần nhiều không hiểu hết Tới khi viếng thăm Phân Kinh Thạch Đài Mới biết kinh không chữ mới đúng là kinh chân thật.) Cần nhắc rằng khi Nguyễn Du là người sống trong thế kỷ 18 và 19, đi sứ sang Tàu, khi thì Phân Kinh Thạch Đài, nơi do Lương Chiêu Minh Thái Tử xây từ thế kỷ thứ 6 làm Trung tâm Phật học, thì dưới mắt Nguyễn Du chỉ còn là nơi hoang tàn sau 13 thế kỷ vô thường. Thơ cụ Nguyễn Du dĩ nhiên là hay tuyệt vời. Thế rồi bỗng nhiên gặp một ai đó, nói rằng Kinh Kim Cương không phải do Phật nói. Chúng ta tự nhiên băn khoăn. Chợt nghĩ, Tạng Pali chép xuống giấy là 450 năm sau khi Phật viên tịch, đúng là Kinh Kim Cương xuất hiện trễ hơn. Bản tiếng Sanskrit không rõ năm nào, nhưng bản Hán dịch là sau khi Phật viên tịch 800 năm. Và hệ kinh Sanskrit cũng xuất hiện từ sau hệ kinh Pali. Nhưng chúng ta thấy rằng, chuyện mới xảy ra hôm qua, hay tuần trước, hay tháng trước mà người ta kể lại còn chệch nhau, huống gì là Kinh Phật trải qua nhiều thế kỷ trước khi chép xuống thành chữ, và đã trải qua nhiều không gian rộng lớn. Thì dị biệt là thường. Thêm nữa, chúng ta cần dò từ Kinh Kim Cương, vì đây là Kinh cốt tủy của pháp môn Tổ Sư Thiền, và Lục Tổ Huệ Năng khi còn gánh nước chẻ củi cũng hốt nhiên đốn ngộ là từ câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cương. Ngắn gọn, vấn đề là: có thể dò được cội nguồn Tổ Sư Thiền trong Tạng Pali hay không? Do vậy, tới đây, chúng ta thử dò tìm dấu tích Kinh Kim Cương trong Tạng Pali bản Anh dịch. Trước tiên, thử suy nghĩ xem, những câu nói nào điển hình trong Kinh Kim Cương. Chúng ta chợt nhớ, Kinh Kim Cương viết rằng pháp Như Lai nói tựa như chiếc bè: “Chánh pháp còn phải bỏ, huống chi chẳng phải chánh pháp.”Câu nói này trong Kinh Kim Cương (The Diamond Sutra) của PG Bắc Truyền có thể kiểm chứng với Tạng Pali của PG Nam Truyền hay không? Chúng ta lại vào Google, gõ nhóm chữ: buddha raft parable site:accesstoinsight.org Chữ “site:” có dấu 2 chấm là muốn tìm riêng ở trang web sau dấu 2 chấm đó thôi. Lý do người viết ưa đọc trang này vì chữ to, in font Time News Roman cho nên đã quen mắt và dễ đọc, đặc biệt là các bản dịch khả tín, trong sáng. Đây chỉ thí dụ thôi, để chúng ta làm quen với công cụ này, vì khi đi tìm, nên tìm rộng ở, để xem tất cả các trang, chứ không nên trụ riêng vào một trang web. Chúng ta nơi đây, thử nhấp chuột vào kết quả này: => Alagaddupama Sutta: The Water-Snake Simile http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.022.than.html Kinh này thuộc Majjhima Nikaya, tức Trung Bộ Kinh. Đức Phật trước tiên dạy rằng, tu học cũng y hệt như bắt rắn, phảỉ dùng cây gậy chạng ba đè xuống đúng thế, lấy tay bắt đúng vào cổ con rắn nước này, thì cho dù con rắn vùng vẫy, quấn tay hay chân mình thì cũng không hại được mình. Tu học Phật pháp cũng theo đúng phương pháp mới không hại. Kế tiếp, kinh này nói về chiếc bè. Đức Phật nói rằng một người muốn qua sông, đã dùng cây gỗ, dây cỏ, quấn lại thành chiếc bè. Sau khi qua sông an toàn, người này cần rời bỏ chiếc bè. Đức Phật nói: "In the same way, monks, I have taught the Dhamma compared to a raft, for the purpose of crossing over, not for the purpose of holding onto. Understanding the Dhamma as taught compared to a raft, you should let go even of Dhammas, to say nothing of non-Dhammas." (Chư tỳ kheo, y hệt như thế. Ta đã dạy Pháp như một chiếc bè, vì mục đích qua sông, không vì mục đích ôm chặt lấy. Hiểu Pháp được dạy như chiếc bè, các con nên rời bỏ cả Chánh Pháp, chứ đừng nói gì tới không phải Chánh Pháp.) Đó đúng là ngôn ngữ Kinh Kim Cương. Như thế, ngôn ngữ Kinh Kim Cương cũng có từ Tạng Pali vậy. Hay là, thử dò tìm một câu khác trong bản Kinh này thuộc hệ thống Bát Nhã Ba La Mật Đa, một hệ thống kinh không được lưu truyền bên Phật Giáo Nam Tông. DÒ TÌM XA LÌA TỨ TƯỚNG, ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SINH KỲ TÂM... Bây giờ, chúng ta thắng mắc, lời dạy xa lìa tứ tướng (tướng, phi tướng, phi phi tướng...) của Kinh Kim Cương nằm nơi đâu trong Tạng Pali. Trước tiên, vào Google, thử gõ dòng chữ: buddha non clinging diamond site:accesstoinsight.org Sẽ thấy nhiều kết quả. Nhưng đúng là, không hể có Kinh Kim Cương nào trên trang web Nam Tông này. Bây giờ thử vào đây, vì thấy có chữ gì như là “diamond”: http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/meditations4.html Đọc xuống dưới, thấy vị sư nổi tiếng Thanissaro Bhikkhu viết, có đoạn: “Finally there's clinging to doctrines of self. This doesn't mean just the view that "I have a self," whatever your sense of self might be. It also means clinging to the view that "I have no self." Thinking in either way, the Buddha said, leads you into a thicket of views that will get you entangled. So, as with the cure for clinging to views, the Buddha has you take the polarity of existence or nonexistence and put it aside. When the issue of existing or not-existing is a non-issue, the idea of a self existing or not existing is a non-issue as well...” (hết trích) Chúng ta có thể dịch nơi đây là: “Cuối cùng, có sự dính mắc vào lý thuyết về tự ngã. Điều này không có nghĩa chỉ là cái nhìn rằng “Tôi có một tự ngã,” bất cứ nghĩa nào bạn nhìn về tự ngã có thể là. Nó cũng có nghĩa là dính mắc vào cái nhìn rằng “Tôi không có tự ngã nào.” Suy nghĩ cách nào đi nữa, Đức Phật dạy rằng, sẽ dẫn bạn vào biụ rậm các cách nhìn bao vây bạn. Do vậy, để chữa trị việc dính mắc vào các cái nhìn, Đức Phật bảo rằng bạn gác qua một bên các đa cực của tướng và phi tướng. Khi tướng và phi tướng không thành vấn đề, kháí niệm về một tự ngã hiện hữu hay không hiện hữu cũng tự nó không thành vấn đề...” Nghĩa là gì? Nghĩa là “vô pháp tướng diệc vô phi pháp tướng”... Tuyệt vời là như thế, khi chúng ta dò được cội nguồn của Kinh Kim Cương từ các minh giải Kinh Tạng Pali. Chúng ta cũng nhớ một câu nổi tiếng trong Kinh Kim Cương là “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Chúng ta thắc mắc, lời dạy này nằm chỗ nào trong Kinh Tạng Pali? Chúng ta lại vào Google, gõ tìm nhóm chữ: "not cling" sutta site:accesstoinsight.org Nhóm chữ trong ngoặc kép có nghĩa là tìm đúng thứ tự của chữ, rằng chữ “not” phải đứng trước chữ “cling” và kết quả cũng phải có chữ “sutta.” Tuyệt vời, ngay dòng đầu tiên, thấy bản kinh MN 143 (Trung Bộ Kinh 143): Anathapindikovada Sutta: Advice to A Dying Man http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.143x.olen.html Nghĩa là, lời dạy cho một người đang hấp hối. Chúng ta đọc tới đâu, là thấy y hệt như đang đọc một bản khác của Kinh Kim Cương. Chúng ta sẽ dịch tóm gọn như sau. Duyên khởi là gia chủ Anathapindika bệnh nặng. Ngài Xá Lợi Phất và Ananda tới thăm. Gia chủ bạch rằng toàn thân đang đau đớn, không hề giảm chút nào. Ngài Xá Lợi Phất mới dạy, rằng gia chủ hãy quán sát thế này: Con sẽ không dích mắc vào mắt tai mũi lưỡi thân ý. Và niệm của con cũng sẽ không dính mắc vào mắt tai mũi lưỡi thân ý. Con sẽ không dính mắc vào sắc thanh hương vị xúc pháp. Và niệm của con cũng sẽ không dính mắc vào sắc thanh hương vị xúc pháp. (...chúng ta bỏ nhiều đoạn... để tới đoạn cuối lời dạy) Con sẽ không dính mắc vào cái được thấy, cái được nghe, cái được cảm thọ, cái được nhận biết, cái được tiếp cận, cái được truy tìm sau đó, và cái được khảo sát bởi tâm thức. Và niệm của con cũng sẽ không dính mắc vào cái được thấy, cái được nghe, cái được cảm thọ, cái được nhận biết, cái được tiếp cận, cái được truy tìm sau đó, và cái được khảo sát bởi tâm thức.(hết dịch tóm lược) Đó là Bát Nhã Tâm Kinh, đó là Kinh Kim Cương, đó là Tổ Sư Thiền. Không phải gì khác. MỘT PHÁP: KHÔNG TRỤ VÀO ĐÂU Thử dò thêm. Theo Kinh Kim Cương, thì học nhân giữ được tâm vô sở trụ, nghĩa là không trụ tâm vào đâu cả, nghĩa là không dính mắc tâm vào đâu cả, là đang tu tập pháp hành cốt tủy của Phật Pháp. Kinh Kim Cương thực sự không phải lý thuyết dài dòng, vì nếu lý thuyết dài dòng không thể nào làm cậu thiếu niên nhà quê Huệ Năng hốt nhiên đốn ngộ được, nghĩa là Kinh Kim Cương là kinh chỉ thẳng vào pháp hành cốt tủy. Nếu chúng ta thắc mắc, không biết các vị sư Nam Tông nổi tiếng có nói tương tự như thế hay không. Chúng ta có thể nhờ Internet tìm giùm. Chúng ta vào Google và gõ nhóm chữ: "do not cling" ajahn Chữ “ajahn” là “đại sư” trong tiếng Thái Lan. Nghĩa là, chúng ta muốn xem có sư Thái Lan nào nói tới nhóm chữ “đừng dính mắc gì hết” hay không. Sẽ thấy ngay vị sư nổi tiếng Ajahn Chah của Thái Lan, với tác phẩm “A Still Forest Pool” (Mặt Hồ Tĩnh Lặng), vào xem, và trích nơi đây: “The heart of the path is SO simple. No need for long explanations. Give up clinging to love and hate, just rest with things as they are. That is all I do in my own practice. Do not try to become anything. Do not make yourself into anything. Do not be a meditator. Do not become enlightened. When you sit, let it be. When you walk, let it be. Grasp at nothing. Resist nothing.” (link: http://www.dhammatalks.net/Books2/Ajahn_Chah_A_Still_Forest_Pool.htm, Part 1) Dịch như sau: “Cốt tủy của pháp môn giải thoát RẤT là đơn giản. Không cần giảỉ thích dài dòng. Đừng dính mắc gì vào thương và ghét, hãy an nghỉ với các pháp như chúng là (tức, người dịch chú giải: hãy sống với cái đang là).Đó là tất cả những gì chính tôi thực tập. Đừng tìm cách trở thành bất kỳ gì hết. Đừng biến chính bạn trở thành bất kỳ gì hết. Đừng là một thiền sư. Đừng tìm cách giác ngộ. Khi bạn ngồi, hãy tự nhiên ngồi. Khi bạn đi bộ, hãy tự nhiên đi bộ. Không nắm giữ gì hết. Không chống cự xua đẩy gì hết.”(hết dịch) Tuyệt vời, đó là Kinh Kim Cương vậy. Đó là Tổ Sư Thiền vậy. Như thế, Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông đâu có gì khác nhau đâu, nếu giữ được ý chỉ để tâm như thế. HÃY NHƯ GIỌT NƯỚC TRÊN LÁ SEN Nếu bạn vẫn còn ngờ vực, chúng ta có thể dò tìm thêm. Lần này, chúng ta tìm Kinh trong Tạng Pali, theo trang web của các sư Thái Lan Access to Insight. Hãy vào Google, và gõ hàng chữ: "not adhere" sutta site:accesstoinsight.org Nghĩa là, tìm trang nào có chữ “sutta” (Kinh) và có nhóm chữ đúng thứ tự “không dính mắc” trong trang accesstoinsight.org. Sẽ thấy ngay trong Kinh Jara, thuộc nhóm Tiểu Bộ Kinh: “Jara Sutta: Old Age” Dịch từ tiếng Pali sang Anh văn bởi nhà sư Thanissaro Bhikkhu. Tuyệt vời, y hệt Kinh Kim Cương, cũng nói “không một pháp nào để trụ.” Nơi đây, Kinh này viết theo dạng thơ, chúng ta trích dịch Kinh Jara Sutta như sau: A monk, living withdrawn, enjoying a dwelling secluded: they say it's congenial for him he who wouldn't, in any realm, display self. (Một vị sư, đang sống ẩn dật, vui với nơi ẩn dật: người ta nói ngài thích ứng dễ chịu; ở bất kỳ cảnh giới nào, ngài cũng sẽ không thấy có cái gì là tự ngã hiển lộ.) Everywhere the sage independent holds nothing dear or undear. (Ở mọi nơi, bậc trí tuệ độc lập này không thấy gì gọi là thương hay ghét.) In him lamentation & selfishness, like water on a white lotus, do not adhere. (Trong ngài, thương tiếc và ích kỷ, y hệt như nước trên đóa sen trắng, không dính trụ vào đâu được.) As a water bead on a lotus leaf, as water on a red lily, does not adhere, (Như một giọt nước trên một lá sen, như nước trên một bông huệ đỏ, không dính trụ vào đâu.) so the sage does not adhere to the seen, the heard, or the sensed; (Do vậy, bậc trí tuệ này không dính trụ vào những cái được thấy, những cái được nghe, hay những cái được cảm thọ.) for, cleansed, he doesn't construe in connection with the seen, the heard, or the sensed. (Bởi vì, đã thanh tịnh, ngài không bận tâm diễn giải phân tích những gì liên hệ tới những cái được thấy, những cái được nghe, những cái được cảm thọ; In no other way does he wish for purity, for he neither takes on passion nor puts it away. (Không hề có pháp môn nào khác để ngài mong muốn cho thanh tịnh, vì ngài không tham chấp lấy mà cũng không xua đuổi nó đi) Đó là Kinh Kim Cương vậy. VỀ DẪN NGUỒN Trình bày vừa qua một số cách tiếp cận kho tàng Phật Học Anh Ngữ. Đọc tiếng Anh, thí dụ, như nêu trên ở các bản Kinh Pháp Cú, chúng ta sẽ thấy dịch sang Việt ngữ rất là khó, và không hoàn toàn chuyển nghĩa đầy đủ được. Chỉ có đối chiếu, mới thông suốt các nghĩa. Tương tự, khi đọc Tạng Pali bằng Anh ngữ, chúng ta thấy nhiều Kinh Bắc Tông đã nằm sẵn trong đó rồi. Cần ghi chú, khi sử dụng các bản văn, cần tôn trọng tác quyền trí tuệ. Đó cũng là mình phải giữ giới vậy. Đa số tác phẩm tiếng Anh trên Internet đều ghi rõ tác quyền của ai. Một số tác giả và trang nhà cho phép in lại ra bản giấy, hay lưu hành bản online với điều kiện ghi tên tác giả và nguồn. Một số cho phổ biến với điều kiện “không thương mại,” nghĩa là chỉ ấn tống, không bán lấy tiền. Đặc biệt, mỗi quốc gia đều có Luật Tác Quyền riêng. Luật của Hoa Kỳ về sử dụng tài liệu nguồn có tên là Luật Tác Quyền (Copyright Law) rất là phức tạp, và mơ hồ nữa, vì nói rằng cho phép chúng ta “fair use” – nghĩa là cho sử dụng vừa phải, hợp lý (muốn tìm hiểu điều khoản này, có thể vào Google.com, gõ nhóm chữ “fair use clause”). Thực tế, nếu không cho copy để dẫn nguồn, sẽ không có đại học Mỹ nào thực hiện việc nghiên cứu nổi. Vì người đi sau là phải dựa vào kiến thức và khám phá của người đi trước. Luật bản quyền trí tuệ rất phức tạp, được diễn giải tùy trường hợp cụ thể. Thí dụ, có những bài lý luận, phê bình trên các tạp chí văn học Mỹ khi trích dẫn, đã copy cả đoạn vài trăm chữ, tất nhiên là có ghi nguồn, nhưng không bị xem là vi phạm. Nhưng một ca khúc, hay một bản hòa âm, chỉ copy có một dòng nhạc là cũng bị phạt. Những bản tin trên đài BBC, VOA, RFI, RFA hiện nay đa số đều dịch từ tin tiếng Anh, tiếng Pháp... và không ai bị đòi tiền tác quyền, bởi vì họ đã dịch ra Việt ngữ, và không đem bán các bản tin tiếng Anh, tiếng Pháp. Đặc biệt, nhiều bản tin của Xinhua, UPI, RTT, MarketWatch là viết lại từ các bản tin từ nguồn khác. Kể cả AP, Reuters, AFP cũng thường trích dẫn, viết theo và soạn tin lại từ các báo lớn như New York Times, Washington Post... Việc nghiên cứu Phật Giáo cần dẫn nguồn còn do từ một thực tế nữa, là để độc giả kiểm chứng những gì mình viết ra. Nhất là cần cẩn trọng khi viết về những lời Đức Phật dạy. Xin cảm ơn và chúc lành. Cư Sĩ Nguyên Giác ■ Tên khai sinh: Phan Tấn Hải, sinh năm 1952 tại Sài Gòn, Việt Nam. ■ Đang cư ngụ tại California, Hoa Kỳ. Học Pháp với quý Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu (Chùa Tây Tạng, Bình Dương); Thích Thiền Tâm (Đại Ninh, Lâm Đồng); Thích Tài Quang (Phú Nhuận, Sài Gòn). ■ Đã từng cộng tác với nhiều báo như Tâp san nghiên cứu Triết Học (Đại học Văn Khoa, Sài Gòn), Tự Thức, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Việt Báo, Tạp chí Giao Điểm, Giác Ngộ và nhiều báo khác. Từng góp bài trong một số tuyển tập Văn học nhiều tác giả. |