CÂU CHUYỆN NGÀN NĂM
* Thích Như Điển
(Viết để tưởng nhớ những người Nhật Bản đã bỏ mình trong trận động đất
và Tsunami vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 tại 5 tỉnh thuộc miền Đông nước Nhật)
Hôm nay chiều ngày 3 tháng 6 năm 2011; ngồi trên chuyến bay Thổ Nhĩ Kỳ TK051 bay từ Tokyo trở về lại Istanbul và Frankfurt, tôi hồi tưởng lại những công việc đã xảy ra trong mấy ngày qua, khi Phái Đoàn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu đã đến đây để ủy lạo, thăm viếng, cầu nguyện, ngoại giao cũng như cử hành lễ trai đàn bạt độ cho những người đã quá vãng; chẳng biết bắt đầu từ đâu. Vì có quá nhiều chuyện để phải viết và đề cập đến. "Câu Chuyện Ngàn Năm" là tiêu đề của bài viết. Lời nói nầy của Ngài Hòa Thượng Idate Hikomitsu (Ý Đạt Quảng Tam) Viện chủ Phước Tụ Viện thuộc Tào Động Tông tại Thị xã Sendai, khu Thái Bạch.
Chùa nằm cách nơi xảy ra trận Đại Hồng Thủy vừa qua chừng 2 cây số. Vào sáng ngày 2 tháng 6 năm 2011, tại chánh điện chùa Phước Tụ, chúng tôi gồm Chư vị Tôn túc đến từ Hoa Kỳ như: Hòa Thượng Thích Nhật Quang, Hòa Thượng Thích Thông Hải, Thượng Tọa Thích Minh Dung, Thượng Tọa Thích Nhật Huệ, Ni Sư Thích Nữ Diệu Tánh. Từ Canada có Thượng Tọa Thích Bổn Đạt, Thượng Tọa Thích Trường Phước. Từ Úc Châu đến có Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thượng Tọa Thích Tâm Minh, Thượng Tọa Thích Tâm Phương, Hòa Thượng Thích Minh Hiếu cùng một vị đệ tử Ni và nhiều đệ tử tại gia tháp tùng. Đến từ Âu Châu đơn độc chỉ có một mình chúng tôi, Hòa Thượng Thích Như Điển. Nếu cộng cả Á Châu gồm Thầy Triệt Học, anh Đỗ Thông Minh, cũng như Đại diện Đài Truyền Hình Việt Ngữ SBTN từ Dallas Hoa Kỳ qua anh Đỗ Hạnh và các vị ký giả, phóng viên cũng như cộng chung với những đồng bào đang sinh sống tại Nhật và những người Nhật, Úc đi cùng... thì tất cả khoảng 50 vị.
Ngài trụ trì vốn là bạn học cũ của Hòa Thượng Thích Minh Tâm và Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ tại Đại Học Viện (Cao Học) Risso và Komazawa cách đây hơn 40 năm về trước. Tự nhiên đã có một thâm tình khó diễn tả bằng lời. Qua sự tự giới thiệu và tường trình về "Câu Chuyện Ngàn Năm" phái đoàn chúng tôi thấy vừa hoan hỷ, vừa ngậm ngùi, vừa hân hoan vừa cảm động. Bởi lẽ "tha phương ngộ cố tri" là một trong 4 điều hạnh phúc; nhưng giờ đây Hòa Thượng Thích Minh Lễ đã không còn và Hòa Thượng Thích Minh Tâm đa đoan Phật sự nên đã chẳng có mặt trong lần nầy. Tôi thay thế hai Ngài để đón nhận những lời bày tỏ chơn tình của Hòa Thượng trụ trì chùa Phước Tụ để chuyển lời lại với Hòa Thượng Thích Minh Tâm qua lời trình bày của Ngài bằng tiếng Nhật.
Ngài bảo rằng: Hôm nay đại diện Tông Vụ Viện của Tào Động Tông sẽ đến hướng dẫn Phái Đoàn đi đến chùa Xương Lâm và những nơi bị tai nạn nặng nề nhất để thăm viếng và ủy lạo cũng như cầu nguyện. Trước khi lên xe Bus đi thăm viếng, Phái Đoàn chúng tôi trao 30.000 US đô-la tiền cứu trợ cho quý Thầy đại diện tỉnh Iwate đến đây để nhận lãnh về phân phối, giúp đỡ cho các nạn nhân cho đến bây giờ vẫn còn tạm trú tại các chùa. Vì lẽ Phái Đoàn không đủ thì giờ để đi đến tận phía Bắc của Nhật Bản được.
Phái Đoàn hướng đến chùa Xương Lâm thuộc thành phố Sendai vào sáng sớm ngày 2 tháng 6 năm 2011. Các cụ Ông cụ Bà và Hòa Thượng Trụ Trì cùng Tăng chúng đã vân tập nơi chánh điện. Sau khi làm lễ cầu nguyện theo nghi lễ Phật Giáo Việt Nam, Ngài Hòa Thượng Trụ Trì chùa Phước Tụ làm chủ lễ theo nghi thức Nhật Bản và thiêu hương cúng dường Tam Bảo. Sau đó trao tịnh tài và nói lời chia xẻ với Ngài Trụ Trì. Khi đáp tạ lễ, Ngài Trụ Trì quá cảm động đã nhỏ lệ và nghẹn ngào bày tỏ cảm tưởng của mình khi thấy rằng chung quanh cái đau khổ của nhân sinh, còn được bao tấm lòng tha phương của người Phật tử Việt khắp 4 châu về đây cầu nguyện và giúp đỡ. Trên bàn thờ Phật, ở chính giữa là linh vị "chư linh trận địa chấn, hỏa tai tại miền Đông Nhật Bản". Chữ viết thật trang trọng và cung cách của những người đến dự lễ hôm đó thật cảm động khó lường.
Hòa Thượng Trụ Trì chùa Xương Lâm hôm đó đi bưu điện, thoát chết, khi trở về chùa thì tất cả mái chùa đã bị sụp xuống cũng như chung quanh chùa đã san thành bình địa. Đúng là vô thường như lời Hòa Thượng đã bày tỏ. Tôi bị nhà báo Matsuda thuộc nhật báo Hà Bắc phỏng vấn, trong khi chưa chuẩn bị gì cả. Ông ta hỏi rằng: "Với cái khổ đau của người dân Nhựt tại đây, quý Ngài suy nghĩ và có lời khuyên gì để tạo cho người ta một sự hy vọng chăng?". Tôi dựa theo câu tục ngữ bằng tiếng Pháp để trả lời là: "Sau cơn mưa trời lại sáng". Sau thất vọng khổ đau, sẽ là sự hy vọng tràn trề để vươn lên. Vì kinh Dịch cũng đã nói rằng: Cái gì cùng sẽ biến, cái gì biến sẽ thông và cái gì thông, sẽ trường cửu.
Phái Đoàn đi dọc theo "Đại Lộ Kinh Hoàng" để đến thăm ngôi chùa Tịnh Độ; nơi mà truyền hình đã chiếu đi chiếu lại nhiều lần có Đức Địa Tạng Vương vẫn còn đứng đó để làm chứng cho đất trời và vạn vật. Cũng trong sự tình cờ ấy tôi có mang theo tờ báo Viên Giác số 182 đã xuất bản tại Đức vào tháng 4 năm 2011 do anh Chủ bút Phù Vân trang trọng cho in hình bìa và đã được đài truyền hình SBTN qua anh Đỗ Hạnh thâu hình bìa báo Viên Giác thật kỹ cho sự kiện nhiệm mầu nầy. Chung quanh trống vắng lạ thường; nhưng qua lời kinh tiếng kệ, chắc quý vị trụ trì đã ra đi vĩnh viễn cũng đã cảm nhận được rằng chúng tôi là những pháp lữ tha phương đã không quên họ, dầu cho khác ngôn ngữ và tông phái nhưng đã đến đây cầu nguyện một cách chân thành chung quanh tấm biểu ngữ bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, đã nói lên được điều chúng tôi muốn nói với những người bất hạnh đã nằm xuống nơi đây. Hôm 2 tháng 6 năm 2011 vẫn chưa đủ 100 ngày, sau sự kiện vật đổi sao dời "ngàn năm mới bị một lần" nầy; nên có lẽ tâm thức của những người bị tổn hại chắc chắn vẫn còn lãng vãng đâu đây để lắng nghe những lời nguyện cầu của chúng tôi vậy.
Kế tiếp, một vị Thầy trẻ tại địa phương đã hướng dẫn chúng tôi đến một trong nhiều ngôi mộ được chôn tập thể tại một sân vận động gần đó. Sau gần 3 tháng đã có hơn 500 hài cốt có thân nhân nhận diện đã được bốc lên đem đi hỏa táng. Còn lại hơn 200 hài cốt tại đây vẫn chưa có người đến nhận. Có lẽ họ bị chết hết cả nhà chăng? Số còn lại nầy sau một thời gian cố định, chính phủ Nhật sẽ có phương pháp giải quyết. Vì đã từ lâu rồi nước Nhật không có phong tục thổ táng nữa, mà luật pháp bắt buộc phải hỏa táng. Sau khi bị động đất và Tsunami; nơi đây không có điện đủ để thiêu và cũng không có thân nhân nhận diện; nên chẳng ai có thể thực hiện điều ấy dễ dàng được. Nơi đây vẫn còn mùi của nước biển, mùi của cá tôm, mùi của tử thi vẫn còn nồng nặc bay khắp đó đây trong khi chúng tôi đang cầu nguyện. Trước những ngôi mộ vô danh và vô chủ, có cả một trong 6 vị trụ trì tại vùng nầy vẫn chưa nhận ra được xác trong 4.000 xác chết tại riêng vùng nầy. Được biết có khoảng 30 ngôi chùa cũng cùng chung số phận với hơn 15.000 xác và hàng trăm ngàn vạn ngôi nhà đã bị cuốn trôi cùng với hơn 10.000 người mất tích. Cho đến nay các quân nhân Nhật Bản vẫn còn đào bới để tìm thi thể của những người bất hạnh tại đây.
Trưa hôm đó Phái Đoàn được vị tri khách của chùa Thụy Nham (Zuiganji) ở phố Matsushima tiếp đón và giải thích từ cây tùng đã có mặt hơn 1.000 năm tại đây để làm chứng nhân cho lịch sử của từng ngày. May mắn là chùa này không bị nước viếng thăm; chỉ bị trận động đất ảnh hưởng; nên một vài nơi trên tường chùa và nóc chùa bị ảnh hưởng. Có một loại hoa lan đặc biệt, sống gởi vào cây tùng cao bị rơi xuống nằm trơ trọi giữa vườn Thiền. Chùa nầy thuộc Tông Lâm Tế và được xây dựng vào năm 828 thời đầu Heian (Bình An) nhằm năm thứ 5 Thiên Trường. Kiến trúc đặc biệt nay vẫn còn được giữ lại là nhà bếp của chùa. Trên nóc có xây ống khói để khi nấu cơm, khói thoát ra được. Kể ra hơn 1.200 năm lịch sử mà những ai đã nghĩ ra được điều nầy, quả là những kiến trúc sư đại tài vậy.
Chùa đang thời kỳ đại trùng tu (từ năm Bình Thành thứ 20 đến tháng 3 năm Bình Thành thứ 30 mới xong) nên một số bài vị và tôn tượng được đặc biệt dời qua Thư Viện của chùa để cho khách thập phương có cơ hội thăm viếng, lễ bái, nguyện cầu. Chùa nầy thuộc quốc bảo của quốc gia; nên những đồ vật tại đây ít có cái gì dưới 400 năm, đa phần là 1.000 năm trở lại. Ba tôn tượng bằng gỗ đặc biệt của 3 vị Tổ khai sơn và kế vị là Ngài Đổng Thủy Thiền Sư; Pháp Thân Thiền Sư và Vân Cư Thiền Sư. Ba tượng nầy thờ cùng với 2 vị Tướng quân đã có công xây dựng và hộ trì Phật Pháp thời Kamakura (Liêm Thương) là hai vị Chính Tông và Trung Tông. Gian phía kế tiếp thờ 12 tướng quân còn lại cũng như những võ sĩ đã tự chết để trả nghĩa, sau khi những tướng quân đã qua đời. Bên cạnh các tướng quân có thờ một tượng Ni Cô có tên là Dương Đức Viện. Bà là ái nương của Ý Đạt Chính Tông (1568-1638) sau khi thế phát xuất gia; tướng mạo đoan nghiêm tú lệ, tài sắc và đức hạnh vẹn toàn nên tượng đã được tạc vào lúc sanh tiền (1650).
Lẽ ra các Phật tử đi cùng Phái Đoàn không được vào trai đường để thọ trai chung cùng với chư Tăng Ni hôm ấy. Vì chư Tăng tại đây đang thời kỳ Nhiếp Tâm (Issin) sợ làm động Chúng; nhưng nhờ sự trợ ngôn của Ngài Trụ Trì chùa Phước Tụ mà tất cả đều được dùng cơm nắm trong yên lặng nhiệm mầu. Có những người không quen, thấy bỡ ngỡ; nhưng ai đã vào cửa Thiền rồi thì việc nầy cũng chẳng có gì là lạ. Đó là tĩnh tâm, sạch sẽ, trách nhiệm, đúng giờ... Đây là đặc tính chung của người Nhật được ảnh hưởng từ Phật Giáo và Nho Giáo cả hơn 1.500 năm nay vậy.
Chiều ngày 2 tháng 6 năm 2011 là một buổi chiều đặc biệt. Vị Sư hướng dẫn Phái Đoàn dẫn lên trên núi cao để nhìn ngắm toàn bộ cảnh bị hỏa tai và hồng thủy; đã có biết bao nhiêu người có phước được thoát chết trong gang tấc và cũng đã có không biết bao nhiêu người bất hạnh đã bị dòng nước cuốn trôi theo sự phẫn nộ của đất trời; chỉ trong vòng 2 phút và chịu đựng sức tống, lôi, đẩy, nhồi... của ngọn nước dâng cao bất thường trên 20 mét chiều cao. Quả là chẳng có bút mực nào tả hết. Đến đây rồi mới thấy rằng: danh mà chi, lợi mà chi... tất cả chỉ là phù hoa mộng ảo. Đời là thế. Tại sao chúng ta lại phải hơn thua nhau từng lời nói, từng chữ viết... để rồi ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ bị nước, gió, lửa, đất cuốn trôi đi mà thôi. Do vậy đến đây để tu, để thực chứng... là những bài học có quá nhiều giá trị, mà trong đời sống thường nhật chúng ta đã bỏ quên đi.
Đài truyền hình CNN của Hoa Kỳ đã truyền đi khắp thế giới hình ảnh nầy. Một bà cụ đang đứng trên đồi nầy để thấy nhà cửa, con người, tất cả chỉ là con số không và bà đã khuỵu xuống, lấy khăn lau nước mắt bên cạnh tiếng la cầu cứu xé nát cả tâm cang những người đang đứng trên cao đó, mà chẳng có cách nào hơn để cứu được cả. Đồng thời đài CNN cũng đã chiếu có một vật sáng trắng từ ngoài biển bay vào, có lẽ (theo Phật Giáo) để tiếp cứu những người có tu nhân tích đức về cảnh giới giải thoát bên trên và một vệt sáng màu đen, từ bên trong những chỗ bị nạn phóng ra ngoài cửa biển. Có lẽ đây là dấu hiệu để đón tiếp những người bất hạnh có những nghiệp quả xấu để phải đi về chốn khổ đau hơn nữa. Đài cũng chiếu những ngôi chùa còn sót lại nơi đây mà ngày hôm ấy Phái Đoàn cứu trợ của chúng tôi đã dùng xe hơi băng qua nơi bị nạn nầy. Chung quanh tất cả đều hoang tàn, đổ nát; không một bóng người; chỉ có những quân nhân đang lục lọi cẩn thận những ngôi nhà đổ nát để tìm những xác chết mà thôi.
Đi xe hơi trong thành phố chết chừng 30 phút như vậy, chúng tôi tiến về chùa Đổng Nguyên trên núi cao; nơi có hơn 200 người tỵ nạn vẫn còn tạm cư nơi chánh điện của chùa và nơi ấy Ngài Hòa Thượng Tiểu Dã Kỵ Tú Thông đang trụ trì. Chùa thuộc huyện Miyagi (Cung Thành), phố Thạch Quyển, phường Ba Ba. Chùa nầy thuộc Thiền phái Tào Động cùng với Tông Môn của Ngài Hòa Thượng Trụ Trì chùa Phước Tụ. Đầu tiên Ngài Trụ Trì muốn cho Phái Đoàn chúng tôi cử hành lễ Chẩn Tế bạt độ cho những vong linh tại chánh điện; nhưng Thượng Toa Thích Tâm Minh, gia trì buổi lễ, Thầy ấy đề nghị đem ra ngoài cổng Tam Quan và hướng về biển cả mênh mông để nguyện cầu thì thiết thực hơn. Thế là các pháp khí và đồ cúng hoa, quả, bánh, trái... được thay đổi cấp thời để trở thành một bàn thờ thiên nhiên thật trang trọng và ý nghĩa. Chúng tôi trong cương vị Sám Chủ niệm hương bạch Phật với mũ Hiệp Chưởng. Thượng Tọa Thích Tâm Minh trong cương vị gia trì với Đại Y và mũ Tỳ Lư. Tất cả Chư tôn đức Tăng Ni hiện diện nằm trong Ban Kinh Sư và quý Phật tử trong đoàn cũng như hơn 200 người tỵ nạn đang nương náu cửa chùa cũng đứng đó và lễ bái một cách trầm tư sâu lắng. Dường như những oan hồn được triệu thỉnh về đây đang lắng nghe chúng tôi cầu nguyện và siêu độ họ. Lẽ ra trời mưa như đã được thông báo; nhưng có lẽ chư Thiên Thần, Hộ Pháp đã gia hộ; cho nên sau một tiếng rưỡi đồng hồ, lúc lễ bái, cầu nguyện và gia trì xong, trời mới đổ mưa. Đây là điều bất khả tư nghì thứ 2 trong ngày mà Ngài Hòa Thượng Trụ Trì đã cho hay như thế.
Lời phục nguyện hôm ấy bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Nhật ngữ để cho những người quá cố đến nghe kinh hiểu được tấm lòng của chúng tôi từ Hải Ngoại về đây; kẻ công người của đã đóng góp để làm nên đại sự nầy. Đây là cái mốc lịch sử của niềm tin, của việc thực hành giúp đỡ, phụng sự xã hội cho con người; chẳng phân biệt đó là ai. Vì Phật tính vốn không có sự phân biệt, thì chủng tộc và Tôn Giáo lại còn phải phân biệt để làm gì; khi mà con người trước sau rồi "cát bụi cũng phải trả về lại cho cát bụi".
Một trong 4 tượng Tứ Thiên Vương của chùa bị đổ gãy tay chân vẫn còn nằm đó; nóc chùa bị sụp đổ; nay đang che tạm mấy miếng Nylon màu xanh thẫm, mà dưới mái chùa ấy đang cưu mang cả mấy trăm con người ở đấy với tiện nghi tối thiểu là ăn cơm phải đứng tập thể ngoài sân chùa, đi cầu bằng nước dội, chứ chưa có nước máy tự động và tất cả chỉ là tạm bợ; nhưng nơi đây đang chứa đựng lòng từ bi vị tha vô độ của Ngài Trụ Trì. Do vậy khi nhận quà biếu là 15 vạn Yen và một ít phẩm vật từ Đức mang qua để trao tặng. Ngài đã cảm ơn cả Phái Đoàn và Ngài nói rằng: Điều ấy ngoài sức tưởng tượng của Ngài qua lời dịch trực tiếp từ tiếng Nhật qua tiếng Việt của Thầy Triệt Học, trong khi anh Đỗ Thông Minh đang trả lời phỏng vấn của báo chí địa phương và Thượng Tọa Thích Quảng Ba đang trả lời cho đài truyền hình SBTN đến từ Hoa Kỳ phỏng vấn.
Cả mấy trăm người đang tỵ nạn tại chùa Đổng Nguyên hôm đó đã hát một bài dân ca mang tên "Hy Vọng" của một nhạc sĩ Nhật Bản nào đó mới vừa sáng tác sau trận Tsunami vừa qua, nghe thật mủi lòng. Phái Đoàn ra về sau một ngày mệt nhọc và sống đầy đủ ý nghĩa với đức tin cũng như một ngày nhận chân ra được giá trị của hơi thở và sự sống thật là nhiệm mầu.
Tối đó người của cả 2 xe Bus đều tập trung lên chánh điện để tôi chính thức nói lời tạ từ. Vì lẽ sáng sớm ngày 3 tháng 6 năm 2011 tôi phải trở về lại Đức sớm hơn một ngày, trong khi Phái Đoàn vẫn còn tiếp tục đi thăm viếng chùa Viên Thông tại Fukushima và ủy lạo những người đang tỵ nạn tại đó. Chùa nầy do Ngài Cố Hòa Thượng YOSHIOKA Trụ Trì. Nay thì Hòa Thượng đã vãng sanh. Duy chỉ còn người con trai kế nghiệp quyết không rời bỏ ngôi chùa nầy và sẽ cùng chia xẻ những khó khăn với tín đồ tại địa phương ấy, kể cả 4 lò điện năng nguyên tử nằm cách xa chùa không bao nhiêu cây số. Cố Hòa Thượng Trụ Trì Yoshioka cũng là tác giả quyển "Tsubaki no Hana" vốn là một tác phẩm được nhận giải thưởng về văn học của Nhật Bản trước năm 1975. Đây là tác phẩm nói về: Hoa thung một loại hoa tượng trưng cho tình cha, vốn bao nhiêu người đều biết qua kinh Báo Ân Phụ Mẫu; nhưng chẳng để ý và sưu tầm. Ngài viết về Hoa Thung tại Đà Lạt Việt Nam và Hoa Thung của Nhật Bản. Đồng thời Ngài cũng đã viết quyển "Thiền của Tào Động" nổi tiếng và quyển nầy tôi đã dịch sang Việt ngữ từ năm 1978 hiện có đăng trên Website của chùa Viên Giác.
Ngài Hòa Thượng IDATE Trụ Trì chùa Phước Tụ đã lược lại chuyến hành trình trong một ngày qua và cảm ơn những vị trong văn phòng của Tông Tào Động đã tận tình hướng dẫn; sau đó Thầy Triệt Học trao 5 vạn Yen cúng dường. Tiếp đến chúng tôi nhân danh Đoàn Trưởng, Đại diện cho Phái Đoàn trao đến những vị Thầy đại diện cho những chùa bị tai ương và đang có người tỵ nạn số tiền 30.000 US để quý vị ấy phân phát tiếp dùm. Số tiền 30.000 US khác đã được trao cho những người tỵ nạn tại chùa Viên Thông vào ngày 3 tháng 6 năm 2011. Tổng cộng số tiền lạc quyên được từ Châu Úc, Canada, Hoa Kỳ, Âu Châu là 130.000 US trong đó riêng Canada đã vận động được 61.000 đô-la Canada. Tại Đức Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm qua văn thư kêu gọi đăng trên báo Viên Giác và Website của Viên Giác, quý Phật tử Âu Châu như: Pháp, Đức và Hòa Lan đã đóng góp số tiền lên trên 35.000 US. Quý Thầy, quý Cô đi ủy lạo tự lo liệu vé máy bay hai chiều và việc ăn nghỉ tại Nhật Bản đã có một số Phật tử hữu tâm địa phương cúng dường. Riêng Phật tử Quảng Nguyện và gia đình là chủ một nhà hàng nổi tiếng tại Sata Ana, California, Hoa Kỳ, qua sự vận động của Ni Sư Thích Nữ Diệu Tánh, Thủ Quỹ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Hoa Kỳ và đồng thời cũng là Thủ Quỹ của Đoàn đã vận động Đạo Hữu nầy cúng dường 500 US đô-la cho mỗi một Thầy, Cô trong Phái Đoàn đã đi ủy lạo tại Nhật Bản để phụ vé máy bay trong thời gian qua. Công đức ấy xin nguyện cầu chư Phật gia hộ đến gia đình Đạo Hữu nói riêng và hàng ngàn gia đình Đạo Hữu khác nói chung khắp 4 châu trên địa cầu nầy đã đóng góp 130.000 US đô-la được vạn sự hanh thông, cát tường như ý. Nếu không có quý vị hỗ trợ, qua lời kêu gọi vận động của các vị Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện cùng các châu thì dĩ nhiên là chúng tôi cũng đã chẳng thực hiện được chuyến đi đầy ý nghĩa như chuyến đi vừa rồi.
Chúng tôi cảm ơn từ vị một như các vị đã có đạo hiệu bên trên và cảm ơn những anh chị em đệ tử của Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, Thầy Triệt Học và đệ tử của quý Thầy tháp tùng cùng đoàn đã lo cho đoàn chỗ ăn, chỗ ngủ thật là tươm tất. Tuy không có nhiều thời giờ để chuẩn bị cho việc ăn uống và ngủ nghỉ... nhưng những món đồ khô chay từ ngoại quốc mang vào đây, lại có một giá trị vô song.
Đầu tiên chúng tôi mời Thầy Triệt Học lên để nói 2 tiếng cảm ơn. Vì lẽ nếu không có Thầy và anh Đỗ Thông Minh thì chuyến đi nầy nó mới chỉ được một nửa công chuyện. Vì Thầy Triệt Học là học giả của Phật Giáo Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. Thầy đã đến Nhật từ năm 1965 và đã trải qua các Đại Học danh tiếng của Nhật Bản từ Cử Nhân đến hết học trình Tiến Sĩ như: Đại Học Keio, Risso, Komazawa và Rikkyo. Cũng như làm giảng sư Đại Học ngoại ngữ Keio và biên khảo nhiều luận văn và viết nhiều sách giá trị về Văn Học và Phật Giáo bằng tiếng Việt, Hoa, Nhật. Lần đi chung trên xe Bus nầy chúng tôi đã có được 2 sự kiện khá hy hữu là Thầy đã cho tôi xem được một tấm hình kỷ niệm chụp chung với tôi và 4 sinh viên thuở ấy cách đây 40 năm về trước. Thật là hy hữu và khó giải bày. Đồng thời cũng ở trong xe Bus nầy, qua điện thoại của Thượng Tọa Thích Quảng Ba đã gọi được và nói chuyện với Hòa Thượng Thích Minh Tâm, để cả 2 Hòa Thượng Idate và Hòa Thượng Minh Tâm có cơ hội hàn huyên nhắc lại chuyện xưa sau 40 năm xa cách tại quê người, mà trước đây quý Ngài là những người bạn cũ tại các trường Đại Học ở Nhật Bản.
Thầy Triệt Học hiện là Trưởng của Đạo Tràng Sakura Viên Thông tại Sendai. May mắn kỳ động đất và Tsunami vừa qua chỉ còn 7 cây số nữa là đến vùng Thầy ở.
Sau khi Thầy Triệt Học phát biểu, chúng tôi mời anh Đỗ Thông Minh lên phát biểu cảm tưởng. Anh là một học giả về Văn Học và Lịch Sử; mặc dầu anh học về khoa học. Anh đã tốt nghiệp tại Đại Học Meisei thuộc Hachioji. Anh sang Nhật vào đầu thập niên 70. Sau 75 anh vẫn ở lại Nhật cho đến ngày nay và qua Lá Thư Đông Kinh, mọi người đã biết anh thật nhiều rồi. Tuy nhiên, nếu lần nầy không có anh lo liệu dùm việc đưa đón cũng như liên hệ với các cơ quan truyền thông báo chí của Việt Nam và Nhật Bản thì kết quả chắc chắn sẽ không nhiều.
Lần nầy tháp tùng Phái Đoàn có 2 vị người Nhật Bản. Đó là ông Hậu Đằng Trung Nam (Tadao Goto) và ông Linh Mộc Khắc Trị (Katsuji Suzuki). Cả 2 ông là đại diện đối ngoại về Phật Giáo của tổ chức Risso Koseikai (Sáng giá học hội). Trụ sở chính của họ đặt tại Ikegami; nơi Phái Đoàn chúng tôi đã tá túc những ngày 29, 30, 31 và những ngày sau nầy, khi Phái Đoàn đã đi xong chuyến ủy lạo, về lại đây nghỉ vài ngày, để ai nấy đều sẽ phải trở về lại nơi cư ngụ của mình.
Thượng Tọa Thích Tâm Phương nói lời cảm ơn Phái Đoàn và kêu gọi những Phật tử cùng tháp tùng đoàn đóng góp thêm vào những chi phí trong điều kiện có thể của mình. Tiếp đến là Thượng Tọa Thích Bổn Đạt, Thượng Tọa Thích Nhật Huệ và Hòa Thượng Thích Thông Hải cũng đã có những lời tán thán cũng như bọc bạch cảm tưởng của mình trước giờ chia tay, thật là cảm động và bùi ngùi khó tả... Quý Thầy cũng đã tổng kết số chi thu 130.000 US thật là rõ ràng qua những việc như trên và những việc phát xuất quan trọng khác. Tất cả cũng chỉ vì việc cứu trợ cho Nhật Bản; chứ không có một mục đích gì khác hơn nữa.
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 1 tháng 6 năm 2011, Phái Đoàn của chúng tôi đã được hướng dẫn vào chánh điện của Lập Chánh Giảo Thành Hội để tham dự buổi lễ cầu nguyện cho trận động đất và Tsunami vừa rồi tại Nhật Bản của hơn 2.000 người Nhật là những tín đồ thuộc Tông Phái Nhựt Liên nầy. Qua gần một tiếng đồng hồ họ đã tụng lược qua 28 phẩm Kinh Diệu Pháp Liên Hoa và qua lời cầu nguyện của Đạo Hữu chủ lễ cho những người Nhật vừa qua đời, thật là cảm động. Tiếp đến Đạo Hữu đại diện cho ông Hội Trưởng đã đọc một tiêu đề nhỏ "Sống hòa hợp, thân ái trong đời sống vợ chồng". Bài giảng chỉ một trang giấy được đọc qua 5 phút; nhưng rất súc tích và đầy đủ ý nghĩa.
Sau khi dùng điểm tâm tại Hội Trường dưới chánh điện, Phái Đoàn lên xe Bus để đến thăm chùa Bổn Môn vốn là Tổng Bổn Sơn của Nhựt Liên Chánh Tông; nơi đây có mộ của Ngài Nhật Liên đã được chôn cất sau khi Ngài thị tịch cùng với 2 ngôi mộ khiêm nhường hơn của 2 người đệ tử phò trợ Ngài thuở sinh tiền. Phái Đoàn cúng dường 15 vạn Yen cho Tăng học viện nơi đây, sau khi được Thầy tri sự tụng một biến kinh cầu nguyện cho Đoàn qua Phẩm Phương Tiện và Như Lai Thọ Lượng Phẩm.
Với tôi, Nhựt Liên Tông đã có duyên định trước; nên những năm tháng ở Nhật từ 1972 đến 1977 đã ở chùa Honryuji tại Hachioji cũng thuộc Tông nầy; nên Thầy Triệt Học sắp đặt cho việc Phái Đoàn đến đây cũng mang theo nhiều ý nghĩa là tạ ơn và nghe giảng qua về cách sống của một người Tăng Sĩ trong giai đoạn xã hội Nhật Bản đang phát triển như ngày hôm nay.
Kế tiếp Phái Đoàn đi Asakusa (Thiển Thảo) để thăm viếng chùa Quan Âm đã được xây cất tại đây hơn 1.000 năm qua. Những ngày Nhủ nhật và những ngày Lễ của chùa, nghe đâu mỗi ngày số người đi lễ lên đến gần cả một triệu người. Hôm đó Phái Đoàn chúng tôi đến đây là ngày thường; nhưng xem những người đi lễ và cúng dường qua việc thảy tiền cắc vào thùng phước sương, chắc cũng không dưới 100.000 người. Người đâu mà người nhiều thế; cả nam thanh nữ tú, ông già bà cả... tấp nập như là những ngày hội. Vì người Nhật tin rằng Đức Quan Âm nầy rất linh thiêng.
Buổi trưa ngày 1 tháng 6 năm 2011, Thầy Triệt Học dẫn Phái Đoàn chư Tăng Ni vào tiệm Soba Nhật Bản để kêu dọn món ăn truyền thống, chay tịnh nầy cho Đoàn. Quán vốn đã chật, mà Đoàn thì đông; nên đã có một số quý Thầy thấy ngộp thở; nên đã thối thác bước ra ngoài.
Trên đường đi Sendai chúng tôi thấy thêm được tháp Tokyo Tower mới được xây cất, đồ sộ hơn tháp cũ; nhưng chưa được khánh thành. Vì đất ở Tokyo là đất vàng; nên vẫn khiêm nhường so với tháp Eiffel của Pháp về phương diện đất đai cũng như sự hùng vĩ. Khi đến chùa Phước Tụ thì vị Trụ Trì đi Phật sự chưa về. Tuy nhiên tối hôm ngày 1 tháng 6 ai nấy cũng mệt nhừ; nên đã có những giấc ngủ ngon, qua việc ăn chay nằm đất nầy; để sáng mai thật sớm ai nấy cũng đều chồm người dậy, bước lên chánh điện chào Ngài Trụ Trì và Phái Đoàn cúng vào chùa nầy 10 vạn Yen để làm lễ sơ giao, trong khi phải ăn nhờ ở đậu tại đây cả mấy ngày, để đi cứu trợ tại vùng nầy.
Thượng Tọa Thích Tâm Phương có thể nói là người đã lo lắng thật chu đáo cho Phái Đoàn, từ trước khi đến cũng như sau khi đi. Tôi vẫn thường liên lạc với Thầy ấy để sắp xếp một chương trình đi thăm chùa Việt Nam tại Kanagawaken do Hòa Thượng Thích Minh Tuyền đang trụ trì và chùa nầy hiện đang xây cất ở giai đoạn cuối. Hòa Thượng Thích Minh Tuyền đón tôi tại phi trường Narita vào sáng ngày 31 tháng 5 năm 2011, sau đó cho về chùa và nghỉ tạm tại một nhà người Nhật theo phong cách cũ ngày nào. Nằm trong phòng nầy nhớ phòng của Hòa Thượng Thích Chơn Thành tại Shinagawa vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 thuở nọ.
Khi về đến cổng chùa đã được Sư Cô Diệu Huệ và một số Phật tử nghỉ làm ngày hôm ấy đến chùa sớm đón Phái Đoàn. Riêng tôi, sau một giấc ngủ trưa đã đỡ mệt thì đã thấy Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thượng Tọa Thích Tâm Minh và Thượng Tọa Thích Tâm Phương (từ Úc) đã đến chùa. Riêng Thượng Tọa Thích Nhật Tân thì giờ cuối khi lên phi trường đã bị bệnh đột xuất; nên không thể lên máy bay được. Quả là điều đáng tiếc.
Một bàn Phật đơn sơ; bên dưới sàn chánh điện chưa lót gạch trải một tấm nylon nhựa màu xanh. Nơi ấy Chư Tôn Đức và quý Phật tử đã chung lời cầu nguyện. Sau lễ cầu an cho ngôi chùa sớm hoàn thành, quý Ngài như: Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thượng Tọa Thích Bổn Đạt, Thượng Toạ Thích Tâm Phương, Hòa Thượng Thích Thông Hải và chúng tôi đã bày tỏ tâm tình cũng như trợ duyên cho Hòa Thượng Thích Minh Tuyền được 9.000 US, đồng thời hai Phật tử Nguyên Nhật Ni và Bích Liễu đến từ Úc cũng xin cúng dường 2.000 đô. Riêng Phật tử địa phương đã đóng góp được 12 vạn Yen. Như vậy tất cả số tiền cũng được trên 12.000 US đô-la cho buổi lễ cầu nguyện hôm ấy.
Sau bữa cơm tối có cơm canh và bánh xèo Việt Nam đượm tình nghĩa quê hương và Pháp Lữ, Phái Đoàn đã lên xe Bus về quán trọ trong sự lưu luyến thân mật của đệ tử Hòa Thượng Thích Minh Tuyền. Với nỗi đau và sự mất mát của người Nhật Bản trong tháng 3 vừa qua quả là "ngàn năm" chúng ta mới có cơ hội để thể hiện được tình người như vậy.
Viết xong vào lúc 22 giờ ngày 3 tháng 6 năm 2011
trên chuyến bay trên qua hơn 3 tiếng đồng hồ cho bài viết nầy.