Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài III: Kinh nghiệm tập Ðạt Ma Dịch cân kinh

06/05/201311:52(Xem: 9901)
Bài III: Kinh nghiệm tập Ðạt Ma Dịch cân kinh
Bí Quyết Để Sống Khỏe


Bài III: Kinh Nghiệm Tập Ðạt Ma Dịch Cân Kinh

Trần Anh Kiệt
Nguồn: (Nguyên bản Việt ngữ của ông Huỳnh Bửu Khương, đăng trên nhật báo Người Việt ở Hoa Kỳ)


for-allNhân đọc bài Ðạt Ma Dịch Cân Kinh của Bác sĩ Lê Quốc Khánh đăng trên nhật báo Người Việt số ra ngày 17 và 18 tháng 11 năm 2000 và thấy rất vui mừng khi biết tập Ðạt Ma Dịch Cân Kinh có thể chữa được nhiều bịnh nan y, trong đó có cả bịnh ung thư. Do đó tôi muốn góp thêm ý kiến bằng cách nói lên kinh nghiệm bản thân về việc tập Ðạt Ma Dịch Cân Kinh để giúp quý độc giả hiểu rõ hơn cách luyện tập và củng cố lòng tin vào phương pháp tập luyện này.

Vào năm 1974, anh Nguyễn Kim Tri, Thiếu tá ở Võ Phòng phủ Tổng Thống cho chúng tôi bản phóng ảnh của quyển Ðạt Ma Dịch Cân Kinh bằng chữ Tàu và khuyên chúng tôi nên tập luyện theo sách ấy, rất tốt cho sức khỏe, vì đây là cách luyện tập của chùa Thiếu Lâm dành cho môn sinh luyện trước khi học võ. Sau đó chúng tôi nhờ người dịch đại ý của quyển sách và tập luyện. Sau bốn tháng luyện tập, mọi người trong phòng của tôi (Khối Ðặc Biệt, Trung Tâm Phối Hợp thi hành Hiệp Ðịnh Ba Lê, Phủ Tổng Thống) đều đạt kết quả tốt. Người nào không có bịnh thì đều lên cân, da dẻ hồng hào thấy rõ. Người nào có bịnh thì bớt bịnh. Ông Long, thư ký đánh máy, bị huyết áp cao, thì sau bốn tháng tập, huyết áp xuống mức bình thường. mặc dầu ông không có uống thuốc. Lúc ấy ngày nào tôi cũng tập 1200 cái đánh tay. (Lúc mới khởi sự tập 200, rồi sau tăng dần).

Sau tháng 4 năm 1975, suốt thời gian ở trong các trại cải tạo từ miền Nam ra tới miền Bắc, ngày nào tôi cũng tập Dịch Cân Kinh một lần, và vẫn giữ mức 1200 cái vẫy tay. Nhờ vậy mặc dầu ăn đói và rất ốm yếu, tôi vẫn có thể chịu được và ít bị bịnh. Anh em nói vì tôi là "quan văn" trong ngành võ (Luật sư tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, Thiếu Tá) nên không có sức chịu đựng bằng các anh em khác, phần đông là Tiểu Ðoàn trưởng tác chiến, Quận Trưởng hoặc Hạm trưởng Hải quân, cấp chỉ huy Biệt Kích Dù, An Ninh Quân đội v.v...

Hồi mới ra Hoàng Liên Sơn ở huyện Văn Chấn, thuộc tỉnh Nghĩa Lộ cũ, vào tháng 7 năm 1976, mỗi lần đi lấy gạo, tôi cùng một anh nữa khiêng lối 20 hay 25 kí lô và đi lối 7 hay 8 cây số đường rừng. Khi về gần đến trại có đèo 19 tháng 5 rất cao, thường tôi yêu cầu anh cùng khiêng với tôi ngồi nghỉ một chút rồi mới đi tiếp. Sau đó tôi nói với Thầy Thuần, một Ðại Ðức, Thiếu tá Tuyên úy Phật Giáo, người ở cùng một láng và cùng tập Dịch Cân Kinh với tôi mỗi ngày, về việc tôi qua không nổi Ðèo 19 tháng 5 rất cao. Thầy nói "Bác cứ tập lên 2000 cái cho tôi, bác sẽ qua nổi đèo ấy". Nghe lời Thầy Thuần, tôi tập lên đến 2200 cái đánh tay mỗi ngày. Và lối nửa tháng sau, khi đi lấy gạo, tôi được giao phải vác một mình 20 kí. (Vì họ cho rằng chúng tôi ra Bắc đã một thời gian lâu rồi nên đủ sức để vác 20 kí đi xa), nặng gấp đôi lần trước, thế mà khi qua đèo 19 tháng 5, tôi qua luôn, không phải ngừng lại để nghỉ như trước. Tôi biết ngay là nhờ tập Dịch Cân Kinh theo lối Thầy Thuần chỉ, nên mới đạt được kết quả ấy. Chớ việc ăn uống thì chúng tôi vẫn bị đói dài dài. (Ở miền Bắc, trong 3 năm đầu, gia đình không được gởi thực phẩm cho chúng tôi). Hồi đó tôi tập nổi 2200 cái đánh tay cho mỗi lần và nhờ hàng ngày tôi phải leo núi, đồi, phải làm việc nặng nên chân mạnh hơn lúc ở Sài Gòn. Chân phải mạnh, rắn chắc thì tập mới được, vì suốt buổi tập mình phải đứng tấn.

Tôi còn nhớ có một hôm chúng tôi phải khiêng một khúc cây to. Anh bộ đội nói "chỉ cần mười người khiêng cây này, anh nào yếu cho khỏi khiêng". Tôi đưa tay lên xin khỏi khiêng vì tôi biết là tôi yếu nhất trong các anh em. Ðồng thời có một anh nữa, anh Duyệt, cũng đưa tay. Anh bộ đội ngó tôi và nói: "Anh không yếu bằng anh này", vừa chỉ anh Duyệt. Sau đó tôi nhìn lại thì thấy anh Duyệt mặt mày xanh xao mặc dầu thật sự anh mạnh hơn tôi. Nhờ tập Dịch Cân Kinh mỗi ngày, nên dầu ăn đói, nhưng da tôi không xanh mét như một số anh em khác. Tập Dịch Cân Kinh giúp mình luôn luôn ngủ ngon và không bao giờ bị táo bón, máu huyết được lưu thông mạnh trong thời gian tập, nhờ đó da dẻ chúng ta luôn được hồng hào và bệnh tật tan biến đi.

Sau đây tôi xin nói về cách tập thế nào cho đúng. Khi chúng tôi mới có cuốn Ðạt Ma Dịch Cân Kinh, chúng tôi coi theo hình vẽ trong đó mà tập theo. Sau lối hai tuần tập luyện, chúng tôi thấy không có kết quả gì cả. Do đó chúng tôi phải nhờ người dịch cuốn sách ấy. Và khi tập đúng cách rồi thì kết quả thấy rất rõ.


Tôi xin diễn tả tư thế và việc phải làm của một người tập Dịch Cân Kinh.

1. Người tập Dịch Cân Kinh nên đi giày hay dép, không nên đi chân đất. Hai chân dang ra, khoảng cách giữa hai ngón chân cái bằng khoảng cách của hai vai. Hai bàn chân đứng song song với nhau. Mười ngón chân bám chặt xuống giày hay dép.

2. Gồng cứng (lên gân) bắp chuối và bắp vế chân. Hậu môn nhíu lại và thót lên. Suốt buổi tập, hai chân như trồng cây xuống đất, từ thắt lưng trở xuống luôn luôn cứng nhắc, không suy suyển. Tóm lại, đó là thế đứng tấn của người luyện võ. Nếu đã dang hai chân đúng tầm, đã gồng (lên gân) hai chân thật chắc, bám mười ngón chân thật chặt xuống dép hoặc giày, nhíu hậu môn lại và thót lên rồi thì ta thấy từ thắt lưng trở xuống chân thật là chắc nịch. Và trong suốt buổi tập ta phải luôn chú ý đến phần từ thắt lưng trở xuống và làm đúng như thế. Nếu ta không chú ý đến phần này thì công phu luyện tập sẽ mất gần hết, không mang lại kết quả mong muốn.

3. Ðầu như dây treo (giống như có sợi dây treo mình lên vậy) để cổ được thẳng, mặt ngó về phía trước, nhìn một điểm cao hơn mình một tí để cổ không rùng xuống.

4. Ở miệng, hai môi chạm nhẹ vào nhau, không mím môi cũng không hở môi. Hai hàm răng chạm nhẹ vào nhau, đầu chót lưỡi để trên nướu răng trên (để luồng điện được lưu thông).

5. Ở mỗi bàn tay, 5 ngón luôn dính vào nhau (chớ không phải xòe ra, sách có vẽ hình rất rõ về điểm này). Khi đánh tay, lòng bàn tay hướng về phía sau (tức là mu bàn tay đưa về phía trước).

Ðộng tác duy nhất là đánh hai tay từ phía trước ra phía sau. Khi đưa hai tay ra phía trước, hai cánh tay sẽ hợp với thân người thành một góc 30 độ, khi đánh tay ra phía sau thì hợp thành một góc 60 độ. Tóm lại khi đánh tay ra phía sau sau thì đánh hết tay. Khi đưa tay ra phía trước chỉ là một cái trớn của việc đánh tay ra phía sau còn lại mà thôi. Do đó chỉ có 30 độ. Mỗi lần đánh tay từ phía trước ra sau thì kể là một cái đánh tay. Khi mới bắt đầu tập, nên khởi sự đánh tay 200 cái cho mỗi lần tập. Nếu muốn mau có kết quả thì mỗi ngày tập hai lần vào buổi sáng và chiều. Còn nếu có ý chí lớn hơn nữa thì tập mỗi ngày ba lần (sáng, trưa và chiều) càng tốt. Tập ở ngoài sân hay ở trong nhà đều được, miễn là ở nơi thoáng khí và yên tịnh. Không nên tập sau khi ăn cơm no. Khi thấy mệt là nghỉ ngay, không nên tập quá sức. Khi thấy còn có thể tập được nữa mà không mệt thì nên tiếp tục tập cho đúng sức mình.

Khi mới tập, khởi sự bằng 200 cái đánh tay mỗi lần tập. Về sau khi thấy còn có thể tập thêm thì tăng lên dần, thí dụ 250, 300, 350, v.v...Hồi tôi mới tập, một thời gian ngắn sau là tôi đã lên tới 1200 cái đánh tay cho mỗi lần tập (trong 15 phút). Hồi đó còn trẻ nên tôi đánh rất nhanh và mỗi ngày tôi chỉ tập có một lần. Sau khi tập xong, ta thấy khát nước (thì nên uống nước ngay), đó là tập vừa sức. Sau khi tập, tôi thường đi chậm bằng cách giở chân lên cao, vừ co dãn hai cánh tay. Có người mới khởi sự đã tập trên 1000 cái thì mặt bị nổi mụn ngay. Nếu tập đúng cách, tôi thấy không có phản ứng gì cả, mà càng ngày ta càng thấy khỏe ra. Mình tập được nhiều hay ít là do mình có thể đứng tấn được bao lâu, chớ không phải ai muốn tập bao nhiêu lần cũng được. Còn nếu đánh tay để đếm số lần cho thật nhiều mà không gồng lên cho hai chân thật cứng chắc và nhíu hậu môn lại, thót lên thì sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Về tốc độ đánh tay thì sách nói đánh tay nhanh như người đi đánh đồng xa. Ðánh tay càng nhanh thì máu huyết lưu thông càng mạnh trong thời gian ấy, và sẽ cuốn theo mọi bịnh tật. Sách nói muốn tập để trị bịnh thì nên tập từ 2000 đến 3000 cái đánh tay mỗi ngày trong vòng lối 30 phút.


Và sau đây là hai nguyên tắc quan trọng cần phải áp dụng trong lúc tập :

Thượng tam hạ thất: Nếu trong thời gian tập, mình dùng mười phần sức lực thì từ thắt lưng trở xuống mình dùng đúng 7 phần và phải luôn luôn chú ý đ���n việc gồng cứng (lên gân) hai chân, nhíu hậu môn lại và thót lên. Từ thắt lưng trở lên, mình dùng 3 phần sức lực. Ðó gọi là thượng tam hạ thất, thượng hư hạ thực. Trên ba dưới bảy hay trên hư dưới thực. Trong việc đánh tay cũng thế, khi đưa tay ra phía sau thì dùng 7 phần sức lực, đưa ra trước thì chỉ dùng có 3 phần. Trước 3 sau 7 hay trước hư sau thực. Ðánh tay ra phía sau mới thực là cần thiết và phải đánh cho hết tay.

Tâm bình khí tịnh : Trong suốt thời gian tập ta không được suy nghĩ điều gì (điều này hơi khó), ngoại trừ việc nhẩm đếm số lần đánh tay. Ðó là tâm bình. Còn khí tịnh là trong thời gian tập ta thở bình thường, chớ không phải thở theo nhịp tay. Có một môn phái thở theo nhịp tay, nghe nói đó là phái Võ Ðang. Nhưng phái Thiếu Lâm Tự thì không thở theo nhịp tay. Hồi tôi ở Hoàng Liên Sơn, tôi tập không thở theo nhịp tay, còn thầy Thuần thở theo nhịp tay. Nhưng cả hai chúng tôi đều đạt được kết quả tốt.

Sau cùng tôi xin nói một vài kinh nghiệm trong khi tập :

Nếu đánh tay nhanh mà ta thấy tê mười đầu ngón tay thì đó vì là ta không nhíu hậu môn và thót lên, hoặc là vì ta để hở mười ngón tay.(Bàn tay năm ngón phải để dính với nhau, không được hở, điều này trong sách có hình vẽ rõ lắm).

Nếu lúc tập mà ta thấy đầu hơi nặng là vì cổ ta không thẳng, đầu không như dây treo. Luồng điện thay vì đi xuống lại đi ngược chiều lên đầu. Hồi ở Hoàng Liên Sơn, tối nào tôi cũng ra sân tập và đeo bao tay vì trời lạnh. Khi đánh tay được lối 1500 cái trở lên là tôi thấy ấm người, khỏi mang bao tay nữa, và mỗi cái đánh tay tôi nghe như có hai luồng điện chạy xuống hai chân vậy. Bây giờ đã lớn tuổi, tôi chỉ tập nổi tối đa trên dưới 800 cái đánh tay mỗi lần mà thôi.

Thêm vào đó ngày nào tôi cũng đi bộ ít nhất nửa giờ và tôi thấy rất tốt cho sức khỏe, rất tốt cho việc tập Dịch Cân Kinh. Trong tất cả các môn tôi đã tập (hồi ở Việt Nam, tôi tập dưỡng sinh trong vườn Tao Ðàn), tôi nhận thấy môn Dịch Cân Kinh của Ðạt Ma Tổ Sư là hữu hiệu hơn cả. Nhưng điều cần yếu là phải tin tưởng và kiên nhẫn tập đều đặn thì mới có kết quả.

Orange, 12/12/2000
Huỳnh Bửu Khương
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567