- Lời giới thiệu
- Lời nói đầu
- 01. Nguồn gốc Tịnh độ
- 02. Sự biến đổi tư tưởng Tịnh độ
- 03. Lược sử Tịnh độ giáo Trung Quốc
- 04. Sơ lược lịch sử Tịnh độ tông Trung Quốc
- 05. Lịch sử Tịnh độ tông Trung Quốc
- 06. Diễn biến Tịnh độ tông Trung Quốc
- 07. Sự phát triển Tịnh độ tông của Phật giáo Trung Quốc
- 08. Cuộc đời và tư tưởng niệm Phật của đại sư Huệ Viễn
- 09. Phụ lục niên phổ đại sư Huệ Viễn.
- 10. Đàm Loan và Đạo Xước
- 11. Sự tích và học thuyết của đại sư Thiện Đạo
- 12. Phụ lục về đại sư Thiện Đạo và nghệ thuật Tịnh độ
- 13. Luận Thiền, Tịnh song tu của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ
- 14. Tư tưởng Tịnh độ của đại sư Liên Trì.
- 15. Tư tưởng Tịnh độ của đại sư Ngẫu Ích.
- 16. Tư tưởng Tịnh độ của cư sĩ Dương Nhân Sơn
- 17. Những vị Tổ Tịnh độ tôi tôn kính
- 18. Ngôn hạnh cao đẹp của mười ba vị Tổ Liên tông
Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam
Tập 85
Luận sử tông Tịnh độ
Việt dịch:Quảng Tấn - Quảng Ân - Quảng Bình
Quảng Hiếu - Huệ Hải - Quảng Xả
Quảng Mẫn - Tâm Đức - Huệ Chí - Tâm Đại
Hạnh Minh - Nhuận Độ - Nguyên Thành
Tâm Hiếu - Như Giáo - Nguyên An
Chứng Nghĩa:Thích Đổng Minh
Phụ chú:Thích Tâm Nhãn
Chùa Long Sơn, Nha Trang
Phật Lịch: 2548 - 2004
--- o0o ---
13.
LUẬN THIỀN TỊNH SONG TU
CỦA NGÀI VĨNH MINH DIÊN THỌ
Nguyên tác:Ấn Hải
Việt dịch:Thích Huệ Chí
I. SỰ TÍCH NGÀI DIÊN THỌ
Đời nhà Đường, niên hiệu Hội Xương năm thứ năm (845 TL), vua Võ Tôn hủy diệt Phật pháp, khiến Phật pháp phải chịu nhiều trù dập, thế lực Phật giáo không kham nổi nên suy tàn. Sau đó, đến cuối đời Đường, qua thời Ngũ Đại, chiến loạn liên tiếp nên vận mệnh Phật giáo cũng suy vi không trấn hưng nổi. Đặc biệt là thời Hậu Chu, niên hiệu Hiển Đức thứ 2 (955 TL), vua Thế Tông nhiều lần phá hoại Phật giáo, chùa tháp, tượng Phật bị thiêu hủy, chuông khánh đem nấu để đúc làm tiền tệ, trừ Ngô Việt ở phương nam, Phật giáo có sự bảo tồn. Mãi đến đời Tống, năm đầu niên hiệu Kiến Long (960 TL), Tống Thái Tổ thống nhất thiên hạ đề xướng Phật giáo, đến Thái Tông, Chẩn Tông, Nhân Tông … đều chủ trương làm hưng thịnh Phật giáo. Đây là nét canh tân phục hưng rực rỡ của tinh thần văn hóa phương Đông. Thời kỳ này, sự nghiệp dịch kinh và giáo lý phát triển nhưng chỉ thu thập những gì còn lại, tất cả đem so sánh với đời thịnh Đường thì không bằng. Cho nên, nói thời đại mà nghiên cứu và lý luận trở thành quá khứ. Còn có thể nói đây là Phật giáo đời Tống tiến xa vào một thời đại thực tiễn. Vào thời Tống, Thiền tông hưng thịnh, tiếp đến Thiên Thai, Tịnh độ cũng dần dần trấn hưng. Phật giáo thời kỳ nào nếu chủ yếu chú trọng tu trì, thì vận mệnh Phật giáo sẽ hưng thịnh. Quả thật tinh hoa Phật giáo sau đời Đường rất thịnh hành, tựu trung từ sơ Đường đến nay, Thiền và Tịnh bác bỏ lẫn nhau. Huệ Nhật, Pháp Chiếu v.v… đều cho người học Thiền là bụng rỗng tâm ngạo viết ra. Lại có những sách như “Thập nghi luận” và “Niệm Phật kính” chỉ trích Thiền tông là thiên kiến, nhưng đối với tác dụng của Thiền tông chỉ phản tĩnh, tự mình thanh tịnh. Ngài Huệ Trung ở Nam Dương chủ trương hành giải kiêm cả tu trì. Ngài Bách Trượng Hoài Hải chế định thanh quy cho Thiền Lâm quy định pháp chế, khi lễ trà-tỳ phải xưng dương danh hiệu Di-đà. Tất cả mọi việc ở đây tuy trình bày chưa tường tận, nhưng chủ trương rất rõ ràng. Đến những năm cuối của thời Ngũ Đại, ngài Vĩnh Minh Diên Thọ ra đời, nhất quyết đề xướng Thiền, Tịnh song tu, lý sự vô ngại thành tựu trọn vẹn cả Không lẫn Hữu, là yếu chỉ của Phật giáo, đồng thời cũng từ việc quảng diễn “Vạn thiện hạnh môn” (pháp niệm Phật là muôn hạnh thù thắng). Đương thời nó đã dành cho Thiền tông một tác động rất lớn. Về sau các thiền sư như Thiên Y Nghĩa Hoài, Huệ Lâm Tông Bổn cũng đồng nhiệt liệt hưởng ứng. Từ đời Nguyên, Minh về sau đã trở thành một giáo phong thông lệ bất hủ, tạo thành một nét đặc sắc lớn cho Thiền, Tịnh song tu của Phật giáo Trung Quốc.
Ngài Diên Thọ họ Vương, người Dư Hàng, phủ Lâm An (nay là huyện Dư Hàng, tỉnh Chiết Giang). Khi ngài 20 tuổi một lòng quy y Phật, ngày ăn một bữa, thường tụng kinh Pháp hoa, năm lên 28 tuổi, làm tuớng trấn thủ ở Hoa Đình (tỉnh Giang Tô). Năm 30 tuổi, ngài xin Ngô Việt Vương nghỉ làm quan, thế phát xuất gia với thiền sư Thuý Nham ở chùa Long San và sống hạnh đầu-đà. Sau đó, đến núi Thiên Thai tham thiền nhập định chín tuần dưới đỉnh Thiên Trụ, rồi lại tham kiến thiền sư Pháp Nhãn Đích Tự Đức Thiều. Thiền sư Đức Thiều biết ngài là một pháp khí bèn truyền trao mật chỉ, ngài liền tỏ ngộ. Sau đó ngài đến chùa Quốc Thanh tu “Sám pháp hoa” và tại thiền viện Trí Giả từng bốc hai quẻ bói, một là “nhất tâm tu thiền”, hai là “tụng kinh Vạn thiện”, tức “Trang nghiêm Tịnh độ”. Bảy lần chiếm quẻ đều trúng quẻ chọn kinh “Vạn thiện”, nên ngài không chỉ quyết tâm tu thiền mà thệ nguyện dốc sức tụng kinh Vạn thiện. Vào thời Hậu Chu, niên hiệu Quảng Thuận năm thứ 2 (952 TL), ngài ở núi Tuyết Đậu cho đến đời Tống, niên hiệu Kiến Long năm thứ nhất (960 TL), rồi ngài nhận lời mời của Ngô Việt Trung Ý Vương, đến phục hưng chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu. Năm sau, ngài đến ở chùa Vĩnh Minh (hay gọi chùa Tịnh Từ, Hàng Châu), học trò theo học với ngài hơn hai ngàn người, họ từng làm kệ rằng:
Dục thức Vĩnh Minh chỉ
Môn tiền nhất hồ thuỷ
Nhật chiếu quang minh sanh
Phong lai ba lãng khởi
Tạm dịch:
Muốn biết ý Vĩnh Minh
Hồ nước ở trước cửa
Trời lên nắng chiếu soi
Gió thổi nước gợn sóng.
Ngài Diên Thọ ở chùa Vĩnh Minh 15 năm và truyền giới Bồ-tát cho 7 chúng đệ tử, lúc ấy mọi người tôn ngài là Di-lặc hạ sanh. Trong sinh hoạt thường nhật của ngài có lễ cúng thí thực cho quỷ thần vào mỗi tối và phóng sanh vô số.
Bộ Pháp hoa, ngài tụng một vạn ba ngàn lần, tiếng tăm ngài vang dội khắp nơi. Nên sau đó, vua Quang Tông Đại Thành nước Cao Ly nghe tiếng, sai sứ thỉnh ngài đến để thọ giáo pháp. Nhà vua trai giới chấp thuận tác lễ làm đệ tử, lại dâng cúng ngài đại y dệt bằng kim tuyến, một xâu chuỗi kết bằng thủy tinh màu tím, một hộp kim thang (thuốc bổ), rồi phái 36 vị Tăng đến học, ngài Diên Thọ truyền trao yếu chỉ cho. Sau khi từ Cao Ly trở về, ngài lại hoằng dương đạo pháp. Do đó, tông Pháp Nhãn được lan truyền khắp Đông Hải. Thường khóa của ngài Diên Thọ là hằng ngày làm trăm công việc Phật sự. Công việc trong yếu của ngài là thọ trì thần chú (chú Đại bi, chú Tôn Thắng Đà-la-ni), niệm Phật, lễ Phật, sám hối, tụng kinh (kinh Pháp hoa, Bát-nhã tâm kinh, Hoa nghiêm phẩm Tịnh hạnh), tọa thiền, thuyết pháp và mỗi ngày ngài đảnh lễ mười phương Phật: Thích Ca, Văn Thù, Phổ Hiền, Di-lặc, Quán Âm, Thế Chí … . Mỗi đêm Ngài ở nơi hoang dã cúng thí thực cho quỷ thần. Ngài Diên Thọ phát nguyện cầu sanh Tây phương, mỗi ngày ngài niệm mười vạn danh hiệu đức Phật Di-đà. Khi trời tối, ngài thường đi đến núi xa để niệm Phật, mọi người theo ngài cả trăm người. Vào những đêm thanh trăng sáng, ngài thường nghe tiếng kèn ốc loại nhạc khí của trời. Vua Ngô Việt Trung Ý rất quý trọng thâm đức của ngài. Nghe sự việc ngài làm, vua cảm động, thành tâm, thành chí xây cho ngài một điện “Hương Nghiêm Tây Phương” và ban tặng ngài hiệu “Trí Giác thiền sư” (vào tháng 12 năm thứ 8 niên hiệu Khai Bảo, đời nhà Tống). Ngài viên tịch tại chùa Vĩnh Minh, thọ 72 tuổi. Trước tác của ngài rất nhiều như: “Tông cảnh lục” 100 quyển, “Vạn thiện đồng quy tập” 6 quyển, “Thần thê an dưỡng phú”, “Duy tâm quyết”, “Thọ Bồ-tát giới”, mỗi loại một quyển. Tất cả hơn 60 bộ, có thể nói đó là một đời Thạc học. Nền học vấn và sự hành trì của ngài sánh ngang ngài Trí Giả đại sư.
II. GIÁO CHỈ CỦA SỰ LÝ SONG TU.
Ngài Diên Thọ là người đại biểu cho thời đại hưng thịnh của Thiền Tông. Ngài chủ trương “Phật tổ bất nhị”, “Thiền Giáo nhất thể”, chiết trung về Pháp tướng, Tam luận, Hoa nghiêm, Thiên thai, rồi dùng Thiền dung hòa tất cả, giữ luật thanh tịnh trang nghiêm, trì chú, niệm Phật vui cầu vãng sanh, nhóm tất cả Phật pháp ở trong một thân. Nhưng lấy nhất thừa của Hoa nghiêm làm cứu cánh viên diệu, lấy linh minh diệu tâm của chúng ta làm bổn nguyện vạn pháp, đó là lý luận cao viễn hùng dũng. Đây là nét đặc sắc riêng biệt của ngài Diên Thọ, về vấn đề tự học bằng phương pháp tổng hợp so sánh tất cả. Về sau các tông có xu hướng dung hợp cũng theo tư tưởng, đường hướng ngài Diên Thọ.
Sự trì chú của Thiền tông từ ngài Đạt-ma cho đến nay chưa từng nghe nói. Sau năm niên hiệu Khai Nguyên thời Lý Đường1 thì mật giáo hưng thịnh ảnh hưởng cả Thiền tông. Mật chú của ngài Diên Thọ không biết kế thừa ở người nào? Như Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm Đà-la-ni, Phật Đảnh Tôn Thắng Đà-la-ni, về sau Thiền tông đều thường trì tụng. Phổ thí cho ngạ quỷ thì vào triều đại nhà Đường có Thiền sư Khuê Phong, thuộc Mật tông thường tu trì, ngài Diên Thọ cũng thực hành theo pháp này.
Thời Đường, ngài Diên Thọ thấy các môn sinh đồ chúng Thiền tông chỉ chấp Lý mà mê Sự, tất cả những người giảng dạy đều chấp Sự mê Lý, hai điều này đều rơi vào thiên kiến. Ngài Diên Thọ lại nói rõ Lý, Sự vô ngại, “Hữu” “Không” đồng nghĩa, ngài cực lực đề xướng Lý Sự hợp nhất, Thiền Tịnh song tu là thiết yếu. Ngài còn trước tác bộ “Vạn thiện đồng quy tập”, trong đó có 10 nghĩa tu viên mãn:
1. Lý, Sự vô ngại
2. Quyền, Thật song hành
3. Rõ bày Nhị đế
4. Tánh, Tướng dung nhiếp
5. Thể, Dụng tự tại
6. Không, Hữu hợp thành
7. Chánh, Hành song tu
8. Đồng Dị không hai
9. Tánh, Tu đồng nhất
10. Nhân, Quả chẳng khác
Thứ nhất, pháp môn Sự, Lý vô ngại là căn bản cho niềm tin.
Nay trình bày đại yếu:
Vũ trụ, không gian, lý thể nhất biên, nghĩa là bản thể các pháp thuộc pháp Vô vi bất sanh bất diệt, đây là thật tướng các pháp. Phàm sự tướng nhất biên, nghĩa là tất cả hiện tượng thế gian có ngàn sai muôn khác, đều thuộc về pháp Hữu vi sanh diệt, là hư huyễn giả có.
Ở đây tuy hai mà một, tuyệt đối tánh chẳng phải hai, do đó “trọn ngày độ sanh mà không có một chúng sanh để độ”, “trọn ngày giảng pháp mà không có một pháp để nói”, nhờ Sự mà Lý hiểu, lìa Lý thì vô Sự, nhờ Sự mà Lý lập, nhờ Lý mà Sự sáng rõ. Nếu lìa Sự thì không sao hiểu Lý, giống như sóng do nước mà thành, lìa Lý thì Sự không thành, như nước trở thành sóng.
Phàm phu lìa Lý mà hành Sự, Thanh Văn bỏ Sự chấp Lý, Bồ-tát ngược lại lấy Vô sở đắc làm phương tiện, Hữu chẳng trái với Không, Tục không chướng ngại Chơn, trụ lý thể là Vô vi, làm Phật sự là Hữu vi. Các hạnh Vạn thiện đều là tư lương nhập đạo của Bồ-tát, lấy trí tuệ Bát-nhã làm trợ duyện, dùng Vạn thiện làm túc hạnh, Bát-nhã là con mắt trí tuệ. Hành trang để Bồ-tát đến bờ thanh lương là Vạn thiện túc hạnh.
Cho nên kinh Hoa nghiêm quyển 7 nói, Bồ-tát Viễn Hành Địa Tu tập mười pháp phương tiện trí tuệ thù thắng:
1. Khéo tu Không, Vô tướng, Vô nguyện Tam-muội, khởi lòng từ bi không bỏ chúng sanh.
2. Được pháp bình đẳng chư Phật mà thường vui cúng dường chư Phật.
3. Quán cửa Không trí mà siêng năng tu tập phước đức.
4. Xa lìa tam giới mà trang nghiêm tam giới.
5. Đoạn trừ tất cả phiền não mà vì tất cả chúng sanh diệt trừ các Hoặc (phiền não): tham, sân, si.
6. Quán các pháp như huyễn, như mộng, như bóng chớp, như âm vang, như ráng nắng, như ánh trăng dưới nước, như bóng trong gương, biết tự tánh không hai, theo tâm mà hiện khởi vô lượng sai khác để tạo tác các nghiệp.
7. Biết các quốc độ giống như hư không mà dùng diệu thanh tịnh để trang nghiêm Tịnh độ.
8. Pháp thân chư Phật bổn tánh vô thân mà lấy thân tướng trang nghiêm chư Phật tô điểm.
9. Biết được âm thanh thuyết pháp của chư Phật là Không tánh tịch diệt mà khéo tùy chúng sanh để diễn thuyết mỗi mỗi âm thanh tịnh sai biệt.
10. Liễu tri ba đời trong một tâm niệm mà tùy ý chúng sanh để giải bày phân biệt các tướng, trong mọi lúc để tu muôn hạnh cho các kiếp.
Kinh Duy-ma lại nói rằng:
Tuy hành “Không” mà trồng các hạt giống đức chính là Bồ-tát hạnh. Tuy hành “Vô tướng” mà hằng độ chúng sanh là Bồ-tát hạnh. Tuy hành “Vô tác” mà hiện thọ thân là Bồ-tát hạnh. Tuy “Vô khởi” mà khởi tất cả thiện hạnh là Bồ-tát hạnh.
Trên đây đều là giáo chỉ Lý, Sự vô ngại, nếu tu hành Phật đạo thì phải tùy thuận vào yếu chỉ các pháp này. Không thể vào định mà bỏ Hữu, chứng thân bỏ Tục nên bi trí song hành, “mắt nhìn chân bước” mới có thể tương thành thông đạt được nghĩa lý của Hữu và Không.
Ngài Diên Thọ phân biệt giáo pháp một đời Như Lai mà phân làm Tướng tông, Không tông, Tánh tông. Tướng tông chuyên nói về có, Không tông chủ trương về không, Tánh tông dung hợp cả hai để hiển rõ trực chỉ. Lại nói tánh y vào tướng, không nói tướng phá tánh.
Đương thời giáo giới nặng nói về lý huyền, phủ định tất cả, chuyên nói phi tâm phi Phật, phi sự phi lý. Không biết rằng đây là phương tiện trình bày để đối trị sự vọng chấp ngăn che, là giáo chỉ chánh tín để khử trừ những người vô minh “nhận Hạc là Phượng”.
Môn đồ của Thiền tông chỉ rơi vào thấy Không, cho nên dẫn chứng lời ngài Tam Tạng Từ Mẫn: “Thánh giáo dạy hành giả chánh tu thiền định là chế tâm một chỗ, niệm niệm trôi chảy, xa lìa hôn trầm, tâm luôn bình đẳng, nếu bị ngủ nghỉ ngăn che thì phải siêng năng niệm Phật, và tụng kinh, lễ bái, hành đạo giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh không bỏ vạn hạnh, lấy sự nghiệp tu hành hồi hướng để vãng sanh Tây phương Tịnh độ”.
Lại dẫn chứng luận Khởi tín: “Nếu tu chỉ thì tâm dễ chìm đắm, biếng lười dấy khởi nên không lìa đại bi, vui tu muôn thiện. Cho đến mọi lúc mọi nơi, mình cũng tùy thuận khéo đảm đang, tu học các điều thiện, ngồi thiền cũng chẳng bỏ làm các điều thiện”.
Trong “Vạn thiện đồng qui tập” dạy:
“Luận rằng Vạn thiện là tư lương của Bồ-tát nhập Thánh, các hạnh làm trợ đạo để dần dần bước lên thềm thang của chư Phật … Pháp hoa tạm hội quy nhất, Vạn thiện hướng về Bồ-đề, tất cả đại phẩm không hai, các hạnh bao hàm về chủng trí”.
Lại ở trong Vạn thiện đồng quy tập, quyển thứ ba, cổ đức giải thích rằng:
“Hành giả Thiền tông thất ý mê sự, bổn tánh đầy đủ chớ cầu việc giả, chỉ cần vong tình thì chân Phật tự hiển. Thiền giả học pháp chấp sự mê lý, chuyên giảng nói dạng tướng cũng như “vào muôn trùng biển cát mà chẳng biết dừng”, không biết siêng tu Lý, Sự, nếu kết hợp cả hai thì song mỹ, lìa thì hại. Cho nên Lý Sự song tu, Tổ Phật đồng quy, Thiền Giáo nhất trí, chính là chủ trương của ngài Diên Thọ.
Tông kính lục, quyển thứ nhất hỏi:
“Nếu muốn minh tông mà chỉ hợp để thuần ý Tổ thì làm sao dẫn cả lời dạy chư Phật, Bồ-tát và lấy gì làm chỉ nam?”.
Đáp:
“Vốn dĩ từ trước đến nay cứ thị phi phải trái, không chịu xem kinh giáo, sợ không rõ lời dạy của của đức Thích Tôn, lại tùy văn mà hiểu nên sai ý Phật … Nếu hiểu được chân tâm của Phật thì làm sao có lỗi?”.
Như Hòa thượng Dược Sơn một đời xem kinh Niết-bàn, tay không rời sách, không những ở Ấn Độ có 28 vị tổ mà ở Trung Quốc cũng có 6 vị, cho đến Hồng Châu Mã Tổ đại sư, Nam Dương Huệ Trung quốc sư, Nga Hồ Đại Nghĩa thiền sư, Tư Không Sơn Bổn Tịnh thiền sư, tất cả đều bác thông kinh luận, viên ngộ tự tâm.
III. DUY TÂM TỊNH ĐỘ VÀ CHÁNH NHÂN VÃNG SANH.
Tất cả Lý Sự của ngài Diên Thọ vốn đều trong một tâm, tức bắt nguồn từ tâm chân thật của Chân như quán. Lại tâm như người thợ vẽ, vẽ tất cả muôn vật, đây chính là quán tâm thức, bắt nguồn từ Tâm duyên lự. Trong đó thể tâm chân thật chính là cửa chân như, Tâm duyên lự tức cửa sanh diệt, song thể chính là dụng, dụng chẳng lìa thể. Tức dụng là thể, thể không lìa dụng, tức chỉ một tâm, tâm này bình đẳng thì pháp giới thản nhiên. Tâm này biến dịch thì ngàn sai tranh khởi. Tâm này có thể thành Phật, hay thành chúng sanh. Tâm này cũng làm nên thiên đường cũng tạo địa ngục, ngoài tâm không có một pháp. Cho nên Tịnh độ là do tâm.
Đối với pháp yếu Tịnh độ là duy tâm, mà môn sinh Thiền tông ngộ nhận không có Tây phương; kỳ thật Di-đà Tịnh độ cầu nguyện vãng sanh chẳng cần xả bỏ thế giới này mà cầu Tây phương, là còn có ý niệm bỏ, lấy, cho rằng ngoài tâm có pháp thật, thì trái với nguyên lý duy tâm. Cho nên “Thập nghi luận” của Thiên thai nói rằng: “Người trí sanh Tịnh độ, mà đạt được thật thể ‘sanh’ không thể đắc, đây mới chính là chân thật của ‘vô sanh’. Người vô minh do ‘sanh’ trói buộc, nghe ‘sanh’ hiểu là ‘sanh’, nghe ‘vô sanh’ hiểu là ‘vô sanh’, cần phải biết ‘sanh’ tức ‘vô sanh’, ‘vô sanh’ tức ‘sanh’”. Lại ở trong luận Quần nghi nói rằng: “Tuy biết trong kinh nói, quốc độ của chư Phật và chúng sanh đều không, mà thường tu Tịnh độ để giáo hóa chúng sanh. Viên thành thật chỉ nói vô tướng giáo, lấy cứu cánh ‘không’ để phá Biến kế sở chấp, tin tất cả pháp đều là Y tha khởi của nhân duyên sanh. Như người thâm tín nhân quả mới rõ được nghĩa duyên sanh vô sanh. Nếu tín lực chưa đủ, tâm tán loạn, dao động, quán hành còn yếu, thì phải tu Tịnh độ, cầu nguyện vãng sanh”. Luận Khởi tín khuyên tu chỉ quán nói rằng: “Nếu tâm tánh khiếp nhược, sợ tín tâm khó thành tựu thì nên chuyên niệm Di-đà, cầu sanh thế giới Tây phương Cực lạc”. Luận Vãng sanh cũng dạy rằng: “Sanh đến quốc độ đó rồi, nên phát thệ nguyên trở lại sanh tử để cứu giúp nỗi khổ chúng sanh. Chỉ cần vãng sanh Tịnh độ là thuộc tư lợi, nên biết lợi tha mới là tông yếu của Tịnh độ”.
Nhân sanh Tịnh độ, ngài Diên Thọ lấy trì giới, tọa thiền làm nhân của thượng phẩm hành đạo và niệm Phật là nhân hạ phẩm, trung phẩm. “Vạn thiện đồng quy tập”, quyển 2, nói rằng: “Phẩm thứ 9 hành theo định tâm, chuyên tâm là trung sanh, còn như định tâm tu chỉ quán, thì được thượng phẩm vãng sanh. Chỉ chuyên tâm niệm danh hiệu đức Phật, nhờ các duyên thiện trợ giúp, phát nguyện hồi hướng vãng sanh, đấy là hạ phẩm vãng sanh. Lại thọ Bồ-tát giới, trong chín phẩm, người thượng căn thọ giới tu thiền còn trung và hạ căn thì hành đạo niệm Phật”.
Về việc trì giới, trong “Vạn thiện đồng quy tập”, quyển 2, nói: “Thiền tông rất coi nhẹ giới luật, không biết rằng thọ giới Bồ-tát, phát Bồ-đề tâm tín thọ Đại thừa, dù bị phá giới, niệm Phật sám hối cũng được vãng sanh. Nếu thọ giới mà tạo nghiệp ác, nhờ sức trì giới ở quá khứ, tìm hiểu Đại thừa, thiện căn đầy đủ, lúc lâm chúng niệm Phật, gặp thiện hữu khai thị, dù nghiệp thiện nhẹ, nghiệp ác nặng, nhưng nhờ lấy giới Bồ-tát làm điều kiện tất yếu nên vãng sanh. Cho nên phát Bồ-đề tâm là chánh nhân để vãng sanh Tịnh độ”.
Lại từng khuyên mọi người lớn tiếng niệm Phật và dạy 10 niệm được vãng sanh, một tiếng niệm Phật, tội diệt hà sa. Kinh Pháp hoa nói: “Nếu người nào tâm tán loạn, mà thường đến chùa tháp một lần xưng ‘Nam mô Phật’, đều được thành Phật đạo”. Kinh A-di-đà nói rằng: “Nếu người nào từng niệm danh hiệu đức Phật, thì được tất cả chư Phật thường hộ niệm”. Kinh Bảo tích dạy rằng: “Lớn tiếng niệm Phật thì ma quân tiêu tan”. Kinh Nghiệp báo sai biệt nói: “Lớn tiếng niệm Phật, được mười thứ công đức. Lại niệm Phật có ngồi niệm, đi niệm. Ngồi niệm như thuyền đi ngược dòng nước, đi niệm như thuyền đi xuôi chiều gió, ngồi niệm có thể diệt trừ tội trong 80 ức kiếp”.
Nếu những ai đảnh lễ 5 vốc sát đất, cung kính niệm Phật mười tiếng (thập niệm), dù một đời ác nghiệp nặng khi lâm chung niệm mười niệm, tội diệt được sanh Tịnh độ. Dẫn kinh Na-tiên Tỳ-kheo chứng minh: “Như đá ném xuống nước thì chìm, nhưng đá được đặt ở trên thuyền tuy cả trăm viên cũng không làm sao chìm được”. Cho nên người tạo tội nhưng do công đức niệm Phật khỏi rơi vào địa ngục. Trí độ luận nói rằng: “Khi lâm chung, nếu tâm lực mạnh hơn nghiệp lực cả đời mình làm, dù là chút thời gian ít ỏi mà tâm lực mạnh thì thắng nghiệp lực, như đốm lửa tuy nhỏ cũng có thể lan tỏa rộng lớn”.
Do đó khi lâm chung tâm quyết định mạnh mẽ thì hơn cả nghiệp lực làm cả trăm năm. Đây là luận chứng của pháp môn mười niệm khi lâm chung.
Ngài Diên Thọ lại khuyên khi lễ trà-tỳ thì nên cố gắng dõng mãnh hành trì niệm Phật. Vì có sanh nên có diệt, sau khi tâm chí thành quy y Tam bảo, lúc xả thân là xả thể vô thường đắc thể Kim cang, bỏ thân dễ hủy hoại được thân kiên cố. Rộng dẫn ở kinh luận, nêu lên sự tích các bậc Đại đức xưa nay, ra đi để lại nhục thân làm chứng tích cho đời.
Nếu ai tiếc thân mạng, sau khi lâm chung lại làm thế tục dập dìu trong sanh tử.
Vả lại Phật pháp trọng hành trì, không trọng biện ngôn, nói nhiều không bằng làm ít, nghĩa là chú trọng thực tiễn hành trì.
Tóm lại ngài Diên Thọ chú trọng thực tiễn dốc sức hành trì, đương thời Thiền tông chỉ có ngồi thiền, học trò thiền tông thường chấp trước danh và tướng pháp hữu vi, điều này tăng thêm hư danh. Cho nên mục tiêu, tiêu chuẩn Lý Sự song tu được ca ngợi, trọn đời chẳng trễ nãi, tự tu 108 việc (niệm Phật 108 biến), đặc biệt thâm tín vãng sanh Tịnh độ, một ngày niệm 10 vạn danh hiệu Đức Phật, thực tiễn đã khích lệ tinh thần.
Dựa vào giáo chỉ chủ trương Sự Lý song tu của Thiên thai, Hoa nghiêm, Khởi tín, phối hợp cả 2 tông Giáo và Thiền đương thời để cứu vãn tệ đoan của 2 tông (Thiền và Giáo). Do ảnh hưởng sự kết hợp thiền học và niệm Phật của đại sư Tuệ Nhật, Lý Sự song tu, tức bao hàm có cả ý nghĩa tung kinh Vạn thiện. Muốn hồi hướng nguyện sanh Tịnh độ, đặc biệt phải chú trọng niệm Phật là chánh nhân, để cho tất cả trung và hạ căn đều vãng sanh Tây phương.
Ngài Diên Thọ dã từng tham thiền, niệm Phật “Tứ liệu giản kệ”, làm tiêu chuẩn cho Thiền, Tịnh song tu. Tứ liệu giản kệ nói rằng: “Có Thiền không Tịnh mười người hết chín người sai đường, nếu âm cảnh hiện ra, thoáng chốc họ sẽ rơi vào đó. Không Thiền có Tịnh, vạn người tu vạn người vãng sanh, được thấy Phật Di-đà, sao không chịu khai ngộ? Có Thiền mà thêm Tịnh giống như hổ mọc thêm sừng, đời hiện tại làm thầy mọi người, tương lai làm Phật, làm Tổ. Không Thiền không Tịnh độ, như kẻ không nhà, muôn đời vạn kiếp không có người để nương tựa”. Câu thứ ba nói: Có Thiền có Tịnh độ, tức Thiền Tịnh song tu, giống như hổ mọc thêm sừng là lý tưởng hóa để chính mình tu pháp môn này. Câu thứ nhất nói có Thiền không Tịnh độ, đương thời chỉ cho tất cả môn đồ của Thiền tông, mười người tu thiền thì chín người rơi vào đường ma. Câu thứ 2 nói không Thiền có Tịnh độ, chỉ cho tất cả những ai có căn cơ trung và hạ, tất cả vạn người tu không một ai lầm đường lạc bước, được thân cận Phật Di-đà, tự mình thoát ly sanh tử.
Có thể khẳng định rằng ngài Diên Thọ là bậc lợi căn thượng trí, cho nên mới kết hợp Thiền, Tịnh song tu. Người hạ trí độn căn chuyên tâm niệm Phật mong sanh được Tịnh độ, lo gì không khai ngộ!? Đây là giáo hóa đồng điệu với chủ trương của đại sư Thiện Đạo.
(Soạn giả dựa theo Giáo lý sử Tịnh độ Trung Quốc và Thiền học tư tưởng sử)
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường