Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương
NĂM PHÁP HỦY NHỤC
Sa-môn xuất gia có năm pháp hủy nhục. Sao gọi là năm? Một là
1) Tóc trên đầu dài 2) Móng tay dài
3) Y áo dơ bẩn 4) Không biết thời nghi
5) Bàn nói nhiều.
Vì sao vậy? Bàn nói nhiều, Tỳ-kheo lại có năm việc. Sao gọi là năm? Một là người không tin lời. Hai không chịu nhận lời dạy. Ba là người không thích gặp. Bốn là nói dối. Năm là gây đấu loạn kia đây. Đó là năm việc xảy ra cho người nói chuyện nhiều. Đó gọi là người bàn nói nhiều có năm việc này. Tỳ-kheo, hãy trừ năm việc này, chớ có tà tưởng.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 4)
NĂM SỰ CỰC KỲ KHÔNG THỂ ĐẠT ĐƯỢC
1) Vật phải mất mà muốn cho không mất, đó là không thể được.
2) Pháp diệt tận mà muốn cho không diệt tận, đó là không thể được.
3) Pháp già mà muốn cho không già, đó là không thể được.
4) Pháp bệnh mà muốn cho không bệnh, đó là không thể được.
5) Pháp chết mà muốn cho không chết, đó là không thể được.
Này các Tỳ-kheo, đó là năm sự cực kỳ không thể đạt được. Dù Như Lai xuất thế hay Như Lai không xuất thế, pháp giới vẫn hằng trụ như vậy, mà những tiếng sanh, già, bệnh, chết, vẫn không có mục nát, không bị diệt mất. Cái gì sinh ra, cái gì chết đi, đều quay về gốc. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có năm sự nảy khó được. Hãy tìm cầu phương tiện tu hành năm căn. Sao gọi là năm?
Đó là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn. Đó gọi là, Tỳ-kheo, hành năm căn này, thành Tu-đà-hoàn, Gia gia, Nhất chủng, lên nữa thành Tư-đà-hàm, chuyển lên nữa diệt năm kết sử thành A-na-hàm ở trên kia mà nhập Niết-bàn chứ không trở lại đời này nữa, chuyển lên nữa hữu lậu diệt tận thành vô lậu, tâm giải thoát, huệ giải thoát, tự thân tác chứng, tự an trú, biết như thật rằng không còn thọ thai nữa. Hãy tìm cầu phương tiện trừ bỏ năm sự trước, sau đó tu năm căn.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 6)
NĂM TRIỀN CÁI LÀ TỤ BẤT THIỆN
Sao gọi chúng là tụ bất thiện? Đó là năm triền cái. Sao gọi là năm? Là tham dục, sân hận, thụy miên, trạo cử, nghi. Đó gọi là năm triền cái. Ai muốn biết tụ bất thiện, thì đây gọi là năm triền cái. Vì sao vậy?
Vì nếu có năm triền cái, liền có phần súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Các pháp bất thiện đều do đây phát sanh. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện diệt trừ các triền cái là tham dục, sân hận, thụy miên, điệu hối, nghi.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 32. Phẩm Thiện Tụ, Kinh số 2)
NĂM TRƯỜNG HỢP KHÔNG NÊN LỄ NGƯỜI
1) Người ở trong tháp 2) Người ở trong đại chúng
3) Người ở giữa đường 4) Người đang ốm đau nằm trên giường 5) Người đang ăn
Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm trường hợp này không lễ người.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 6)
NĂM TỤ TÀ VÀ CHÁNH
1) Nên cười mà không cười
2) Lúc nên hoan hỷ mà không hoan hỷ
3) Nên khởi lòng từ mà không khởi lòng từ
4) Làm ác mà không hỗ
5) Nghe lời thiện của người mà không để ý.
Nên biết người này ắt ở trong nhóm tà. Nếu chúng sanh nào ở trong nhóm tà, người ấy cần được nhận biết bằng năm sự này biết.
Người ở trong tụ chánh cần được nhận biết bằng năm sự. Do thấy năm sự mà biết người này đang ở trong tụ chánh. Sao gọi là năm?
1) Nên cười thì cười 2) Nên hoan hỷ thì hoan hỷ
3) Nên khởi lòng từ thì khởi lòng từ
4) Đáng hỗ thì hỗ
5) Nghe lời thiện liền chú ý.
Nên biết người này đã ở trong tụ chánh. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy nên bỏ tụ tà, ở trong tụ chánh.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 1)
NĂM TƯỚNG BÁO DÂN TRỜI SẮP MẠNG CHUNG
1) Hoa trên mũ héo 2) Y phục dơ bẩn
2) Thân thể hôi hám 4) Không thích chỗ ngồi của mình
3)Các thiên nữ tan tác.
Đó gọi là năm điềm báo ứng con dân trời sắp mạng chung.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 34. Phẩm Đẳng Kiến, Kinh số 3)
NĂM TƯỞNG DỤC
1) Sanh trong nhà hào quý
2) Được gả vào nhà giàu sang
3) Chồng của ta làm theo lời
4) Có nhiều con cái
5) Độc quyền trong nhà do mình.
Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người nữ có năm sự đáng tưởng muốn này. Tỳ-kheo của Ta cũng có năm sự đáng tưởng muốn. Sao gọi là năm? Đó là cấm giới, đa văn, thành tựu tam-muội, trí huệ, trí huệ giải thoát.
NĂM UẨN NHƯ HUYỄN
Sắc không bền vững, cũng không chắc chắn, không thể trông thấy, huyễn ngụy, không thật; thọ không bền vững, cũng không lõi chắc, cũng như đám bọt trên mặt nước, huyễn ngụy, không thật. Tưởng không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật, cũng như quáng nắng. Hành không bền vững, cũng không lõi chắc, giống như thân cây chuối, không có thật. Thức không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 9)
NẾM VỊ DỤC
Hãy diệt một pháp. Ta xác chứng các ngươi thành quả thần thông, các lậu diệt tận. Một pháp gì? Nếm vị dục. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy diệt vị ngọt của dục này. Ta xác chứng các ngươi thành quả thần thông, các lậu diệt tận.
Chúng sanh đắm vị này
Chết đọa vào đường ác
Nay nên bỏ dục này
Liền thành A-la-hán.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 13. Phẩm Lợi Dưỡng, Kinh số 2)
NẾU THẾ TÔN XUẤT HIỆN THÌ VÔ MINH LIỀN TRỪ
Có một con người mà xuất hiện ở thế gian, thì vô minh tối tăm liền tự tiêu diệt. Bấy giờ, những kẻ phàm ngu bị kết sử trói buộc bởi vô minh sở kiến này, nên không biết như thật về con đường sinh tử, luân hồi qua lại từ đời này qua đời sau, từ kiếp này qua kiếp nọ, không cởi trói được. Nếu lúc đó có Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện ở thế gian, thì vô minh tối tăm liền tự tiêu diệt.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 8. Phẩm A-Tu-La, Kinh số 5)
NGHE PHÁP THOẠI CÓ NĂM CÔNG ĐỨC
1) Điều chưa từng nghe, nay được nghe
2) Điều đã được nghe, tụng đọc lại
3) Kiến giải không tà lệch
4) Không có hồ nghi
5) Hiểu nghĩa sâu xa.
Tùy thời nghe Pháp có năm công đức, cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tùy thời nghe Pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 36. Phẩm Thính pháp, Kinh số 1)
NGHÈO TÚNG LÀ DO TRỘM CẮP
Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ; nếu sinh vào cõi người rất là nghèo túng, áo không đủ che thân, ăn không đầy miệng: đó là trộm cướp.
Nếu có người nào có ý thích trộm cướp, lấy tài vật của người khác, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người rất là nghèo túng. Vì sao vậy? Vì đã dứt sinh nghiệp người khác. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học xa lìa lấy của không được cho.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 14. Phẩm Ngũ Giới, Kinh số 2)
NGU SI
Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-na-hàm. Một pháp gì? Ngu si.
Bị nhiễm bởi ngu si
Chúng sanh rơi đường dữ
Siêng tu bỏ ngu si
Liền thành A-na-hàm.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 11. Phẩm Bất Đãi, Kinh số 3)
NGƯỜI CỐNG CAO KHÔNG SỢ NHƯ CHÓ HUNG DỮ
Tỳ-kheo các ngươi chớ ôm lòng ham muốn lợi dưỡng của Đề-bà-đạt-đâu này. Vì sao vậy? Vì Đề-bà-đạt-đâu là người ngu gây ra ba sự này, các hành vi của thân, miệng, ý, nhưng không hề kinh sợ, cũng không sợ hãi.
Như Đề-bà-đạt-đa hiện nay là người ngu nên tiêu hết các công đức thiện. Như bắt chó dữ mà đánh vào mũi nó, càng làm nó hung dữ thêm. Người ngu Đề-bà-đạt-đâu cũng như vậy, nhận lợi dưỡng này liền nổi lên cống cao. Cho nên, này các Tỳ-kheo, cũng đừng khởi lên ý tưởng đắm trước lợi dưỡng. Tỳ-kheo nào đắm trước lợi dưỡng thì không được ba pháp. Ba pháp gì? Đó là không thành tựu giới Hiền Thánh, tam-muội Hiền Thánh, trí huệ Hiền Thánh. Tỳ-kheo nào không đắm vào lợi dưỡng thì sẽ được ba pháp. Ba pháp gì?
1) Thành tựu giới Hiền Thánh
2) Tam-muội Hiền Thánh
3) Trí huệ Hiền Thánh.
Nếu thành tựu được ba pháp nầy sẽ phát thiện tâm, không đắm vào lợi dưỡng.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 23. Phẩm Địa Chủ, Kinh số 7)
NGƯỜI MANG GÁNH NẶNG
1) Năm thủ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm. Đó gọi là gánh nặng.
2) Người mang gánh, đó là thân người, tự gì, tên gì, sinh như vậy, thức ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy, tuổi thọ ngắn dài như vậy. Đó gọi là người mang gánh.
3) Nhân duyên của gánh nặng, đó là nhân duyên bởi ái trước câu hữu với dục, tâm không xa lìa. Đó gọi là nhân duyên gánh.
4) Ái kia đã khiến bị diệt tận không còn tàn dư, đã trừ, đã nhổ ra. Đó gọi là buông gánh nặng.
Những gì Như Lai cần làm, nay Ta đã làm xong. Hãy ở dưới cây, chỗ nhàn tịnh, ngồi ngoài trời, hằng niệm tọa thiền, chớ có buông lung.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 4)
NGƯỜI NỮ CÓ NĂM ĐIỀU BẤT THIỆN
Phàm người nữ có năm điều bất thiện. Những gì là năm? Một là bất thiện bởi ô uế, hai là nói hai lưỡi, ba là ganh ghét, bốn là sân nhuế, năm là không biết báo đáp.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 8)
NGƯỜI TỐI ƯU VÀ THẤP HÈN
1) Người có kết tiềm phục; bên trong có kết mà không biết như thật có.
2) Người có kết tiềm phục; bên trong có kết mà biết như thật có.
3) Người không có kết sử tiềm phục; bên trong không có kết mà không biết như thật là không có.
4) Người không có kết sử tiềm phục; bên trong không kết mà biết như thật là không có.
Các Hiền giả nên biết, hạng người thứ nhất có kết tiềm phục; bên trong có kết mà không biết; trong hai người có kết này, người này rất thấp hèn. Người thứ hai có kết tiềm phục; bên trong có kết mà biết như thật có, người này thật là tối ưu. Người thứ ba không có kết tiềm phục; bên trong không có kết mà không biết như thật; trong hai người không có kết, người này rất là thấp hèn. Người thứ tư không có kết sử tiềm phục; bên trong không kết mà biết như thật; trong người không có kết, thì người này là thật là đệ nhất.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 25. Phẩm Tứ Đế, Kinh số 6)
NHÀM CHÁN SANH TỬ
Tỳ kheo, nên biết, cũng như một thành trì bắng sắt, dài rộng một do-tuần, trong đó chứa đầy hạt cải, không chừa một lỗ hổng. Giả sử có một người, một trăm năm đến lấy di một hạt cải. Cho đến khi hạt cả trong thành bằng sắt ấy hết hẵn, mà một kiếp vẫn không thể tính kể hết. Vì sao vậy? Sanh tử lâu dài không có bờ mé. Chúng sanh bị ân ái trói buộc mà trôi lăn trong sanh tử, chết đây sanh kia, không hề cùng tận. Ta ở trong đó mà nhàm chán sanh tử. Như vậy Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện để dứt hết tưởng ân ái này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 52. Phẩm Đại Ái Đạo Bát Niết-bàn, Kinh số 3)
NHỜ GIỚI MÀ MUỐN SANH VỀ CÕI NÀO CŨNG ĐƯỢC
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, cũng thành tựu sở nguyện của mình sẽ sinh về các cõi trời Dục giới, sinh về các cõi trời Sắc giới. Vì sao như vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai mà muốn sinh về các cõi trời Vô sắc, cũng được kết quả như sở nguyện kia.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, muốn sinh vào nhà bốn chủng tánh, lại cũng được sinh.
Lại, thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trì bát quan trai, muốn cầu làm thiên tử một phương, thiên tử hai phương, ba phương, bốn phương thì cũng được như sở nguyện kia. Muốn cầu làm Chuyển luân Thánh vương cũng được như sở nguyện kia. Vì sao vậy? Những gì mà người trì giới kia ước nguyện đều được như nguyện.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn cầu thành Thanh văn, Duyên giác, Phật thừa, ắt sẽ thành tựu sở nguyện. Nay Ta thành Phật là nhờ trì giới kia. Năm giới, mười thiện, không nguyện nào là không được.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 6)
NHỚ MƯỜI MỘT ĐIỀU TRƯỚC KHI LỄ TĂNG
1) Chúng của Như Lai là những vị đã thành tựu pháp
2) Chúng của Như Lai hòa hiệp trên dưới
3) Tăng của Như Lai đã thành tựu pháp tùy pháp
4) Chúng của Như Lai thành tựu giới
5) Thành tựu tam-muội trí tuệ
6) Thành tựu giải thoát
7) Thành tựu giải thoát tri kiến huệ
8) Thánh chúng của Như Lai thủ hộ Tam bảo
9) Thánh chúng Như lại hay hàng phục dị học ngoại đạo
10) Thánh chúng của Như Lai là bạn tốt
11) Ruộng phước cho hết thảy thế gian.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn lễ bái Tăng, hãy tư duy mười một pháp này, sẽ được phước báo lâu dài.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 3)
NHỚ MƯỜI MỘT ĐIỀU TRƯỚC KHI LỄ THÁP
1) Có mạn hãy trừ mạn.
2) Phàm chánh pháp là nhắm dứt tưởng khát ái đối với dục.
3) Phàm chánh pháp là nhắm trừ dục ở nơi dục.
4) Phàm chánh pháp là nhắm cắt đứt dòng nước sâu sanh tử.
5) Phàm chánh pháp là nhắm đạt được pháp bình đẳng.
6) Chánh pháp này nhắm đoạn trừ các nẻo dữ
7) Chánh pháp nhắm đưa đễn cõi lành.
8) Phàm chánh pháp là nhắm cắt đứt lưới ái.
9) Người hành chánh pháp là đi từ có đến không.
10) Người hành chánh pháp thì sáng tỏ không đâu không rọi đến.
11) Người hành chánh pháp là để đi đến Niết-bàn giới.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn hành lễ bái Pháp, hãy tư duy mười một pháp này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 2)
NHƯ LAI BIẾT ĐƯỜNG ĐI CỦA SANH TỬ
Cũng như người chăn bò Ma-kiệt thông tuệ nhiều trí, ý muốn đưa bò từ bờ này sang bờ kia. Trước hết thăm dò nơi sâu, cạn, rồi đưa những con bò khỏe mạnh nhất đến bờ kia trước. Kế đó đưa những con bò trung bình không mập không ốm, cũng sang được đến bờ bên kia. Kế đến đưa những con gầy nhất cũng vượt qua không xảy ra việc gì. Những con bê còn nhỏ theo sau cùng mà được qua sang an ổn. Tỳ-kheo, ở đây cũng vậy, Như Lai khéo quán sát đời này đời sau, quán sát biển sanh tử, con đường đi của Ma. Tự mình bằng bát chánh đạo mà vượt qua hiểm nạn sanh tử, lại bằng đường này để độ người chưa được độ.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 6)
NHƯ LAI BIẾT RÕ CÁC GỐC ĐỌA LẠC
Ta nay biết rõ địa ngục, và cũng biết con đường dẫn đến địa ngục, và cũng biết gốc rễ của chúng sanh trong địa ngục kia. Giả sử có chúng sanh nào tạo các hành ác bất thiện, khi thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục; Ta cũng biết rõ.
Tỳ kheo, Ta cũng biết rõ súc sanh; cũng biết rõ con đường dẫn đến súc sanh; và cũng biết rõ gốc của súc sanh; biết rõ những điều trước kia đã làm để sanh vào nơi này.
Ta nay biết rõ con đường ngạ quỷ; cũng biết rõ những ai đã gây nên gốc rẽ ác mà sanh vào ngạ quỷ.
Ta nay biết rõ con đường dẫn đến làm người; cũng biết rõ hạng chúng sanh nào sanh được thân người.
Ta cũng biết con đường dẫn đến cõi trời; cũng biết công đức trước kia mà chúng sanh đã làm để sanh lên trời.
Ta cũng biết con đường dẫn đến Niết-bàn; những chúng sanh nào mà hữu lậu đã dứt sạch, thành vô lậu tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp mà thủ chứng quả; Ta thảy đều biết rõ.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 5)
NHƯ LAI LÀ ĐỆ NHẤT Ở CÕI NÀY
Ngài có tâm từ, bi, hỉ, xả, đầy đủ Không, Vô tướng, Vô nguyện. Ở trong cõi dục là tối tôn đệ nhất. Trên tất cả trời. Bảy thánh tài đầy đủ. Các hàng trời, người, đấng Tự nhiên, hàng Phạm sanh, cũng không ai bằng, cũng không thể giống tướng mạo. Nay con tự quy y.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 30. Phẩm Tu-đà, Kinh số 4)
NHƯ LAI RA ĐỜI
Khi mặt trời vừa lên, mọi người cùng nhau làm ruộng, trăm chim hót vang, trẻ thơ la khóc. Tỳ-kheo nên biết, nay Ta lấy đây làm thí dụ, hãy hiểu nghĩa của nó. Nghĩa này phải hiểu làm sao? Khi mặt trời mới mọc, đây dụ Như Lai ra đời. Người dân khắp nơi cùng làm ruộng, đây dụ cho đàn-việt thí chủ tùy thời cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc men trị bệnh. Trăm chim hót vang, đây dụ cho Pháp sư cao đức, có thể vì chúng bốn bộ mà thuyết pháp vi diệu. Trẻ thơ khóc la, đây dụ cho tệ ma Ba -tuần.
Cho nên, các Tỳ-kheo, như mặt trời mới mọc, Như Lai ra đời trừ bỏ bóng tối, không nơi nào là không chiếu sáng.
(Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27. Phẩm Đẳng Thú Bốn Để, Kinh số 4)
NHƯ LAI THÀNH TỰU MƯỜI LỰC
Như Lai thành tựu mười lực, tự biết là bậc Vô sở trước, ở giữa đại chúng mà có thể rống tiếng sư tử, chuyển pháp luân vô thượng mà cứu độ chúng sinh, rằng đây là sắc, đây là tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc, đây là xuất yếu của sắc; quán sát đây là thọ, tưởng, hành,thức, tập khởi, diệt tận, xuất yếu của thức.
Nhân bởi cái này, có cái này, đây sinh thì kia sinh; do duyên vô minh mà hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên chết, chết duyên sầu ưu khổ não, không thể kể xiết.
Nhân có thân năm uẩn này mà có pháp tập khởi này; đây diệt thì kia diệt, đây không thì kia không, do vô minh diệt tận mà hành diệt tận, hành tận nên thức tận, thức tận nên danh sắc tận, danh sắc tận nên sáu xứ tận, sáu xứ tận nên xúc tận, xúc tận nên thọ tận, thọ tận nên ái tận, ái tận nên thủ tận, thủ tận nên hữu tận, hữu tận nên chết tận, chết tận nên sầu ưu khổ não thảy đều diệt tận.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 46. Phẩm Kết Cấm, Kinh số 2)
NHƯ LAI TỐI THƯỢNG
Ta thành A-la-hán
Thế gian không ai bằng
Trời cùng người thế gian
Nay Ta là tối thượng.
Ta cũng không thầy dạy
Cũng không ai bì kịp
Độc tôn, không ai hơn
Mát lạnh, không còn nóng.
Ta đang chuyển pháp luân
Đi đến nước Ca-thi
Nay đem thuốc cam lồ
Mở mắt người mù kia.
Đất nước Ba-la-nại
Vương thổ nước Ca-thi
Trú xứ năm tỳ-kheo
Ta sẽ thuyết diệu pháp.
Khiến họ sớm thành đạo
Và được lậu tận thông
Để trừ nguồn pháp ác
Cho nên, Ta tối thắng.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 5)
NHỮNG NGÀY TRAI GIỚI
Thiện nam, thiện nữ vào ngày thứ 8, 14, 15 đến chỗ Sa-môn hoặc Tỳ-kheo trưởng lão, tự xưng tên họ rằng:
‘Con từ sáng đến tối, như A-la-hán, giữ tâm không di động, không dùng dao gậy gia hại chúng sanh, ban vui khắp tất cả. Nay con thọ trai pháp, nhất thiết không vi phạm, không khởi tâm sát. Con tu tập giáo pháp Chân nhân kia, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không ăn quá ngọ, không ngồi chỗ cao rộng, không tập ca múa xướng hát và thoa hương vào mình.’
Nếu người có trí tuệ, hãy nói như vậy. Nếu là người không có trí huệ, nên dạy nói như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 2)
NIỆM TAM BẢO TIÊU SỢ HÃI
Nay Ta cũng lại bảo các ngươi: Nếu có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào mà sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng, bấy giờ nên niệm thân Ta, rằng ‘Đây là Như Lai Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, hiệu Phật Thế tôn xuất hiện ở đời.’ Giả sử có sự sợ hãi toàn thân lông dựng đứng, sợ hãi ấy liền tự tiêu diệt.
Nếu ai không niệm Ta, lúc đó nên niệm Pháp, rằng ‘Pháp của Như Lai rất là vi diệu, được người trí học tấp.’ Do niệm pháp mà mọi sợ hãi tự tiêu diệt.
Nếu không niệm Ta, cũng không niệm Pháp, khi đó nên niệm Thánh Chúng, rằng ‘Thánh Chúng của Như Lai rất là hòa thuận, pháp tùy pháp thành tựu, giới thành tựu, tam-muội thành tựu, trí huệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát kiến huệ thành tựu, gồm có bốn đôi tám bậc. Đó là Thánh chúng Như Lai, đáng kính, đáng thờ, là ruộng phước của thế gian.’ Đó gọi là Thánh chúng Như Lai. Bấy giờ, nếu niệm Tăng rồi, mọi sợ hãi tự tiêu diệt.
Thích Đề-hoàn Nhân còn có dâm, nộ, si. Song trời Tam thập tam niệm tưởng chủ mình mà hết sợ hãi, huống chi Như Lai không còn có tâm dục, nộ, si, nên niệm tưởng đến mà có sợ hãi sao? Nếu tỳ-kheo nào có sợ hãi, sợ hãi tự tiêu diệt. Cho nên, này các tỳ-kheo, hãy niệm tam tôn: Phật, Pháp và Thánh chúng.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 4)
NIỆN DIỆT GỐC KHỔ
Thế gian có ngũ dục
Ý là vua thứ sáu
Biết sáu pháp trong ngoài
Nên niệm diệt gốc khổ.
(Tăng Nhất A Hàm, Sáu Pháp, 38. Phẩm Lực, Kinh số 3)
NIẾT BÀN
Ta nay biết Niết-bàn, cũng biết con đường Niết bàn. Cũng biết hạng chúng sanh nào sẽ vào Niết-bàn. Hoặc có chúng sanh dứt sạch lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự thân chứng ngộ và an trú; ta thảy đều biết rõ. Do nhân duyên gì mà ta nói điều này?
Ta quán sát những điều suy nghĩ trong tâm chúng sanh, biết người này dứt sạch lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nên nói người ấy đã dứt sạch lậu, thành vô lậu. Cũng như cách thôn xóm không xa có một ao nước mà nước rất sạch, trong suốt. Có người đang thẳng một đường đến đó. Lại có người có mắt sáng từ xa thấy người ấy đi đến, biết rõ người ấy nhất định đi đến ao nước không nghi. Về sau lại quán sát thấy người ấy đã đến ao nước, tắm gội, rửa các cáu bẩn, sạch các ô uế, rồi ngồi bên cạnh ao, mà không tranh giành gì với ai. Ta nay quán sát các loài chúng sanh cũng vậy, biết người đã dứt sạch hữu lậu thành vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, biết như thật rằng sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Đó là nói, người ấy đã đến chỗ này, mà Ta biết rõ con đường Niết-bàn, cũng biết rõ chúng sanh nào vào Niết-bàn. Thảy đều biết rõ.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 50. Phẩm Lễ Tam Bảo, Kinh số 7)
NƯỚC MẮT SANH TỬ NHIỀU HƠN NƯỚC SÔNG HẰNG
Các Tỳ kheo bạch Phật: Chúng con quán sát nghĩa mà Như Lai nói, nước mắt đổ ra trong sanh tử trôi nổi nhiều hơn nước sông Hằng.
Phật bảo Tỳ kheo: Lành thay! Đúng như các ông nói không khác. Nước mắt mà các ông đổ ra trong sanh tử nhiều hơn nước sông Hằng. Vì sao vậy? Trong sanh tử đó, hoặc mẹ chết, nước mắt đổ xuống không thể kể xiết. Trong đêm dài, hoặc cha, hoặc anh, chị, em, vợ con, năm thân, những người ân ái, vì thương tiếc mà buồn khóc không thể kể xiết.
Cho nên, Tỳ kheo, hãy nên nhàm chán sanh tử, tránh xa pháp này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 51. Phẩm Phi Thường, Kinh số 1)
NUỐT SẮT NÓNG CHỨ KHÔNG NHẬN CỦA TÍN THÍ
Nay Ta bảo ngươi, thà nuốt viên sắt nóng, chớ không nên không có giới mà nhận người cúng dường. Vì sao vậy? Vì nuốt viên sắt nóng, đau khổ chỉ trong chốc lát, không nên không có giới mà nhận tín thí của người.
Người ngu si kia không có giới hạnh, chẳng phải Sa-môn nói là Sa-môn, chẳng có phạm hạnh nói tu phạm hạnh, thà nằm trên giường sắt chớ không nên không giới mà nhận tín thí của gười khác. Vì sao vậy? Vì nằm trên giường sắt nóng chỉ đau đớn trong chốc lát, không nên không giới mà nhận tín thí của người khác.
Hôm nay như Ta quan sát đích thú hướng đến của người không giới. Giả sử, người kia trong chốc lát thân thể khô héo tiều tuỵ, hộc máu nóng ra khỏi miệng mà qua đời, chứ không cùng người nữ giao du, không thọ nhận đức của người lễ kính, không nhận y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh của người. Vì người không giới kia không quán sát tội đời trước, đời sau, không nhìn lại thân mạng đang chịu thống khổ này. Người không có giới, ý sinh vào ba đường ác. Đó là ác hành đã tạo ra đưa đến.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 10)
PHẠM GIỚI SẼ ĐỌA ĐỊA NGỤC
Những chúng sanh nào ham thích sát sinh, sẽ sinh vào trong địa ngục Hắc thằng.
Những chúng sanh giết mổ bò, dê và các loại khác, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Đẳng hại.
Những chúng sanh lấy của không cho, ăn trộm vật của người khác, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Thế khốc.
Những chúng sanh thích dâm dật, lại nói dối, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Đại thế khốc.
Những sanh giết hại cha mẹ, phá hoại chùa tháp, gây đấu lọan Thánh chúng, phỉ báng Thánh nhân, hành theo tà kiến điên đảo, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục A-tỳ.
Những chúng sanh nghe lời ở đây truyền đến nơi kia, nghe nơi kia truyền đến nơi này, cầu người phương tiện, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Viêm.
Lại có chúng sanh gây lọan hai bên, tham lam của người, khởi tâm ganh tị, trong lòng nghi kỵ, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Đại viêm.
Nếu có chúng sanh tạo các tạp nghiệp, sau khi mạng chung sinh vào mười sáu địa ngục nhỏ đó. Bấy giờ, ngục tốt hành hạ chúng sanh kia khổ sở khôn lường, hoặc bị chặt tay, hoặc chặt chân, hoặc chặt tay chân, hoặc xẻo mũi, hoặc cắt tai mũi, hoặc lấy gỗ ván ép lên, hoặc lấy cỏ nhét vào bụng, hoặc lấy tóc treo ngược, hoặc lột da, hoặc cắt thịt, hoặc xẻ làm hai phần, hoặc may dính trở lại, hoặc xẻ làm năm, hoặc dùng lửa nướng một bên, hoặc rưới nước sắt nóng chảy lên, hoặc phanh thây làm năm, hoặc kéo dài thân, hoặc dùng búa bén chặt đầu mà giây lát sống trở lại, chỉ khi nào những tội đã tạo ra ở nhơn gian trả hết, sau đó mới ra khỏi.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 42. Phẩm Tám Nạn, Kinh số 2)
PHÁP
Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Pháp. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn.
Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 2)
PHÁP CHÂN THẬT
Biết thân không chắc thật
Mạng cũng không kiên cố
Tài sản, pháp suy mòn
Người nên cầu chắc thật.
Thân người thật khó được
Mạng cũng chẳng dài lâu
Tài sản cũng hủy hoại
Hoan hỷ niệm bố thí.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 21. Phẩm Tam Bảo, Kinh số 10)
PHÁP CÒN BỎ HUỐNG CHI PHI PHÁP
Y kiêu mạn diệt kiêu mạn, mạn mạn, tăng thượng (quá) mạn, tự mạn, tà kiến mạn, mạn trung mạn, tăng thượng mạn. Bằng không mạn diệt mạn mạn, diệt tăng tăng thượng quá mạn. Bằng chánh mạn, diệt tà mạn, tăng thượng mạn, diệt hết bốn mạn.
Xưa kia, khi Ta chưa thành Phật đạo, ngồi dưới gốc thọ vương, suy nghĩ như vầy: ‘Trong dục giới, ai là cao trọng nhất để Ta sẽ hàng phục. Trong cõi dục này, trời và người, không ai không bị hàng phục.’ Rồi Ta lại tự nghĩ: ‘Nghe có tệ ma Ba-tuần. Ta sẽ chiến đấu với chúng. Do hàng phục Ba-tuần, nên tất cả chư thiên cao quí đều bị hàng phục.’ Lúc ấy, Tỳ-kheo, Ta mỉm cười trên chỗ ngồi, khiến cảnh giới ma Ba tuần đều chấn động. Giữa hư không nghe tiếng nói kệ:
Bỏ pháp Chân Tịnh vương
Xuất gia học cam lồ
Dù có thệ nguyện rộng
Dọn trống ba đường ác.
Nay ta họp binh chúng
Xem mặt sa-môn kia
Nếu y không theo ta
Nắm chân liệng ngòai biển.
Tỳ-kheo, hãy bằng phương tiện này mà biết rằng, pháp còn diệt huống gì là phi pháp. Ta trong thời gian dài đã nói kinh ‘Nhất giác dụ’ cho các ngươi, không ghi văn của nó, huống gì là hiểu rõ nghĩa nó. Vì sao vậy? Vì pháp này sâu huyền, vị Thanh văn, Bích-chi-phật nào tu pháp này thì được công đức lớn, được đến chỗ vô vi cam lồ. Vì sao nó được dụ là nương bè? Có nghĩa là nương mạn diệt mạn. Mạn đã diệt hết thì không còn các niệm tưởng não loạn nữa. Giống như da chồn hoang được thuộc kỹ, dùng tay cuộn lại không gây tiếng động, không chỗ nào cứng. Đây cũng như vậy, nếu Tỳ-kheo nào hết kiêu mạn, không còn gì tăng giảm. Cho nên, nay Ta bảo các ngươi, giả sử ai bị giặc bắt giữ, chớ sanh ác niệm, phải đem tâm từ ban khắp mọi nơi, giống như da cực mềm kia, trong lâu dài sẽ đạt đến chỗ vô vi. Các Tỳ-kheo, cần phải suy nghĩ như vậy.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 5)
PHÁP NHƯ CHIẾC BÈ
Thế nào là ví dụ thuyền bè? Khi các ngươi đi đường bị giặc bắt giữ, cần làm chủ tâm ý, không khởi niệm ác, phải khởi tâm từ, bi, hỷ, xả tràn đầy khắp mọi nơi, vô lượng, vô hạn không thể tính đếm. Giữ tâm phải như đất; giống như đất này vừa nhận vật sạch, vừa nhận vật dơ, phân tiểu ô uế, đều nhận hết; nhưng đất không khởi tâm tăng giảm, không nói: ‘Đây tốt, đây xấu.’ Nay sở hành các ngươi cũng phải như vậy. Nếu bị giặc cướp bắt giữ, chớ sanh ác niệm, không khởi tâm tăng giảm, cũng như đất, nước, lửa, gió, xấu cũng nhận, tốt cũng nhận, đều không tâm tăng giảm; hãy sanh tâm từ bi hỷ xả đối với hết thảy chúng sanh. Vì sao vậy? Vì pháp hành thiện còn phải bỏ huống chi pháp ác mà có thể tập hành sao?
Như có người gặp chỗ có tai nạn đáng sợ, muốn vượt qua chỗ nạn đến nơi yên ổn, tùy ý rong ruổi tìm nơi an ổn. Người ấy gặp sông lớn, rất sâu rộng, cũng không có cầu thuyền để có thể qua đến bờ bên kia được, mà nơi đang đứng thật là đáng sợ. Bờ kia là vô vi. Bấy giờ, người kia liền suy nghĩ: ‘Sông này rất sâu rộng. Ta hãy gom góp cây gỗ, cỏ, lá kết thành một chiếc bè để vượt qua. Nhờ bè này mà từ bờ này đến được bờ kia.’ Bấy giờ người kia, liền thâu thập cây gỗ, cỏ lá kết bè vượt qua, từ bờ này đến bờ kia. Người kia đã vượt qua bờ kia, lại nghĩ: ‘Chiếc bè này đối với ta có nhiều lợi ích. Nhờ chiếc bè này cứu được nguy nan, từ nơi đáng sợ đến chỗ an lành. Ta không bỏ bè này. Hãy mang theo bên mình.’ Thế nào, Tỳ-kheo, người kia đã đến nơi rồi, có nên mang bè theo bên mình? Hay không nên?
Các Tỳ-kheo đáp: Không nên, bạch Thế Tôn. Sở nguyện người kia đã đạt kết quả, thì mang chiếc bè theo làm gì?
Phật bảo: Thiện pháp còn phải xả, huống gì là phi pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 5)
PHÁP TĂNG TRƯỞNG
Nếu Tỳ kheo thành tựu mười một pháp này chắc chắn có điều được tăng trưởng. Những gì là mười một?
Tỳ kheo thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, các căn tịch tĩnh, ăn uống biết đủ, hằng tu hành cộng pháp, và cũng biết phương tiện ấy, phân biệt nghĩa ấy, không đắm lợi dưỡng.
Nếu thành tựu mười một pháp này, có khả năng để tăng trưởng. Vì sao vậy? Tất cả các thực hành, chân chánh có mười một pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 49. Phẩm Phóng Ngưu, Kinh số 2)
PHÁP THÂN NHƯ LAI VẪN TỒN TẠI
Sau khi Ta diệt độ, Pháp sẽ tồn tại lâu. Sau khi Phật Ca-diếp diệt độ, di pháp chỉ tồn tại bảy ngày. Này A-nan, ông nay nghĩ rằng đệ tử của Như Lai rất ít. Chớ nghĩ như vậy Ở phương Đông, đệ tử Ta nhiều vô số. Ở phương Nam, đệ tử nhiều vô số. Cho nên, này A-nan, hãy khởi lên ý nghĩ này: Ta, Phật Thích-ca Văn, thọ mạng cực kỳ lâu dài. Sở dĩ như vậy, vì nhục thân tuy vào diệt độ, nhưng Pháp thân vẫn tồn tại. Ông hãy ghi nhớ phụng hành ý nghĩa này.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 48. Phẩm Bất Thiện, Kinh số 2)
PHÁP THỦ HỘ THẾ GIAN
Có hai pháp tinh diệu thủ hộ thế gian. Thế nào là hai pháp? Có tàm, có quí. Này các Tỳ-kheo, nếu không có hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ; sẽ cùng với lục súc heo, gà, chó, ngựa, dê… cùng một loại. Vì thế gian có hai pháp này thủ hộ, nên thế gian phân biệt có cha mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ và cũng không cùng đồng loại với lục súc.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 1)
PHẬT
Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, Phẩm Thập Niệm, Kinh số 1)
PHÁT NGUYỆN HỒI HƯỚNG
Người ấy nguyện rằng: ‘Nay con bằng trai pháp tám quan này sẽ không đoạ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng không rơi vào nơi tám nạn, không ở biên địa, không rơi vào nơi tệ ác, không theo tri thức ác; con phụng sự cha mẹ chân chánh không có tà kiến, sanh vào trung bộ, được nghe pháp thiện, tư duy phân biệt, thành tựu pháp tùy pháp; đem công đức trai pháp này nhiếp lấy pháp lành của tất cả chúng sanh; đem công đức này bố thí cho họ giúp cho người kia thành Đạo Vô thượng Chánh chơn; đem phước của thệ nguyện này bố thí để thành tựu ba thừa khiến cho không bị thối lui giữa chừng.
Lại đem trai pháp tám quan này để học Phật đạo, Bích-chi-phật đạo, A-la-hán đạo. Những người học chánh pháp ở các thế giới cũng đều tập theo nghiệp này. Giả sử trong tương lai, khi Phật Di-lặc xuất hiện ở đời, Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác, người nào gặp hội kia thì sẽ được độ ngay. Khi Phật Di Lặc xuất hiện ở đời, có ba hội Thanh văn. Hội đầu có chín mươi sáu ức chúng Tỳ-kheo. Hội thứ hai có chín mươi bốn ức chúng Tỳ-kheo. Hội thứ ba có chín mươi hai ức chúng Tỳ-kheo, đều là A-la-hán các lậu đã sạch. Cũng gặp vua cùng giáo thọ sư của đất nước kia.’ Dạy như vậy, không để cho thiếu xót.
Nay Ta vì nhân duyên ấy nên nói trai pháp tám quan này. Hãy phát thệ nguyện. Không nguyện thì không quả. Vì sao vậy? Nếu người nữ kia phát thệ nguyện, ngay kiếp ấy thành tựu sở nguyện đó. Nếu Tỳ-kheo trưởng lão không phát thệ nguyện, thì trọn không thành Phật đạo. Phước của thệ nguyện không thể ghi kể, dẫn đến chỗ cam lồ diệt tận.
(Tăng Nhất A Hàm, Tám Pháp, 43. Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi tám Chính, Kinh số 2)
PHÁT NGUYỆN TRÌ BÁT QUAN TRAI GIỚI
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào vào ngày mười bốn, mười lăm trong tháng, là ngày trì trai thuyết giới, đến giữa bốn bộ chúng mà nói như vầy, ‘Hôm nay là ngày trai, tôi muốn trì pháp bát quan trai. Nguyện xin Tôn giả vì con mà thuyết giới.’ Bấy giờ chúng bốn bộ nên dạy cho người đó pháp bát quan trai. Trước hết nên bảo người đó nói như vầy, ‘Này thiện nam tử, hãy tự xưng tên họ.’ Người kia đã xưng tên họ rồi, nên trao cho pháp bát quan trai. Bấy giờ, vị giáo thọ nên dạy người trước đó nói như vầy:
‘Nay con vâng giữ trai pháp của Như Lai cho đến sáng sớm ngày mai, tu giới thanh tịnh, trừ bỏ pháp ác. Nếu thân làm ác, miệng thốt ra lời ác, ý sanh niệm ác; thân ba, miệng bốn, ý ba; các điều ác đã làm, sẽ làm, hoặc vì tham dục mà tạo, hoặc vì sân nhuế mà tạo, hoặc vì ngu si mà tạo, hoặc vì hào tộc mà tạo, hoặc vì nhân ác tri thức mà tạo, hoặc thân này, thân sau vô số thân, hoặc không hiểu Phật, không hiểu Pháp, hoặc gây đấu loạn giữa các Tỳ-kheo Tăng, hoặc sát hại cha mẹ, chư tôn sư trưởng; nay con sám hối, không tự che dấu. Nương giới, nương pháp mà thành tựu giới hạnh của mình, thọ trì pháp bát quan trai của Như Lai.
(Tăng Nhất A Hàm, Ba Pháp, 24. Phẩm Cao Tràng, Kinh số 6)
PHƯỚC BÁO KHÓ LƯỜNG
Đại vương, chớ nói như vậy. Vì sao? Bố thí cho các loài súc sanh còn được phước; thậm chí bố thí cho người phạm giới còn được phước. Bố thí cho người trì giới, phước đức khó ước lượng. Bố thí Tiên nhân ngoại đạo được một ức phước. Bố thí cho Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hoàn, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật và Phật, phước ấy khó lường.
Cho nên, Đại vương, hãy khơi dậy tâm cúng dường đệ tử Thanh văn của chư Phật trong tương lai và quá khứ.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 3)
PHƯỚC VÀ TỘI VÔ LƯỢNG
Có hai hạng người được phước vô lượng. Thế nào là hai? Người khen ngợi điều đáng khen ngợi; người không khen ngợi điều không đáng khen ngợi. Đó là hai hạng người được phước vô lượng.
Lại có hai hạng người chịu tội vô lượng. Thế nào là hai? Người mà điều đáng khen ngợi, trở lại phỉ báng; người mà điều không đáng khen ngợi, lại khen ngợi.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 18. Phẩm Tàm Quý, Kinh số 10)
PHƯƠNG THUỐC ĐỐI TRỊ BẢY SỬ
Do bảy sử này mà có ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này nên không thể vượt qua được cảnh giới tệ ma. Nhưng pháp bảy sử này lại có bảy phương thuốc. Những là bảy?
1) Sử tham dục, dùng niệm giác chi để trị.
2) Sử sân hận, dùng trạch pháp giác chi để trị.
3) Sử tà kiến, dùng tinh tấn giác chi để trị.
4) Sử tham đắm thế gian, dùng hỷ giác chi để trị.
5) Sử kiêu mạn dùng khinh an giác chi để trị.
6) Sử nghi, dùng định giác chi để trị.
7) Sử vô minh, dùng xả giác chi để trị.
Xưa khi Ta chưa thành Phật, còn đang thực hành Bồ-tát hạnh, ngổi dưới bóng cây, suy nghĩ như vầy: ‘Chúng sanh Dục giới bị những gì trói buộc?’ Lại nghĩ: ‘Chúng sanh này bị bảy sử cuốn trôi trong sanh tử, mãi không được giải thoát. Nay Ta cũng bị bảy sử này trói, không giải thóat được.’ Rồi Ta lại nghĩ: ‘Lấy gì để trị bảy sử này?’ Ta lại suy nghĩ: ‘Bảy sử này nên dùng bảy giác chi để trị. Ta hãy tư duy về bảy giác chi.’ Khi tư duy bảy giác chi, tâm dứt sạch hữu lậu, liền được giải thoát. Sau khi thành Đạo Vô thượng chánh chơn, trong bảy ngày ngồi kiết già, Ta tư duy thêm nữa bảy giác chi này. Cho nên, các Tỳ-kheo, muốn dứt trừ bảy sử thì phải tu tập pháp bảy giác chi.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40. Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 3)
QUẢ BÁO XẤU CỦA MƯỜI ĐIỀU
Do gốc rễ mười ác mà ngoại vật còn suy hao, huống nữa nội pháp. Những gì là mười? Đó là người sát sanh, trộm cướp, dâm dật, nói dối, ỷ ngữ, ác khẩu, hai lưỡi, gây đấu loạn đây kia, tật đố, sân hận, khơi dậy tà kiến. Do quả báo của sát sanh, thọ mạng của chúng sanh rất vắn. Do sự lấy của không cho khiến chúng sanh sanh vào chỗ nghèo hèn. Do quả báo dâm dật, cửa nhà chúng sanh không được trinh trắng. Do nói dối, miệng của chúng sanh có mui hôi thối, không được sạch thơm. Do ỷ ngữ, đất đai không được bằng phẳng. Do quả báo hai lưỡi, đất mọc gai chông. Do quả báo ác khẩu, có nhiều ngôn ngữ khác nhau. Do tật đố, thóc lúa không dồi dào. Do quả báo sân hại, có nhiều vật uế ác. Do quả báo tà kiến, tự nhiên sanh tám địa ngục. Nhân bởi mười ác báo này khiến các ngoại vật cũng suy hao, huống nữa vật nội thân.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 47. Phẩm Thiện Ác, Kinh số 2)
QUÁN BẤT TỊNH ĐỐI TRỊ NỮ SẮC
Hãy từ bỏ tưởng tịnh, tư duy quán bất tịnh. Sau khi tư duy quán bất tịnh, Tỳ-kheo sẽ đoạn tận dục ái, sắc ái và vô sắc ái; đoạn tận vô minh, kiêu mạn. Nay, Tỳ-kheo, dục của ngươi từ đâu sanh? Từ tóc sanh? Nhưng tóc hiện nhơ không sạch, đều do huyễn hóa, lừa gạt người đời. Móng, răng… thuộc về thân thể đều là không sạch. Cái gì là chân, cái nào là thật? Từ đầu đến chân, thảy đều như vậy. Những vật hữu hình như gan, mật, năm tạng, không một vật đáng ham. Cái gì là chân? Nay, Tỳ-kheo, dục của ngươi từ đâu sanh? Nay ngươi khéo tu phạm hạnh, Chánh pháp của Như Lai, tất sẽ hết khổ. Mạng người rất ngắn, không lâu ở đời. Tuy có rất thọ, không qua trăm tuổi.
Như Lai xuất thế, rất là khó. Được gặp, nghe pháp cũng khó. Thọ nhận thân hình tứ đại cũng lại việc khó được. Các căn đầy đủ cũng lại khó được. Được sanh vào chốn trung ương, cũng lại khó gặp. Gặp gỡ thiện tri thức, cũng lại khó được. Nghe pháp cũng khó, phân biệt nghĩa lý cũng lại khó được. Thành tựu pháp tùy pháp, việc này cũng khó. Nay, Tỳ-kheo, ngươi nếu thân cận thiện tri thức, thì có thể phân biệt các pháp, cũng có thể giảng rộng nghĩa này cho người khác. Nếu đã nghe pháp thì có thể phân biệt. Đã phân biệt pháp rồi thì có thể giảng nói nghĩa của nó. Không có tưởng dục, tưởng sân nhuế, tưởng ngu si; đã lìa ba độc nên thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 8)
QUÁN NỮ SẮC
Khi ấy, người nữ kia từ xa trông thấy Đa-kỳ-xa, cô liền cười. Đa-kỳ-xa khi từ xa thấy người nữ cười, liền phát sanh niệm tưởng này: ‘Cô nay, với hình thể được dựng đứng bởi xương, được quấn chặt bởi da, cũng như cái bình vẽ, bên trong đựng đồ bất tịnh, lừa dối người đời, khiến sinh loạn tưởng.’
Tôn giả Đa-kỳ-xa quán sát người nữ kia từ đầu đến chân, trong thân thể này không cái gì đáng ham, ba mươi sáu vật thảy đều bất tịnh. Nay những vật này là từ đâu sinh? Rồi Tôn giả Đa-kỳ-xa lại nghĩ: ‘Nay ta quán sát thân khác, không bằng tự quán sát trong thân mình. Dục này từ đâu sanh? Từ đất sanh chăng? Từ nước, lửa, gió sanh chăng? Nếu từ đất sanh; đất cứng chắc, không thể bị hư hoại. Nếu từ nước sinh, nước rất mềm, không thể bắt giữ. Nếu từ lửa sanh; lửa cũng không thể bị nắm bắt. Nếu từ gió sanh; gió không có hình, không thể nắm bắt.’ Tôn giả lại nghĩ: ‘Tham dục này chỉ có từ tư tưởng sanh.’
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 35. Phẩm Tà Tụ, Kinh số 9)
QUÁN SỔ TỨC
An-ban tức là theo dõi hơi thở. Khi hơi thở dài, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang dài; nếu hơi thở lại ngắn, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang ngắn; nếu hơi thở rất lạnh, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang lạnh; nếu hơi thở lại nóng, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang nóng. Quán khắp thân thể từ đầu đến chân, tất cả đều nên quán biết. Nếu hơi thở lại có dài ngắn, cũng hãy quán hơi thở có dài ngắn. Dụng tâm đặt nơi toàn thân, biết hơi thở dài ngắn, tất cả đều biết rõ, cho đến khi hơi thở ra vào được phân biệt rõ ràng. Nếu tâm đặt nơi thân, biết hơi thở dài ngắn, cũng lại biết rõ, đếm hơi thở dài ngắn cũng phân biệt rõ ràng.
Đó gọi là niệm an-ban, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm an, ban, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 8)
QUÁN SỔ TỨC VÀ TỪ BI
Ngươi hãy tu hành pháp an-ban. Tu hành pháp này, có tâm tưởng sầu ưu đều sẽ trừ diệt hết. Nay ngươi lại nên tu hành tưởng bất tịnh ghê tởm, nếu có tham dục, thì sẽ trừ diệt hết.
Này La-hầu-la, nay ngươi phải tu hành từ tâm. Đã hành từ tâm rồi, nếu có sân nhuế, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-hầu-la, nay ngươi phải tu, hành bi tâm. Đã hành bi tâm rồi, nếu có tâm hại, thì sẽ trừ diệt hết.
Nay ngươi phải tu hành hỷ tâm. Đã hành hỷ tâm rồi, nếu có tâm tật đố, thì sẽ trừ diệt hết.
Nay ngươi phải tu hành tâm xả. Đã hành tâm xả rồi, nếu có kiêu mạn, thì sẽ trừ diệt hết.
Chớ luôn khởi tưởng đắm
Thường phải y thuận pháp
Người hiền trí như vậy
Danh đồn vang khắp nơi.
Cầm đuốc sáng cho người
Phá màn vô minh lớn
Trời, rồng thảy phụng kính
Tôn thờ bậc sư trưởng.
(Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 17. Phẩm An-ban, Kinh số 1)
QUÁN MẠNG CĂN ĐOẠN TUYỆT
Chết là mất ở đây, sinh bên kia; qua lại các đường, sinh mạng trôi đi không dừng, các căn tan hoại, như khúc gỗ mục nát; mạng căn đoạn tuyệt, giòng họ chia lìa, không hình không tiếng, cũng không tướng mạo.
Đó gọi là niệm sự chết, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm sự chết, liền sẽ được những thứ công đức thiện này.
(Tăng Nhất A Hàm, Một Pháp, 3. Phẩm Quảng Diễn, Kinh số 10)
QUÁN TƯỞNG VỀ CHẾT
Tỳ-kheo ấy có thể khéo tư duy về tưởng chết, nhàm tởm thân này là bất tịnh ghê tởm. Tỳ-kheo tư duy về tưởng chết, phải buộc ý trước mắt, tâm không di động, niệm số đếm hơi thở ra vào, đồng thời tư duy về bảy giác chi, như vậy ở trong pháp Như Lai mới được nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Hết thảy các hành đều rỗng lặng, cái sanh và cái diệt đều như huyễn hoá, không có chơn thật. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy ở trong hơi thở ra vào tư duy về tưởng chết để thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não.
(Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 41. Phẩm Chớ Sợ, Kinh số 1)
QUÉT ĐẤT CÓ NĂM VIỆC THÀNH TỰU
Người quét đất có năm việc thành tựu công đức. Sao gọi là năm? Ở đây, người quét đất biết lý gió ngược, gió xuôi, cũng biết dồn đống, cũng có thể hốt bỏ không để cho dư sót lại, khiến cho đất thật sạch sẽ. Đó gọi là có năm trường hợp này thành tựu công đức lớn.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 5)
QUÉT THÁP THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC
Người quét tháp thành tựu công đức. Sao gọi là năm? Ở đây, người quét tháp dùng nước rưới lên đất, lượm bỏ gạch đá, san bằng mặt đất, giữ chú ý khi quét đất, hốt bỏ rác rưới dơ bẩn. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm việc khiến người được công đức. Cho nên, này các Tỳ-kheo, muốn cầu công đức này hãy thực hành năm việc này.
(Tăng Nhất A Hàm, Năm Pháp, 33. Phẩm Năm Vua, Kinh số 6)
QUỐC VƯƠNG THÀNH TỰU MƯỜI PHÁP
Nếu quốc vương thành tựu mười pháp thì không thể tồn tại lâu dài, bị nhiều giặc cướp. Những gì là mười?
1) Quốc vương tham lam keo kiệt, vì chút sự việc nhỏ mà nổi thịnh nộ, không quán sát nghĩa lý.
2) Vua ấy tham đắm tài vật, không khứng chịu thua sút.
3) Vua kia không chịu nghe can gián, là người bạo ngược, không có từ tâm.
4) Vua kia bắt oan nhân dân, giam cầm ngang ngược, nhốt trong lao ngục không có ngày ra.
5) Quốc vương tuyển dụng thần tá phi pháp, không y theo chánh hành.
6) Quốc vương tham đắm sắc đẹp của người, xa lánh vợ của mình.
7) Quốc vương ưa uống rượu mà không lý đoán quan sự.
8) Quốc vương ưa thích ca múa, hý, nhạc, mà không lý đoán quan sự.
9) Quốc vương hằng mang bệnh tật, không có ngày nào khỏe mạnh.
10) Quốc vương không tin bề tôi trung hiếu, lông cánh yếu ớt, không có người phò tá mạnh.
(Tăng Nhất A Hàm, Mười Pháp, 46. Phẩm Kết Cấm, Kinh số 3)