- Lời nói đầu
- Phần I: Hội Thảo Khoa Học
- Phần II: Lịch Sử Truyền Thừa
- Phần III: Những Ngôi Chùa Cổ Phật Giáo Gia Định
- Phần IV - Các Phong Trào Phật Giáo
- Phần V - Văn Hóa - Giáo Dục Phật Giáo
- Phần VI - Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa
- Phần VII - Các Vị Cao Tăng Trong Cuộc Vận Động Chấn Hưng PHẬT GIÁO
- Phần VIII - Phụ Lục - Nhớ chùa Khải Tường
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn
Một Số Vấn Đề Chung Quanh Di Sản Chữ Hán (Gồm Câu Đối Liễn Và Hoành Phi) Trong Các Chùa Ở Đất Gia Định Xưa
Giáo Sư Huỳnh Minh Đức
Nguồn: Giáo Sư Huỳnh Minh Đức
Nguồn: Giáo Sư Huỳnh Minh Đức
I.- THỰC TRẠNG
Gia Định xưa gồm chung Phước Long và Tân Bình, là mảnh đất mà các chúa Nguyễn đã chọn làm bổn doanh đầu tiên trong công cuộc khai khẩn đất đai để hoàn thành cuộc Nam tiến. Trong khoảng thời gian 300 năm, nơi này đã nhận lấy nhiều sự kiện lịch sử.
Trong phạm vi hạn hẹp của tài liệu nghiên cứu này, chúng tôi muốn nhận định lại bức tranh mang tầm vóc của một chứng tích lịch sử thuộc văn hóa : "Qua các chữ Hán trên các câu đối trong các chùa, cổ nhân muốn để lại gì và căn dặn gì với con cháu?".
Trước hết, về mặt tư liệu, chúng tôi muốn kiểm chứng rồi đánh giá lại xem, qua một thời gian dài nhiều biến cố tàn phá (do con người, do chiến tranh, do thời gian), hiện trạng nguyên thỉ của nó như thế nào. Dĩ nhiên khi nghiên cứu, chúng ta chỉ dựa vào những phần còn mang giá trị nguyên thỉ, xứng đáng mà thôi.
Chúng ta đều biết, suốt 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Gia Định này, nhiều tư liệu lịch sử, trong đó có những câu đối, hoành phi trong các chùa... hiện đang bị mất mát, hoặc bị thay hình đổi dạng rất nhiều. Thực trạng này qua điều tra, thu thập trong bước đầu, chúng tôi có phân tích như sau:
Chùa là nơi luôn có người ở và gìn giữ. Tuy vậy, so với các đình miếu thì tư liệu chữ Hán trên các câu đối hoặc hoành phi tại các chùa lại:
a)- Mất mát nhiều hơn. Ở đây, chúng tôi muốn nói về số lượng chứ chưa nói về chất lượng.
b)- Thậm chí có những ngôi chùa rất cổ, lại bị mất trắng, không còn câu nào. Một trong những lý do bị mất mát, theo chỗ suy đoán của chúng tôi, không phải do bị trộm, mà chính vì do sửa chữa nhiều lần, mỗi lần sửa chữa thì chùa có vẻ mới hơn, rực rỡ hơn, nhưng những tấm gỗ có khắc câu đối lại bị bỏ rơi, thất thoát.
c)- Có nơi, người ta lại tự động viết thêm lên các vách những câu đối có tính hình thức, mà chữ viết thật nguệch ngoạc, nội dung tầm thường.
d)- Cũng có khi vì muốn làm mới câu đối, bằng cách cho phục chế câu đối cũ, người ta đã phục chế sai cả chánh tả chữ Hán.
e)- Ngoài ra, còn một số ngôi chùa được đưa từ miền Bắc vào trong thời gian vài chục năm gần đây thôi. Chúng tôi chưa dám kết luận gì về giá trị tư tưởng của những câu đối này, nhưng chúng tôi không thể đưa vào chung với những ngôi chùa cổ tại đất Gia Định.
f)- Có một vài ngôi chùa cổ, qua nhiều lần sửa chữa, tất cả các câu đối mất hết, thay vào đó, các vị sư trụ trì cho treo lẻ tẻ vài cặp câu đối, nội dung hay tuyệt vời, nhưng lại thuộc thuần túy dạy làm người theo tư tưởng Nho giáo. Theo lời của thầy trụ trì thì đây là do thầy nhặt được trong một dịp thăm nhà quen, thấy được hai cặp câu đối bị thất lạc nơi từ đường của một gia đình, thầy vội xin về treo phía hậu liêu chùa. Nếu thầy không xin và mang về chùa treo thì nó sẽ bị thất lạc. Thế là câu đối của từ đường lại được treo trong chùa. Ví dụ chùa Long Phú ở Biên Hòa (Đồng Nai).
g)- Nhưng cũng có trường hợp, câu đối liên của chùa, nhưng không biết vì sao bị thất lạc, người ta lại mang vào đình miếu, treo xen lẫn vào nhau với các câu đối ca tụng thần linh. Ví dụ tại đình An Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai).
II.- GIÁ TRỊ TƯ LIỆU
Tất cả tư liệu thuộc di sản chữ Hán còn lại tại hiện trường trong các chùa đều ở hình thức câu đối liên và hoành phi, toàn viết bằng chữ Hán.
a)- Giá trị hình thức cấu tạo theo luật âm dương bằng trắc
Hình thức câu đối liên được quy định một cách chặt chẽ về luật âm dương. Câu đối là kết tinh của phú. Dịch Quân Tả trong quyển Văn học sử Trung Quốc (GS Huỳnh Minh Đức dịch), đã định nghĩa: "Phú... giống với tản văn mà cũng khác với tản văn, giống với thi mà cũng khác với thi. Nó là một hỗn hợp giữa thi và văn. Nói theo danh từ hiện đại thì nó là loại tản văn mang tính chất thơ, hoặc nó là loại thơ có hình thức tản văn. Về mặt cú pháp, phú được viết theo những câu dài ngắn không đều nhau. Theo nghĩa cổ điển thì phú có nghĩa là trình bày việc gì đó một cách trực tiếp... Điểm đặc biệt của nó là "âm luật", nghĩa là chú trọng đến "vận".
Ông nói tiếp: "Sự hình thành của Hán phú hiển nhiên đã chịu ảnh hưởng của Kinh Thi lẫn Sở từ".
Dần dần, Hán phú chịu ảnh hưởng nặng nề của âm luật của biền văn thời Lưỡng Tấn Nam Bắc triều, cho ra lối văn đi từng cặp như biền văn. Văn tế và phú thí dụ điển hình của lối Đường phú. Về hình thức, thực chất bài văn tế gồm nhiều cặp biền văn hợp lại. Mỗi cặp có quy định âm luật và số chữ riêng. Nếu tách riêng từng cặp thì gọi là "cặp đối liên".
Có một điều khá thú vị là, căn cứ vào sự nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi có thể khẳng định rằng lối văn đối liên tuy đến đời Đường mới thành hình, nhưng về mặt ứng dụng để sáng tác thì :
* Trung Quốc chỉ ứng dụng để làm riêng từng cặp câu đối liên mà thôi.
* Việt Nam chúng ta chẳng những làm riêng từng cặp đối liên, mà còn dùng chúng ghép thành bài văn tế, phú...
Việt Nam ta có những bài văn tế hoặc phú làm bằng chữ Nôm rất nổi tiếng như : Hàn Nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ, bài Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát, bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Văn tế Trương Công Định của Nguyễn Đình Chiểu...
Dù gọi là phú hay văn tế thì hình thức cấu tạo đại thể cũng như nhau : không có câu riêng lẻ, mà chỉ cấu tạo thành từng cặp một. Trong phạm vi này, chúng ta không đi sâu vào phú hay văn tế. Phú và văn tế như chúng ta vừa kể trên ở Việt Nam ít thấy đề cập trong văn học sử Trung Quốc.
Văn tế Việt Nam được làm theo lối Đường phú.
Chúng ta thử phân tích về mặt cấu tạo hình thức các cặp đối liên:
1- Câu viết theo lối tứ tự : Mỗi vế độc lập gồm 4 chữ.
Ví dụ : (Văn tế Trương Công Định của Nguyễn Đình Chiểu)
................tứ tự................ /................tứ tự................
Giặc cỏ bò lan / Tướng quân mắc nạn
vần bằng vần trắc
2- Câu viết theo lối bát tự : Mỗi vế độc lập gồm 8 chữ.
................bát tự ................/................bát tự................
Ví dụ : (Văn tế Trương Công Định của Nguyễn Đình Chiểu)
Tiền vàng ơn chúa, trót đã rỡ ràng/ Yên bạc mưu binh, nào còn trễ nãi
vần bằng vần trắc
3- Câu viết theo lối song quan (hai cánh cửa) : Mỗi vế có từ 5 chữ đến 9 chữ.
................song quan................/ ................song quan................
Ví dụ : (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu)
Mười tám ban võ nghệ nào đợi tập rèn/ Chín chục trận binh thư không chờ bày bôë
vần bằng vần trắc
4- Câu viết theo lối cách cú : Mỗi câu gồm 2 vế, một dài một ngắn.
................a................/ ................b................
................a'................/ ................b'................
Vế a đối với vế a' qua sự cách ngăn của b, hoặc b đối với b' phải qua sự cách ngăn của a'.
Ví dụ : (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu)
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan
vần trắc vần bằng
Ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ
vần bằng vần trắc
5- Câu viết theo lối hạc tất (gối hạc) : Mỗi câu gồm 3 vế.
................a................/ ................b................/ ................c................
................a'................/ ................b'................/ ................c'................
a đối với a' b đối với b' c đối với c'
Ví dụ : (Văn tế dân Lục tỉnh của Nguyễn Đình Chiểu)
Tiếc non nước ấy nhân dân dường ấy gây sự này nào thấy phép tẩy oan vần trắc vần trắc vần bằng
Biết cha mẹ đâu tộc loại ở đâu chạnh tình đó mới ra ơn điều khuất vần bằng vần bằng vần trắc
Điểm lại thì tất cả các câu đối liên trong tất cả các chùa, trong phạm vi nói riêng và có lẽ ở khắp nơi trên nước Việt Nam, khi làm câu đối đều phải tuân thủ tuyệt đối các luật đối và luật bằng trắc như chúng tôi đã trình bày trên. Chỉ có điều là tùy theo trình độ của tác giả cao hay thấp mà các chữ đối có chỉnh hay không mà thôi.
* Cấu tạo đối theo luật hư và thực :
Ví dụ : trắng lốp đối với đen sì (tính từ đối với tính tưâ, đối đúng và hay)
ăn gan đối với cắn côí (danh từ đối với danh tưâ, đối đúng và hay)
Ngày xưa các cụ thường gọi là hư phải đối với hư, thực phải đối với thực.
III.- KẾT LUẬN
Quá trình hoằng dương Phật pháp là trách nhiệm của cộng đồng Phật giáo (PG). Chùa (tự) là trụ sở vừa là nơi để tu hành và đồng thời cũng là nơi thuyết pháp để hoằng dương Phật pháp. Vấn đề dùng kinh kệ để thuyết pháp là vấn đề khác. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến hình thức dùng những cặp đối liên để hoằng dương Phật pháp.
Như chúng ta đã biết, hình thức câu đối rất ngắn, gọn, không dài dòng lê thê như văn xuôi, như thi ca, như bài minh, bài kệ. Cho nên, khi dùng câu đối liên thì phải cô đọng tối đa tư tưởng muốn phát biểu vào trong phạm vi hai câu, vừa ngắn, vừa phải tuân thủ một cách nghiêm khắc của luật bằng trắc.
Tuy nhiên, chúng ta phải hãnh diện về vấn đề này, vì, nếu so ra với các chùa thuộc các quốc gia quanh ta như Campuchia, Lào, Thái Lan... thì các chùa này xây cất chắc chắn hơn, trang trí thếp vàng rực rỡ hơn, nhưng bên trong tuyệt không có chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa dĩ nhiên là những chứng tích cao cấp của văn minh, văn hóa.
Chúng tôi có những đề nghị như sau:
1- Từ nay nếu có sửa chữa chùa, xin cố gắng giữ lại tất cả những cặp đối liên và các bức hoành phi vốn vô cùng quý giá trong các ngôi chùa cổ.
2- Nâng cao thật sự trình độ Hán văn thuộc kinh điển PG và Nho giáo cho các tu sĩ trẻ đang có trọng trách hoằng dương Phật pháp cho tương lai.
3- Phải có một kế hoạch, một chương trình, dịch kinh điển PG sang Việt văn thật khoa học, chú giải rõ ràng, Hán-Việt đối chiếu... Những kinh sách Phật đã dịch hiện nay, chưa đạt đến tầm cao.
4- Phải lập một ủy ban thu tập, điều tra tình trạng còn hay mất tất cả các câu đối, hoành phi trong các chùa thuộc phạm vi đất Nam Kỳ.
5- Thu tập xong, phải có một ủy ban phân loại, dịch giải, xiển dương tư tưởng Phật giáo còn tiềm ẩn trong những mảnh gỗ vô tri treo trên các hàng cột của các chùa.
Xong, mong các vị tu sĩ trong mỗi chùa, tối thiểu phải thông hiểu những gì mà chùa mình đang cất giữ (nếu có), đang treo trên vách. Nói khác đi, đã đến lúc chúng ta phải học và biết rõ những vị đại sư các thế hệ trước đã muốn nói gì với con cháu hiện nay qua các câu đối đó? Hay là các câu đối đó chỉ treo cho đẹp mà thôi? Tôi nghĩ các câu đối trong chùa cũng là một cách hoằng pháp tuyệt vời chứ không chỉ treo cho đẹp mà con cháu cứ vứt bỏ.
Những nhận xét về hiện trạng của các câu đối liên như đã nói trên, tôi cũng chỉ mong tìm hiểu lại một hình thức hoằng pháp của cổ nhân mà thôi.
Biết đâu khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của những câu đối liên và hoành phi trên một cách rõ ràng thì nội thất của ngôi chùa lại chẳng sáng hẳn lên?
Hy vọng trong một ngày rất gần đây, tôi sẽ lần lượt cho ra những tác phẩm liên quan đến vấn đề trên trong các chùa, đình miếu và từ đường tại đất Gia Định từ 300 năm nay.
TP Hồ Chí Minh, Mạnh hạ, cát nhật, tháng 5-1998
Gửi ý kiến của bạn