- Lời nói đầu
- Phần I: Hội Thảo Khoa Học
- Phần II: Lịch Sử Truyền Thừa
- Phần III: Những Ngôi Chùa Cổ Phật Giáo Gia Định
- Phần IV - Các Phong Trào Phật Giáo
- Phần V - Văn Hóa - Giáo Dục Phật Giáo
- Phần VI - Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa
- Phần VII - Các Vị Cao Tăng Trong Cuộc Vận Động Chấn Hưng PHẬT GIÁO
- Phần VIII - Phụ Lục - Nhớ chùa Khải Tường
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn
Sự Tu Học Của Tăng Sĩ PG Trong Suốt 300 Năm Hình Thành Và Phát Triển TP Sài Gòn
Thích Huệ Quang
Nguồn: Thích Huệ Quang
Nguồn: Thích Huệ Quang
Thành phố Sài gòn được thành lập đến nay đã 300 năm, Phật giáo cũng có mặt tại thành phố này bằng tuổi của thành phố.
Nói như thế không có nghĩa là Phật giáo chính thức được thành lập cùng năm tháng với thành phố. Theo dấu chân hoằng hóa của các Thiền sư ở các vùng Đồng Nai-Gia Định, từ đầu thế kỷ XVII, các Tăng sĩ đã theo các di dân từ Đàng Ngoài cùng một số ít người Hoa vào Đồng Nai-Gia Định lập nghiệp. Sự hiện diện của các Thiền sư là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các di dân nơi đất lạ quê người.
Đầu tiên có thể kể đến Hòa thượng Chuyết Công (tức Thiền sư Viên Văn-Chuyết Chuyết) và một số đệ tử, trong đó nổi tiếng nhất là Thiền sư Minh Hành-Tại Tại, có lẽ hoằng hóa ở vùng Sài Gòn từ năm 1630. Khoảng năm 1692-1695, sau những biến cố chính trị và các cuộc nổi loạn của A Ban, Chưởng Cơ, Nguyễn Phước Thông, Nguyễn Phước Huệ, Quảng Phú và Linh Vương ở miền Trung, Tổ sư Nguyên Thiều vào lập chùa Kim Cang ở Đồng Nai, Thiền sư Thành Đẳng-Minh Lượng vào lập chùa Đại Giác ở Đại Phố, Biên Hòa. Các Thiền sư đã đào tạo được nhiều đệ tử nổi danh như Minh Vật-Nhất Tri, Minh Giác-Kỳ Phương, Thành Nhạc-Ẩn Sơn..., mở rộng phạm vi hoằng hóa xuống vùng Gia Định và các tỉnh Nam Bộ. Như vậy, khi thành phố Sài Gòn được chính thức thành lập, Phật giáo đã thực sự hiện diện tại đây, tuy chưa thành hình rõ nét, nhưng hình ảnh của các Thiền sư thể hiện tinh thần lợi tha quảng bác, an ủi vỗ về, giúp đỡ tinh thần và những nghi lễ tôn giáo cho những di dân mới đến lập nghiệp giữa vùng rừng thiêng nước độc, nổi tiếng với cọp beo, cá sấu và ma quỷ thần linh.
Năm 1734, chúa Nguyễn Phước Khoát chính thức xưng vương. Võ vương với đạo hiệu Từ Tế Đạo Nhân là người có tinh thần Phật giáo rất lớn. Ông phát động phong trào di dân từ miền Trung vào Đồng Nai-Sài Gòn, khiến dân số vùng này ngày một đông thêm, Phật giáo cũng theo đó mà phát triển mạnh mẽ.
Những ngôi chùa đầu tiên ở thành phố Sài Gòn, có thể kể đến chùa Từ Ân và chùa Khải Tường, do Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc khai sơn vào năm 1744, tức nằm trong công viên Tao Đàn ngày nay. Chùa Giác Lâm do cư sĩ Lý Thoại Long sáng lập vào năm 1744, tức là chùa ở đường Lạc Long Quân ngày nay, chùa Thiên Trường do Thiền sư Pháp Nhân khai sơn vào năm 1755, ở gần Cầu Kho ngày nay, chùa Kim Chương (tức hiện nay là chùa Lâm Tế ở quận 1) do Thiền sư Đạt Bổn khai sơn vào năm 1756. Ngoài ra còn có một số chùa nổi tiếng như Sắc tứ Tập Phước tự ở Bình Thạnh, chùa Long Nhiễu, chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức, chùa Hội Sơn, chùa Phụng Sơn, chùa Mai Sơn, chùa Phước Kiến, chùa Trường Thọ v.v... Như vậy, cuối thế kỷ 18, thành phố Sài Gòn đã có nhiều ngôi chùa lớn, chứng tỏ tu sĩ đã khá đông đảo và Phật giáo đã đi vào tổ chức đàng hoàng.
TÌNH HÌNH TU HỌC CỦA CHƯ TĂNG CUỐI THẾ KỶ XVIII
Như chúng ta đã biết, thời đại hoàng kim của Phật giáo Việt Nam là đời Trần, văn hóa Phật giáo phát triển rực rỡ và toàn diện. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc khắc in Đại tạng kinh Việt Nam do Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ 2 của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử chủ trì. Trong lần khắc in này, Đại tạng kinh có khoảng hơn 5.000 quyển, trong đó có một số tác phẩm của chư Tổ Việt Nam và của Phật giáo đời Trần. Tiếc thay! Khi nhà Minh sang xâm lược nước ta, tướng Trương Phụ đã mang toàn bộ kinh sách ấy về Kim Lăng thiêu hủy hết.
Như vậy, trải qua các triều đại Lê Mạc, Tây Sơn, Trịnh-Nguyễn phân tranh, kinh sách Phật giáo ở Việt Nam chỉ còn lại một số ít lưu truyền trong các ngôi cổ tự, một phần do chư Tổ thỉnh từ Trung Quốc sang. Khi các Thiền sư vào hoằng hóa ở các vùng Đồng Nai-Gia Định, chắc chắn việc thỉnh kinh sách từ miền Trung vào là vô cùng hiếm hoi. Từ đó chúng ta có thể suy định, việc tu học của chư Tăng thời bấy giờ hoàn toàn là do thầy truyền cho trò, kiến giải Phật pháp căn cứ vào sự tu chứng. Tuy không có nhiều kinh sách để tham học, nhưng hình ảnh vị Tăng sĩ trong thời gian này cũng chứng tỏ là những người học rộng hiểu nhiều nhất trong tầng lớp xã hội đương thời,
Về việc tổ chức tu học của chư Tăng thời bấy giờ, giữa các chùa viện với nhau có một mối quan hệ rất mật thiết. Năm 1772, bổn đạo chùa Giác Lâm đã đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Phật Ý-Linh Nhạc bổ nhiệm Tăng sĩ và trụ trì chùa Giác Lâm. Hòa thượng cử đệ tử là Tổ Tông-Viên Quang đến đảm nhiệm chức vụ này. Thiền sư Viên Quang là một vị Tăng sĩ có tài đức kiêm toàn. Sư lấy chùa Giác Lâm làm nơi đào tạo các Tăng sĩ trẻ ở Gia Định, tổ chức gần giống như một Phật học viện ngày nay. Chùa đài thọ mọi chi phí cho Tăng sinh trong khoảng thời gian tu học ở đây, học tăng khoảng trên 50 người. Rất tiếc là không còn tài liệu nào ghi chép việc tổ chức và chương trình giảng dạy thời đó ra sao. Nhưng điều chắc chắn là đào tạo được một số danh tăng nổi tiếng như Tiên Giác-Hải Tịnh, Minh Vi-Mật Hạnh... Các học tăng thời bấy giờ có lẽ không chỉ thuộc phạm vi Sài Gòn ngày nay, mà có thể là từ Đồng Nai, hoặc các địa phương thuộc thành Gia Định (gồm cả 6 tỉnh Nam Kỳ sau này) cũng đến cư ngụ tham học. Thiền sư Viên Quang là người uyên thâm cả Nho học lẫn Phật học. Thuở nhỏ Sư thường cùng Trịnh Hoài Đức đến chùa Đại Giác ở Đại Phố, Đồng Nai để lễ sám. Sau, Sư xuất gia, Trịnh Hoài Đức theo Nho học, được thăng tiến đến chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ, tước An Toàn Hầu. Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có chép bài thơ của ông tặng Thiền sư Viên Quang nhân gặp Sư tại một dịp lễ ở chùa Tập Phước (xã Bình Hòa - Gia Định, thuộc quận Bình Thạnh ngày nay). Bài thơ ngũ ngôn đặc sắc này thể hiện trình độ thâm hiểu Phật pháp của một Hiệp Tổng Trấn thành Gia Định, tài đức của Thiền sư Viên Quang và tình hình Phật giáo trước đó:
Nhớ xưa thuở thái bình
Đất Đồng Nai thạnh mỹ
Đạo Phật được hưng sùng
Nhà ngoại thêm phú quý
Ta đồng tử đốt hương
Sư giới hạnh tu hành
Bên ngoài chia đạo đời
Bên trong đồng tâm chí
Loạn lạc phải xa nhau
Thế giới thành ngạ quỷ
Ta trôi nổi vào ra
Bọt bèo biển sanh tử
Mới đó bốn mươi năm
Chớp nhoáng chuyện thế sự
Nay bỗng nhiên nhàn hành
Nơi Thiền môn gặp gỡ
Ta Hiệp Biện Trấn công
Sư cao tăng Thượng sĩ
Nhìn xưa như giấc mộng
Tâm cùng tâm tương nghị
Chuyện xưa nói sao cùng
Đạo lớn vốn "Như thị".
(Bản dịch của Nguyễn Lang - VNPGSL, tập 2)
PHẬT GIÁO SÀI GÒN VÀO THẾ KỶ XIX
Tiếp nối sự nghiệp mở mang của các tiền bối đi trước, Phật giáo thành phố Sài Gòn vào thế kỷ XIX thực sự đã chiếm một vị trí quan trọng, tạo ảnh hưởng tất yếu trong lòng quần chúng và là một đề tài không thể thiếu trong việc nghiên cứu lịch sử phát triển văn hóa của thành phố trẻ trung này.
Ngoài một số Tăng sĩ được đào tạo tại học đường Giác Lâm vào cuối thế kỷ trước, các cao tăng của miền Trung cũng vào khai sơn tạo tự và hoằng hóa ở Sài Gòn rất nhiều. Thiền sư Tiên Giác-Hải Tịnh, trụ trì chùa Từ Ân, từng được Tả quân Lê Văn Duyệt dâng sớ tâu vua Minh Mạng sắc ban Sư ra làm Tăng cang chùa Thiên Mụ ở Huế. Sau được vua Thiệu Trị thể theo biểu tấu của các đại thần phê duyệt cho Tăng cang Hải Tịnh về trụ trì chùa Giác Lâm. Năm 1844, Sư mở trường Hương ở chùa Giác Lâm cho chư Tăng ở miền Nam trú học, thỉnh Hòa thượng Phổ Nguyện làm Pháp sư kiêm Thiền chủ, Yết ma Từ Cang ở chùa Trúc Lâm làm Thủ tọa. Năm 1849, Tăng cang Hải Tịnh được suy tôn làm Hòa thượng Đường đầu trong giới đàn ở chùa Giác Lâm. Năm 1864, Hòa thượng Chánh Trực ở chùa Khải Tường cũng mở giới đàn truyền giới. Đây có thể là những giới đàn đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn.
Vào giữa thế kỷ XIX, trong nghi lễ Phật giáo ở Nam Kỳ xuất hiện phong trào ứng phú. Qua kinh nghiệm giảng dạy các lớp Phật học và hoằng dương Phật pháp từ thành Gia Định đến kinh đô Huế, Thiền sư Hải Tịnh nhận thấy nghi lễ là một hình thức tôn giáo có khả năng hoằng dương rất hiệu quả. Khoa ứng phú có thể giúp Phật pháp truyền bá rộng rãi, nhờ chư Tăng đến nhà của tín đồ làm lễ, tạo nhân duyên cho những người ở các địa phương có dịp nghe được kinh điển, phát tâm theo đạo Phật.
Năm 1850, Quan Âm các được trùng tu lại thành chùa Giác Viên (cạnh khuôn viên Đầm Sen ngày nay), trở thành trung tâm ứng phú của lục tỉnh Nam Kỳ. Thiền sư Hải Tịnh có triệu tập một cuộc đại hội của chư Tăng để phổ biến chủ trương "Bảo vệ và phát huy tinh hoa của khoa ứng phú theo đúng với đạo Phật cổ truyền". Chùa Giác Viên được Tăng tục quy tụ đông đảo, tài chánh dồi dào, hỗ trợ đắc lực về mặt đời sống cho chư Tăng tu học tại chùa Giác Lâm. Tiếc rằng sau khi quân Pháp đánh chiếm vào Gia Định, chư Tăng hai chùa sơ tán, tinh thần ứng phú không còn là nét đẹp của Phật giáo nữa. Một số Tăng sĩ chuyên đi làm thầy cúng, lấy việc ứng phú làm kế sinh nhai.
Cuối thế kỷ XIX, Phật giáo Sài Gòn nổi tiếng với các danh tăng như Minh Vi-Mật Hạnh (1828-1898), Minh Khiêm-Hoằng Ân (1850-1914), Như Phòng-Hoằng Nghĩa (?-1929)... Đây là thời gian mà các Thiền sư chú trọng nhiều đến việc tạo điều kiện học Phật cho chư Tăng hơn. Khoa ứng phú không còn là cách hoằng dương hữu hiệu đúng theo tinh thần của chánh pháp, nên các Ngài hướng dẫn chư Tăng vừa học Phật vừa đi sâu vào hành trì theo chủ trương "Thiền Giáo song hành" mà chư Tổ truyền dạy. Năm 1889, Tỳ kheo Huệ Lưu ở chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức ngày nay) biên soạn lại sách Tỳ Ni Nhật Dụng và Quy Sơn Cảnh Sách thành Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách (gọi tắt là Trường Hàng luật). Thiền sư Minh Khiêm-Hoằng Ân trụ trì hai chùa Giác Lâm và Giác Viên chú giải và khắc bản in vào năm 1894, các bản gỗ ấy hiện nay vẫn còn lại một số tại chùa Giác Viên. Việc biên soạn và chú giải Trường Hàng luật cho thấy chư Tăng thời bấy giờ muốn đặt định lại đời sống thực sự của một Tăng sĩ, lấy giới luật làm thầy, tinh tu thiền định, phát triển huệ học. Một số tác phẩm cũng được soạn thuật cho thấy khuynh hướng chú trọng giới luật và sự truyền thừa mạng mạch của Phật giáo, như Tông phái sự tích của Thiền sư Hải Tịnh soạn, Sự tích Giới đàn luận của Giáo thọ Quảng Thạnh ghi. Một số thi kệ cũng nói lên điều đó, như Bài kệ thi giới ở chùa Sùng Phước (1870), Bài kệ công khóa cho hàng xuất gia do Yết ma Phước Chí ở chùa Đức Lâm khắc bản in. Ngoài ra, ngài Minh Khiêm-Hoằng Ân còn cho khắc bản in Tống Đàn Tăng diễn nôm, thơ nôm Hứa Sử Vãn truyện (1880), Nhân quả thực lục toàn bản, Lăng Nghiêm kinh tán, Thí thực khoa (1898) v.v... Tuy nhiên, so với rừng kinh điển Phật giáo, kinh sách tại Sài Gòn thời bấy giờ còn quá ít ỏi. Ngoài những trí tuệ đạt được nhờ sự tu chứng, tư tưởng của Tăng sĩ đương thời còn bị hạn chế rất nhiều. Một số vị giỏi Hán học phải lặn lội ra miền Trung, miền Bắc để tham học. Một số thơ Nôm được sáng tác để đáp ứng nhu cầu học Phật sơ đẳng của giới bình dân không đủ để chư Tăng đi sâu vào Kinh điển. Các giáo lý như nhân quả báo ứng, nghiệp chướng luân hồi... trở thành giáo lý nòng cốt được truyền tụng trong các thơ vè lục bát bằng văn Nôm. Dưới sự giám sát của chính quyền Pháp thuộc và chủ trương Âu hóa của giới tân học, Phật giáo bị xem như yếm thế, tiêu cực, tình trạng tưởng chừng ngày một xấu đi.
PHẬT GIÁO SÀI GÒN ĐẦU THẾ KỶ XX
Nhờ ảnh hưởng công cuộc chấn hưng Phật giáo của Thái Hư Đại sư ở Trung Quốc, đầu thế kỷ XX, Phật giáo ở Việt Nam cũng có một sự chuyển biến đáng kể. Một số vị trưởng lão ở thế kỷ trước hiện còn làm giềng mối cho Tăng đoàn, miền Bắc có Tổ Bồ Đề-Nguyên Biểu, miền Trung có Tổ Vĩnh Gia, ở Sài Gòn có các vị Minh Khiêm-Hoằng Ân, Như Phòng-Hoằng Nghĩa v.v..., hàng hậu tấn có các danh tăng giỏi cả Hán học và Tây học, uy thế của Phật giáo đối với triều đình cũng rất lớn, trong đó có Quốc sư Phước Huệ từng được các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định mời vào cung thuyết pháp. Ngoài ra còn có một số danh tăng rất quan tâm đến việc chấn hưng Phật giáo, đem giáo lý Từ Bi phổ cập trong quần chúng trên tinh thần khế lý khế cơ của nhà Phật, nổi tiếng như các Hòa thượng Giác Tiên (1880-1936), Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947), Hòa thượng Chánh Thành chùa Vạn An (1872-1949), Hòa thượng Huệ Quang (1888-1956), Hòa thượng Khánh Anh (1895-1961)... Một hàng ngũ danh tăng đầy tinh thần thiết tha với đạo pháp như thế, đủ cho ta thấy Phật giáo đầu thế kỷ XX ở Việt Nam có mầm chuyển biến như thế nào.
Riêng ở Sài Gòn, hai chùa Giác Lâm và Giác Viên vẫn là chiếc nôi của Phật giáo thành phố. Một số ngôi chùa lớn khác cũng được sáng lập hầu đáp ứng cho nhu cầu học Phật của tín đồ. Vào thời kỳ này, tu sĩ ở Sài Gòn đã khá đông đảo. Trong tác phẩm "Sài Gòn năm xưa" (1960) của Vương Hồng Sển có đoạn viết: "Ngày làm lễ nhập tháp của Thiền sư Như Phòng-Hoằng Nghĩa ở gần chùa Giác Viên (23-12-1929) có trên 1.000 vị Tăng đến dự". Con số này đủ cho ta thấy lực lượng Tăng Ni ở thành phố trước giai đoạn chấn hưng Phật giáo đông đảo như thế nào.
Nhu cầu học Phật nhiều như thế, còn điều kiện tu học thì thế nào? Đương thời, ngoài một số thư tịch chữ Hán, chữ Nôm vẫn còn sử dụng như một thứ quốc ngữ phổ biến khi ngôn ngữ La-tinh chưa phổ cập được trong mọi giai tầng. Bấy giờ tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi, nhưng thư tịch tiếng Pháp về Phật học thì hoàn toàn chưa có. Chư Tăng phần nhiều học Phật bằng chính chữ Hán, một vài kinh điển được diễn Nôm, nhưng chưa phải là cách tốt nhất để nghiên cứu Phật điển sâu sắc được. Năm 1912, Hòa thượng Như Nhãn-Từ Phong, trụ trì chùa Giác Hải (gần cầu Phú Lâm ngày nay) diễn Nôm bộ Quy nguyên trực chỉ, một số áng thơ Nôm cũng chuyển tải giáo lý nhà Phật, nhưng chỉ mang tính chất cơ bản, sơ sài. Các trường gia giáo vẫn được duy trì, nhưng chưa có tính đại trà. Vì thế, một vị Tăng muốn đến học tại một trường gia giáo, có khi phải đi bộ hàng 20 cây số để đến nghe một đoạn kinh. Cái cảnh thức khuya, dậy sớm từ 2 giờ sáng, gói cơm mang nước đi bộ đến trường học trở thành chuyện thường ngày của Tăng sĩ Sài Gòn đầu thập niên 20, 30.
Kinh sách đương thời vốn dĩ hiếm hoi, muốn tra cứu một từ ngữ chuyên môn trong Phật học, chư Tăng phải tìm đến các bộ sách Trung Quốc, như Đại Minh Tam Tạng Pháp Số Mục Lục, hoặc các ngoại thư như Từ Hải, Khang Hy Tự Điển. Trong các tự viện, kinh điển vỏn vẹn được vài bộ Kim Cang, Pháp Hoa, Địa Tạng, Di Đà... hoặc được các Thiền sư Trung Hoa thỉnh sang, hoặc được chép tay truyền tụng. Muốn khắc in một bộ kinh như kinh Pháp Hoa, mỗi trang là một bản gỗ to như cánh cửa, phải thực hiện nhiều năm với một kinh phí rất lớn mới hoàn thành được. Bản gỗ khắc xong là chất hàng kho, giấy má lại thiếu thốn, phương tiện giao thông khó khăn, nếu không có một công cuộc đổi mới, Phật giáo dễ bị trệ ngại, hạn chế trong một số chùa viện ở trung tâm, hình ảnh vị sư dễ trở thành một ông từ giữ chùa hay chuyên việc ứng phú. Thiền môn dễ trở thành nơi ru ngủ cho một số sĩ phu bất đắc chí, những kẻ chán đời, nương câu kệ lời kinh nơi cửa Phật cho tiêu ngày đoạn tháng, trốn tránh bể khổ hồng trần đầy phiền muộn cam go. Chính một số tác phẩm văn học đương thời đã nói lên điều đó, như Chuyện tình Lan và Điệp, Phong nho, Hồn bướm mơ tiên v.v... Trong bối cảnh duy tân đầy tiến bộ, mầm nụ đã ươm sẵn từ lâu, chỉ chờ ngày trỗi dậy.
CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO (1930-1945)
Phật giáo Sài Gòn nằm trong sự chuyển biến chung của toàn quốc, vì thế muốn tìm hiểu sự phát triển của Phật giáo Sài Gòn, không thể không nói đến công cuộc chấn hưng của Phật giáo Việt Nam.
Như trên chúng tôi đã trình bày về tình hình Phật giáo đầu thế kỷ XX, tuy không có một khuôn mặt sáng sủa, nhưng những yếu tố căn bản đã đủ sức làm nền tảng cho một cuộc chấn hưng.
Phong trào chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ là một phong trào có tính quốc tế, được khởi xướng đầu tiên ở Ấn Độ bởi cư sĩ David Hewavitarante, người Tích Lan, sau này xuất gia thành Đại đức Dharmapada. Được sự hỗ trợ và khuyến khích của thi sĩ người Anh là Edwin Arnold, tác giả The Light of Asia, Dharmapada thành lập hội Mahabodhi Society, xuất bản tạp chí Phật học, giai cấp hạ tiện ở Ấn Độ nhờ đó theo Phật rất đông. Ngày 14-10-1956, năm ngàn người đã làm lễ quy y trong một lần.
Năm 1908, chính Dharmapada là người vận động cư sĩ Dương Nhân Sơn thành lập tinh xá Kỳ Hoàn ở Trung Hoa. Năm 1912, Thái Hư Đại sư lập Phật học viện Vũ Xương và nhiều hiệp hội khác như Phật giáo Hợp tiến, Phật giáo Tổng hội, Phật giáo Liên hiệp, Phật giáo Cư Sĩ Lâm v.v... Năm 1918, tạp chí Giác Xã ra đời ở Trung Hoa và sau đó biến thành nguyệt san Hải Triều Âm. Đây là một cơ quan ngôn luận có ảnh hưởng đến công cuộc phục hưng ở Việt Nam. Trong lúc đó, ở các nước Myanmar, Sri Lanka, Nhật Bản cũng có nhiều chuyển biến. Nhờ một số học giả có khuynh hướng Tây học đã khám phá ra tư tưởng siêu việt của Phật giáo, nên quay về nghiên cứu Phật giáo với một phương pháp khoa học. Niềm tin Phật giáo của các nước Á Đông sống dậy với tất cả lòng nhiệt tình cố hữu, tạo tiền đề cho Phật giáo Việt Nam.
Người đầu tiên vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam phải nói là Hòa thượng Khánh Hòa, nhân ngày giỗ tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh vào ngày 19-9 (âm lịch) năm 1923, sư vận động chư vị tôn túc khắp các tỉnh miền Tây họp bàn. Kết quả là Hội Lục hòa Liên hiệp ra đời. Hòa thượng Khánh Hòa đã lặn lội ra miền Trung vận động chấn hưng, cùng Sư Thiện Chiếu ở miền Bắc, sau mấy năm nhưng vẫn không có một kết quả khả quan. Thấy rõ chưa thể thành lập một hội Phật giáo chung cho cả ba miền, Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Quang cùng với các vị Thiện Niệm, Từ Nhãn, Chơn Huệ và một số cư sĩ có Tây học như Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Cần, Trần Nguyên Chấn v.v... tổ chức một Thích học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn, đường Doaumont, Sài Gòn, vào năm 1928. Đến năm 1930, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời, lấy chùa Linh Sơn, Sài Gòn (tức ở đường Cô Giang, quận 1 ngày nay) làm trụ sở. Hội do Thiền sư Như Nhãn-Từ Phong (trụ trì chùa Giác Hải, Phú Lâm) làm Hội trưởng. Hội cho xuất bản tạp chí Từ Bi Âm do Hòa thượng Khánh Hòa chủ nhiệm, ra mắt số đầu tiên vào ngày 1-3-1932.
Như vậy, Sài Gòn là một thành phố sinh sau đẻ muộn so với các tỉnh có nền văn hóa lâu đời ở miền Trung và miền Bắc, nhưng lại là một trung tâm đầu tiên đặt cơ sở chấn hưng Phật giáo. Sau đó, miền Trung mới thành lập Hội An Nam Phật học, đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm, do Hòa thượng Giác Tiên chủ trì cùng với sự cộng tác của các cư sĩ Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân v.v... Tạp chí Viên Âm do Bác sĩ Lê Đình Thám chủ biên ra mắt số đầu tiên vào ngày 1-12-1933. Đến lượt miền Bắc, các danh tăng Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm Bảo ở Hà Đông thấy Nam và Trung đã lập hội, liền ra Hà Nội cùng phối hợp với các ông Lê Dư, Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ v.v... thành lập hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hội thành lập vào năm 1934, lấy chùa Quán Sứ ở đường Richard (tức phố Quán Sứ ngày nay) làm trụ sở, suy tôn Hòa thượng Thanh Hanh làm Thiền gia pháp chủ, Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Hội xuất bản tập kỷ yếu số 1 vào ngày 1-5-1935, ít lâu sau xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ.
Ba Hội Phật giáo đầu tiên được thành lập ở ba miền, tiếp theo còn có nhiều hội nữa được thành lập, hội nào cũng có tạp chí xuất bản riêng, các chi hội cũng lần lượt được thành lập ở các tỉnh. Tuy ra đời sớm, nhưng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hoạt động không hiệu quả lắm do một vài yếu tố nhân sự. Hội thỉnh được Đại tạng kinh và Tục tạng kinh từ Trung Quốc về chùa Linh Sơn để làm tư liệu học Phật, xây dựng được một số trường ốc, nhưng không thực sự tiến hành giảng dạy Phật học như ở Hội An Nam Phật học tại miền Trung, đó cũng là lý do Hội Lưỡng Xuyên Phật học ra đời ở Nam Bộ.
PHẬT GIÁO SÀI GÒN TỪ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM ĐẾN NAY
Sau sự cáo chung của chế độ phong kiến, thế lực chống đối Phật giáo của một số phần tử hủ nho đã không còn nữa, lại thêm một luồng gió mới từ Tây phương thổi sang, văn hóa, học thuật hoàn toàn lột xác. Sài Gòn bấy giờ được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông", tinh ba văn hóa quy tụ về thành phố như nước chảy về chỗ trũng. Phật giáo cũng theo đó mà khoác một khuôn mặt mới, rạng rỡ hơn, tươi đẹp hơn - và tất nhiên - cũng chịu nhiều sóng gió hơn.Nói tiếp truyềnthống của các Phật học đường ngày xưa, năm 1947, Liên Hải Phật học đường được mở tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Đông, Gia Định, do Thượng tọa Trí Tịnh lãnh đạo. Phật học đường này có chương trình dạy từ Sơ đẳng đến Cao đẳng. Năm đầu, lớp cao nhất là Sơ đẳng 3 quy tụ 70 học tăng. Năm 1948, một Phật học đường cấp tiểu học ra đời lấy tên là Mai Sơn, đặt tại chùa Mai Sơn thuộc huyện Bình Chánh ngày nay. Trường này quy tụ khoảng hơn 50 học tăng, do Thượng tọa Huyền Dung lãnh đạo. Năm 1949, một Phật học đường khác ở cấp tiểu học ra đời đặt tại Vườn Lài lấy tên là Phật học đường Ứng Quang do Thượng tọa Trí Hữu phụ trách. Đây là tiền thân của chùa Ấn Quang hiện nay.
Năm 1950, Phật học đường Nam Việt được tổ chức tại chùa Ấn Quang sau khi kết hợp các Phật học đường Liên Hải, Sùng Đức và Ứng Quang. Năm 1953, Phật học đường Phật Quang ở Trà Ôn cũng gia nhập vào Phật học đường Nam Việt. Hòa thượng Thích Thiện Hòa, người xuất thân từ Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, một vị phạm tăng đức độ cao dày, ôn hòa độ lượng, sau bao năm tháng tham học khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, Hòa thượng đã về chủ trì tại chùa Ấn Quang lịch sử này. Với sự cộng tác của một số danh tăng khắp hai miền Nam -Trung, các lớp Phật học được đào tạo theo một chương trình mới, hiệu quả và quy mô hơn.
Sự kiện lớn thứ hai là sự ra đời của Giáo hội Tăng già Nam Việt vào ngày 8-3-1953, đại chúng suy tôn Hòa thượng Huệ Quang làm Pháp chủ chính thức. Năm 1956, Ni bộ cũng được thành lập, Ni chúng xuất gia nhiều vô kể. Hai ni trường lớn là Từ Nghiêm và Dược Sư cũng được khai giảng theo chương trình của Giáo hội đề ra. Từ năm 1956 trở đi, với sự hướng dẫn của Thượng tọa Nhất Hạnh, chương trình giáo dục mới được áp dụng tại Phật học đường Nam Việt. Các học tăng sau khi tốt nghiệp Trung đẳng Phật học đã có một kiến thức phổ thông tương đương với trình độ tú tài. Sau đó, song song với việc học Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt, nhiều học tăng ghi tên học Đại học Sư phạm hoặc Đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau khi có bằng Cử nhân Văn khoa hoặc Sư phạm, các vị này về mở các trường tư thục Bồ Đề, như một hình thức giáo dục mang sắc thái Phật giáo. Ngoài ra có những vị xuất ngoại để tiếp tục theo Phật học hay các ngành triết học, xã hội học...
Ngoài Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, tại Sài Gòn còn có Phật học đường Giác Nguyên ở Khánh Hội do Hòa thượng Hành Trụ chủ trì, Phật học đường Giác Sanh do Hòa thượng Thiện Thành chủ trì, Phật học viện Huệ Nghiêm do ba Hòa thượng Bửu Huệ, Thanh Từ và Thiền Tâm chủ trì, cùng một số Phật học đường ở cấp nhỏ hơn. Phật học viện Huệ Nghiêm quy tụ đến 350 Tăng sinh ở khắp miền Nam, sau biến thành Cao đẳng Phật học viện, đào tạo rất nhiều Tăng tài phụng sự Phật pháp đến ngày nay.
Kể từ khi Phật giáo Việt Nam được chính thức làm hội viên Hội Phật giáo Quốc tế (1950) đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập (1963), vỏn vẹn chỉ có 14 năm so với 250 năm thành lập thành phố, nhưng sự phát triển về văn hóa Phật giáo có thể nói là quá lớn lao. Viện Đại học Vạn Hạnh ra đời dưới sự đảm trách của Hòa thượng Minh Châu đã là một nét son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Có đến mấy mươi tạp chí của Phật giáo chuyển tải nội dung Phật học phổ cập quần chúng, nhiều nhà in, nhà xuất bản của Phật giáo hoạt động liên tục tại Sài Gòn. Kinh điển Bắc truyền được dịch sang Việt văn rất nhiều, nổi tiếng là các Hòa thượng Trí Tịnh, Trí Quang, Thiện Siêu v.v... Đại tạng kinh hệ Nam truyền cũng được Hòa thượng Minh Châu phiên dịch sang Việt văn, xuất bản đều đặn tại Tu thư Vạn Hạnh. Phật giáo quy tụ khá nhiều phần tử trí thức cư sĩ, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc hoằng dương Phật pháp về mọi mặt văn hóa, học thuật, hội họa, âm nhạc, thi ca v.v...
Sau năm 1975, Phật giáo lắng xuống, hòa nhập vào một thể chế mới. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, tinh thần học Phật lại bắt đầu trỗi dậy. Thành phố Hồ Chí Minh nghiễm nhiên cũng trở thành trung tâm phát triển Phật học tại Việt Nam. Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 được thành lập, cũng do Hòa thượng Minh Châu đảm trách. Trường Cơ bản Phật học thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại hai chùa Vĩnh Nghiêm và Thiên Minh. Về sau, các lớp Sơ cấp Phật học cũng được thành lập khắp các quận huyện trong thành phố. Ban Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam cũng được hình thành với sự đóng góp của khắp các danh tăng trong nước. Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức các khóa bồi dưỡng Giảng sư, tổ chức giảng dạy Phật pháp ở nhiều chùa viện trong thành phố. Có thể nói, sự tu học của các Tăng Ni được Giáo hội tạo mọi điều kiện thuận lợi, từ cơ sở vật chất đến tinh thần. Một số Tăng Ni tốt nghiệp Cao cấp Phật học được đi du học nước ngoài, chắc chắn đội ngũ kế thừa sẽ đưa Phật giáo bước đi vững chãi vào thế kỷ XXI.
THỰC TRẠNG KINH SÁCH PHẬT GIÁO TẠI TP HỒ CHÍ MINH
Khoa học kỹ thuật phát triển, ngành in ấn cũng được nâng cao. Các bản dịch kinh điển của các dịch giả hầu hết đều được xuất bản và phát hành. Từ khi mới chấn hưng Phật giáo, chư tôn giáo phẩm đã chú trọng việc phiên dịch kinh điển sang quốc ngữ. Như trên chúng tôi đã trình bày, các kinh điển hệ Bắc truyền hầu hết được tham khảo trong Trung văn Đại tạng kinh, các kinh điển hệ Nam truyền được Hòa thượng Minh Châu dịch từ bản Pàli Text Society. Trước năm 1975, các học tăng tốt nghiệp Cao đẳng Phật học hầu hết đều thạo hai ngôn ngữ: cổ ngữ Hán và sinh ngữ Pháp. Sau 1975, các học tăng tốt nghiệp phần lớn thạo Anh ngữ, riêng trình độ quốc văn có thể nói là tuyệt đối. Các tác phẩm viết về mọi lãnh vực Phật giáo được xuất bản nhiều vô kể. Thế nhưng, các từ ngữ Phật học dùng trong các bản kinh được dịch của các dịch giả không được nhất quán. Nhiều từ ngữ Phật học khá căn bản lại không được các học tăng hiểu biết chính xác. Do vậy, việc am hiểu Phật học đối với đại đa số người học chỉ là một lớp nổi hào nhoáng bên trên sự mịt mờ về ngôn ngữ. Nguyên nhân thực trạng này là do đâu?
Theo chúng tôi, các bộ từ điển Phật học ở Việt Nam còn quá ít ỏi, hiếm hoi, đó là nguyên nhân chính tạo nên sự hiểu biết cạn cợt về từ ngữ Phật học. Chừng nào Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn muốn sự thống nhất về những từ ngữ được dùng trong các bản dịch, và để người học hiểu biết chính xác về Phật học, thì việc làm từ điển Phật học hiện nay phải được xem như việc làm cần thiết nhất.
Điểm qua những thư tịch thuộc phạm vi Mục lục học của các nước có Phật giáo phát triển, chúng ta mới thấy sách vở của Việt Nam ở phạm vi này nghèo nàn và hạn chế như thế nào.
Ở Trung Quốc, việc phân loại từ điển có thể chia ra làm 5 loại:
1. Sắp xếp, phân loại các danh tướng: Như Kinh Chúng Tập, Kinh Thập Thượng trong Trường A-hàm, Kinh Pháp Tập Danh Số, Đại Minh Tam Tạng Pháp Số, Giáo Thừa Pháp Số v.v...
2. Ký sự, sao lục sự tương quan giữa các Kinh luận: Như Kinh Luật Dị Tướng của ngài Bảo Xướng đời Lương, Pháp Uyển Châu Lâm của ngài Đạo Thế đời Đường.
3. Tổ chức và phụ giải từng hạng mục: Như Pháp Môn Danh Nghĩa Tập của ngài Lý Sự Chính đời Đường, Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện của ngài Nghĩa Tịnh đời Đường, Đại Tống Tăng Sử Lược của ngài Tán Ninh đời Tống.
4. Lấy ngôn ngữ làm trung tâm: Như Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa, Phiên Phạn Ngữ của ngài Bảo Xướng đời Lương, Phạn Ngữ Tạp Danh của ngài Lễ Ngôn đời Đường, Phiên Dịch Danh Nghĩa Đại Tập (Phạn: Mahàvyutpatti), Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập (có chú thích tiếng Phạn) của ngài Pháp Vân đời Tống, Chỉ Quốc Dị Thổ Tập của ngài Huệ Hoãng v.v...
5. Giải thích các danh từ khó hiểu, khó đọc trong Đại tạng kinh hoặc một bộ kinh nào đó: Như Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa của ngài Huyền Sướng đời Đường, Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa của ngài Huệ Lâm v.v...
Đầu thế kỷ XX, ngoài những kinh sách thuộc lãnh vực Mục lục học truyền thống của Trung Quốc, hình thức từ điển đã bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên phải kể đến Phật học tiểu từ điển của Đinh Phúc Bảo, lấy bộ từ điển của Chức Điền Đắc Năng người Nhật Bản làm gốc, xuất bản năm 1919. Tiếp theo là Phật học đại từ điển (1921) cũng của Đinh Phúc Bảo, rồi Thực dụng Phật học từ điển của Cao Quán Lư và Hà Tử Bồi chủ biên (1934), Phật học từ điển của Tả Tú Linh biên soạn (1984). Về loại từ điển mang tính chất nghiên cứu riêng biệt một lãnh vực nào đó thì nhiều vô kể, như Pháp tướng từ điển (1937), Trung Quốc Phật giáo Nhân danh đại từ điển (1974), Đại Tạng Hội Duyệt (1978), Trung Quốc Thiền học (1984) v.v...
Ở Nhật Bản, từ điển Phật học lại càng nhiều hơn nữa. Đầu tiên là Phật giáo đại từ điển của Chức Điền Đắc Năng (1917), Phật giáo đại từ vựng (1935), Phật giáo đại từ điển (1936), Phật giáo từ điển (1938), Phật giáo học từ điển (1955), Tân Phật giáo từ điển (1962), Phật giáo ngữ đại từ điển (1975), Tổng hợp Phật giáo đại từ điển (1987)... Từ điển về tôn giáo và các lãnh vực khác có Phật thư giải thuyết đại từ điển (1931), Ấn Độ Phật giáo cố hữu danh từ từ điển (1931), Hán dịch đối chiếu Phạn hòa đại từ điển (1940) v.v... Tính hết có đến mấy mươi loại từ điển về Phật học, ở đây không tiện liệt kê hết. Ngoài ra còn có một số từ điển bằng tiếng Anh, tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi trong giới học thuật như Handbook of Chinese Buddhism (1870) của E. J. Eitel, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms (1937) của W. A. Soothill, Erklarendes Wonterbuch zun Chinesischen Buddhismus (1951) của H. Hackmann và J. Nobel, Buddhistisches Worterbuch (1954) của Nyanatiloka, Encyclopaedis of Buddhism (1963) của G. P. Malalasekera biên soạn, hầu giúp cho việc tra cứu, đối chiếu về các ngôn ngữ Sankrit, Pàli, Tây Tạng v.v... được thuận lợi. Các trường đại học tông giáo cũng có soạn từ điển thuộc phạm vi tông phái mình, như Mật giáo đại từ điển (1932-1933), Tịnh độ tông từ điển (1943), Thiền học đại từ điển (1973) v.v... Thời gian gần đây, để thích ứng với nhu cầu của thời đại, Nhật Bản đã sáng tạo ra một loại "Sổ tay Phật học", giúp cho Phật giáo được xã hội hóa và học thuật hóa, như Phật giáo Thánh điển (1977), Phật cụ từ điển (1978), Phật giáo thường thức tiểu bách khoa (1978). Loại sổ tay này có công năng như một bộ từ điển, giới thiệu các Phật sự thường thức cơ bản như nghi thức tống táng, những hành sự trong năm v.v... Có thể nói từ điển Phật học ở Nhật Bản rất đa dạng và phổ cập cùng khắp.
Trở lại Việt Nam, giữa bao nhiêu mặt nổi, các từ điển Phật học chỉ đếm được trên vài đầu ngón tay. Người học Phật muốn hiểu rõ ràng một từ ngữ nào, đến hỏi các vị tăng, mỗi người trả lời mỗi khác. Các từ điển thông dụng từ trước đến nay, phần nhiều chỉ dành cho giới chuyên môn. Trước năm 1945, các dịch giả thường sử dụng Đại Minh Tam Tạng Pháp Số Mục Lục, vốn chỉ lưu hành ở Việt Nam có vài bản. Có lúc từ Sài Gòn, các vị phải lặn lội ra đến chùa Thập Tháp ở Bình Định mới tra được một từ ngữ Phật học quý báu.
Khi Phật giáo được chấn hưng, tác phẩm được các Hòa thượng sử dụng nhiều nhất là Phật học đại từ điển bằng chữ Hán của Đinh Phúc Bảo. Đây là bộ đại từ điển Phật học đầu tiên của Trung Quốc, được khai sáng vào năm 1912, đến năm 1921 mới khắc in xong, lấy số nét nhiều ít làm thứ tự, khoảng 300 vạn lời, hơn 30.000 hạng mục, mô phỏng theo thể lệ kiểm tự của Khang Hy tự điển. Tác phẩm thứ hai được thông dụng là Thực dụng Phật học từ điển, do Thượng Hải Phật học Thư cục xuất bản năm 1934. Hai bộ từ điển trên có rất ít ở Việt Nam, từ ngữ chưa nhiều, giải thích còn đơn giản, lại là chữ Hán nên số người sử dụng được cũng rất hạn chế.
Năm 1956, nhà in Hưng Long tái bản một cuốn Tự điển Hán-Việt của cư sĩ Thiều Chửu (xuất bản lần đầu năm 1934). Đây là tác phẩm dành cho người học chữ Hán, nhưng nhờ Thiều Chửu có hiểu biết Phật học, nên cách giải thích các từ vựng gần gũi với các từ ngữ được dùng trong kinh điển, có thể được xem là quyển sách gối đầu giường cho Tăng Ni trẻ mới bắt đầu học chữ Hán. So với các bộ từ điển hiện đại đương thời như Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán-Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, Hán-Việt từ điển của Nguyễn Quốc Hùng v.v... thì tác phẩm của Thiều Chửu được giới học Phật sử dụng nhiều nhất, dù nó chỉ là một cuốn tự điển mà thôi.
Năm 1966, Phật học Tòng thơ xuất bản bộ từ điển Phật học đầu tiên bằng quốc văn của học giả Đoàn Trung Còn. Đây là một tác phẩm được tác giả biên soạn khá công phu. Đầu tiên, tác giả trình bày một bản đối chiếu Pháp-Phạn-Hán-Nhật-Tây Tạng, sau đó là phần Việt-Hán. Dưới mỗi hạng mục, soạn giả ghi rõ xuất xứ, ngữ nghĩa của từ ngữ. Ngoài từ ngữ Phật học còn có phụ lục một số từ ngữ Triết học và ngoại thư. Đây là bộ từ điển Phật học rất thông dụng trong hoàn cảnh hiếm hoi từ điển ở Việt Nam, nhưng cách trình bày vốn không được khoa học lắm, ngôn ngữ diễn đạt chưa được hoàn hảo. Hơn nữa, sự khảo cứu Phật học ngày một mở rộng, một tác phẩm như thế không thể đáp ứng nhu cầu học Phật trong thời đại thông tin cực kỳ tiến bộ như hiện nay.
Năm 1984, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một bộ Phật học từ điển do hai vị Minh Châu và Minh Chi biên soạn, nhưng so với tác phẩm của Đoàn Trung Còn thì quá thô sơ, lại thiếu chính xác nên không được thông dụng. Bộ Bách khoa Phật học từ điển của học giả Lê Mạnh Thát xuất hiện ở Sài Gòn, được hai vần A, B thì gián đoạn.
Năm 1994, Viện Khoa học Xã hội xuất bản Từ điển Phật học Hán-Việt. Đây được xem như bản dịch Thực dụng Phật học từ điển của Trung Quốc. Sách này được biên soạn thành hai tập, thời gian xuất bản hai tập lại cách nhau quá xa, có người có được tập 1 thì không có tập 2, người có tập 2 lại không có tập 1. Cách sắp xếp hạng mục theo thứ tự A B C, nhưng kỳ thật trong đó có nhiều chỗ sắp xếp không hợp lý, khó tra tìm. Khi chuyển dịch từ Hán sang Việt, có nhiều câu dịch sai với nguyên bản rất xa. Dù sao thì đây cũng là một thiện chí đáng được hoan nghênh của Viện Khoa học Xã hội.
Rừng ngôn ngữ Phật giáo vô cùng phong phú, nghĩa lý lại sâu xa khó hiểu. Việc biên soạn một bộ từ điển Phật học ngang với tầm vóc thời đại là hết sức cần thiết. Năm 1991, Ban Biên dịch Phật Quang đại từ điển được thành lập, lấy tu viện Huệ Quang, quận Tân Bình, làm cơ sở. Phật Quang đại từ điển là một bộ sách lớn do Phật Quang Sơn ở Cao Hùng, Đài Loan, biên soạn, Đại sư Tinh Vân làm chủ biên. Tác phẩm tổng hợp toàn bộ những từ ngữ liên quan đến Phật giáo, cho đến các danh tăng, học giả, tự viện ở khắp các nước, có thể xem như một bộ bách khoa từ điển Phật học. Sau khi xin phép Phật Quang Sơn, Ban Biên tập soạn dịch và sắp xếp lại theo thứ tự A, B, C. Song, nội dung trong từ điển và cả cách trình bày một hạng mục nhiều chỗ không phù hợp với cấu trúc tiếng Việt. Ngoài ra còn có nhiều hạng mục thuộc lãnh vực tông giáo như công án Thiền tông, Dụng ngữ Nhân minh... ở đây lại giải thích theo kiến giải thông thường, dài dòng, đôi lúc vượt quá phạm vi của một bộ từ điển. Vì vậy Ban Phiên dịch Phật Quang đại từ điển quyết định chỉ lấy Phật Quang đại từ điển làm lam bản, biên soạn lại thành Từ điển Phật học Huệ Quang, đặc biệt có phụ lục thêm nhiều danh tăng, danh tự và các tác phẩm Phật học của Việt Nam từ năm 1945 trở về trước, với nguyện vọng đáp ứng được phần nào nhu cầu học Phật của Việt Nam hiện nay. Công trình dự định sẽ hoàn thành vào cuối năm 1999, mừng Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh bước vào thế kỷ 21, đánh dấu 300 năm hình thành và phát triển thành phố Sài Gòn.
KẾT LUẬN
Hòn ngọc Viễn Đông tương lai sẽ là một thành phố của con rồng châu Á, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ cất cánh bay cao trên nền trời cẩm thạch của giáo pháp Như Lai.
Ba trăm năm chưa phải là thời gian quá dài so với tuổi của một thành phố, nhưng cũng không phải là quá ngắn để phát triển một nét đẹp văn hóa, nhất là văn hóa Phật giáo vốn đầy tinh thần Từ bi, lấy Chơn-Thiện-Mỹ làm mục đích giải thoát cứu cánh. Ba trăm năm ấy, biết bao thăng trầm bĩ cực, Phật giáo vẫn là một đoàn thể hiện diện ở hàng ngũ đầu tiên trong mọi lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, học thuật... xuyên suốt tự tình dân tộc. Nếu muốn hình ảnh Phật giáo không bị nhòa đi giữa thời đại thông tin vốn đánh mất dần tính cách truyền thống, Phật giáo cần phải phát huy nhiều hơn nữa cơ cấu tổ chức, đào sâu học thuật và chư Tăng phải thực tu thực học. Ban Hoằng pháp cần tổ chức lại việc in ấn kinh sách, tạo điều kiện cho việc biên soạn và dịch thuật các tác phẩm giá trị, hầu đẩy lùi dần những tệ đoan, hủ hóa, đem lại những nét tươi sáng đích thực cho Phật giáo. Có như thế, chúng ta mới hy vọng đưa Phật giáo Việt Nam từng bước sánh kịp Phật giáo các nước tiến bộ, đem lại hòa bình, độc lập, ấm no cho toàn thể nhân loại.
Gửi ý kiến của bạn