Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hiện tượng chết và tái sinh

17/03/201416:47(Xem: 8084)
Hiện tượng chết và tái sinh
vong luan hoi 2


Chúng ta chết là chết như thế nào? Và sau khi chết, chúng ta đi về đâu? Đấy là những câu hỏi, những thắc mắc, những hoài nghi đeo bám tâm thức nhân loại từ xưa đến nay và dường như chúng vẫn đang còn treo lơ lửng ở đấy với những vấn nạn siêu hình nhức nhối và đầy bí ẩn.

Đức Phật là bậc thầy của chư thiên và loài người (Thiên Nhân Sư), là bậc thông suốt thế gian, thông suốt tam giới (Thế Gian Giải), là bậc đã thấy biết toàn diện và chơn chánh (Chánh Biến Tri)... đã giảng giải cho những người học Phật và tu Phật như thế nào về “hiện tượng chết và tái sanh”? Bây giờ muốn đi vào nội dung ấy, chúng ta sẽ phải lần lượt nghiên cứu qua những tương quan liên hệ sau đây:

- Những nguyên nhân của sự chết.
- Những hiện tượng của “nghiệp” phát sanh trước khi chết.
- Lộ trình tâm (1) của người sắp chết.
- Kiết sanh thức (2) và các đối tượng của Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
- Dòng tâm thức tái sanh.

I- Những Nguyên Nhân Của Sự Chết.
Chết là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Chết không phải là đoạn diệt hẳn, chết tại chỗ này nhưng lại sanh chỗ khác. Như mặt trời lặn ở phương Tây, mọc ở phương Đông. Như nước bị sức nóng bốc hơi, nước ấy không mất mà lại biến thành hơi nước, hơi nước tụ lại thành mây...

Ngày nay với định luật bảo toàn năng lượng của thế giới vật lý đã cho ta thấy rõ ràng sự thực đó hơn. Không có gì tự nhiên được sinh ra và cũng không có gì tự nhiên bị mất đi. Một hạt bụi bay, một làn khói tan, một hạt sương rơi... tưởng như là mất hẳn; không phải vậy, nó chỉ chuyển từ dạng này, hệ này sang dạng khác, hệ khác. Vạn hữu là vậy thì con người cũng thế, sau khi chết, tùy theo trạng thái tâm thức mà nó chuyển sang dạng khác, hệ khác... rất chi là khoa học vậy. Theo Phật học thì, chết, có nghĩa là chấm dứt mạng căn (3) (jīvitindriya), không còn sức nóng (tejodhātu) và tâm thức (viññāṇa) lìa bỏ thân xác của chúng sanh. Đức Phật dạy, chết có 4 nguyên nhân sau đây:

- Sự chấm dứt của tuổi thọ.
- Sự chấm dứt của nghiệp.
- Tuổi thọ và nghiệp cùng chấm dứt.
- Do sự xen vào của “đoạn nghiệp” (4) .

1- Sự chấm dứt của tuổi thọ.
Cái mà chúng ta thường hiểu là “chết tự nhiên”, nghĩa là chết khi đến tuổi già yếu, tuổi thọ đã hết. Tuổi thọ tùy thuộc cảnh giới, tùy thuộc mỗi chúng sanh, không hạn định được số lượng nào. Người chết do hết tuổi thọ – như ngọn đèn tắt vì dầu đã cạn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xảy ra, tuổi thọ hết nhưng nghiệp tái tạo (sanh nghiệp) của người ấy chưa chấm dứt - ví như dầu cạn nhưng tim chưa lụn - có nghĩa là nếu năng lực của nghiệp còn tiềm tàng thì người ấy có thể tiếp tục sống “lay lắt” trong cảnh giới ấy.

2- Sự chấm dứt của nghiệp.
Đây là sự chấm dứt của sanh nghiệp hay nghiệp tái tạo trong kiếp ấy. Dù thiện dù ác, năng lực trả quả của nghiệp ấy đến lúc đó không còn diễn tiến được nữa, phải nhường chỗ cho “sanh nghiệp mới” hay “nghiệp tái tạo mới”. “Nghiệp mới” ấy chính là tác hành tâm (javana) (5), tư tác (cetanā) của người ấy tạo ra lúc lâm chung, có sức mạnh chi phối sự tái sanh. Vào sát-na ấy, lúc sanh nghiệp cũ chấm dứt, sự chết hiện ra, một năng lực đặc biệt của sanh nghiệp mới, tạo tác nên đời sống mới, cảnh giới mới.

3- Tuổi thọ và nghiệp cùng diệt.
Đây là trường hợp một người chết lúc tuổi già (thọ), đồng thời “sanh nghiệp” người ấy cũng chấm dứt cùng một lúc. Nếu trường hợp thứ nhất là đèn tắt do hết dầu, trường hợp thứ hai do tim lụn thì trường hợp thứ ba là hết dầu và tim lụn cùng một lần.

4- Sự chen vào của đoạn nghiệp.
Đây là sự chen vào của một nghiệp rất nặng, có công năng tiêu diệt sanh nghiệp của loài hữu tình. Đây thường là những cái chết dữ do một sát nghiệp quá nặng từ quá khứ đến lúc trổ quả. Ví như chết do bom nổ, dao đâm, xe tông, lửa cháy, chết đuối... chúng gồm tất cả các loại chết được gọi là “bất đắc kỳ tử”. Ba loại chết đầu được gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa), loại thứ tư, sau cùng được gọi là chết phi thời (kālamaraṇa). Nếu một ngọn đèn bị tắt, ba loại đầu là hết dầu, tim lụn, tim và dầu cùng hết – thì loại thứ tư – đoạn nghiệp – được ví như gió thổi tắt trong khi dầu chưa cạn và tim vẫn còn!

II- Những Hiện Tượng Của Nghiệp Phát Sanh Trước Khi Chết.
Đối với những người sắp sửa chết, trong khi lâm chung, do sức mạnh của nghiệp, kiết sanh thức (thức nối liền) của người ấy chịu sự tác động của một trong 4 nghiệp sau đây:

- Cực trọng nghiệp (nghiệp có năng lực rất mạnh). (6)
- Tập quán nghiệp (thường nghiệp, nghiệp thường làm hằng ngày).
- Tích luỹ nghiệp (nghiệp do tích lũy, chứa nhóm từng lúc, từng khi, không thường xuyên).
- Cận tử nghiệp (nghiệp lúc gần chết).

Nếu là cực trọng nghiệp, dầu thiện dầu ác, tức khắc người lâm chung bị nghiệp này chi phối, không có nghiệp nào có khả năng chen vào được. Thứ tự ưu tiên tiếp theo là thường nghiệp, tập quán nghiệp, do thói quen bởi những hành động thường làm trong đời sống hằng ngày. Tích luỹ nghiệp, nghiệp làm từng lúc, từng khi nào đó, nếu được quy tụ tạo thành một khuynh hướng, một cá tính cũng có thể dẫn dắt kiết sanh thức ra đi. Còn nếu có một nghiệp được làm trước lúc chấm dứt hơi thở – cận tử nghiệp - thì nghiệp này quyết định cảnh giới tái sanh. Tuy nhiên, dẫu là nghiệp nào đi chăng nữa, người lâm chung sẽ bị chi phối bởi nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng như sau:

1- Nghiệp (kamma).
Tức là nghiệp nào có sức mạnh nhất hoặc có điều kiện nhất, không biết là thiện hay ác – một trong 4 nghiệp trên – sẽ quyết định dòng tâm thức của người ấy, xảy ra tại những sát-na tác hành tâm. Chính những sát-na tác hành tâm – mà tư tác (cetanā) là năng lực điều hành, quyết định sẽ nắm bắt đối tượng, hoặc thanh tịnh hoặc nhiễm ô, hoặc thiện hoặc ác, hoặc hỷ hoặc xả – tương ưng với cảnh giới tái sanh. Chính ở đây, sau đó, sẽ xảy ra hai biểu tướng tiếp theo là nghiệp tướng và thú tướng.

2- Nghiệp tướng (kammanimitta).
Nghiệp có thể đi qua 5 lộ trình của ngũ môn (7), sau đó được đúc kết hoặc quyết định ở lộ trình ý môn (8). Vậy, nghiệp bao giờ cũng xảy ra từ ý căn. Còn nghiệp tướng, tức là tướng của nghiệp, chính là những sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nào mà người ấy từng kinh nghiệm, tạo tác, huân tập ở trong đời, đã trở thành quán tính, nó tự động hiện khởi rất rõ ràng trong ý môn (cửa ý) của người lâm tử. Ví dụ:

- Chậu máu, con dao... đối với người đồ tể.
- Hình ảnh bệnh nhân, kim tiêm, các vị thuốc... đối với lương y.
- Bình hoa, quyển kinh, hộp xá-lợi... đối với một tín nữ thuần thành.
- Mùi trầm, mùi hương hoa... đối với người hay thiết lễ bàn thờ Phật.
- Một quyển sách đẹp, một tập thơ trang nhã... đối với nhà văn, nhà thơ.
- Một cảnh núi non sơn thủy hữu tình... đối với bậc ẩn sĩ.

Lúc những tướng nghiệp như trên hiện ra, ngay tức khắc sau đó là thú tướng.

3- Thú tướng (gatinimitta).
Đây là tướng của cảnh giới tái sanh (thú có nghĩa là cảnh giới). Tướng của cảnh giới tùy theo thiện hay ác, thanh tịnh hay nhiễm ô... chúng sẽ hiện ra trong ý môn của người lâm tử. Ví dụ:

- Thấy rừng lửa, biển máu, hầm dao, chông... Đây là biểu tượng, hiện tướng của địa ngục.
- Thấy hầm sâu hun hút, tanh, hôi... là biểu tượng, hiện tướng đi vào thai bào súc sanh.
- Thấy lối lên mây cao với cảnh sắc rực rỡ, huy hoàng... là biểu tượng, hiện tướng đường đi lên các cảnh trời...

Trong những sát-na này, tướng của nghiệp hiện ra như thế nào thì thức tái sanh sẽ nương gá tức khắc vào cảnh giới ấy. Vì giây phút lâm tử này quá quan trọng nên chúng ta có thể tạo cận tử nghiệp tốt hỗ trợ cho người lâm tử, bằng cách dùng sắc tướng (tượng Phật, quyển kinh), âm thanh (tụng kinh, chuông, mõ), mùi hương (trầm)... để tạo ngũ môn và ý môn lộ trình tâm tốt, đẹp, thanh lương, trong sáng cho người ấy ( do nhờ người ấy nghĩ tưởng, liên tưởng đến). Nói tóm lại, kamma (nghiệp) luôn khởi ở ý căn; kammanimitta (nghiệp tướng) có thể hiện khởi tại 1 trong 6 căn, tuỳ trường hợp. Gatinimitta (thú tướng), luôn là những sắc tướng, những hình ảnh, hiện khởi trong tâm như giấc chiêm bao.

III- Lộ Trình Tâm Của Người Sắp Chết.
Lúc nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng hiện ra, lộ trình tâm của người lâm tử sẽ nắm bắt chúng làm đối tượng, rồi các sát-na tâm sẽ diễn tiến cho đến khi kiết sanh thức nương gá vào đời sống mới. Do lộ trình ấy khá phức tạp nên chúng ta chỉ cần ghi nhận những điểm khái quát quan trọng diễn ra như sau:

- Khi tử tâm diệt, sự chết mới thật sự bắt đầu. Và sắc thân của người chết, từ đây, không có một sắc pháp (vi thể tế bào) nào được tạo ra do tâm hay do vật thực nữa, chỉ còn sắc do hỏa đại (nóng, lạnh, thời tiết) được tạo ra, tiếp diễn cho đến khi thi thể trở thành tro bụi.

- Sau khi tử tâm diệt, một kiết sanh thức do tác hành tâm (javana) quyết định có nhiệm vụ nối liền đời sống kế. Và đời sống kế lại được tiếp diễn bởi những sát-na bhavaṅga (hữu phần, dòng sống) hoặc lặp đi lặp lại nhiều dòng bhavaṅga khác nữa.. Cho đến lúc nào ý môn hướng tâm, 5 sát-na tác hành tâm phát sanh tâm ưa thích đối với đời sống mới, lúc đó “nghiệp sanh sắc” đầu tiên mới tạo nên danh-sắc trong thai bào. Sau đó, dòng bhavaṅga tiếp tục khởi và diệt, chúng cứ trôi chảy mãi như dòng nước không ngưng nghỉ. Và đây chính là dòng trầm luân sinh tử vô cùng, vô tận, vô định của tất cả chúng sanh vậy.

Kết Luận:
Nói tóm lại, nội dung bài viết chỉ giới hạn nơi cõi dục giới, cụ thể là từ cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, loài người và các cảnh trời – nhưng chúng ta cũng có thể hình dung toàn bộ các cảnh, các cõi trong Tam giới. Tâm sao thì cảnh vậy, nhân sao thì quả vậy, không hề sai trật. Sống để rồi chết, chết rồi lại sống; trong sự diễn tiến vô thủy, vô chung ấy, chỉ có những diễn tiến của những sát-na tâm, không có tác giả và thọ giả; nhưng rõ ràng là “chúng ta” đã tự tạo cảnh giới “cho mình” bởi “quyết định nghiệp” của chính mình!

Vậy, sau khi biết, hiểu và thấy “hiện tượng chết và tái sanh” như thế nào, không có người Phật tử nào dám làm việc xấu ác, trái lại, luôn làm những điều lành tốt để làm chỗ nương tựa cho đời mình trong các kiếp sống, nếu như đang còn lang thang, phiêu dạt trong luân hồi tử sinh, hoặc do ta đang còn ham chơi, đang còn thích thú với các “games” bên bờ này, có sắm đò, sắm chèo rồi mà chưa muốn sang sông!

Gate, gate, pāragare, pārasaṃgate! Bodhi-Svāhā!

Minh Đức Triều Tâm Ảnh


Chú thích:

(1) Thuật ngữ Abhidhamma - tạm hiểu là đường đi của tâm.

(2) Là thức nối liền từ kiếp này sang kiếp kia; nói cách khác, sau khi chết, cái thức cuối cùng này nó sẽ nối liền với kiếp sống kế.

(3) Tạm hiểu là mạng sống. Nó có hai: Sắc mạng căn nuôi dưỡng sắc thân vật lý; và danh mạng căn nuôi dưỡng các trạng thái tâm lý.

(4) Nghiệp đoạn lìa mạng sống như các cái chết bất đắc kỳ tử.

(5) Được dịch là tác hành tâm hay tốc hành tâm. Trong dòng trôi chảy của tâm, có 7 chặp tư tưởng rung động (nhưng chỉ sử dụng 5), sanh rồi diệt rất nhanh – nhưng nó đã khởi quyết định tâm (tư tác) nắm bắt chặp tư tưởng cuối cùng, từ đó, mang sức mạnh đẩy tâm thức đi đầu thai theo cảnh giới tương ứng.

(6) Có hai: 1, thiện cực trọng nghiệp như đắc thiền, đắc định. 2, ác cực trọng nghiệp như ngũ nghịch đại tội.

(7) Đường đi của tâm qua cửa mắt, cửa tai, cửa mũi, cửa lưỡi và cửa thân.

(8) Đường đi của tâm qua cửa ý, ý thức.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2024(Xem: 945)
Tỉnh Thức Đối Diện với Bệnh tật và Cái Chết_Tỳ Kheo Analayo_Bình Anson dịch
06/06/2023(Xem: 6214)
Bất cứ trong một tôn giáo, một triết học nào, phần nhân sinh quan vẫn là quan trọng. Chúng ta theo một tôn giáo mà không biết quan niệm nhân sinh trong tôn giáo ấy như thế nào, thực là một khuyết điểm lớn lao. Ở đây, chúng ta chỉ riêng bàn về phần nhân sinh quan Phật giáo để tìm hiểu Phật giáo quan niệm về đời sống con người như thế nào ?
21/05/2023(Xem: 1200)
Con người thường sợ cái chết nên làm mọi cách để níu kéo sự sống, níu kéo bằng tiền bạc, bằng thuốc men, thức ăn, bằng các hoạt động thể chất. Việc giữ gìn, duy trì sự sống là một điều cơ bản mà bất cứ ai sống trên đời này cũng phải làm để mong mình sống lâu, sống thọ chứ không ai mong mình chết sớm, hay nói đúng hơn là ai cũng sợ cái chết bởi không có một loài động vật có máu huyết nào lại không sợ chết, nhưng sợ chết, không muốn chết thì con người vẫn không thể thoát được cái chết, cho nên thay vì sợ hãi thì chúng ta hãy tập đối diện với quy luật sinh tử như thế nào để vừa giữ được tinh thần lạc quan, vừa duy trì được sự sống của mình một cách trọn vẹn nhất.
22/03/2022(Xem: 2952)
Tôi không ngạc nhiên lắm khi biết dù tác phẩm Chết và Tái sinh ( Death & Rebirth ) đó TT Thích Nguyên Tạng soạn dịch ấn bản lần đầu tiên vào năm 2001 và được tái bản đến 9 lần rồi mà vẫn không đủ cung cấp, cho nên sắp tới Tu Viện Quảng Đức cho tái bản lần thứ 10 để cống hiến bạn đọc gần xa. May mắn thay trong thư viện tí hon của tôi có tác phẩm này được tái bản lần thứ bảy vào mùa Vu Lan báo Hiếu 2007 mà lời ngỏ của tác giả đã đánh động đến con tim của người đọc …qua câu chuyện Luật Sư Brendan Keilar sinh sống tại Melbourne / Australia đã bị bắn chết thật kinh hoàng khi tuổi mới 43 để trả giá cho hành động rất ngưỡng phục ( vì đã can thiệp cứu người).
02/12/2021(Xem: 15721)
Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa quý đồng hương Phật tử thân mến, Kể từ ngày 12/04/2020, nước Úc của chúng ta cũng như các nước khác trên toàn thế giới đã bắt đầu bị đại dịch Covid hoành hành và lây lan một cách nhanh chóng. Hai năm qua toàn thế giới đã phải chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thương trường. Ngay cả đời sống tinh thần của mọi người dân cũng bị ảnh hưởng không ít, nhất là đối với những gia đình đã phải nhìn thấy người thân ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo, không người đưa tiễn. Biết bao hoàn cảnh đau thương... Tính đến hôm nay nước Úc của chúng ta đã được ổn định phần nào, trên 80% người dân đã được tiêm ngừa theo quy định của chính phủ, cũng như việc không còn phải lockdown, người dân được đi lại tự do giữa các tiểu bang cũng như được hội họp, sinh hoạt hội đoàn và tôn giáo. Trong đại dịch, 2 năm qua nước Úc số người bị nhiễm Covid lên đến 113,411 người và số người không may mắn đã ra đi vĩnh viễn là 1,346 người.
01/08/2021(Xem: 9554)
Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.
26/06/2021(Xem: 11849)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
01/11/2020(Xem: 16207)
1/Đệ nhất đại nguyện: quốc vô ác đạo. Đại nguyện thứ nhất: Cõi Cực-lạc không có các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy) 2/Đệ nhị đại nguyện: bất đọa ác đạo. Đại nguyện thứ hai: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không đọa vào các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 3/ Đệ tam đại nguyện: thân chơn kim sắc. Đại nguyện thứ ba: Thân của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có sắc vàng. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 4/ Đệ tứ đại nguyện: hình sắc tương đồng. Đại nguyện thứ tư: Hình sắc của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều bình đẳng, không đẹp xấu khác nhau. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 5/Đệ ngũ đại nguyện: túc mạng trí thông. Đại nguyện thứ năm: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có túc mạng thông, biết rõ các kiếp quá khứ. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy)
09/09/2020(Xem: 6657)
Hỏi: Thưa Thầy, luân hồi thật sự được hiểu thế nào trong Phật Giáo, hay vấn đề này bị nhầm lẫn với thuyết tái sinh trong Bà La Môn Giáo và một số tín ngưỡng Tây Phương, vì từ Hán Việt “tái sinh” tiếng Pháp viết là "réincarnation” là sự lặp lại về đơn vị gốc, ví dụ: Người giàu nghèo sang hèn v.v… cứ thế trở lại nguyên gốc. Còn tiếng Phạn saṃsāra là luân hồi là lang thang, trôi nổi. Nếu dùng bật lửa đốt cháy cây nến, điều kiện tạo lửa từ bật lửa sẽ gồm đá đánh lửa, hộp nhựa đựng khí gas, ống thông nhau, ống dẫn ga, bánh xe tạo lực ma sát vào đá lửa, vô số phân tử hóa học trong khí gas, môi trường xung quanh v.v… Trong khi các duyên bắt lửa của ngọn nến chỉ có 2 yếu tố cơ bản gồm thân đèn làm bằng sáp và tim làm bằng vải… Vậy ngọn lửa từ bật lửa có quan hệ gì với ngọn lửa của cây nến? Như thế luân hồi không phải là sự tái sinh nguyên bản mà là tâm lang thang trôi lăn chìm nổi vì tham sân si, không biết tàm quý để rồi chúng sanh cứ mãi bị cái vòng xoay đó làm cho đau khổ?
08/06/2020(Xem: 6656)
Thần đồng 9 tuổi tốt nghiệp đại học, chuẩn bị học tiến sĩ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567